Top 6 câu hỏi hay để xác định ứng viên phù hợp với vị trí quản lý
Khác với các vị trí thông thường, vị trí quản lý bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, các kỹ năng lãnh đạo sẽ quyết định ứng viên có phù hợp với vị trí hay không.
Thông thường, có 2 phương thức để nhà tuyển dụng tìm kiếm người đảm nhận vị trí quản lý: bổ nhiệm nhân sự trong tổ chức hoặc tìm kiếm từ nguồn lực bên ngoài.
Tuy nhiên, để xác định được đâu là người phù hợp thì nhà tuyển dụng nên đánh giá ứng viên bằng những câu hỏi về năng lực hoặc tư duy giải quyết các vấn đề quản trị.
Giữa các ứng cử viên có năng lực chuyên môn như nhau, thì việc đánh giá dựa trên bộ câu hỏi sẽ góp phần xác định chuẩn xác hơn ứng viên phù hợp nhất.
1. Làm thế nào để bạn quản lý xung đột (với nhóm của bạn, các bên liên quan và người quản lý trực tiếp)? Mô tả phương pháp quản lý xung đột của bạn?
Trong quá trình làm việc, xung đột là vấn đề không thể tránh khỏi, việc nhà quản lý biết cách kiểm soát xung đột và duy trì môi trường làm việc tích cực (bao gồm điều chỉnh các xung đột trở nên tích cực, mang lại sự phát triển cho tổ chức) cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá một nhà quản trị đáng giá.
2. Nếu nhân viên gặp vấn đề về hiệu suất làm việc, bạn sẽ làm thế nào để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên?
Quản trị năng suất làm việc của nhân viên là một khía cạnh quan trọng của nhà quản lý. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố tác động đến năng suất làm việc của từng cá nhân.
Nhà quản lý có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Việc nhà quản lý khéo léo trong việc đánh giá, trò chuyện hay nâng cao hiệu suất cũng là một chìa khóa quản trị thành công.
3. Bạn sẽ xử lý như thế nào về những thay đổi bất ngờ từ quản lý cấp trên? (Đối với tuyển dụng vị trí quản lý cấp trung).
Các biến động thường xuyên từ môi trường bên ngoài sẽ có tác động đến một số mục tiêu của tổ chức, do đó, các nhà quản trị cấp cao sẽ đưa ra các chiến lược để phù hợp với sự thay đổi đó.
Việc đưa ra phương pháp để thích nghi với những thay đổi sẽ cho thấy nhà quản lý trung gian có sự nhanh nhạy và linh động trong việc điều phối các công việc cho nhân viên hướng tới mục tiêu chung.
4. Làm thế nào để bạn cung cấp những phản hồi tích cực, mang tính xây dựng cho cấp dưới? Làm thế nào để bạn dễ dàng nhận được các thông tin phản hồi về bản thân?
Một nhà quản lý giỏi cần có kỹ năng giao tiếp giỏi, cung cấp những phản hồi mang tính xây dựng cho nhân viên và ngược lại, khuyến khích nhân viên đưa ra những phản hồi về nhà quản lý là phương thức giúp tối ưu hóa năng suất làm việc, đồng thời, xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển.
5. Tại sao bạn muốn trở thành một nhà quản lý?
Liệu ứng viên có thật sự đam mê và có động lực thúc đẩy trở thành một nhà quản lý? Hiểu rõ về động lực sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định đây có phải là ứng viên có kiến thức, đam mê và sự chuẩn bị cho vị trí này hay chỉ đơn giản ứng tuyển vì cảm tính và cảm thấy mình phù hợp.
6. Bạn sẽ giải quyết như thế nào với quản lý cấp cao về những sai lầm mà nhóm do bạn quản lý đã thực hiện?
Người quản lý có đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sự thành công và thất bại của nhóm hay không? Người quản lý có thể đã không phạm sai lầm, nhưng nhóm của họ đã làm và đây là một dấu hiệu cho thấy một số công việc đã được quản lý sai dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Việc xác định một nhà quản lý tiềm năng sẽ tiết kiệm rất nhiều nguồn lực cho doanh nghiệp. Trên đây là một số câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể tham khảo và áp dụng một cách linh động, tùy thuộc vào cấp độ quản lý mà doanh nghiệp tìm kiếm, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cathy Nhung | MarketingTrips
Theo TimViecNhanh