Skip to main content

IMC là gì? Tìm hiểu toàn diện về IMC trong Marketing

26 Tháng Bảy, 2022

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu toàn diện các lý thuyết về thuật ngữ IMC (Integrated Marketing Communications), hay còn được gọi là Truyền thông Marketing tích hợp như: IMC là gì? Vai trò của IMC với thương hiệu? IMC bao gồm những thành phần chính là gì? 7 công cụ chính trong IMC? Các bước cơ bản để xây dựng một bản kế hoạch IMC? và hơn thế nữa.

imc là gì
IMC là gì? Tìm hiểu toàn diện về IMC (Truyền thông Marketing tích hợp) trong Marketing

IMC là từ viết tắt của Integrated Marketing Communications trong tiếng Việt có nghĩa là Truyền thông Marketing tích hợp, khái niệm dùng để chỉ một phương thức làm marketing trong đó thương hiệu hay doanh nghiệp sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong một chiến lược tổng thê. Dưới ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ và kỹ thuật số, khi người tiêu dùng có xu hướng tương tác với thương hiệu trên nhiều nền tảng khác nhau, một trong những yêu cầu đặt ra cho thương hiệu là làm thế nào để có thể tiếp cận khách hàng trên nhiều điểm chạm khác nhau hay bằng cách nào thương hiệu có thể cộng hưởng sức ảnh hưởng từ các nền tảng thông qua một bản kế hoạch nhất quán, thuật ngữ IMC hay Integrated Marketing Communications được ra đời từ đây. Mặc dù là khái niệm khá phổ biến trong bối cảnh truyền thông, IMC là gì? vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp một cách đầy đủ và chính xác. Bài viết dưới đây từ MarketingTrips sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.

Các nội dung được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • IMC là gì?
  • Tích hợp (I) mang ý nghĩa chính là gì trong thuật ngữ IMC?
  • Communications là gì?
  • IMC Plan là gì?
  • Lịch sử hình thành của khái niệm IMC tức Integrated Marketing Communications.
  • IMC Plan bao gồm những nội dung chính là gì?
  • Các công cụ truyền thông chính có thể xuất hiện trong IMC.
  • Tại sao IMC lại quan trọng hay vai trò của IMC với thương hiệu là gì?
  • Một số ví dụ về cách ứng dụng IMC thành công vào chiến dịch Marketing.
  • 5 Công cụ thường được nhắc đến nhiều nhất trong IMC là gì?
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thuật ngữ IMC (Integrated Marketing Communications).

Bên dưới là chi tiết toàn bộ những gì bạn cần biết về IMC.

Advertisement

IMC là gì?

IMC là từ viết tắt của cụm từ Integrated Marketing Communications trong tiếng Việt có nghĩa là truyền thông marketing tích hợp, khái niệm đề cập đến một phương thức thực thi chiến lược marketing trong đó doanh nghiệp hay thương hiệu sử dụng nhiều kênh hay phương tiện truyền thông khác nhau để tiếp cận và tương tác với khách hàng mục tiêu.

Thuật ngữ IMC lần đầu được giới thiệu năm 1980 trong bối cảnh khi các yếu tố công nghệ và kỹ thuật số ảnh hưởng ngày càng nhiều đến các hoạt động marketing nói chung và quảng cáo nói riêng, khi thương hiệu không thể dựa vào một kênh truyền thống duy nhất để tiếp cận khách hàng mà thay vào đó là đa kênh. (Theo Wikipedia).

Một trong những mục tiêu khác mà các chiến dịch IMC hướng tới đó là đồng bộ (tích hợp) hoá các thông điệp trên các kênh để cùng hướng tới một thông điêp chính duy nhất với mục đích sau cùng là thuyết phục khách hàng mục tiêu yêu thích hoặc mua sản phẩm.

Khi nói đến thuật ngữ hay khái niệm IMC, có 2 từ khoá chính mà người làm marketing cần lưu ý đó là tích hợp kênh và tích hợp thông điệp.

Advertisement

“Integrated” hay “Tích hợp” mang ý nghĩa chính là gì trong thuật ngữ IMC?

Như MarketingTrips đã phân tích ở trên, Tích hợp hay Integrated là một trong 3 từ xuất hiện trong cụm IMC – Integrated Marketing Communications và cũng là từ mang ý nghĩa quyết định của các bản kế hoạch truyền thông marketing TÍCH HỢP.

