TikTok liên tiếp lỗ do chi phí Marketing và vận hành tăng cao
Sau khi ra mắt dịch vụ chạy quảng cáo (TikTok Ads) vào giữa năm 2020, doanh thu của TikTok tăng mạnh. Dẫu vậy ứng dụng này vẫn thua lỗ hàng trăm triệu USD do chi phí Marketing và hoạt động tăng cao.
Trước khi TikTok xuất hiện vào tháng 9/2017, phiên bản nội địa mang tên Douyin đã được công ty mẹ ByteDance ra mắt tại Trung Quốc một năm trước đó.
Giai đoạn đầu, nền tảng được thiết kế để chia sẻ các video ngắn, nội dung phần lớn liên quan đến âm nhạc và vũ đạo.
Trong khi nhiều ứng dụng Trung Quốc không có được sự thành công bên ngoài thị trường nội địa, công ty quyết định đẩy mạnh ra quốc tế bằng cách mua lại nền tảng Musical.ly vào tháng 11/2017 với giá 1 tỷ USD. Sau khi hoàn thành sáp nhập, TikTok được bổ sung thêm 80 triệu người dùng, chủ yếu tại Mỹ.
Liên tục vướng lùm xùm chính trị, đạo đức.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu Business of Apps, TikTok đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất vào năm 2019 và 2020 với 693 triệu lượt và 850 triệu lượt tải xuống.
Dù mới xuất hiện, tốc độ phát triển của TikTok dần trở thành mối đe dọa với Facebook và các mạng xã hội ở phương Tây.
Dẫu vậy, ứng dụng vướng phải nhiều tai tiếng về mô hình hoạt động. Vào năm 2019, Ấn Độ và Pakistan thông báo cấm TikTok do “các vấn đề về đạo đức”.
Sau thời gian ngắn được gỡ lệnh cấm, Ấn Độ tiếp tục chặn ứng dụng này tại thị trường tỷ dân vào tháng 6/2020 cùng hàng loạt ứng dụng đến từ Trung Quốc khác do xung đột địa chính trị với quốc gia láng giềng.
Cuối năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu ByteDance chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty do Walmart và Oracle kiểm soát.
Theo lệnh hành pháp được đưa ra, nếu quá trình không hoàn tất trước thời hạn, TikTok phải dừng mọi hoạt động tại thị trường này.
Tuy nhiên, lệnh hành pháp của Tổng thống Trump đã bị chính quyền của ông Joe Biden hủy bỏ sau này.
Dù gặp phải nhiều rắc rối liên quan đến chính trị, TikTok vẫn là một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới. Ước tính, TikTok vượt 900 triệu người dùng trong năm 2021, tăng 28% so với năm liền trước và 578% so với năm 2018.
Tương tự, phiên bản Douyin ghi nhận 710 triệu người dùng vào năm ngoái, tăng 21 lần so với năm 2017, giai đoạn mới thành lập.
Tổng cộng, nền tảng có khoảng 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng vào quý IV/2021 và dự kiến đạt 1,8 tỷ người vào cuối năm 2022.
Trong năm ngoái, công ty thu về 4,6 tỷ USD, tăng 77% so với năm 2020. Trên thực tế, doanh thu của TikTok bắt đầu bùng nổ từ năm 2020.
Đây cũng là thời điểm nền tảng ra mắt tính năng quảng cáo TikTok For Business dành cho doanh nghiệp và người dùng để đối đầu với các nền tảng mạng xã hội khác.
Trước đó, trong 3 năm 2017, 2018, 2019, TikTok chỉ thu về lần lượt 63 triệu USD, 150 triệu USD và 350 triệu USD. Năm 2020, nền tảng video ngắn thu về 2,6 tỷ USD, cao gấp 7,5 lần so với năm liền trước.
Năm 2021, nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance Zhang Yiming từ nhiệm và nhường vị trí cho Liang Rubo tiếp quản. Trong khi đó TikTok do CEO Shou Zi Chew (cựu CEO Xiaomi) điều hành.
Lỗ hàng trăm triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm, TikTok thu về hơn 3 tỷ USD, phần lớn nguồn thu của công ty đến từ mảng dịch vụ quảng cáo. Ngoài ra, số thu còn đến từ bán sản phẩm và thương mại điện tử.
Tính riêng năm 2021, người dùng TikTok đã chi 2,3 tỷ USD, tăng 77% so với con số 1,3 tỷ USD.
Dẫu tăng trưởng mạnh về doanh thu, công ty vẫn lỗ khoảng 118,7 triệu USD vào năm 2019 và 644 triệu USD vào năm 2020.
Chi phí nhân sự là một trong những khoản chi lớn nhất của TikTok. Số lượng nhân viên của nền tảng này đã tăng từ 208 người vào năm 2019 lên 1.294 người vào năm 2020.
Ngoài ra, TikTok cũng chi 344,9 triệu USD cho chi phí bán hàng và Marketing vào năm 2020. Năm trước đó, công ty chi 110,3 triệu USD.
Vào năm 2021, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 313 triệu người dùng TikTok, cao nhất trong các khu vực. Theo một báo cáo của Q&Me, TikTok đang có khoảng 20 triệu người dùng tại Việt Nam, tức khoảng 20% dân số.
Tương tự, doanh thu của công ty chủ yếu đến từ dịch vụ quảng cáo. Bên cạnh đó, ứng dụng còn cung cấp dịch vụ mua TikTok coin tặng người tạo nội dung khi livestream với giá 5.000-5.799.000 đồng.
Đây là món đồ ảo, chỉ sử dụng được trên nền tảng này, không có giá trị ngoài thị trường và không phải tiền mã hóa như Bitcoin.
Vào giữa tháng 4, TikTok ra mắt tính năng TikTok Seller, chính thức bước vào mảng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) tại thị trường Việt Nam.
Tính năng này tương tự sàn TMĐT truyền thống như Shopee, Tiki, Lazada, cung cấp cho người dùng khả năng mua bán hàng hóa trực tiếp trên ứng dụng.
Để đăng ký TikTok Shop, doanh nghiệp cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, địa chỉ kho hàng, thẻ ngân hàng, số điện thoại di động. Riêng cá nhân cần chuẩn bị CCCD thay cho giấy phép kinh doanh.
Để thu hút người dùng, TikTok Shop miễn phí hoa hồng, phí nền tảng và chỉ thu của người bán 1% phí thanh toán. Ngoài khoản này, người bán sẽ trả thêm 10% tiền thuế tính trên khoản phí thanh toán.
Đối với dịch vụ quảng cáo, với cá nhân, người chạy quảng cáo sẽ trả mặc định 10,8% thuế. Nếu chạy qua các agency, mức thuế dao động 1-10,8%.
Tại Việt Nam, đại diện cơ quan thuế cho biết đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có TikTok, kê khai và nộp thuế sau 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế ghi nhận khoảng 20 triệu USD.
Từ năm 2018 đến hết ngày 14/7, số thu từ hoạt động thương mại điện tử (eCommerce) thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.258 tỷ đồng, bình quân số thu đạt 1.200 tỷ đồng/năm. Nếu tính riêng năm 2021, tiền thuế thu được từ các dịch vụ xuyên biên giới là 1.317 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips