Skip to main content

Nhận biết “văn hóa độc hại” của doanh nghiệp ngay từ vòng phỏng vấn

8 Tháng Mười Một, 2020

Đừng vội nhận lời mời làm việc ngay mà hãy cân nhắc và quan sát 4 dấu hiệu sau đây trong buổi phỏng vấn để nhận biết “văn hóa độc hại”.

Làm sao để biết được văn hóa công ty mới có phù hợp với bản thân hay không? Thông thường, chúng ta sẽ dựa trên mức lương, phúc lợi trong buổi phỏng vấn để cân nhắc nhận việc và dùng khoảng thời gian 2 tháng thử việc để đánh giá lại lần nữa. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ “mất trắng” thời gian 2 tháng nếu công ty không phù hợp? Vì thế, bạn hãy chú ý và cảnh giác hơn nếu công ty có 4 dấu hiệu sau đây trong buổi phỏng vấn nhé.

1. Không có phòng ban, phân chia công việc cụ thể

Sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp càng được xây dựng rõ ràng thì công việc của từng vị trí sẽ được phân định cụ thể. Và bạn sẽ có thể tập trung phát triển đúng chuyên môn khi làm việc tại vị trí đó. Hơn nữa, sơ đồ tổ chức rõ ràng còn vạch ra lộ trình thăng tiến cho bạn để có thể phấn đấu về lâu về dài

Do đó, ngay từ vòng phỏng vấn, bạn cần đặt ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về sơ đồ tổ chức của công ty/ phòng ban bạn ứng tuyển và qui trình làm việc của vị trí bạn ứng tuyển. Mức độ chia sẻ càng cụ thể càng đáng tin tưởng và thể hiện sự công bằng, minh bạch trong công việc tại nơi đó.

Ví dụ, bạn ứng tuyển vào vị trí Chuyên viên Truyền thông của doanh nghiệp. Những điều bạn cần biết trước khi quyết định nhận công việc này hay không đó là: Cơ cấu tổ chức của phòng ban này như thế nào? và Chức năng cũng như nhiệm vụ chính của vị trí đó ra sao.

2. Cấp trên có vẻ thích càm ràm về nhân viên cũ + mới

Ngoài môi trường làm việc thì người sếp (cấp trên trực tiếp) là nhân tố quyết định quan trọng đối với công việc mới của bạn. Họ chính là người chi phối năng lực, kỹ năng, mục tiêu nghề nghiệp và khả năng phát triển của bạn tại công việc đó. Người sếp có tâm và có tài sẽ giúp bạn học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu hơn cả mức lương nhận được.

Thông thường, khi phỏng vấn, bạn sẽ gặp nhân sự tuyển dụng cùng cấp trên trực tiếp của mình. Lúc này, người sếp sẽ có những chia sẻ với bạn về công việc sắp tới cũng như tình hình của bộ phận hiện tại.

Và bạn có thể đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu xem người sếp đó có hay càm ràm về nhân viên hay không. Ví dụ như: “Anh đánh giá năng lực của bộ phận mình hiện tại như thế nào?”, “Điều gì anh muốn thay đổi ở nhân viên của mình hiện tại”…

Nếu thay vì bảo vệ nhân viên, người sếp đó chỉ dùng những lời lẽ chê trách với nhân viên của mình thì bạn cần xem xét lại có nên lựa chọn công việc đó hay không. Bởi điều này chứng tỏ bạn đang đối diện với người sếp chưa thật sự tâm lý và tận tâm trong việc bảo vệ và huấn luyện nhân viên.

3. Công ty rất chuyên nghiệp nhưng lại không tách bạch giữa cống hiến và tăng ca

Sau khi tìm hiểu kỹ các vấn đề công việc chuyên môn, bạn cần đặt ra những câu hỏi để khai thác đầy đủ các thông tin về chế độ cũng như qui định làm việc tại doanh nghiệp đó. Đặc biệt là vấn đề tăng ca. Bởi nhiều công việc đặc thù thường xuyên phải tăng ca đến tận 8-9h tối nhưng doanh nghiệp lại không có chế độ lương làm ngoài giờ.

Nếu doanh nghiệp có chế độ này thì tất nhiên bạn hoàn toàn có thể yên tâm để lựa chọn gắn bó. Nhưng nếu doanh nghiệp không có chế độ lương làm ngoài giờ thì bạn cần xem xét lại liệu bạn có thể chấp nhận công việc đó hay không.

Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đều không áp dụng chế độ này, đặc biệt là đối với dân văn phòng. Doanh nghiệp cho rằng tăng ca là thể hiện cho sự cống hiến và hoàn thành tốt công việc.

Tuy nhiên, thời gian làm việc tỷ lệ thuận với công sức bạn bỏ ra và mức lương cũng như chế độ lương thưởng tỷ lệ thuận với sự gắn bó dài lâu của bạn. Quyết định phù hợp hay không có thể dựa trên nhiều yếu tố khác mà bạn đánh giá cao hơn.

4. Chế độ tăng lương 1 năm 2 lần nhưng lại không rõ ràng câu chuyện tiền bạc

Bên cạnh lương ngoài giờ thì chế độ tăng lương hàng năm cũng là yếu tố bạn cần quan tâm vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập cuộc sống của bạn. Thông thường, các doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng, nhà tuyển dụng đều đặt ra chế độ tăng lương định kỳ hàng năm 1-2 lần. Tuy nhiên, việc tăng bao nhiêu thì hầu như nhà tuyển dụng đều không đề cập.

Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào năng lực của bạn để quyết định mức tăng. Nhưng bạn cần đặt ra câu hỏi với nhà tuyển dụng về mức tối thiểu bạn được tăng. Vì đó chính là động lực để mỗi nhân sự đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài.

Môi trường và công việc ngày mai có phù hợp để gắn bó lâu dài hay không sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá và quyết định của bạn hôm nay. Do đó, bạn cần tìm hiểu thật kỹ để có những quyết định đúng đắn nhất. Hy vọng 4 dấu hiệu trên đã giúp bạn có những chuẩn bị khi phỏng vấn ứng tuyển cho công việc mới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo HR Insider

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Các ứng dụng hẹn hò như Tinder và Bumble có lượng người dùng giảm 2 năm liên tiếp

27 Tháng Mười Hai, 2024
Tập đoàn Match Group, chủ sở hữu của hơn 40 ứng dụng hẹn hò và là công ty dẫn đầu thị trường tron…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …