Social Commerce là gì? Xu hướng làm thương mại xã hội cần biết
Khi thương mại điện tử (eCommerce) tiếp tục phát triển bùng nổ trong những năm gần đây và không ngừng thay đổi, social commerce (thương mại xã hội) là một trong những từ khoá hay mô hình được quan tâm nhiều nhất. Vậy social commerce là gì, lợi ích và cơ hội của Social Commerce ra sao, và nó có những đặc điểm gì. Tất cả sẽ được MarketingTrips giải đáp trong bài viết này.
Social Commerce (thương mại xã hội) là khái niệm mô tả tất cả các hoạt động thương mại liên quan đến việc mua sắm hàng hoá thông qua các nền tảng mạng xã hội (Social Media) như Facebook, TikTok hay Instagram.
Những nội dung được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:
- Social Commerce là gì?
- eCommerce là gì?
- Những thông tin ngắn bạn cần hiểu về thuật ngữ Social Commerce.
- Một số chiến thuật Marketing thường được sử dụng trên Social Commerce là gì?
- Nguồn gốc hình thành của khái niệm Social Commerce.
- Những vai trò chính của Social Commerce là gì?
- Bối cảnh mới của thương mại xã hội.
- Social Commerce có mối quan hệ gì với Digital Marketing.
- Các mô hình Social Commerce hay thương mại xã hội chính là gì?
- Một số nền tảng phổ biến hoạt động theo mô hình Social Commerce.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Social Commerce là gì?
Social Commerce hay thương mại xã hội là một tập hợp con của thương mại điện tử (eCommerce) bao gồm các phương tiện truyền thông mạng xã hội và nền tảng truyền thông trực tuyến nhằm mục tiêu hỗ trợ người dùng trong việc tương tác và mua bán các sản phẩm trực tuyến.
Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu hơn, Social Commerce là tất cả những gì liên quan đến các nền tảng mạng xã hội (social networks) đặt trong bối cảnh mua sắm trực tuyến.
Theo một khái niệm khác từ Investopedia, Social Commerce là việc sử dụng các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram và Twitter để làm phương tiện quảng bá và bán các sản phẩm và dịch vụ.
Thành công của các chiến dịch thương mại xã hội được đo lường bằng mức độ mà người tiêu dùng tương tác với các hoạt động marketing của thương hiệu.
eCommerce là gì?
eCommerce hay thương mại điện tử là tất cả những gì liên quan đến việc mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên môi trường trực tuyến hoặc thông qua internet.
Các nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Amazon, Alibaba hay cả Tiki và Shopee ở thị trường Việt Nam.
Trái ngược với thương mại điện tử là thương mại truyền thống (traditional commerce), khái niệm đề cập đến các hoạt động mua bán hay kinh doanh mà không cần đến internet.
Chợ, siêu thị, các cửa hàng tạp hoá (nhỏ lẻ) là những hình thức tiêu biểu của mô hình thương mại truyền thống.
Những thông tin ngắn bạn cần hiểu về thuật ngữ Social Commerce.
- Social Commerce hay thương mại xã hội quảng bá các sản phẩm và dịch vụ thông qua mạng lưới các website hoặc ứng dụng (app) trực tuyến.
- Số lượt retweet, lượt thích và lượt chia sẻ, nhấp chuột, hay bình luận là những thước đo thành công của các chiến dịch thương mại xã hội (bên cạnh doanh số bán hàng).
- Thương mại xã hội cũng tìm cách thu hút người dùng mua sắm trực tuyến bằng cách đưa ra những sự hỗ trợ và các lời khuyên từ chuyên gia (expert, influencer, KOLs…).
Một số chiến thuật Marketing thường được sử dụng trên Social Commerce là gì?
- Mời người dùng bình chọn (vote) về kiểu dáng hoặc lựa chọn sản phẩm.
- Cung cấp các tùy chọn cá nhân hoá cho người mua (màu, cỡ, thiết kế…).
- Áp dụng các đồ hoạ sáng tạo để thu hút lượt nhấp chuột của người xem.
- Sử dụng video để hiển thị cách sản phẩm đang được sử dụng và thể hiện sản phẩm từ nhiều góc nhìn khác nhau.
- Sử dụng các nội dung và lời kêu gọi hành động (CTA) nhằm khuyến khích người dùng tương tác (like, bình luận, chia sẻ hoặc thậm chí là sáng tạo lại nội dung).
- Sử dụng hình ảnh của KOL, những người có ảnh hưởng (Influencer) để gia tăng mức độ tin cậy của người mua.
- Sử dụng các nội dung được liên kết trực tiếp đến các giỏ hàng hoặc phần thanh toán.
- Liên tục chạy các chương trình khuyến mãi (hoặc minigame) để thúc đẩy doanh số.
Một trong những điểm tiêu biểu và góp phần thúc đẩy khả năng phát triển của Social Commerce hay thương mại xã hội đó là trên các nền tảng này, người dùng có thể “thoải mái” thảo luận về các trải nghiệm mua sắm của bản thân.
Nguồn gốc hình thành của khái niệm Social Commerce.
Social Commerce hay thương mại xã hội là thuật ngữ được giới thiệu lần đầu bởi Yahoo! vào tháng 11 năm 2005 trong đó mô tả nó là một tập hợp các công cụ mua sắm cộng tác trực tuyến như các danh sách lựa chọn được chia sẻ, xếp hạng của người dùng và các nội dung do người dùng tạo ra (UGC).
