Từ chối offer văn minh: Cánh cửa sự nghiệp luôn mở cửa với người lịch sự
Từ chối nhận việc thế nào để giữ được mối quan hệ với nhà tuyển dụng là việc được rất nhiều ứng viên quan tâm. Sau đây, hãy cùng tham khảo cách từ chối offer lịch sự và hiệu quả nhé.
Có nhiều lý do khác nhau khiến bạn quyết định từ chối offer của nhà tuyển dụng. Đó có thể là mức lương không phù hợp, vị trí công việc không như mong đợi hay đơn giản là cảm giác không hòa hợp với văn hóa công ty…
Tuy nhiên, từ chối nhận việc không phải là bạn nói với nhà tuyển dụng một cách phũ phàng cùng thái độ không thân thiện. Làm như vậy, bạn sẽ đánh mất cơ hội hợp tác với họ vào những lần khác hoặc có thể bạn sẽ được thêm vào “blacklist” của giới nhân sự và những công ty khác sẽ có một ánh nhìn dè dặt với hồ sơ của bạn.
Đưa ra quyết định và trả lời thật sớm
Bạn có thể chọn trả lời nhà tuyển dụng thông qua email hoặc điện thoại. Tuy nhiên, dù hình thức nào thì bạn cũng nên nhanh chóng và dứt khoát. Vì nếu bạn cứ kéo dài thời gian quyết định sẽ khiến cả 2 cùng mất thời gian và ấn tượng ban đầu về bản thân cũng bị xấu đi.
Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn sẽ không nhận lời mời nhận việc này, để họ tìm ứng viên mới và không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Tránh trường hợp im lặng hay gay gắt với họ, vì có thể bạn sẽ ứng tuyển vào đó một lần nữa.
Trước tiên hãy bày tỏ lời cảm ơn chân thành
Mỗi công việc đều có vất vả riêng, nhà tuyển dụng cũng vậy. Họ phải tốn nhiều thời gian để sàng lọc hồ sơ và tìm được người thích hợp. Sau đó, sắp xếp buổi phỏng vấn và trò chuyện với bạn.
KPIs của họ không chỉ là tìm được ứng viên mà còn là ứng viên làm việc lâu dài và hài lòng với công ty. Vì thế, nếu bạn quyết định từ chối phỏng vấn hay từ chối nhận việc, hãy dành một vài lời để cảm ơn. Cảm ơn họ đã cho bạn cơ hội được tiếp xúc với công ty hoặc cảm ơn đã cho bạn có thêm kinh nghiệm trong buổi phỏng vấn…
Trình bày lý do ngắn gọn, hợp lý
Tiếp đến là chủ đề chính. Bạn có thể nêu hoặc không nêu lý do bạn từ chối, nhưng lời khuyên là bạn nên trình bày lý do với nhà tuyển dụng.
Dù bạn có ghét hay không có ấn tượng tốt về công ty, bạn cũng nên tìm một lý do thỏa đáng. Chẳng hạn như: Mong muốn tìm được công việc phù hợp với định hướng hơn; có việc gia đình; chấp nhận lời mời tại công ty khác vì quyền lợi tốt hơn… Nhưng trước khi nêu lý do, bạn cũng đừng quên bày tỏ sự tiếc nuối và giữ thái độ tôn trọng họ nhé!
Bày tỏ mong muốn giữ liên lạc
Việc tạo mối quan hệ với nhà tuyển dụng là điều rất cần thiết. Nó giúp bạn giữ được ấn tượng tốt, chuyên nghiệp và có thể hợp tác dễ dàng với họ hoặc người họ quen biết trong tương lai.
Vì thế, sau khi nêu lý do từ chối, bạn hãy bày tỏ hy vọng được gặp lại họ trong những dịp khác. Hoặc nếu trao đổi qua điện thoại, bạn hãy dùng thái độ cầu thị và nhã nhặn để giao tiếp với họ. Điều này sẽ khiến việc từ chối trở nên nhẹ nhàng và bạn cũng giữ được quan hệ tốt đẹp với giới tuyển dụng.
Hy vọng rằng, cách từ chối với nhà tuyển dụng lịch sự, hiệu quả lại giữ được mối quan hệ tốt đẹp trên, sẽ giúp các bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp và để lại ấn tượng sâu sắc dù không có cơ hội hợp tác. Chúc bạn tìm được việc làm như mong muốn và luôn thành công trên con đường sự nghiệp.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Thuý Minh | MarketingTrips
Theo HR Insider