Những lý do khiến các nhà quản lý thất vọng đối với các nhân viên Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) là họ thiếu kỹ năng công nghệ (39%), thiếu động lực và nỗ lực làm việc (37%). Các yếu tố còn lại bao gồm kỹ năng giao tiếp nghèo nàn (36%), dễ nổi nóng (35%).
Akpan Ukeme, Giám đốc nhân sự hãng chuyển phát toàn cầu SGK Global, chia sẻ sự mệt mỏi khi phải tương tác với nhân viên Gen Z vì họ “thiếu kỷ luật, thích chống đối”. Họ cũng cho rằng mình tài giỏi hơn, thông minh hơn, có năng lực hơn sếp và không ngại “nói thẳng vào mặt bạn”.
Không chỉ có vậy, 65% người tham gia khảo sát thừa nhận đuổi việc nhân viên Gen Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 12% sa thải trong chưa đầy một tuần nhận việc, 27% trong một tháng.
Cố vấn sự nghiệp của công ty tuyển dụng nhân sự toàn cầu ResumeBuilder, Stacie Haller, cho rằng Gen Z cần phải hiểu được mình cần kỹ năng nào để thành công. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ đặt lên vai của thế hệ này.
Theo Haller, trường học cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho sinh viên, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần học cách làm việc cùng Gen Z. “Định kiến với nhóm lao động trẻ là không thể chấp nhận được”, Haller nói.
Sự mất kết nối giữa Gen Z và môi trường làm việc xuất phát một phần từ dịch Covid-19. Theo nghiên cứu năm 2021 của tổ chức APNORC, 46% Gen Z chia sẻ dịch bệnh làm việc theo đuổi các mục tiêu học tập, sự nghiệp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, mọi thứ chuyển sang môi trường mạng nên họ không có cơ hội trải nghiệm trực tiếp tại văn phòng.
Thực tế, đã có những nghiên cứu về nỗi khổ của Gen Z khi đi làm. Tiến sĩ Katherine Chia đến từ công ty tuyển dụng tài năng Cangrade đặt câu hỏi “Bạn có hạnh phúc tại nơi làm việc không” cho hơn 600 người lao động thuộc mọi lứa tuổi.
Cô cũng yêu cầu mọi người đánh giá trải nghiệm làm việc hiện tại và trả lời các câu khác như “nơi làm việc quan tâm đến tôi”, hay “tôi tự hào về công việc đang làm”.
Chia và cộng sự phân tích hành vi của các thế hệ khác nhau và đưa vào nghiên cứu “Happiness at Work in 2023“.
Theo đó, Gen Z dường như ít hài lòng nhất và là thế hệ không hạnh phúc nhất trong công việc. Ngoài ra, nhân viên thuộc độ tuổi này ưu tiên học hỏi và cơ hội phát triển. Họ sẵn sàng từ bỏ công việc nếu không hạnh phúc với nơi làm việc.
Nghiên cứu Mental Health Million Project cũng chỉ ra sức khỏe tinh thần của Gen Z thấp đến mức đáng báo động.
Adam Garfield, Giám đốc Marketing tại hãng chuyên các sản phẩm về tóc Hairbro, đánh giá Gen Z “vô cùng sáng tạo và dễ thích ứng”, “không ngại thách thức cái cũ và đưa ra ý tưởng mới”.
Tuy nhiên, những lao động trẻ này phải vật lộn với các kỹ năng giao tiếp cơ bản. Ông khuyên Gen Z phát triển kỹ năng này để tạo ra quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp, khách hàng.
Đây cũng là lời khuyên của Jennifer Stapleton, quản lý tại hãng phần mềm tiếp thị và mạng xã hội SocialRise. Nếu muốn cải thiện sự hiện diện tại văn phòng, Gen Z nên tập trung vào xây dựng kỹ năng giao tiếp, cởi mở với các ý kiến phản hồi.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips