Skip to main content

Quảng cáo hiển thị là gì? Ví dụ về quảng cáo hiển thị

16 Tháng Hai, 2023

Nằm trong tổng thể ngành quảng cáo, khái niệm quảng cáo hiển thị (Display Advertising) được sử dụng để mô tả các quảng cáo xuất hiện trước mắt người dùng theo cơ chế hiển thị. Vậy bản chất của quảng cáo hiển thị là gì và thương hiệu nên tiếp cận như thế nào, hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Quảng cáo hiển thị là gì
Quảng cáo hiển thị là gì? Các loại hình quảng cáo hiển thị

Quảng cáo hiển thị là gì? Quảng cáo hiển thị là một hình thức quảng cáo có trả phí, trong đó một thương hiệu chủ động hiển thị một mẫu quảng cáo trước mắt người dùng trên các nền tảng hay phương tiện mà người dùng truy cập. Tuỳ thuộc vào từng nền tảng quảng cáo khác nhau, cách thức hiển thị và tính phí của quảng cáo hiển thị là khác nhau.

Dưới đây là toàn bộ những gì bạn cần hiểu về Quảng cáo hiển thị.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Quảng cáo hiển thị là gì?
  • Thấu hiểu khái niệm quảng cáo hiển thị.
  • Sự khác biệt giữa quảng cáo hiển thị và quảng cáo banner.
  • Quảng cáo là gì?
  • Quảng cáo hiển thị hoạt động như thế nào.
  • Lợi ích của quảng cáo hiển thị hay vai trò của quảng cáo hiển thị đối với thương hiệu là gì?
  • Một số thuật ngữ thường gặp khi tiếp cận quảng cáo hiển thị là gì?
  • Những loại hình quảng cáo hiển thị phổ biến hiện nay trên thế giới.
  • Mạng lưới quảng cáo hiển thị là gì?
  • Các mạng lưới quảng cáo hiển thị lớn tại Việt Nam và thế giới.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ quảng cáo hiển thị.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Quảng cáo hiển thị là gì?

Quảng cáo hiển thị trong tiếng Anh có nghĩa là Display Advertising hoặc Display Ads.

Quảng cáo hiển thị là khái niệm đề cập đến một phương thức quảng cáo có trả phí trong đó một nhà quảng cáo hay thương hiệu chủ động hiển thị quảng cáo của họ tới người dùng trên các nền tảng trực tuyến như website, blog hay các ứng dụng (App).

Quảng cáo hiển thị là một phần của hệ sinh thái quảng cáo trực tuyến và quảng cáo kỹ thuật số (Digital Ads – Digital Advertising).

Thấu hiểu khái niệm quảng cáo hiển thị.

Như bạn có thể thấy, quảng cáo hiển thị có hai thành phần đó là hiển thị và quảng cáo.

Khi nói đến các khái niệm hay hình thức quảng cáo, tuỳ thuộc vào từng cách phân loại khác nhau mà chúng có thể được gọi dưới những cái tên khác nhau ví dụ như: quảng cáo trực tuyến và quảng cáo ngoại tuyến, quảng cáo video và quảng cáo hình ảnh hay quảng cáo hiển thị và quảng cáo tìm kiếm.

Nếu phân loại theo cơ chế hiển thị quảng cáo, quảng cáo có thể được chia thành quảng cáo hiển thị và quảng cáo tìm kiếm, tất cả các quảng cáo mà bạn vẫn thấy trên mạng xã hội, các website báo chí, tin tức hay trên các ứng dụng (app) là quảng cáo hiển thị.

Ngược lại nếu bạn lên các công cụ tìm kiếm như Google và nhìn thấy một mẫu quảng cáo khi nhập một từ khoá gì đó vào thanh tìm kiếm, quảng cáo này được gọi là quảng cáo tìm kiếm.

Quảng cáo hiển thị xuất hiện trước mắt người dùng ngay cả khi người dùng không muốn thấy quảng cáo, trong khi họ chỉ có thể thấy quảng cáo tìm kiếm nếu họ truy cập vào các công cụ tìm kiếm (hoặc trên các ứng dụng) và nhập vào một truy vấn nào đó.

Khi người dùng nhấp vào một mẫu quảng cáo kiểu quảng cáo hiển thị, điểm đến của họ thường là các website, ứng dụng (App) của thương hiệu, landing page bán hàng, hoặc cũng có thể là các nền tảng của bên thứ ba như các website thương mại điện tử.

Tuỳ thuộc vào từng mục tiêu của từng thương hiệu mà định dạng của quảng cáo hiển thị có thể là văn bản (Text), Video, Hình ảnh (Banner) hay Flash (Reach Media) hay kết hợp.

Theo như ví dụ bên dưới, khi bạn truy cập vào marketingtrips.com và bạn thấy các mẫu quảng cáo tương tự như bên dưới, đó là chính là quảng cáo hiển thị.

Ví dụ về một mẫu quảng cáo kiểu Display Ads.
Ví dụ về một mẫu quảng cáo hiển thị.

Sự khác biệt giữa quảng cáo hiển thị và quảng cáo banner.

Nằm trong hệ sinh thái quảng cáo kỹ thuật số (Digital Advertising) hay quảng cáo trực tuyến (Online Advertising), quảng cáo hiển thị mang ý nghĩa rộng lớn và bao trùm hơn, bao gồm tất cả các định dạng hay hình thức quảng cáo mà mẫu quảng cáo xuất hiện trước mắt người dùng theo cơ chế hiển thị.

Quảng cáo banner là một định dạng hay là một phần của quảng cáo hiển thị và thường được sử dụng khi chúng xuất hiện trên các website hay blog, quảng cáo banner còn là các mẫu quảng cáo được đặt thủ công trên các website, quảng cáo hiển thị thì hiển thị theo cơ chế đấu giá và tự động (Programmatic Ads).

Quảng cáo là gì?

Quảng cáo là thuật ngữ đề cập đến một phương thức truyền thông marketing trong đó các thương hiệu hay doanh nghiệp sử dụng các thông điệp hay chiến thuật tài trợ công khai để quảng bá cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Mặc dù quảng cáo có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bản chất lớn nhất để nhận dạng đâu là một mẫu quảng cáo đó là việc các doanh nghiệp hay thương hiệu trả tiền để truyền tải một nội dung nào đó tới khách hàng.

Những gì mà quảng cáo hướng tới đó là doanh số bán hàng và thông thường, nó là một phần trong kế hoạch truyền thông marketing tích hợp (IMC) của thương hiệu.

Quảng cáo hiển thị theo đó là một phần của Quảng cáo.

Quảng cáo hiển thị hoạt động như thế nào.

Cơ chế hoạt động của quảng cáo hiển thị hết sức đơn giản.

Nếu bạn là thương hiệu hay nhà quảng cáo và muốn sử dụng quảng cáo hiển thị như một phương thức để tiếp cận khách hàng tiềm năng hay xây dựng thương hiệu, việc đầu tiên là bạn cần chọn một hệ thống hay mạng lưới quảng cáo (Ad Network) mà từ đó bạn có thể tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiển thị.

Hãy lấy ví dụ với mạng lưới quảng cáo hiển thị của Google (GDN – Google Display Network), sau khi bạn đăng ký tài khoản, bạn có thể bắt đầu thiết lập các chiến dịch quảng cáo hiển thị, bạn bắt đầu xây dựng nội dung quảng cáo, chọn đối tượng mục tiêu hay nơi bạn muốn hiển thị quảng cáo của mình, một khi quảng cáo được duyệt, chúng sẽ được hiển thị tới những người dùng khi họ truy cập vào các nền tảng (website) tương ứng.

Cơ chế tính phí trong quảng cáo hiển thị là tự động và dựa trên các phiên đấu giá (Bidding) từ các nhà quảng cáo khác.

Một số kích thước chính của các mẫu quảng cáo trong quảng cáo hiển thị.

Trong khi các nhà quảng cáo có thể lựa chọn nhiều kích thước quảng cáo (Ad Size) khác nhau, dưới đây là một số kích thước phổ biến nhất trong hệ sinh thái quảng cáo hiển thị.

  • Medium rectangle: 300 x 250 px
  • Leaderboard: 728 x 90 px
  • Wide skyscraper: 160 x 600 px
  • Large rectangle: 300 x 600 px

Ưu điểm và nhược điểm của quảng cáo hiển thị.

Lợi ích của quảng cáo hiển thị hay vai trò của quảng cáo hiển thị đối với thương hiệu là gì?
Lợi ích của quảng cáo hiển thị hay vai trò của quảng cáo hiển thị đối với thương hiệu là gì?

Tuỳ thuộc vào từng mô hình kinh doanh khác nhau, các thương hiệu có thể lựa chọn nhiều hình thức quảng cáo khác nhau, đó có thể là quảng cáo hiển thị, quảng cáo tìm kiếm hay các loại hình cụ thể của quảng cáo hiển thị như quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram.

Mặc dù mỗi loại hình quảng cáo đều có các ưu và nhược điểm riêng, đồng thời phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp, dưới đây là những gì mà quảng cáo hiển thị có thể mang lại.

  • Dễ đo lường.

Cũng tương tự như các hình thức quảng cáo trực tuyến khác, các quảng cáo hiển thị khá dễ đo lường, từ chi phí trên từng tương tác quảng cáo, trên mỗi người dùng đến cả chi phí trên mỗi đơn hàng.

  • Chi phí quảng cáo thấp.

So với các hình thức quảng cáo truyền thống khác như quảng cáo TV hay quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo hiển thị có chi phí trên mỗi tương tác thấp hơn.

  • Khả năng tiếp cận (Reach) lớn.

Như đã phân tích ở trên, nếu thương hiệu chỉ có thể hiển thị quảng cáo của mình tới những ai chủ động tìm kiếm một thứ gì đó trên công cụ tìm kiếm với quảng cáo tìm kiếm, và con số hay cũng khá hạn chế, quảng cáo hiển thị ngược lại có thể giúp thương hiệu chủ động tiếp cận vô số các khách hàng tiềm năng bất kể họ có chủ động tìm hay muốn thấy thương hiệu (quảng cáo) hay không.

Theo dữ liệu từ Statista, thị phần, mức chi tiêu hay dung lượng của quảng cáo hiển thị luôn cao hơn quảng cáo tìm kiếm.

  • Tiếp cận được khách hàng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong hành trình mua hàng (Customer Journey).

Nếu như trước đây, quảng cáo hiển thị được biết đến như là một phương thức quảng cáo chỉ được sử dụng để tiếp cận khách hàng tiềm năng ở các giai đoạn đầu của phễu bán hàng (Sales Funnel), với sự hỗ trợ của AI, công nghệ máy học (ML), các mạng lưới quảng cáo hiển thị có thể nhắm mục tiêu (Targeting) quảng cáo đến các khách hàng ở giai đoạn cuối của phễu.

  • Quảng cáo hiển thị cũng giúp giảm chi phí bán hàng.

Theo các nghiên cứu của Amazon Ads và Microsoft Ads, thương hiệu sử dụng quảng cáo hiển thị có thể giảm đến 21% thời gian và chi phí bán hàng.

Ngoài ra, nếu các thương hiệu sử dụng chiến lược marketing toàn phễu (Full Funnel Marketing), quảng cáo hiển thị có thể giúp tăng đến 1.8 lần doanh số được hỗ trợ (đóng góp) bởi quảng cáo.

Một số thuật ngữ thường gặp khi tiếp cận quảng cáo hiển thị là gì?

Một khi bạn bắt đầu tìm hiểu và sử dụng quảng cáo hiển thị, dưới đây là một số khái niệm không thể bỏ qua.

  • CPM: CPM là từ viết tắt của Cost Per Mille hoặc Cost Per Thousand, là mức chi phí mà nhà quảng cáo phải chi trả trên mỗi một ngàn lần quảng cáo của họ được hiển thị và đó cũng là những gì mà các nền tảng quảng cáo nhận được.
  • CTR: CTR hay Click Through Rate mô tả tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo so với số lần quảng cáo được hiển thị. Tỷ lệ này càng cao thì quảng cáo càng hiệu quả.
  • Impressions: Là số lần quảng cáo được hiển thị.
  • CPC: Mức chi phí mà thương hiệu phải bỏ ra cho mỗi lần nhấp chuột.
  • Reach: Là số lượng người dùng duy nhất (Unique) mà quảng cáo có thể tiếp cận được.
  • Programmatic Ads: Có nghĩa là quảng cáo tự động, Programmatic là cơ chế hiển thị quảng cáo trong quảng cáo hiển thị, trong đó các quảng cáo tự động nhắm mục tiêu tới những người dùng có tiềm năng cao nhất. Việc mua bán không gian quảng cáo (Inventory) cũng được diễn ra tự động.
  • Conversion Rate: Conversion Rate có nghĩa là tỷ lệ chuyển đổi. Conversion thường là khách hàng tiềm năng (Lead), doanh số bán hàng hay số lần xem điểm bán website. Tuỳ thuộc vào từng sản phẩm hay ngành hàng khác nhau, tỷ lệ chuyển đổi là khác nhau.

Các loại hình quảng cáo hiển thị (Display Ads) phổ biến hiện tại trên thế giới.

Cũng tương tự như trong marketing, quảng cáo hiển thị có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp là gì mà bạn có thể lựa chọn các phương thức tiếp cận phù hợp.

Dưới đây là những hình thức quảng cáo hiển thị phổ biến nhất.

Quảng cáo hiển thị banner.

Còn được gọi là quảng cáo hiển thị truyền thống, quảng cáo hiển thị banner là các quảng cáo hiển thị hình ảnh trên các website, blog hay ứng dụng. Banner có thể thuộc định dạng hình ảnh (.jpg), ảnh động (.gif), HTML 5 hoặc Mp4.

Google Display Network (GDN), Microsoft Audience Network hay các nền tảng DSP như DV360 là những hệ thống cung cấp quảng cáo hiển thị banner lớn nhất thế giới.

Quảng cáo hiển thị thích ứng.

Chính là các quảng cáo hiển thị thích ứng, từ các tài sản quảng cáo đầu vào như văn bản (text), hình ảnh (image) hay video, hệ thống quảng cáo sẽ tự đưa ra các mẫu quảng cáo khác nhau cá nhân hoá theo sở thích và hành vi của người xem quảng cáo.

Thay vì nhà quảng cáo phải tự thiết kế vô số các mẫu quảng cáo với các kích thước cố định khác nhau (quảng cáo banner), với quảng cáo hiển thị thích ứng, nhà quảng cáo chỉ cần cung cấp nội dung đầu vào, phần việc còn lại hệ thống sẽ tự động xử lý.

Quảng cáo hiển thị tự nhiên.

Là một trong những hình thức quảng cáo được cho có hiệu suất cao nhất trong các sản phẩm thuộc quảng cáo hiển thị, quảng cáo hiển thị tự nhiên là các quảng cáo được hiển thị xen kẻ trong các bài viết trên các website (hoặc newsfeed trên các nền tảng mạng xã hội). Vì chúng trông khá giống với các nội dung tự nhiên khác (không phải quảng cáo) trên nền tảng, số lần nhấp chuột vào là khá cao.

Một số nền tảng quảng cáo hiển thị tự nhiên phổ biến có thể kể đến như MGID, Matched Content, In-feed, In-article của Google, hay các Ad Network như Admicro và Eclick cũng cung cấp định dạng quảng cáo hiển thị này.

Quảng cáo hiển thị video.

Là định dạng có khả năng tương tác cao nhất, Video là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà quảng cáo trong những năm gần đây, đặc biệt khi TikTok ngày càng trở nên phổ biến, hình thức quảng cáo này càng được ưu tiên nhiều hơn.

Trên các nền tảng video như YouTube, quảng cáo hiển thị video có thể được chia thành 2 loại là quảng cáo có thể bỏ qua (skippable) và không thể bỏ qua (non-skippable).

Các video được sử dụng để hiển thị tới người dùng thường là các vieo ngắn từ 15 đến khoảng 60 giây.

Quảng cáo hiển thị trên mạng xã hội.

Như đã đề cập ở trên, toàn bộ các quảng cáo được hiển thị trên bảng tin (newsfeed) của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook là quảng cáo hiển thị.

quảng cáo hiển thị trên mạng xã hội cũng cung cấp các định dạng quảng cáo khác nhau như video, hình ảnh, liên kết (link) hay kết hợp cả video và hình ảnh.

Các hình thức quảng cáo hiển thị khác.

Ngoài các hình thức quảng cáo hiển thị phổ biến nói trên, các định dạng quảng cáo khác có thể kể đến như quảng cáo mua sắm trên các trang thương mại điện tử, quảng cáo hiển thị cá nhân hoá dựa trên hành vi tương tác của người dùng, các quảng cáo hiển thị bao phủ các nội dung, thường là video.

Mạng lưới quảng cáo hiển thị là gì?

Mạng lưới quảng cáo hiển thị là mạng lưới bao gồm phần cứng chính là các hệ thống máy tính được sử dụng để lưu trữ dữ liệu và phần mềm đóng vai trò tạo, phân phối và tối ưu quảng cáo.

Các mạng lưới quảng cáo hiển thị sau đó sẽ phân phối quảng cáo thông qua các website hay ứng thuộc cùng mạng lưới (đã được liên kết, đăng ký), chủ sở hữu các website hay ứng dụng theo đó sẽ được các mạng lưới quảng cáo trả một khoản phí dựa trên doanh số quảng cáo có được (từ số lượng người dùng truy cập và tương tác với quảng cáo).

Ở phạm vi toàn cầu, Google Display Network (GDN) hiện là hiện là mạng lưới quảng cáo hiển thị có thị phần lớn nhất, những cái tên quen thuộc tại thị trường Việt Nam có thể kể đến như Admicro (thuộc VCCorp), Adtima (thuộc VNG) hay Eclick (thuộc FPT).

Ví dụ về quảng cáo hiển thị.

Như MarketingTrips đã đề cập trong các phần ở trên, tuỳ thuộc vào các nền tảng khác nhau, các định dạng hiển thị của quảng cáo hiển thị là khác nhau, bên dưới là một số ví dụ về quảng cáo hiển thị.

Ví dụ về Quảng cáo hiển thị của Google.
Ví dụ về Quảng cáo hiển thị của Google.
Ví dụ về Quảng cáo hiển thị từ một Ad Network hiển thị trên Báo.
Ví dụ về Quảng cáo hiển thị từ một Ad Network hiển thị trên Báo.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ quảng cáo hiển thị.

  • Quảng cáo hiển thị kỹ thuật số (trực tuyến) là gì?

Chính là các quảng cáo hiển thị trên môi trường kỹ thuật số, về bản chất, hầu hết các quảng cáo hiển thị đều hiển thị trên môi trường kỹ thuật số và phần lớn là xuất hiện thông qua môi trường trực tuyến (Internet).

Kết luận.

Dù với tư cách là một Marketer nói chung hay Digital Marketer nói riêng, việc thấu hiểu các nền tảng hay hình thức quảng cáo là yêu cầu bắt buộc. Bằng cách hiểu quảng cáo hiển thị là gì hay các loại hình quảng cáo hiển thị phổ biến hiện nay, bạn có nhiều cách hơn để thử nghiệm và cũng từ đây, bạn có thêm cơ hội để phát triển thương hiệu của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips.com

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …