Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những người thông minh có dấu hiệu thích dành thời gian một mình. Số khác lại nói rằng người thông minh sẽ tinh ý với những dấu hiệu nhỏ và đưa ra được nhiều kết luận khác nhau. Jeff Bezos từng chia sẻ người thông minh là người sẵn sàng thay đổi suy nghĩ.
Steve Jobs lại có cách nhìn khác về sự thông minh. Theo đó, ông cho rằng việc đánh giá một người thông minh phần lớn liên quan đến bộ nhớ. Nhưng quan trọng hơn hết là khả năng nhìn xa trông rộng.
“Cũng giống như việc bạn đang nhìn toàn bộ thành phố từ tầng 80. Trong khi người khác cố gắng đi từ điểm A đến B, vừa đi vừa đọc bản đồ, bạn có thể thấy mọi thứ trước mắt. Bạn kết nối được công việc vì bạn nhìn thấy tất cả”, Steve Jobs chia sẻ trong bài nói chuyện vào năm 1982.
Đối với Jobs, dấu hiệu của sự thông minh dựa trên khả năng kết nối các mấu chốt và tìm ra hướng giải quyết cho một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta lại thường nhận thức sự việc rất muộn màng.
Các thể loại trí thông minh.
Nếu phân chia một cách khoa học, ta sẽ có 8 loại trí thông minh khác nhau. Nhưng có 2 yếu tố mà chúng ta cần quan tâm.
Điều đầu tiên là khả năng ghi nhớ kiến thức. Một người có thể tiếp nhận và lưu trữ thông tin tốt thường được đánh giá là tài giỏi. Tuy nhiên, một số người “học thức cao” chưa chắc đã thông minh lanh lợi.
Tích lũy tri thức cần đi đôi với việc áp dụng xử lý tình huống hiệu quả. Và đây cũng là yếu tố thứ 2, khả năng tương tác thực tiễn.
Trong cuộc sống thường ngày, rất hiếm khi xuất hiện một người có cả 2 yếu tố trên. Lý giải điều này, các nhà khoa học nhận định là do quá trình phát triển của chúng rất khác nhau.
Đối với khả năng ghi nhớ kiến thức. Đây là một loại trí thông minh cứng, phát triển qua quá trình giáo dục và học tập. Bạn học càng sâu, bạn biết càng nhiều.
Mặt khác, khả năng tương tác thực tiễn, loại trí thông minh mềm, lại khó phát triển hơn. Cụ thể, nó phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên và sự trải nghiệm.
Nếu muốn cải thiện khả năng này, bạn phải học sâu nhiều lĩnh vực và duy trì chúng trong một thời gian dài. Điều này giúp kiến thức bạn học được chuyển thành kinh nghiệm.
Cả 2 quá trình này đều là những dạng phát triển thần kinh giúp vỏ não dày lên. Tuy nhiên, sau vài tuần đầu tiên, độ dày của vỏ não sẽ giảm về mức cơ bản. Kết quả, khi bạn đã quá quen với một việc nào đó, não bộ của bạn sẽ ngừng hoạt động chăm chỉ.
Do đó, để có được khả năng kết nối sự việc linh động như Steve Jobs đề cập, bạn cần phải giữ não bộ luôn hoạt động miệt mài. Tiếp tục học những điều mới, thử thách bản thân tại nơi làm việc, ở nhà và bất cứ đâu.
Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng trở nên thông minh hơn.
Trí thông minh bền vững.
Bằng cách duy trì việc làm trên, bạn sẽ liên tục tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Não bộ cũng nhờ đó sẽ dày hơn và phát triển được các neuron.
Trên thực tế, những người thông minh là người có đủ kinh nghiệm giải quyết một vấn đề tiến thoái lưỡng nan theo cách độc đáo.
Để tạo được sự đổi mới, bạn có thể thử kết hợp những kiến thức đã học vào những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan.
Điều này cũng tương tự như cách Steve Jobs áp dụng kiến thức thư pháp vào quá trình sáng tạo kiểu chữ ban đầu của Apple. Hay việc Kevin Plank sử dụng kinh nghiệm chơi bóng để phát triển sản phẩm may mặc thể thao Under Armour.
Steve Jobs, cùng các nhà khoa học tin rằng càng trải nghiệm nhiều, bạn càng có khả năng liên kết kiến thức cũ vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Điều này cũng giúp cải thiện trí nhớ và giúp bạn thông minh hơn vốn có.