Khi xét về yếu tố tích hợp, có 3 phạm vi tích hợp chính mà các marketer cần xây dựng trong các bản kế hoạch IMC của mình bao gồm:

Tích hợp về chức năng trong IMC – Functional integration.

Tích hợp chức năng (hoặc tích hợp công cụ) đề cập đến khả năng kết hợp các công cụ marketing hay quảng cáo khác nhau có thể bổ sung cho nhau để từ đó thương hiệu có thể đồng nhất chung một thông điệp trong suốt chiến dịch.

Dù cho đó là quảng cáo truyền thống hay quảng cáo kỹ thuật số (Digital Advertising), dù cho đó là PR hay Influencer Marketing, mỗi công cụ hay chức năng đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Advertisement

Ví dụ, quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm (chẳng hạn như Google Search Ads) có thể rất hiệu quả trong việc tiếp cận những khách hàng đang chủ động tìm kiếm các sản phẩm hay giải pháp họ cần, tuy nhiên chúng lại không thể giúp thương hiệu chủ động tiếp cận khách hàng ngay cả khi họ không làm chuyện đó.

Khi này các công cụ như Social Media Marketing hay quảng cáo hiển thị (Display Ads) lại tỏ ra hiệu quả hơn.

Một chương trình IMC hiệu quả là chương trình phải bao gồm sự kết hợp của các công cụ theo cách mà chúng có thể giúp chuyển khách hàng qua các giai đoạn khác nhau trong hành trình mua hàng, từ giai đoạn nhận biết (Brand Awareness) đến mua hàng.

Khái niệm tích hợp trong IMC giải quyết câu hỏi làm thế nào để có thể sử dụng các điểm mạnh của kênh truyền thông này để hạn chế điểm yếu của kênh truyền thông kia.

Advertisement

Tích hợp về thông điệp trong IMC – Message integration.

Tích hợp thông điệp còn được gọi là tích hợp hình ảnh (Image Integration), tích hợp nội dung (Content Integration) hoặc tích hợp sáng tạo (Creative Intergration).

Cũng như hoạt động xây dựng thương hiệu, những gì mà các hoạt động IMC cần đảm bảo là tính nhất quán trong việc thực thi trong và suốt trên các kiểu truyền thông marketing khác nhau theo thời gian.

Bất kể thương hiệu đang sử dụng phương tiện (Media) hay công cụ (Tools) nào, mọi thứ được kết nối hay xuất hiện trong chiến dịch IMC phải có những điểm tương đồng với nhau, cả về yếu tố cảm xúc lẫn hình thức bên ngoài.

Từ những hình ảnh quảng cáo (Banner) trên các phương tiện quảng cáo hiển kỹ thuật số đến những thông điệp trên công cụ tìm kiếm hay tới cả những biển quảng cáo ngoài trời (OOH), tất cả đều phải có chung “một bộ nhận diện”.

Advertisement

Bạn cần nhớ rằng, mọi hoạt động truyền thông marketing nói chung hay IMC nói riêng, tất cả chúng đều là một phần của bản sắc thương hiệu (Brand Identity), thứ giúp khách hàng mục tiêu xác định giá trị của thương hiệu của bạn.

Chìa khóa chính của điều này đó là tính nhất quán với ý nghĩa sâu xa đằng sau là khách hàng có khả năng ghi nhớ và nhận ra thương hiệu tốt hơn với những hình ảnh tập trung, liên quan và liên kết chặt chẽ với nhau hơn.

Tích hợp về thời gian trong IMC – Timing integration.

Tích hợp thời gian là khái niệm đề cập đến việc thương hiệu sử dụng yếu tố thời gian theo cách chúng có thể hỗ trợ lẫn nhau và tiếp cận khách hàng tiềm năng ở các thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào thời điểm họ dễ tiếp nhận các loại thông điệp khác nhau hoặc tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng mua của người tiêu dùng.

Communications là gì?

Về mặt lịch sử, thuật ngữ Communication – không có chữ “S” có nghĩa là giao tiếp – được sử dụng để mô tả việc trao đổi và giải thích các thông điệp và những ý nghĩa đằng sau chúng, cụ thể là cách các thực thể khác nhau truyền tải thông tin cho nhau.

Advertisement

Ngược lại với thuật ngữ Communications – với chữ “S” – có nghĩa là truyền thông – thường tập trung nhiều hơn vào cách các thông điệp này được truyền tải.

Nó ít quan tâm hơn đến việc tạo ra ý nghĩa và phát triển các mối quan hệ, và quan tâm nhiều hơn đến các phương tiện kỹ thuật mà các thông điệp được lan truyền.

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, Communication là chia sẻ, nhận và giải thích thông điệp, trong khi Communications là các phương tiện mà những thông điệp đó được chia sẻ.

Với những công ty cung cấp giải pháp ví dụ Marketing hay IT thì đúng là IT Solutions và Marketing Solutions chứ không phải IT và Marketing Solution.

Advertisement

IMC Plan là gì?

Cũng tương tự các bản kế hoạch khác như Business Plan hay Advertising Plan (Kế hoạch quảng cáo), IMC Plan hay Integrated Marketing Communications Plan là khái niệm đề cập đến một bản kế hoạch truyền thông marketing tích hợp.

Đúng như với tên gọi của nó là “Integrated”, tức tích hợp, điểm nổi bật giúp phân biệt IMC Plan với các bản kế hoạch không tích hợp khác (đơn kênh, đơn lẻ) là yếu tố kết hợp nhiều kênh vào cùng một bản kế hoạch marketing (Marketing Plan).

Những gì mà các IMC Plan hướng tới đó là thuyết phục khách hàng mục tiêu thông qua một loạt các thông điệp (Marketing, Brand Messages) được tích hợp hay đồng bộ với nhau (thay vì rời rạc và tách biệt nhau).

Lịch sử hình thành của khái niệm IMC tức Integrated Marketing Communications.

Bối cảnh xuất hiện thuật ngữ IMC là gì?

Bối cảnh xuất hiện thuật ngữ IMC là gì?
Bối cảnh xuất hiện thuật ngữ IMC là gì?

Vào những năm 1980, thời điểm các doanh nghiệp phải chứng kiến những sự thay đổi lớn trong cách thức làm truyền thông marketing trên thị trường.

Advertisement

Từ sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, đến việc các nhóm khách hàng ngày càng phân tán nhiều hơn, bên cạnh đó là có rất ít doanh nghiệp (Agency) có thể cung cấp một bộ dịch vụ trọn gói với nhiều giải pháp cho thương hiệu.

Về cơ bản, các doanh nghiệp hay thương hiệu khi này phụ thuộc vào nhiều nhà cung cấp dịch vụ (marketing) khác nhau như quảng cáo, quan hệ công chúng (PR), xây dựng thương hiệu, đóng gói sản phẩm, xúc tiến bán hàng hay các hoạt động tổ chức sự kiện khác.

Mỗi nhóm dịch vụ được cung cấp này hoạt động theo những cách tách biệt nhau, rời rạc và không mấy liên quan đến nhau thay vì là cộng hưởng hay tích hợp với nhau; và kết quả là những hình ảnh hay thông điệp thương hiệu được truyền tải ra ngoài khiến khách hàng cảm thấy khó hiểu và cảm nhận.

Những người làm marketing khi này cũng nhận ra rằng, khi khách hàng mục tiêu của họ đã bị phân tán ra nhiều nơi khác nhau, họ không còn có thể giao tiếp với các thị trường đại chúng (Mass Market) thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Mass Media); thay vào đó, họ cần giao tiếp với các phân khúc thị trường cụ thể hơn, sử dụng các phương tiện truyền thông marketing có tính tập trung cao hơn và liên quan hơn.

Advertisement

Nhu cầu về một phương thức tích hợp truyền thông marketing tức IMC được sinh ra từ đây.

Các khái niệm liên quan đến IMC (Integrated Marketing Communications) chính thức được công bố.

Sự kiện đầu tiên phải kể đến đó là việc công ty tư vấn Shearson-Lehman Hutton đã xuất bản một báo cáo về chủ đề quảng cáo của người tiêu dùng (Consumer Advertising), trong đó chỉ ra rằng một số thay đổi về nơi người tiêu dùng tập trung (marketplace) sẽ buộc các nhà tiếp thị phải áp dụng cách tiếp cận tích hợp đối với chiến lược truyền thông marketing của họ.

Thứ hai, Hiệp hội các cơ quan Quảng cáo Mỹ (American Association of Advertising Agencies – 4A), đã tiến hành phân tích cũng như nghiên cứu về các hoạt động truyền thông tiếp thị tích hợp (IMC), với kết quả là một định nghĩa chính thức về IMC đã được công bố.

Theo AAAA, IMC là “một khái niệm về việc lập kế hoạch truyền thông marketing trong đó công nhận các giá trị gia tăng của một bản kế hoạch toàn diện nơi sẽ đánh giá cao vai trò chiến lược của nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, ví dụ như quảng cáo, xúc tiến bán hàng hay PR.”

Advertisement

“Việc kết hợp các phương tiện này nhằm mục tiêu cuối cùng là mang lại một sự rõ ràng, nhất quán và tối đa hoá sức ảnh hưởng truyền thông của thương hiệu đến người tiêu dùng.”

AAAA ban đầu xem IMC như là một phương thức quảng cáo mới; tuy nhiên, sau đó quan điểm này được cho là không chính xác khi IMC không chỉ nói về quảng cáo, dù cho đó là quảng cáo truyền thống hay quảng cáo kỹ thuật số.

Ý nghĩa mới của thuật ngữ IMC.

Vào năm 1993, Ông Don Schultz, một giáo sư tại một trường đại học tại Mỹ và nhóm cộng sự của ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên dành riêng cho IMC.

Tiêu đề của nó đơn giản là Integrated Marketing Communications tức Truyền thông Tiếp thị Tích hợp, mô tả IMC là một cách hoàn toàn mới để xem xét lại toàn bộ hoạt động truyền thông marketing, thay vì là tách biệt từng phương tiện hay công cụ riêng lẻ.

Advertisement

Kể từ giữa những năm 1990, hầu như mọi cuốn sách về chủ đề truyền thông tiếp thị (Marketing Communications) đều áp dụng quan điểm tích hợp.

Nói chung, những cuốn sách này tập trung vào các quy trình lập kế hoạch IMC – nhấn mạnh vào việc quản lý và tổ chức IMC.

Trong khi khái niệm về IMC là tương đối rõ ràng, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng vì IMC vừa là một quá trình vừa là một khái niệm (Concept), nên về bản chất nó mang ý nghĩa tương đối, tức tuỳ thuộc vào mục tiêu của từng thương hiệu là gì, họ có thể áp dụng IMC theo những cách thức khác nhau.

Một số khái niệm khác về IMC.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, thuật ngữ IMC cũng mang nhiều ý nghĩa hay cách hiểu khác nhau. Dưới đây là một số khái niệm khác bạn có thể tham khảo.

Advertisement
  • IMC là quá trình mà trong đó tất cả các nguồn và thông tin được kiểm soát theo cách giúp chuyển người tiêu dùng hay khách hàng tiềm năng chuyển từ trạng thái cảm xúc nhận biết hay tìm hiểu đến mua hàng.
  • IMC là sự phối hợp một cách chiến lược của tất cả các thông điệp và phương tiện với mục tiêu là gia tăng giá trị thương hiệu (Brand Value) cảm nhận của khách hàng.
  • IMC là khái niệm bao gồm tất cả các hoat động khơi dậy những đối thoại có mục đích để từ đó tạo ra và nuôi dưỡng các mối quan hệ có lợi của thương hiệu với người tiêu dùng và các bên liên quan khác (chẳng hạn như đối tác hay cổ đông).
  • Integrated Marketing Communications có thể được gọi là One-voice Marketing Communications, tất cả các hình ảnh, vị trí, thông điệp hay nội dung được truyền tải phải có chung một giọng điệu. Tích hợp, phối hợp hay nhất quán là những từ khoá chính của IMC.

IMC Plan bao gồm những nội dung chính là gì?

IMC Plan bao gồm những nội dung chính là gì?
IMC Plan bao gồm những nội dung chính là gì?

Trong khi tuỳ thuộc vào từng thương hiệu hay mục tiêu chiến lược khác nhau, các doanh nghiệp sẽ xây dựng các kế hoạch truyền thông marketing tích hợp theo những cách thức hay nội dung khác nhau, dưới đây là những nội dung chính thường có:

  • Nghiên cứu thị trường.
  • Lập kế hoạch chiến lược.
  • Phân khúc đối tượng mục tiêu.
  • Lựa chọn kênh Marketing hay kênh truyền thông.
  • Các bản tóm tắt hay định hướng sáng tạo và thông điệp chiến dịch (creative briefs).
  • Kế hoạch ngân sách chi tiêu.
  • Phân tích ROI.
  • Các chỉ số đánh giá hiệu suất của chiến dịch để đo lường và tối ưu hoá các nỗ lực marketing nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh chung.

Khi xây dựng các IMC Plan, điều quan trọng bạn cần nắm là cho dù bạn có thể tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh khác nhau, thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, các kiểu thông điệp khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả chúng đều phải cùng hướng đến một chiến lược chung, tính nhất quán được xem là “từ khoá” với các bản kế hoạch truyền thông marketing tích hợp.

Các công cụ truyền thông chính có thể xuất hiện trong IMC.

Nếu bạn đã thực sự hiểu IMC là gì, bạn hiểu rằng những gì mà các bản kế hoạch hay chiến lược IMC hướng tới đó là tích hợp nhiều các phương tiện truyền thông (Media, Channel, Platforms) trong cùng một chiến dịch.

Advertisement

Dưới đây là một số công cụ hay phương tiện phổ biến được sử dụng.

1. Quảng cáo.

Khi nói đến các công cụ hay phương thức truyền tải thông điệp thương hiệu đến với người tiêu dùng mục tiêu, quảng cáo là phương tiện được sử dụng rộng rãi nhất.

Dù cho là bạn sử dụng quảng cáo truyền thống hay quảng cáo hiện đại (quảng cáo kỹ thuật số), dù cho đó là quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của Google, quảng cáo trên mạng xã hội Facebook (Facebook Ads) hay quảng cáo hiển thị trên các website báo chí thì đây vẫn là phương thức hay công cụ chủ đạo trong các chiến dịch IMC.

2. PR.

PR là từ viết tắt của từ Public Relations có nghĩa là quan hệ công chúng, khái niệm PR đề cập đến các hoạt động truyền thông chiến lược từ một tổ chức (doanh nghiệp, thương hiệu…) tới công chúng (khách hàng, người đọc, người dân…) nhằm mục tiêu duy trì hoặc xây dựng hình ảnh của tổ chức trong mắt công chúng.

Advertisement

Influencer Marketing.

Thương hiệu sử dụng Influencer, tức những người có ảnh hưởng trên các nền tảng vào các hoạt động Marketing (tiếp thị) nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp hay thương hiệu.

3. Social Media Marketing.

Thông qua các nền tảng hay phương tiện truyền thông mạng xã hội (Social Media/Networking) như Facebook, Instagram hay TikTok, thương hiệu có thể tương tác với khách hàng để từ đó đạt được các mục tiêu Marketing hay những gì mà thương hiệu mong muốn.

4. Content Marketing.

Được coi là một trong những xu hướng marketing trong những năm gần đây, Content Marketing là việc ứng dụng nội dung (Content) vào các hoạt động tiếp thị (Marketing) trong doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh cụ thể nào đó.

Từ góc nhìn chiến lược trong IMC, thương hiệu có thể sử dụng phương thức marketing này để kể những câu chuyện đầy hứng thú với đối tượng mục tiêu xuyên suốt trên nhiều phương tiện khác nhau với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Advertisement

Nếu như quảng cáo làm cho khách hàng cảm thấy mình “đang bị chào mời bán hàng”, những câu chuyện ngược lại có thể cung cấp nhiều nội dung có giá trị cho khách hàng, những thứ giúp họ giải quyết được những vấn đề họ đang gặp trong cuộc sống.

5. Inbound Marketing.

Inbound Marketing là phương thức marketing trong đó các marketer sử những nội dung và trải nghiệm có giá trị để thu hút khách hàng, những gì các nhà tiếp thị cần làm và hướng tới đó là giữ chân người dùng và xây dựng lòng trung thành của họ với thương hiệu.

Trong khi Outbound Marketing có thể làm phiền khách hàng vì những nội dung không mong muốn, Inbound Marketing sẽ xây dựng những thứ mà họ tìm kiếm nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề mà họ đang có.

Trong khi tuỳ thuộc vào từng thương hiệu trong từng chiến dịch IMC cụ thể, bạn có thể lựa chọn các phương tiện hay công cụ khác nhau, trên đây là một số phương thức chính bạn có thể tích hợp vào kế hoạch của mình.

Advertisement

IMC trong Marketing là gì?

Trong ngành marketing nói chung, có rất nhiều thuật ngữ khác nhau dùng để chỉ một cách thức, chiến lược hay phương pháp tiếp cận marketing của doanh nghiệp, chẳng hạn như Digital Marketing tức làm marketing trên các phương tiện kỹ thuật số (Digital), Content Marketing tức làm marketing thông qua nội dung (Content) và IMC cũng hoạt động theo cách tương tự.

IMC là khái niệm dùng để chỉ cách thức làm marketing theo hướng tích hợp, trong đó thương hiệu tích hợp nhiều phương tiện truyền thông (media) khác nhau trong cùng một chiến dịch.

Một số ví dụ về cách ứng dụng IMC thành công vào chiến dịch Marketing.

1. Coca-Cola.

Coca-Cola là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới, và thành công của nó một phần nhờ vào việc sử dụng hiệu quả chiến lược IMC.

Advertisement

Mặc dù Coca-Cola có một lịch sử lâu đời trong việc sử dụng quảng cáo truyền hình (TV), đài phát thanh và báo in để tiếp cận đối tượng mục tiêu.

Trong những năm gần đây, khi các yếu tố công nghệ ngày càng chi phối hành vi của người tiêu dùng, thương hiệu này cũng đã tăng cường sử dụng các kênh kỹ thuật số (Digital Marketing), chẳng hạn như phương tiện truyền thông mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để tiếp cận và tương tác với nhiều đối tượng hơn nữa.

Nếu bạn yêu thích hay quan tâm đến thương hiệu nước giải khát lớn nhất thế giới này thì hẳn là bạn vẫn chưa quên “Share a Coke”, một trong những chiến dịch marketing thành công nhất mọi thời đại của Coca-Cola.

Advertisement

Và để có thể tạo ra được một tiếng vang lớn, Coca-Cola đã sử dụng chiến lược truyền thông tích hợp cho chiến dịch này, từ mạng xã hội Facebook, YouTube đến các biển quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời (D-OOH), đi đâu bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của chiến dịch với một thông điệp ngầm chung là “Hãy chia sẻ Coca-Cola nhé”.

2. Nike.

Nike là một thương hiệu lớn khác đã sử dụng IMC một cách hiệu quả.

Cũng tương tự như Coca-Cola, Nike ban đầu tập trung nhiều vào các phương tiện marketing truyền thống như TV hay báo in, tuy nhiên trong những năm gần đây thương hiệu cũng đã tích hợp việc sử dụng quảng cáo PPC, SEO, Social Media và Influencer Marketing để tiếp cận khách hàng của mình trên nhiều nền tảng khác nhau.

Advertisement

5 công cụ thường được nhắc đến nhiều nhất trong IMC là gì?

Khi nhắc đến thuật ngữ truyền thông tích hợp IMC, 5 công cụ thường được nhắc đến nhiều nhất là quảng cáo (Advertising), Khuyến mãi (Sales Promotion), quan hệ công chúng (PR), Marketing trực tiếp (Direct Marketing) và bán hàng cá nhân (Personal Selling).

Tuy nhiên với sự phát triển của ngành Marketing ngày nay, chỉ một số ít các công cụ trong số này còn phát huy tác dụng, một số công cụ mới đang phát triển mạnh có thể kể đến như Influencer Marketing, Social Media, Digital Marketing, Content Marketing và hơn thế nữa.

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thuật ngữ IMC (Integrated Marketing Communications).

Nếu bạn đang trong quá trình tìm hiểu về phương thức truyền thông marketing tích hợp, dưới đây một số câu hỏi mà bạn có thể sẽ gặp phải (kèm câu trả lời tương ứng).

  • IMC (Truyền thông Marketing tích hợp) là gì?

IMC là từ viết tắt của Integrated Marketing Communications. Hiểu một cách đơn giản là thay vì thương hiệu sử dụng riêng lẻ từng phương tiện truyền thông khác nhau, họ tích hợp nhiều phương tiên trong cùng một chiến dịch với mục tiêu tối đa hoá sức cộng hưởng.

Advertisement
  • Có phải chỉ các doanh nghiệp lớn mới có khả năng hay nguồn lực để chạy các chiến dịch IMC hay không?

Như đã phân tích ở trên, dù là chiến dịch “tích hợp”, doanh nghiệp không nhất thiết phải chi nhiều ngân sách cho kiểu truyền thông này.

Thay vào đó, bằng cách xây dựng và phân bổ nguồn lực (dù là nhỏ) vào các phương tiện khác nhau, doanh nghiệp có thể tạo ra được nhiều sức ảnh hưởng hơn đến đối tượng mục tiêu của mình, thuyết phục họ mua hàng và hơn thế nữa.

  • IMC được viết tắt từ những chữ cái chính là gì?

IMC được viết tắt từ Integrated Marketing Communications và trong tiếng Việt có nghĩa là truyền thông marketing tích hợp.

  • Công ty IMC là công ty gì?

Còn có một tên gọi khác được sử dụng nhiều hơn đó là IMC Agency, các công ty IMC tức IMC Agency chính là các doanh nghiệp cung cấp các dịch truyền thông marketing tích hợp.

Advertisement

Tích hợp ở đây có thể được hiểu là các Agency này có khả năng xây dựng và thực thi nhiều loại hình truyền thông hay marketing khác nhau như PR, quảng cáo, Digital Performance, xây dựng thương hiệu và hơn thế nữa.

  • IMC bao gồm những thành phần chính là gì?

Như đã phân tích ở trên, khái niệm IMC không mang ý nghĩa là doanh nghiệp hay thương hiệu phải thực hiện những kênh hay phương tiện truyền thông cụ thể nào đó.

Thay vào đó, nó có thể bao gồm những hoạt động mà thương hiệu cần tích hợp trong từng chiến dịch cụ thể ví dụ như: quảng cáo TV, PR báo giấy, PR Online, Quảng cáo Facebook, Quảng cáo tìm kiếm trên Google.

  • IMC Marketing là gì?

IMC Marketing là thuật ngữ sai và về cơ bản không có ý nghĩa. Như MarketingTrips đã phân tích ở trên thì bạn thấy rằng khái niệm IMC là đã bao gồm “Marketing” do đó khi thêm tiếp Marketing vào sau IMC thì bản thân cụm từ này sẽ trở nên sai nghĩa.

Advertisement
  • IMC Strategy là gì?

Là chiến lược IMC, khái niệm chiến lược thường đề cập đến các bản kế hoạch có thời gian dài, và mang tính định hướng hay tổng thể nhiều hơn.

  • IMC Campaign là gì?

IMC Campaign có nghĩa là Chiến dịch IMC, khái niệm ngược lại với IMC Strategy nói trên, khác với các bản kế hoạch chiến lược dài hạn, các chiến dịch IMC tập trung vào ngắn hạn thường là theo tuần hay tháng hoặc theo các sự kiện cụ thể (ví dụ như chiến dịch ra mắt sản phẩm mới).

Kết luận.

Hy vọng thông qua bài viết phân tích tương đối sâu của MarketingTrips về chủ đề IMC hay còn được gọi là Truyền thông Marketing tích hợp, bạn đã có thể đã có được nhiều kiến thức về IMC (Integrated Marketing Communications), hiểu imc là gì, cách thức xây dựng một bản kế hoạch IMC hoàn chỉnh và hơn thế nữa. Dù với tư cách là marketer hay người làm kinh doanh nói chung, việc có được những kiến thức lý thuyết nền tảng đúng đắn là yếu tố căn bản để đạt được nhiều thành công hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Starbucks chọn ‘địa phương hóa’ làm chiến lược phát triển bền vững

14 Tháng Mười Một, 2024
Cuối tháng 9, gã khổng lồ ngành F&B Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ở…

Đọc nhiều

Tìm hiểu về Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha

15 Tháng Tám, 2021
Sự khác biệt lớn giữa các thế hệ (Generation) Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha đang…
Advertisement