Skip to main content

Thẻ: 4.0

Lãnh đạo thành công trong thời đại công nghệ 4.0

Đảm bảo được 4 yếu tố đơn giản này, người lãnh đạo sẽ đi đúng hướng và gặt hái thành công trong thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Lãnh đạo thành công trong thời đại công nghệ 4.0

Năm 2018, có 86% trong số 1.600 lãnh đạo cấp cao được Deloitte khảo sát trả lời rằng, tổ chức của mình đã “thực hiện mọi điều cần thiết” để xây dựng đội ngũ nhân sự phù hợp cho CMCN 4.0. Nhưng, khi bước sang năm 2019, với cùng câu hỏi về mức độ sẵn sàng của tổ chức trước cách mạng 4.0, con số trên chỉ còn 47%.

Con số trên không chỉ phản ánh sự thay đổi đáng kể trong thái độ mà còn cho thấy ngày càng nhiều nhà lãnh đạo sở hữu nhận thức đúng đắn hơn về những thách thức mà bản thân sắp đối mặt, bên cạnh cái nhìn thực tế hơn về những hành động cần thiết để thành công trong thời đại này.

Và, theo một nghiên cứu từ Deloitte, có 4 yếu tố đặc trưng, giúp người lãnh đạo đi đúng hướng và thành công trong giai thời 4.0.

Có trách nhiệm đối với xã hội.

Theo nghiên cứu, rất nhiều nhà lãnh đạo xem trách nhiệm đối với xã hội là yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá năng lực của doanh nghiệp, thậm chí trước cả năng lực tài chính hay sự hài lòng của nhân viên và khách hàng.

Riêng năm 2018, gần 75% số lãnh đạo được Deloitte khảo sát cho biết, tổ chức của họ đã bắt đầu tạo ra hoặc thay đổi các sản phẩm, dịch vụ của mình theo hướng có trách nhiệm hơn đối với xã hội.

Trong bối cảnh thế giới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và ngày càng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, rõ ràng những nhà lãnh đạo biết ưu tiên cho điều này sẽ sở hữu cơ hội phát triển tốt hơn.

Theo nghiên cứu, người lãnh đạo biết ưu tiên cho trách nhiệm với xã hội thường là những cá nhân có đội ngũ nhân sự sẵn sàng cho tiến trình chuyển đổi số hơn cả.

Đồng thời, xác suất để doanh nghiệp được chèo lái bởi các lãnh đạo như vậy phát triển thành công cũng cao hơn so với những doanh nghiệp hiện vẫn chỉ thuần tuý chạy theo lợi nhuận.

Ra quyết định dựa trên dữ liệu thay vì cảm tính.

Một trong số những khó khăn đối với người lãnh đạo thời đại này là làm sao xây dựng được chiến lược hiệu quả trước thị trường luôn không ngừng biến động, nghiên cứu cho biết.

Bên cạnh đó, quá nhiều công nghệ mới với vô vàn loại hình dữ liệu khác nhau xuất hiện cũng khiến người lãnh đạo gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội và xây dựng tầm nhìn chiến lược, từ đó gây ảnh hưởng tới các quyết định của doanh nghiệp.

Do đó, nghiên cứu cho biết, trong thời đại này, những nhà lãnh đạo với các quyết định chiến lược dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu rõ ràng, khoa học và có hệ thống sẽ dễ dàng thành công hơn.

Theo đó, mức độ sẵn sàng của họ cũng như của doanh nghiệp để phát triển và gặt hái thành quả trong thời 4.0 là gần gấp đôi.

Vào năm 2018, gần 50% các tổ chức được dẫn dắt bởi những lãnh đạo như trên đều sở hữu tăng trưởng doanh thu thường niên từ 5% trở lên, trong khi chỉ 25% các tổ chức khác có được kết quả tương tự.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo Deloitte, nhiều nhà lãnh đạo hiện vẫn đang tập trung sử dụng công nghệ để giữ vững vị thế của mình trên thị trường hơn là mạnh dạn đầu tư cho đổi mới sáng tạo để tạo đột phá. Dẫu vậy, ngày càng nhiều lãnh đạo cấp cao nhìn thấy lợi ích mang lại từ các khoản đầu tư phát triển công nghệ để tạo đột phá.

Những nhà lãnh đạo này hiểu rằng, đầu tư cho đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Đồng thời, tư duy thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ sẽ mang đến lợi thế cho tổ chức trước những biến số luôn thay đổi với tốc độ nhanh chóng trong thời 4.0.

Biết khai phá, phát triển tài năng của nhân viên.

Theo nghiên cứu, sự thiếu thốn các kỹ năng cần thiết để thích ứng với CMCN 4.0 ở nhân viên mới ngày càng trở nên rõ ràng hơn với các nhà lãnh đạo.

Và, đa phần những cá nhân được Deloitte khảo sát đều khẳng định, tổ chức của họ sẽ nỗ lực để đào tạo nhân viên hiện có hơn là tìm kiếm các ứng viên mới.

Do đó, năng lực khai phá và phát triển tài năng của nhân viên là một yếu tố quan trọng đối với những nhà lãnh đạo muốn thành công trong tương lai.

Để có thể xây dựng nên một đội ngũ nhân sự thích ứng tốt với môi trường làm việc và những thay đổi mà CMCN 4.0 mang lại, thì nhà lãnh đạo – chứ không ai khác – phải là người đầu tư hoặc đào tạo và giúp đội ngũ của mình sẵn sàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nghệ thuật thời đại số 4.0

Rác thông tin bất tử do chữ viết tạo ra có thể làm xói mòn trí tuệ của con người, khiến con người ngày càng chìm ngập trong chi tiết mà lãng quên câu chuyện…

Vì sao ngày nay nhiều bạn trẻ chỉ ưa thích truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình mà không mặn mà với những tác phẩm kinh điển có giá trị tư tưởng sâu sắc?

Vì sao những bài hát thị trường với giai điệu dễ dãi và ca từ hời hợt na ná giống nhau lại được hàng triệu người hào hứng đón nhận trong khi những tác phẩm có nhiều đóng góp về nghệ thuật lại bị lãng quên? Tại sao con người ngày càng đánh mất niềm vui thưởng thức nghệ thuật độc đáo và triết học sâu sắc?

Tác động của “rác thông tin bất tử”

Câu trả lời nằm ở một xu hướng tràn ngập của rác thông tin mà chúng tôi đã từng bàn trên Diễn đàn doanh nghiệp. Nói vắn tắt, rác là một sản phẩm hoàn toàn nhân tạo. Trong tự nhiên ngự trị một sự hài hòa tuyệt đối, các loài sống dựa vào nhau, loài này chuẩn bị thức ăn cho loài khác và cái chết là sự khởi đầu cho sự sống.

Rác xuất hiện khi con người xuất hiện. Thoạt đầu, chỉ có rác vật thể, có nguồn gốc tự nhiên và có khả năng phân hủy: đó là rác khả tử. Về sau, con người sản xuất ra ngày càng nhiều loại rác khó bị phân hủy. Đó là rác bất tử. Bên cạnh các loại rác vật thể, còn có rác phi vật thể.

Nhưng trước hết, cần nhắc lại, bản chất của trí tuệ con người là năng lực hình thành những mối quan hệ trừu tượng liên kết các sự kiện rời rạc. Những mối liên hệ trừu tượng ấy là cái chúng ta vẫn gọi là logic, câu chuyện, hay kiến thức.

Những câu chuyện về quá trình lao động và kiếm sống là kiến thức chuyên ngành. Những câu chuyện về sự hình thành và vận động của vũ trụ là tôn giáo và khoa học.

Những câu chuyện về quá khứ là lịch sử. Những câu chuyện về cách cảm nhận thế giới là nghệ thuật. Và có những câu chuyện rất lớn, những câu chuyện mà các nhà triết học hậu hiện đại gọi là đại tự sự, điều chỉnh mọi suy nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta, liên kết chúng ta thành cộng đồng.

Thuở bình minh của lịch sử nhân loại, các câu chuyện được truyền miệng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Khi đó, chỉ có bản thân câu chuyện, tức là những mối liên hệ thiết yếu, và một số ít những chi tiết quan trọng, mới được giữ lại, còn những gì ít quan trọng sẽ bị rơi rụng đi.

Một bước ngoặt diễn ra khi con người chế ra chữ viết. Chữ viết giúp con người ghi lại không chỉ câu chuyện, mà cả những thông tin, chi tiết không quan trọng, cái trở thành một loại rác phi vật thể tồn tại lâu dài, thậm chí là bất tử.

Rác thông tin bất tử do chữ viết tạo ra có thể làm xói mòn trí tuệ của con người, khiến con người ngày càng chìm ngập trong chi tiết mà lãng quên câu chuyện – đó là điều Socrates đã cảnh báo từ hơn hai ngàn năm về trước.

Sự phát minh ra máy in là bước ngoặt thứ hai. Ngành xuất bản và sách khiến lượng rác phi vật thể bất tử tăng đột biến. Sách tạo lưu giữ lại vô số rác thông tin. Tuy nhiên, trước đây, do chi phí sản xuất giấy và in ấn tương đối đắt đỏ, lượng rác thông tin bất tử vẫn còn ít nhiều hạn chế và chủ yếu nằm trong các thư viện.

Công nghệ số làm bùng nổ rác thông tin. Lượng thông tin mà nhân loại tạo ra trong hai năm gần đây vượt quá toàn bộ lượng thông tin mà toàn nhân loại đã tạo ra từ buổi bình minh của lịch sử.

Ngày nay, rác thông tin có thể được nhân bản vô hạn, với tốc độ ánh sáng và giá thành gần như bằng không. Không còn sự khác biệt giữa bản gốc và bản sao.

Ngày nay, không chỉ có các cơ quan truyền thông, mà hầu như tất cả mọi người đều tham gia vào việc tạo ra thông tin bằng cách chụp ảnh, viết tin nhắn, lời bình, làm video- clip, tự thu thanh, làm phim ngắn… Tất cả đều có thể được chia sẻ cho hàng ngàn, hàng triệu người. Tuyệt đại đa số các thông tin ấy đều trở thành rác, được lưu lại gần như vĩnh viễn.

Sự sâu sắc thất thế

Các công nghệ hiện đại làm thay đổi sâu sắc cách thức chúng ta sáng tác, biểu diễn và cảm thụ nghệ thuật. Đầu tiên, nghệ thuật biểu diễn mất đi tính trực tiếp và duy nhất cũng như những hạn chế về không gian và thời gian. Các chương trình biểu diễn có thể được lưu giữ, sao chép và truyền đi xa cho một số lượng khán giả không giới hạn. Vai trò của nghệ sĩ và người cảm thụ cũng thay đổi.

Ngày xưa, người cảm thụ tiếp nhận một tác phẩm theo cách hoàn toàn thụ động từ các phương tiện truyền thông đại chúng (Broadcasting). Khi đó, người phát thông tin làm chủ cuộc chơi. Công nghệ số ra đời, cho phép người cảm thụ tham gia vào quá trình sáng tác và biểu diễn, tương tác.

Ví dụ điển hình là phim Tantale, một phim tương tác của Gilles Porte. Nội dung phim là câu chuyện giả tưởng về việc nước Pháp chạy đua để đăng cai Thế vận hội. Trong quá trình vận động, một vấn đề được đặt ra là có nên hối lộ hay không. Những nhà làm phim đã dành cho khán giả quyền lựa chọn, và qua đó quyết định diễn tiến tiếp theo của cốt chuyện.

Sau nhiều lần rẽ nhánh như vậy, chúng ta đã có 25 kịch bản với 5 kết thúc khác nhau. Như vậy, người xem phim trở thành đồng tác giả, trực tiếp tham gia vào quá trình cấu tạo nên cốt truyện và cũng qua đó thể hiện chính mình. Không những thế, trí tuệ nhân tạo còn có tham vọng thay thế tác giả. Năm 2018, cuốn tiểu thuyết đầu tiên do Trí tuệ nhân tạo sáng tác nhan đề “1 the Road” được xuất bản.

Phương tiện truyền thông mới còn thay đổi hình thức thể hiện của nghệ thuật. Trong điện ảnh, chúng ta từng chứng kiến sự thay thế phim câm bằng phim có tiếng động, phim đen trắng bằng phim màu, và màn ảnh hẹp bằng màn ảnh rộng. Với sự ra đời của smart phone, màn ảnh dọc bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến.

Smart phone biến điện ảnh từ một loại hình nghệ thuật chỉ dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp thành loại hình nghệ thuật phổ biến.

Làm phim ngắn bằng smart phone đang trở thành một xu hướng xã hội, cho phép hàng triệu người không chuyên biểu đạt quan điểm cá nhân và tương tác với thế giới. Những phim ngắn như vậy có thể tiếp cận đến một số lượng khán/ thính giả đông đảo không kém gì những tác phẩm chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên một cuộc thi sáng tác phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc dùng smart phone đã được Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Hiệp hội Prenez du Relief (CH Pháp) tổ chức. Tác phẩm “Trôi” của Lê Đình Tuyển và Võ Huy Thăng sau đó lại đoạt giải thưởng lớn tại Pháp. Cuộc thi lần thứ II (2020) vẫn đang tiếp tục nhận bài.

Công nghệ số cũng làm thay đổi cách chúng ta làm ra các sản phẩm nghe nhìn. Trước kia, trong studio, ca sĩ phải hát cùng dàn nhạc phải trọn vẹn tác phẩm từ đầu tới cuối bài để thu âm.

Công nghệ số cho phép thu âm phần đệm, hay thậm chí các nhạc cụ rời rạc trước, rồi ca sĩ hát trên nền nhạc. Vì vậy, một số ca sĩ có thói quen đến phòng thu mới tập, sau đó hát từng đoạn rồi ghép vào nhau. Công nghệ số thậm chí giúp họ chỉnh sửa âm thanh khi cần thiết.

Mặc dù vậy, điều đáng quan tâm nhất, theo chúng tôi, là người cảm thụ ngày nay đang mất đi tình yêu với câu chuyện, cũng tức là mất đi tình yêu với những gì sâu sắc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo enternews