Khi Agile Marketing hay tiếp thị nhanh tiếp tục là chủ đề được nhiều người làm marketing quan tâm, đâu là những kỹ năng chính mà các nhà lãnh đạo Agile Marketing cần có.
Từ tập trung đến các kết quả đầu ra (Outcome-driven), khiêm tốn, tập trung vào yếu tố con người đến đào tạo nhân viên là những kỹ năng lãnh đạo chính của các nhà tiếp thị khi áp dụng chiến lược Agile Marketing.
Agile Marketing là gì?
Theo Mckinsey, “Agile Marketing là việc sử dụng và phân tích dữ liệu để liên tục cung cấp các cơ hội đầy hứa hẹn hoặc giải pháp tới một vấn đề nào đó một cách tức thời (Real-time).
Khi áp dụng Agile Marketing, các thành viên trong đội nhóm marketing sẽ triển khai các thử nghiệm, đánh giá kết quả và lặp lại quy trình một cách thường xuyên và nhanh chóng”.
7 kỹ năng lãnh đạo chính khi áp dụng chiến lược Agile Marketing.
Khiêm tốn.
Như bản chất của yếu tố Agile (nhanh nhẹn, linh hoạt, tức thời…) trong thuật ngữ Agile Marketing, khi các nhà lãnh đạo áp dụng chiến lược tiếp thị nhanh tức là họ hiểu rằng mọi thứ xung quanh họ như khách hàng, công nghệ, đối thủ đang thay đổi nhanh chóng.
Trong bối cảnh này, một nhà lãnh đạo tiếp thị thành công là người thay vì đặt bản thân họ ở vị trí trung tâm, họ chọn cách thừa nhận vai trò của các thành viên khác trong đội nhóm, thừa nhận họ không thể biết hết tất cả mọi thứ và để thành công, họ cần đoàn kết lại với nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung.
Hướng đến kết quả.
Các nhà lãnh đạo hướng đến kết quả tập trung vào việc phân tích các kết quả liên quan đến các mục tiêu kinh doanh đã xác định, thay vì là năng suất cá nhân, hay các chỉ số không liên quan khác.
Để trở thành một nhà lãnh đạo dựa trên kết quả hay định hướng bởi kết quả, bạn cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng đồng thời tin tưởng rằng các thành viên trong đội nhóm có thể hoàn thành chúng.
Thay vì bạn nói với các thành viên khác rằng “Chúng ta cần một kết quả tốt hơn”, bạn nên nói, “Chúng ta cần thêm 1000 khách hàng tiềm năng đủ điều kiện mới.”
Trong khi với phương thức làm việc theo kiểu cũ, các nhân viên được khuyến khích hoàn thành các mục tiêu cá nhân, với Agile Marketing hay tiếp thị nhanh, tất cả đều cần hướng đến mục tiêu chung.
Bạn cứ thử hình dung như thế này, nếu công việc của bạn là phụ trách về Social Media, việc bạn hoàn thành mục tiêu số lượng các bài đăng hay số lượt người tiếp cận sẽ không có ý nghĩa gì mấy nếu mục tiêu cuối cùng của nhóm là khách hàng và doanh số thất bại.
Linh hoạt.
Các nhà lãnh đạo linh hoạt hiểu rằng khi các yếu tố bên ngoài thay đổi, chiến lược cần thay đổi. Họ cởi mở với những ý tưởng và cách làm việc mới.
Lập kế hoạch cho các hoạt động marketing là cần thiết, nhưng khi mọi thứ đã thay đổi, với tư cách là người dẫn đầu, việc đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường cần được ưu tiên nhiều hơn so với việc theo đuổi các kế hoạch trước đó.
Nếu COVID-19 đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là chúng ta đang sống trong một thế giới mới, mơ hồ hơn, bất định hơn, phức tạp hơn và khó đoán hơn, thứ mà người ta vẫn gọi là VUCA.
Là một nhà lãnh đạo marketing trong bối cảnh mới, bạn hiểu rằng thứ duy nhất sẽ không bao giờ thay đổi đó là các bản kế hoạch sẽ luôn thay đổi. Vì vậy, thay vì cứ mãi bám vào những thứ xưa cũ, hãy quyết định hướng đi mới của bạn, hãy chuẩn bị nhiều phương án hơn để hoàn thành mục tiêu.
Huấn luyện.
Một nhà huấn luyện viên là người sẽ giúp mọi người tự học để trở nên tốt hơn bằng cách đặt câu hỏi thay vì đưa ra sẵn các câu trả lời.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng cách tốt nhất để hướng dẫn người khác là cho họ các câu trả lời cụ thể và chi tiết, sự thật là, nếu chúng ta luôn cho họ các câu trả lời, họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn, “thay vì cho họ con cá hay cho họ cần câu.”
Bằng cách hướng dẫn mọi người có thể giải quyết các vấn đề của riêng họ, bạn sẽ dần nhận được những kết quả tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng có nhiều thời gian cho chính mình hơn thay vì chỉ là đi giải quyết các vấn đề cho họ.
Hợp tác.
Như đã phân tích ban đầu, trong thế giới mới, mọi người cần làm việc với nhau nhiều hơn, cùng phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung thay vì là hoàn thành các mục tiêu cá nhân riêng lẻ.
Khi mọi thứ ngày càng trở nên phức tạp hơn, để giải quyết một vấn đề hay một nhu cầu mới, bạn cần nhiều người hơn cùng tham gia vào quá trình phân tích và xử lý.
Tập trung vào yếu tố con người.
Xây dựng và thúc đẩy các thành viên khác trong đội nhóm là trọng tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo, các nhà lãnh đạo Agile Marketing cũng không phải là ngoại lệ.
Để mọi người có thể nỗ lực và cống hiến nhiều hơn, họ cần cảm thấy được trân trọng nhiều hơn, “có giá trị” nhiều hơn đồng thời có cơ hội học hỏi và phát triển tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, có một sai lầm mà không ít các nhà lãnh đạo mắc phải đó là, thay vì hỗ trợ và nhìn nhận nhân viên, họ tìm cách kiểm soát nhân viên.
Bạn cần hiểu rằng mục tiêu của bạn là để họ làm công việc của chính họ, chứ không phải làm vì bạn hay làm để báo cáo cho các cấp liên quan.
Bạn cần là một Game-changer.
Với Agile Marketing, bạn cần trở thành một người có thể thay đổi cuộc chơi (game-changer).
Để có thể trở nên nhanh nhẹn hơn, thay vì thực hiện các công việc mà nhiều người vẫn làm, bạn phải sẵn sàng thách thức lại những cách suy nghĩ thông thường.
Văn hóa nhanh nhẹn coi trọng việc thử nghiệm và sáng tạo, vì vậy nếu những ý tưởng mới của bạn tỏ ra chưa phù hợp, hãy coi đó là điều bình thường, hãy sẵn sàng loại bỏ chúng, thừa nhận chúng đã sai và bạn cần thử đi theo một hướng mới.
Marketing là một ngành luôn phát triển và thay đổi cùng với các bối cảnh kinh tế và xã hội, và do đó việc trở thành người có thể thay đổi cuộc chơi là điều bắt buộc để bạn có thể tiếp tục ít nhất là tồn tại.
Thế giới đã thay đổi và bạn cũng cần phải thay đổi.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cùng tìm hiểu Agile Marketing là gì, các thành phần của một chiến lược Agile Marketing, các lợi ích mà Agile Marketing lại là gì và hơn thế nữa.
Trong bối cảnh khi các yếu tố như công nghệ, digital marketing, hay thậm chí là hành vi khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, các chiến lược marketing dài hạn và cố định dường như là điểm cản trở lớn đến sự thích ứng và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Khái niệm Agile Marketing ra đời như một phương thức giúp những người làm marketing có thể thích ứng nhanh hơn trong bối cảnh mới này.
Sự khác nhau giữa Agile Marketing và các cách tiếp cận Marketing khác là gì?
Vai trò của Agile Marketing đối với thương hiệu.
Những thành phần cốt lõi của một chiến lược Agile Marketing là gì?
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Agile Marketing hay Tiếp thị nhanh là gì?
Theo Mckinsey, “Agile Marketing là việc sử dụng và phân tích dữ liệu để liên tục cung cấp các cơ hội đầy hứa hẹn hoặc giải pháp tới một vấn đề nào đó một cách tức thời (Real-time).
Khi áp dụng Agile Marketing, các thành viên trong đội nhóm marketing sẽ triển khai các thử nghiệm, đánh giá kết quả và lặp lại quy trình một cách thường xuyên và nhanh chóng”.
Agile Marketing cũng có thể được gọi là tiếp thị nhanh, tiếp thị thích ứng, tiếp thị theo thời gian thực và một số tên gọi khác.
Agile Digital Marketing là gì?
Cũng tương tự như Agile Marketing, Agile Digital Marketing đề cập đến cách cách tiếp cận Agile Marketing trên môi trường kỹ thuật số.
Thay vì bị giới hạn trong các bản kế hoạch năm hoặc nhiều năm, Agile Marketing hay Agile Digital Marketing tập trung các nỗ lực marketing vào việc thử nghiệm và lặp lại.
Những gì mà cách tiếp cận này hướng tới là liên tục thích ứng với mọi sự thay đổi, thay đổi chiến lược sao cho phù hợp với bối cảnh kinh doanh mới và đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều và nhanh nhất có thể.
Sự khác nhau giữa Agile Marketing và các cách tiếp cận Marketing khác là gì?
Trái ngược với một chiến lược marketing được xây dựng và tiếp cận theo một khuôn mẫu nhất định, Agile Marketing dựa vào những thử nghiệm được thực hiện một cách nhất quán và đo lường trong thời gian thực để đánh giá kết quả.
Bởi vì những đặc điểm này, các thành viên thuộc team Marketing phải học cách cân bằng giữa các ưu tiên mang tính cạnh tranh và chạy các chiến dịch đạt hiệu suất cao (high-performing campaigns), đồng thời mang lại kết quả trong thời gian thực.
Tư duy làm việc và thử nghiệm liên tục này là rất cần thiết để quản lý dự án và đánh giá marketing dựa trên kết quả.
Vai trò của Agile Marketing đối với thương hiệu.
Trong khi Agile Marketing được xem là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu, dưới đây là những gì mà Agile Marketing có thể mang lại.
Agile Marketing hay tiếp thị nhanh giúp bạn tối đa hóa ROI và tối ưu hóa các chiến dịch một cách hiệu quả bằng cách sử dụng Insights theo thời gian thực (real-time Insights).
Bạn có thể tối ưu hóa ngân sách Marketing của mình bằng cách tập trung vào nhắm mục tiêu theo đối tượng.
Nhắm mục tiêu theo đối tượng cho phép các thành viên trong Team như Analytics Lead (trưởng nhóm phân tích), Media Lead…có thể xác định cách mà quảng cáo của chiến dịch nên hiển thị và tối ưu.
Quan trọng hơn, nhắm mục tiêu theo đối tượng cho phép bạn loại trừ các đối tượng cụ thể khỏi các chiến dịch của mình để ngăn chặn chi tiêu ngân sách lãng phí cho các nhóm khách hàng có giá trị thấp hoặc không tiềm năng.
Bạn cũng có thể tạo quảng cáo được cá nhân hóa tập trung vào việc gửi đúng thông điệp của từng chiến dịch đến đúng người.
Quảng cáo được cá nhân hóa làm tăng khả năng chuyển đổi mục tiêu của bạn khi mà thông điệp bạn cung cấp “giúp” khách hàng nói lên được sở thích cụ thể của họ.
Cuối cùng, một công cụ phân tích mạnh mẽ là nền tảng để tối ưu hóa hiệu quả các chiến dịch Marketing.
Các công cụ như Google Analytics và Google Analytics 360 cung cấp mô hình phân bổ tùy chỉnh (custom attribution modeling) và cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực về hiệu suất từng chiến dịch, hành trình chuyển đổi khách hàng qua các kênh và hiểu một cách sâu sắc về hành vi của người dùng trên website và ứng dụng của bạn.
Công cụ phân tích cũng hoạt động như nguồn dữ liệu, nơi Team của bạn có thể thấy được các kênh Marketing hoạt động kém hiệu quả để từ đó phân bổ lại ngân sách một cách hiệu quả.
Agile Marketing giúp bạn học, lặp lại và tối đa hóa ROAS (return on advertising Spend) nhanh chóng với thử nghiệm đa biến.
Xác định tổ hợp biến nào hoạt động tốt nhất cho mục tiêu chiến dịch của bạn bằng cách dựa vào công cụ phân tích (Analytics Tools) được kết hợp với các giải pháp Marketing khác như Google Ads, Google Search Console, Merchant Center hoặc CDP của bạn.
Một lợi ích đáng kể của Google Analytics bao gồm tích hợp với các thuộc tính của Google Marketing Platform như Search Ads 360, Display & Video 360 hoặc Trình quản lý chiến dịch, do đó, bạn sẽ có thể đồng bộ hóa tất cả dữ liệu của mình giữa các nền tảng.
Việc tích hợp này giảm thiểu lượng thời gian cần thiết để kết hợp các nguồn dữ liệu khác nhau và tạo ra một bức tranh thống nhất về các mục tiêu và kết quả chiến dịch trên tất cả các kênh của bạn.
Do đó, bạn sẽ có thể xác định các khía cạnh cụ thể của chiến dịch cần cải thiện trong thời gian thực và chỉ định người phù hợp trong Team của bạn để nhanh chóng thay đổi kế hoạch chiến dịch khi cần.
Thay đổi chiến lược một cách nhanh chóng và học các cách mới để tăng ROAS giúp Team của bạn phát hiện xu hướng và phát triển các giả thuyết mạnh (Hypothesis) mẽ hơn về cách thức các loại chiến dịch tương tự có thể thực hiện trên các kênh truyền thông khác nhau.
Do đó, nhóm quản lý chiến dịch nội bộ (internal Team) của bạn học cách kiểm tra các khái niệm thành công từ một chiến dịch trong các chiến dịch tương tự.
Điều này góp phần vào chiến lược Agile Marketing cho các chiến dịch trong tương lai vì Team của bạn có thể dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ để hỗ trợ ra các quyết định nhanh chóng, thay vì lãng phí thời gian để tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho một vấn đề cụ thể trong chiến dịch.
Tính minh bạch trong dữ liệu và khả năng thấy được hiệu suất thực cũng là những gì mà Agile Marketing có thể mang lại.
Công cụ phân tích của bạn cũng hoạt động như một nguồn cấp dữ liệu, nơi Team vận hành chiến dịch của bạn có thể xem xét các kênh Marketing hoạt động kém và phân bổ ngân sách cho các kênh hoạt động hiệu quả.
Ngoài việc đóng góp vào hiệu quả Marketing tổng thể, dữ liệu được minh bạch giúp hỗ trợ bất kỳ sự thay đổi nhanh chóng nào trong chiến lược Marketing.
Các thành viên trong Team của bạn cũng có thể nhanh chóng ủng hộ các ưu tiên cụ thể vì tất cả các khía cạnh của hiệu suất chiến dịch được thể hiện một cách rõ ràng qua dữ liệu.
Agile Marketing khuyến khích Team dựa vào các sự kiện, nơi họ có thể đưa ra quyết định nhanh hơn với ít thời gian lãng phí hơn trong các cuộc tranh luận.
Càng nhanh chóng tuỳ chỉnh hiệu suất hiện tại của chiến dịch, càng có thể sắp xếp hiệu quả hơn các giải pháp để cải thiện chiến dịch.
Agile Marketing thúc đẩy các khả năng làm việc đa chức năng giữa các Team nội bộ của bạn và giúp phá vỡ sự chồng chéo trong tổ chức.
Chồng chéo là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bên liên quan trong các bộ phận Marketing nội bộ.
Chồng chéo trong nhóm quản lý chiến dịch nội bộ của bạn sẽ làm hạn chế khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, đặc biệt là khi các thành viên trong nhóm của bạn cảm thấy cần phải liên tục ủng hộ cho điều mà họ coi trọng nhất trong chiến dịch.
Được kết hợp với các ý thức hệ và cách tiếp cận khác nhau đối với chiến lược của chiến dịch, các thành viên trong nhóm có thể bị mắc kẹt trong một cuộc trò chuyện “không lối thoát”, trong đó mỗi thành viên trong nhóm đấu tranh để “bảo vệ” các quan điểm của họ trong các mục tiêu chiến dịch và chiến lược kinh doanh.
Các thành viên trong Team Agile Marketing biết cách cân bằng các ưu tiên của riêng họ với các ưu tiên chung của chiến dịch, với sự tương tác giữa các bộ phận và thực hiện chiến lược. Mặc dù rất cần thiết để sử dụng đúng người vào đúng vai trò, nhưng điều đó cũng rất quan trọng để phát triển các khả năng đa chức năng trong mỗi thành viên của nhóm.
Do đó, các cá nhân của các Team Marketing có thể đưa ra quyết định sáng suốt, ngay cả khi họ ở ngoài phạm vi chuyên môn thông thường của họ.
Họ có thể học hỏi và phát triển một cách toàn diện kiến thức trong từng lĩnh vực (phân tích dữ liệu, copywrite, sáng tạo, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, v.v.) để nhanh chóng tuỳ chỉnh khi phải đối mặt với nhu cầu thay đổi chiến lược.
Điều này cũng góp phần vào một “chiến lược nhanh” vì các thành viên trong nhóm có thể hợp tác với nhiều thành viên hơn.
Agile Marketing cũng giúp tạo uy tín và xây dựng niềm tin với khách hàng và nhân viên nội bộ.
Một nhóm Agile Marketing thể hiện khả năng nhanh chóng thay đổi các ưu tiên, điều này tạo dựng niềm tin và tăng uy tín với các bộ phận nội bộ và khách hàng khác trong ngắn hạn và dài hạn.
Khách hàng tin tưởng các đối tác của họ đưa ra quyết định hỗ trợ dữ liệu về cách họ chi tiêu ngân sách truyền thông của họ và họ cũng mong muốn các đối tác của họ sẽ tư vấn cho họ khi nào họ nên chuyển trọng tâm.
Các nhóm Agile có thể tóm tắt các mục tiêu, các hạng mục hành động và kết quả nhanh chóng khi tất cả dữ liệu hỗ trợ của họ đến từ một nguồn tích hợp duy nhất.
Khách hàng của bạn và các bộ phận khác đánh giá cao ROI, ROAS và số liệu tỷ lệ chuyển đổi trong tổ chức của bạn. Bên cạnh đó, giảm thời gian phản hồi và khả năng mang lại kết quả tốt hơn, nhanh hơn, là một cách quan trọng để khiến bạn khác biệt với đối thủ.
Điều quan trọng cần nhớ là một trong những khía cạnh thách thức và thú vị nhất của việc trở thành một nhà quảng cáo hay marketer thành công là khả năng thích ứng và phản ứng nhanh với các ưu tiên cạnh tranh từ khách hàng, nhóm quản lý chiến dịch và các bộ phận khác trong tổ chức của bạn.
Những thành phần cốt lõi của một chiến lược Agile Marketing là gì?
Trong khi tiếp thị nhanh hay agile marketing chủ yếu là về văn hóa và con người hơn là các quy trình và công cụ, đôi khi bạn cũng cần một quy trình làm việc thực sự tốt để có thể bắt nhịp được với sự nhanh nhẹn.
Một cách tiếp cận tiếp thị nhanh nhẹn tuyệt vời có thể tạo ra sự khác biệt có tác động cho các đội nhóm. Dưới đây là 6 thành phần của một chiến lược Agile Marketing hay tiếp thị nhanh bạn có thể tham khảo.
1. Mọi người đều phải đóng góp vào chiến lược.
Một chiến lược Agile Marketing tuyệt vời được tạo ra và duy trì bởi tất cả các thành viên trong đội nhóm và cả tổ chức.
Khi các thông tin mới được học hoặc các ý tưởng được tạo ra từ các buổi brainstorm, bạn cần đảm bảo rằng bất kỳ thành viên nào trong nhóm cũng đều có thể đóng góp vào mục tiêu chung.
Với ý tưởng rằng bất kỳ thành viên nào trong nhóm đều có thể thêm vào để hoàn thành các công việc còn tồn đọng, bạn tạo ra một đội nhóm nơi mà mọi người cảm thấy mình đang được coi trọng và đầu tư, mỗi cá nhân đều nên là những người đóng góp có giá trị cho công việc chung của bạn.
Một đội nhóm thành công là đội nhóm mà mọi người đều có quyền được tin cậy để đóng góp ý kiến. Mặc dù nhiệm vụ của từng người là khác nhau, nhưng tất cả họ đều làm việc vì cùng một mục tiêu chung của tổ chức.
2. Nhiệm vụ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Những công việc cần làm trong các chiến lược Agile Marketing nên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Ưu tiên đầu tiên nằm ở đầu danh sách và các ưu tiên tiếp theo nằm ở dưới.
Lợi ích của việc sắp xếp một cách rõ ràng về tính ưu tiên là thể hiện sự minh bạch đối với đội nhóm và các phòng ban hay bên liên quan khác về những gì bạn cần phải hoàn thành.
Cách tốt nhất là bạn nên sắp xếp các ưu tiên theo vai trò, chẳng hạn như người quản lý marketing, người thường xuyên gặp gỡ các bên liên quan để hiểu các ưu tiên kinh doanh.
Ngoài ra, vai trò này cũng cần dành thời gian xem xét hiệu suất của các chiến dịch, thêm, xóa và sắp xếp lại các nhiệm vụ còn tồn đọng.
Việc ưu tiên các nhiệm vụ sẽ trở nên hiệu quả nhất khi bạn nhìn qua lăng kính của khách hàng và giá trị mà các công việc đó mang lại, chứ không phải chỉ là theo mốc thời gian hay đơn giản chỉ là hoàn thành sớm nhiệm vụ.
3. Tối ưu từ các mảnh ghép giá trị nhỏ.
Nhiều đội nhóm gặp khó khăn trong việc tìm hiểu quy mô phù hợp cho các nhiệm vụ liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của họ. Nhiều nhóm mới có tham vọng quá lớn, đưa nhiều mục tiêu lớn lao vào dự án, chiến dịch hoặc đưa ra các sáng kiến lớn.
Mặc dù điều này nghe có thể ổn đặt biệt khi đội nhóm đang ở những ngày đầu của dự án, nhưng cuối cùng các mục tiêu cũng cần phải đạt được từ các đơn vị giá trị nhỏ nhất.
Mặt khác, bạn cũng cần phải hiểu rằng, dù rất cần thiết để bạn tính toán từ những giá trị nhỏ nhất, tuy nhiên, với những nhiệm vụ quá nhỏ và không tạo ra các giá trị rõ ràng thì những điều này vừa làm lãng phí thời gian của bạn vừa không tạo ra bất cứ sự dịch chuyển nào hướng đến các mục tiêu lớn hơn.
Điều bạn cần làm là chọn “những khoảng giữa ngọt ngào”, những nhiệm vụ giúp tạo ra những giá trị không quá lớn nhưng cũng không quá bé.
Bạn cần tự hỏi, điều nhỏ nhất mà đội nhóm của bạn có thể làm để tăng thêm giá trị là gì?
Đó là đăng bài đăng bài và tối ưu lượt tiếp cận trên mạng xã hội.
Kích thước hay quy mô lý tưởng của các mục tiêu và nhiệm vụ sẽ là thứ mà một nhóm agile marketing có thể hoàn thành nhanh chóng – thường là trong vài ngày thậm chí là vài giờ.
4. Thấu hiểu lợi ích của khách hàng.
Một kỹ thuật tuyệt vời để khiến mọi người trong đội nhóm của bạn hiểu được lợi ích của khách hàng là biến các nhiệm vụ marketing của bạn thành các câu chuyện của khách hàng hay câu chuyện của người dùng.
Các câu chuyện của khách hàng giúp đóng khung nhiệm vụ thành những câu đơn giản để trả lời các câu hỏi: Khách hàng của mình là ai? Công việc này mang lại lợi ích gì cho họ?
Định dạng để xây dựng các câu chuyện của khách hàng thường kiểu như:
Với tư cách là {vai trò khách hàng}, tôi muốn {công việc cần thiết} để {lợi ích mà khách hàng có thể nhận được}.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản như:
Là một thành viên của phòng tập thể dục, tôi muốn nhận được điểm tích luỹ mỗi khi tôi ghé tập để từ đó tôi có thêm nhiều động lực hơn.
Câu chuyện của khách hàng ở đây không phải là để cho khách hàng nhìn thấy mà chỉ là để nhóm marketing có được những cuộc thảo luận có ý nghĩa xoay quanh khách hàng.
Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng về ngôn ngữ được sử dụng; điều quan trọng hơn là bạn đang đảm bảo rằng các thành viên không được đi quá xa so với các mục tiêu của họ.
5. Đưa ra những tiêu chí rõ ràng.
Với các nhóm Agile Marketing, cách tốt nhất là tránh đặt ra các giới hạn về khả năng đổi mới của đội nhóm. Tuy nhiên, một vài chú thích rõ ràng về những gì cần thiết cũng có thể thực sự hữu ích.
Bạn có thể sử dụng khái nhiệm “Tiêu chí có thể chấp nhận”, đây là một thuật ngữ dùng để mô tả những gì mà các chủ dự án cần xem xét để “chấp nhận” một câu chuyện nào đó.
Bất kỳ ai trong nhóm đều có thể đóng góp vào các tiêu chí chấp nhận, nhưng vai trò của chủ dự án, quản lý marketing hoặc quản lý sản phẩm…là quan trọng nhất.
Quay lại với ví dụ về phòng tập ở trên, là một thành viên trong phòng tập thể dục, tôi muốn nhận được điểm tích luỹ mỗi khi tôi ghé tập để tôi có thêm nhiều động lực hơn.
Khi này tiêu chí chấp nhận có thể là:
Các ưu đãi chỉ có giá trị đối với hàng hóa mang thương hiệu của công ty.
Không vượt quá 1 triệu.
6. Hiểu rõ về quy mô công việc.
Xác định quy mô công việc là điều quan trọng để hiểu chi phí và lợi ích của việc thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu.
Quy mô công việc cũng là một chỉ số để đo lường những nỗ lực và nếu một câu chuyện quá lớn cần được hoàn thành trong một giai đoạn quá ngắn, nó có thể cần được chia thành các câu chuyện nhỏ hơn để các giá trị có thể sớm nhận được hơn.
Cuối cùng, việc xác định quy mô công việc có thể giúp bạn lập kế hoạch dài hạn và các thành viên cũng hiểu được mức độ công việc mà họ có thể hoàn thành.
Để tránh các dự báo sai lầm và lo lắng về thời gian thực hiện từng nhiệm vụ riêng lẻ, ước tính điểm câu chuyện (story point) là một kỹ thuật tuyệt vời để bạn sử dụng.
Ước tính điểm câu chuyện chỉ đơn giản là so sánh và chấm điểm giữa loại công việc này với loại công việc khác, có tính đến yếu tố nỗ lực, độ phức tạp và sự không chắc chắn.
Nếu bạn quyết định rằng một bài đăng trên mạng xã hội là 1 điểm, trong khi các landing page là 10 điểm chẳng hạn, bạn có thể muốn rằng, bạn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trên các nền tảng mạng xã hội.
Bạn nên phát triển và chấm điểm các câu chuyện sớm nhất có thể, trước khi các nhóm lập kế hoạch công việc của mình để họ có thể nhanh chóng nhận ra khối lượng công việc mà họ cần hoàn thành để đạt được mục tiêu chung.
Kết luận.
Khi các hành vi và nhu cầu của khách hàng thay đổi, thế giới làm marketing nói chung cũng thay đổi tương ứng. Về cơ bản, các chiến lược marketing trong bối cảnh mới đòi hỏi sự nhanh nhẹn nhiều hơn, khả năng thích ứng cao hơn và linh hoạt hơn.
Khi hiểu được bản chất của Agile Marketing là gì cũng như những vai trò của nó trong doanh nghiệp, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Trong số các thuật ngữ ngành marketing hiện đại, ‘tự động hóa’ hay ‘Automation’ là một trong những thuật ngữ thách thức nhất khi nói thì rất dễ nhưng làm thì lại gặp rất nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, với các nhà tiếp thị hiện đại, để có thể tiến lên phía trước, tiếp cận khách hàng và mang lại kết quả trong môi trường kỹ thuật số đang tăng tốc nhanh chóng, tự động hóa là một yêu cầu bắt buộc, bạn phải nhìn nhận nó bằng một cái nhìn nghiêm túc nhất.
Một nghiên cứu của BCG cho thấy: các công ty sử dụng kỹ thuật tự động để phân phối quảng cáo và nội dung có liên quan đến người tiêu dùng đã báo cáo doanh số bán hàng của họ cao hơn tới 20% trong vòng vài tuần.
Hơn thế nữa, các công ty triển khai các chiến dịch marketing automation có sự tham gia của con người có thể giúp tăng doanh số bán hàng thêm 15%.
Kỷ nguyên tiếp theo của marketing automation.
Hãy xem xét chia sẻ sau đây của Ông Thomas Nuss, hiện là CEO của Eprofessional, một Agency nổi tiếng trong việc phát triển các giải pháp tiếp thị nhanh (Agile Marketing), tự động hóa (Marketing Automation) cho các thương hiệu toàn cầu, bao gồm cả Vodafone và L’Oréal.
Chúng tôi đã tiếp tục thử nghiệm và học hỏi, và gần đây, chúng tôi đang thử nghiệm một tính năng tự động hóa mới trong Google Ads với một số khách hàng của mình trước khi ra mắt toàn cầu vào tháng 4.
Hệ thống cung cấp cho các thương hiệu khả năng tự động áp dụng một loạt đề xuất từ trang đề xuất của Google Ads.
Thay vì phê duyệt thủ công các đề xuất này mỗi ngày, hệ thống sẽ tối ưu hóa các chiến dịch ngay khi có cơ hội.
Hiện tại, 17 loại đề xuất đã được áp dụng, giúp các nhà tiếp thị thiếu thời gian chuyển trọng tâm của họ từ tối ưu hóa thủ công sang tư duy tự động hoá chiến lược.
Nhãn hàng L’Oréal Germany đã trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của chúng tôi chọn tham gia vào chương trình thử nghiệm mới này của Google, tự động áp dụng các đề xuất chiến dịch nhất định và loại bỏ các công việc thủ công.
Chúng tôi ngay lập tức nhận thấy kết quả. Chẳng hạn, các agency của chúng tôi đã tiết kiệm được một khoảng thời gian rất đáng kể: 25 giờ vào tháng 3 năm 2021.
Điều này cho phép chúng tôi chuyển đổi trọng tâm của mình để cải thiện việc đo lường mức độ tương tác của khách hàng trên các website của L’Oréal, đây là một dự án chiến lược hơn. Điều này cuối cùng đã dẫn đến kết quả kinh doanh tốt hơn đáng kể.
Dưới đây là những gì chúng tôi đã học được trong vài tháng qua khi chúng tôi kết hợp thêm sự tự động hóa và máy học vào các chiến dịch khác của khách hàng:
Công ty Vodafone: Tăng trưởng lượng chuyển đổi.
Công ty viễn thông đa quốc gia Vodafone đang phải đối mặt với một thách thức quan trọng: Mọi người đã trải qua những bước đầu tiên để đăng ký gói đăng ký, tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao người dùng đã không hoàn thành quy trình yêu cầu đến bước cuối cùng.
Cả hai nhóm của Eprofessional và Vodafone đều tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng dữ liệu phân bổ và hành trình khách hàng bên thứ nhất của Vodafone để hiểu toàn bộ hành trình của từng người dùng.
Sau đó, chúng tôi đưa dữ liệu đó vào các chiến lược đặt giá thầu tự động (automated bidding).
Vodafone đã thay đổi chiến lược tối ưu hóa của mình trong Google Ads để tập trung vào doanh thu ròng, cung cấp nhiều ngân sách hơn cho các từ khóa tạo ra người đăng ký có trả phí trong khi giảm ngân sách cho các từ khóa có ít chuyển đổi hơn.
Và Kết quả thật ấn tượng: Vodafone đã tăng thêm 32% lượng người đăng ký mới và giảm đáng kể lượng đăng ký nhưng không chuyển đổi thành khách hàng có trả phí.
Bà Jasmin Lehmann, Trưởng bộ phận tìm kiếm của Vodafone cho biết:
“Việc sử dụng tự động hóa đã mở ra khả năng tăng lượng đăng ký và tăng doanh thu tổng thể. Điều này đã cho phép chúng tôi chuyển nguồn lực nhiều hơn sang các dự án chiến lược và mang đậm tính đổi mới hơn”.
Công ty Hapag-Lloyd: Điều hướng nhu cầu.
Chúng tôi đã giúp thiết lập và thử nghiệm 67 chiến dịch tìm kiếm ở 67 quốc gia cho công ty vận tải container và vận tải biển hàng đầu này.
Mục tiêu chính của chúng tôi là tìm kiếm khách hàng có liên quan trên khắp thế giới, với các chiến dịch chạy trên các múi giờ, ngôn ngữ và nhóm mục tiêu khác nhau.
Đặt giá thầu tự động đã giúp chúng tôi xử lý mọi tín hiệu liên quan – điều bạn không thể đạt được theo cách thủ công – và phân bổ ngân sách cho phù hợp.
Đầu tiên, chúng tôi áp dụng một chiến lược đơn giản là thúc đẩy càng nhiều lượt nhấp chuột vào website của Hapag-Lloyd càng tốt, sau đó tinh chỉnh cách tiếp cận của mình bằng cách chuyển sang mô hình đấu giá trên mỗi chuyển đổi (CPA). Số lượt chuyển đổi tăng 63% và CPA giảm 14% trong vòng sáu tháng.
Chiến lược này hiện đã được triển khai cho nhiều quốc gia khác nhau.
Ông Jenny Gruner, Giám đốc Digital Marketing toàn cầu của Hapag-Lloyd cho biết: “Chúng tôi sẽ không thể quản lý các chiến dịch trên các múi giờ, ngôn ngữ và nhóm mục tiêu theo cách thủ công ở 144 quốc gia. Tự động hóa cho phép chúng tôi làm điều đó – và phân bổ ngân sách phù hợp.”
Dưới đây là 04 cân nhắc chính mà bạn có thể sử dụng cho các chiến lược tự động hoá tiềm năng của doanh nghiệp bạn:
1. Dữ liệu của bên thứ nhất là ưu tiên hàng đầu.
Cung cấp dữ liệu bên thứ nhất độc quyền của riêng bạn vào hệ thống tự động của bạn thay vì chỉ dựa vào dữ liệu của bên thứ ba.
Dữ liệu của bên thứ nhất (doanh nghiệp của bạn) cung cấp những thông tin chi tiết rõ ràng, độc đáo về khách hàng của bạn mà không ai khác có thể có nó.
Nó cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp của bạn trong tương lai khi dữ liệu (cookies) của bên thứ ba không còn đáp ứng được yêu cầu về sự bảo mật.
2. Đo lường càng chi tiết, hiệu quả càng tốt hơn.
Sau khi hệ thống tự động của bạn được cung cấp đúng dữ liệu của bên thứ nhất, hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng các kỹ thuật đo lường phù hợp để hiểu đầy đủ các chiến dịch cũng như cách website của bạn đang hoạt động như thế nào.
Điều này có thể bao gồm việc triển khai các kỹ thuật phân bổ nâng cao (attribution) để có được một bức tranh rõ ràng hơn về các kênh đang thúc đẩy hiệu quả.
Từ đó nó cho phép bạn liên tục tối ưu hóa và chuyển hướng nguồn lực của mình đến các kênh hoạt động tốt nhất.
3. Hãy có ý thức về ngân sách của bạn.
Trong Google Ads, trang đề xuất thường nêu bật các cơ hội tăng ngân sách cho một chiến dịch cũng như cắt giảm ngân sách trong một số phạm vi khác.
Hãy sẵn sàng để tìm kiếm các cơ hội mới này và không giới hạn tiềm năng bằng các quy tắc ngân sách cứng nhắc.
4. Chuyển trọng tâm sang chiến lược.
Chuyển hướng nguồn nhân lực được giải phóng nhờ việc áp dụng sự tự động hóa sang việc tạo ra những ý tưởng mới, sáng tạo và theo đuổi các cơ hội chiến lược hơn.
Đây cũng chính là nơi sức mạnh não bộ của con người chúng ta thể hiện tốt nhất.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Ngay cả trước khi đại dịch khiến các nhà làm marketing phải tập trung nỗ lực vào digital thì việc chuyển đổi số (digital transformation) cũng đang là một xu hướng tất yếu. Trên thực tế, người tiêu dùng trung bình hiện nhìn thấy nhiều quảng cáo hơn ở mức đáng kể so với 40 năm trước đây.
Trong những thời điểm khá bất ổn, các doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh và thích nghi sẽ có lợi thế hơn so với những doanh nghiệp ‘thừa nhận’ nó. Trong môi trường ngày nay, điều này có nghĩa là các chiến lược – hoặc thậm chí các chiến dịch đã được lên kế hoạch trước đây – có thể phải được thay đổi hoặc gác lại.
Sau đây là 3 điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giải quyết những thách thức cốt lõi mà doanh nghiệp của bạn đang phải đối mặt ngay bây giờ.
1. Hãy giúp đỡ: Đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng mới
Khi đối măt với sự bất ổn, người tiêu dùng thường tìm đến các thương hiệu để mang lại cho họ ‘cảm giác bình thường’; họ muốn được hỗ trợ để tiến về phía trước bằng sự đảm bảo. Trên thực tế, 77% người tiêu dùng cho rằng các thương hiệu nên nói về việc họ hữu ích như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng.
Mặc dù không phải thương hiệu nào cũng có thể cung cấp các giải pháp tại nhà, nhưng điều này vẫn rất quan trọng để họ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, bước đầu tiên là có được sự hiểu biết toàn diện về khách hàng của bạn. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng khảo sát hoặc tạo dữ liệu từ phân tích khách hàng của bạn.
Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ phát hiện ra động cơ của khách hàng của bạn nếu bạn có thể chỉ ra những gì ảnh hưởng đến hành vi của họ, một bản kế hoạch hành động sẽ tuân theo điều này một cách tự nhiên nhất.
Nắm bắt được những gì khách hàng của bạn cần sẽ cải thiện đáng kể chất lượng của các chiến dịch quảng cáo và cuối cùng là việc bán hàng. Các tổ chức sử dụng hiểu biết hành vi của khách hàng vượt trội hơn so với các đối thủ của họ có thể tăng 85% tốc độ tăng trưởng doanh số và 25% lợi nhuận gộp.
2. Hãy cá nhân hoá: Cung cấp các thông điệp có ý nghĩa hơn
Bốn trong năm người tiêu dùng có nhiều khả năng mua hàng hơn khi các thương hiệu cung cấp được trải nghiệm cá nhân hóa. Với hàng tỷ tìm kiếm xảy ra trên Google mỗi ngày, mỗi người trong số họ có một động lực và bối cảnh khác nhau, điều này thực sự quan trọng đối với các thương hiệu trong việc cung cấp những giải pháp cá nhân hoá theo quy mô.
Theo nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy các nhà marketer tin rằng dữ liệu của bên thứ nhất (first-party) rất quan trọng trong việc tìm hiểu hành vi, phân khúc và xu hướng của người tiêu dùng.
Nó cho phép bạn gửi các thông điệp phù hợp hơn, có ý nghĩa hơn và để đo lường hiệu quả tại nhiều điểm tiếp xúc (touchpoint) hơn trong suốt hành trình mua hàng của khách hàng (customer journey).
Với sự thay đổi nhanh chóng từ thị trường, bất kỳ sự cá nhân hóa nào bạn cung cấp cũng phải được phản ánh được những bối cảnh hiện tại.
Máy học và tự động hóa (Machine learning and automation) sẽ giúp bạn tự động tiếp cận thêm đối tượng và tinh chỉnh thông điệp, điều này có thể mang lại nhiều hơn 30% chuyển đổi so với cùng một mức đầu tư ban đầu (ROI).
3. Hãy sáng tạo: Thực hiện một cách tiếp cận đầy mới mẻ đến hoạt động marketing của bạn.
Với các chiến dịch hiện có, các nhà làm marketing phải khám phá những cách sáng tạo mới. Nó không còn chỉ là về nội dung mà bối cảnh cũng không kém phần quan trọng.
Nơi mà một hình ảnh của một khách hàng và chủ doanh nghiệp là một tiêu chuẩn (norm) để thể hiện sự tin tưởng.
Nếu các yếu tố sáng tạo hiện tại của bạn không còn phù hợp, bạn có một cơ hội duy nhất để thử điều gì đó mới mẻ và trở nên linh hoạt hơn trong cách tiếp cận của mình.
Chẳng hạn, thời gian xem YouTube đã tăng lên ở khắp châu Âu, và giờ đây có thể là thời điểm tốt nhất để bạn sáng tạo nội dung video của riêng mình.
75% sức ảnh hưởng của quảng cáo được xác định bởi chất lượng của sự sáng tạo. Do đó, việc khám phá những nỗ lực mới cũng nên được chú trọng ở các cửa hàng trực tuyến, chiến dịch kỹ thuật số (digital marketing campaigns) và cả trải nghiệm người dùng của bạn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link