Khái niệm thương mại xã hội được phát triển bởi David Beisel và Steve Rubel để biểu thị các nội dung quảng cáo do người dùng tạo ra trên các trang web thương mại điện tử.
Trước khi ra các quyết định mua hàng trực tuyến, những gì người dùng (mới) cần làm là tham khảo các nội dung từ những người đã mua sắm và trải nghiệm trước đó, chính vì lý do này, Social Commerce rất được người tiêu dùng tin tưởng.
Những vai trò chính của Social Commerce là gì?
Bằng cách áp dụng các chiến lược thương mại xã hội, doanh nghiệp có thể có được những lợi ích sau đây:
Thứ nhất, thương mại xã hội giúp các doanh nghiệp hay thương hiệu gắn kết khách hàng của họ với thương hiệu theo các hành vi xã hội tương ứng của khách hàng.
Thứ hai, nó cung cấp một động lực để khách hàng tiếp tục quay trở lại các nền tảng của thương hiệu sau đó.
Thứ ba, nó cung cấp cho khách hàng một nền tảng để họ có thể nói về thương hiệu.
Thứ tư, nó cung cấp tất cả những thông tin mà khách hàng cần để nghiên cứu, so sánh và cuối cùng chọn thương hiệu của bạn thay vì là từ đối thủ cạnh tranh.
Bối cảnh mới của thương mại xã hội.
Ngày nay, phạm vi của khái niệm thương mại xã hội đã được mở rộng để bao gồm các công cụ và nội dung truyền thông xã hội được sử dụng trong bối cảnh của thương mại điện tử.
Các công cụ này có thể là các xếp hạng và đánh giá của khách hàng, những đề xuất và giới thiệu của người dùng, các công cụ mua sắm xã hội (chia sẻ hành động mua sắm trực tuyến), các diễn đàn và cộng đồng trực tuyến, tối ưu hóa các phương tiện truyền thông mạng xã hội, ứng dụng xã hội và quảng cáo xã hội (social advertising).
Các ứng dụng công nghệ như VR (thực tế ảo) hay AR (thực tế tăng cưởng) cũng đang được tích hợp nhanh với thương mại xã hội, cho phép người mua sắm trực quan hóa các trải nghiệm mua sắm của họ.
Liên quan đến thuật ngữ Social Commerce, nhiều chuyên gia cũng đang tìm cách tách biệt nó với Social Shopping, vì thương mại xã hội không chỉ là mua sắm mà còn là trải nghiệm, chia sẻ hay thảo luận, nó lớn hơn nhiều so với những gì Social Commerce bao hàm.
Social Commerce có mối quan hệ gì với Digital Marketing.
Có thể coi Social Commerce hay thương mại xã hội là một phạm vi hay kênh của digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) kết hợp với sự tăng trưởng của các phương tiện truyền thông mạng xã hội và mua sắm trực tuyến.
Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các trải nghiệm trực tuyến, những chia sẻ mua sắm từ những người dùng tương tự hay khi mạng xã hội trở thành kênh giao tiếp chính của họ, khái niệm thương mại xã hội sẽ ngày càng bùng nổ và trở thành kênh mua sắm chính.
Những mô hình chính của Social Commerce hay thương mại xã hội là gì?
Chủ yếu dựa trên các yếu tố về công nghệ, thuật ngữ thương mại xã hội được phân thành 2 nhóm chính là thương mại xã hội trên trang hoặc cũng có thể gọi là thương mại xã hội tại chỗ (onsite social commerce) và thương mại xã hội ngoài trang (offsite social commerce).
Onsite Social Commerce.
Thương mại xã hội trên trang đề cập đến việc các nhà bán lẻ sử dụng các hoạt động như chia sẻ xã hội (người dùng có thể chia sẻ nội dung, đánh giá…trực tiếp từ website hay ứng dụng của doanh nghiệp) và các chức năng xã hội mua sắm khác trên nền tảng.
Offsite Social Commerce.
Thương mại xã hội ngoài trang bao gồm các hoạt động diễn ra bên ngoài website hay ứng dụng của nhà bán lẻ.
Chúng có thể bao gồm phần cửa hàng trên Facebook, đăng các sản phẩm hoặc dịch vụ lên các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay TikTok, v.v.
Tuy nhiên, nhiều thương hiệu lớn dường như đang dần từ bỏ cách tiếp cận này. Một nghiên cứu mới đây của W3B cho thấy chỉ dưới 5% trong số gần 3 tỷ người dùng Facebook đã từng mua hàng qua mạng xã hội.
Một số nền tảng phổ biến hoạt động theo mô hình Social Commerce.
- Etsy: Nền tảng thương mại điện tử tập trung vào các mặt hàng thủ công hoặc cổ điển, cũng như các mặt hàng độc đáo khác.
- Fancy.com: Một nền tảng cho phép người dùng tương tác mua sắm thông qua việc chia sẻ và nguồn cấp dữ liệu bằng hình ảnh.
- Groupon: Nền tảng cung cấp các chương trình khuyến mãi hay quà tặng trong ngày.
- Pinterest: Ứng dụng cung cấp các công cụ khám phá, thu thập, chia sẻ và lưu trữ các hình ảnh trực quan.
Xem thêm:
Kết luận.
Nếu doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn quan tâm đến thương mại điện tử nói chung và thương mại xã hội nói riêng nhưng chưa hiểu thuật ngữ Social Commerce là gì, bài viết trên đã giúp bạn có được những thông tin tương đối toàn diện về chủ đề này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips