Skip to main content

Thẻ: Apple Store

Trung Quốc có thể xoá Facebook, X hay Instagram khỏi App Store trên iPhone

Các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, X (Twitter cũ), Instagram… có thể bị xóa khỏi App Store trên iPhone tại Trung Quốc.

Trung Quốc có thể xoá Facebook, X hay Instagram khỏi App Store trên iPhone
Trung Quốc có thể xoá Facebook, X hay Instagram khỏi App Store trên iPhone

Theo WSJ, Trung Quốc đã gửi yêu cầu cho Apple về việc phải tuân thủ các quy định về quản lý ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài trên gian phần mềm App Store (dành cho iOS, iPadOS).

Từ nhiều năm qua, quốc gia đông dân nhất thế giới luôn siết chặt bộ lọc nội dung trên internet để ngăn người dùng trong nước truy cập vào một số trang web và ứng dụng của nước ngoài.

Để sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, X, YouTube, WhatsApp hay dịch vụ Google, người kết nối internet nội địa Trung Quốc buộc phải dùng VPN (mạng ảo cá nhân).

Thống kê của công ty nghiên cứu Sensor Tower cho thấy trong khoảng 10 năm trở lại đây, có hơn 170 triệu lượt tải phần mềm mạng xã hội/nhắn tin nêu trên chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Trong đó, Instagram có gần 54 triệu lượt kể từ năm 2012, Facebook là 37 triệu, YouTube 34 triệu, X là 33 triệu và xếp cuối với 13 triệu lượt tải là WhatsApp.

Với những quy định mới, tường lửa – công cụ ngăn truy cập với website, dịch vụ bị cấm của Trung Quốc sẽ được “trám” các lỗ hổng đang bị lợi dụng lâu nay.

Cụ thể, Apple không thể cung cấp dịch vụ từ nước ngoài nếu ứng dụng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý. Nhưng việc đăng ký cũng không hề dễ dàng, theo đánh giá của giới chuyên gia, bởi liên quan đến vấn đề chuyển giao, kiểm duyệt dữ liệu. Nếu không muốn bị phạt, Apple buộc phải xóa ứng dụng khỏi App Store.

Quy định mới áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, nhưng “táo khuyết” chịu ảnh hưởng lớn bởi có khoảng 1.000 phần mềm chưa được đăng ký. Cùng lúc, 2 doanh nghiệp nội địa là Huawei và Xiaomi đã cập nhật quy tắc, đồng thời kêu gọi nhà phát triển phần mềm hoàn tất việc đăng ký.

Nếu không thể đăng ký, Apple sẽ phải xóa rất nhiều ứng dụng trên kho phần mềm, một dịch vụ đang góp phần không nhỏ vào các chỉ số kinh doanh của hãng ở Trung Quốc.

Để hoạt động thuận lợi tại đây, Apple đã nhượng bộ không ít. Năm 2020, công ty Mỹ từng xóa hàng nghìn ứng dụng liên quan đến trò chơi điện tử.

Do đó, chuyên gia công nghệ Trung Quốc cho rằng Apple sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định mới và trong tương lai, phần mềm của nhà phát triển nội địa sẽ chiếm ưu thế lớn tại App Store ở đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Apple gỡ hơn 8.000 ứng dụng từ Việt Nam khỏi App Store

Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ứng dụng bị Apple gỡ nhiều nhất thế giới vì gian lận hoặc mang đến trải nghiệm kém.

Apple gỡ hơn 8.000 ứng dụng từ Việt Nam khỏi Apple Store
Apple gỡ hơn 8.000 ứng dụng từ Việt Nam khỏi Apple Store

Apple lần đầu công bố Báo cáo minh bạch của App Store, cho thấy nhiều thông tin về hoạt động của kho ứng dụng này trong năm 2022.

Một trong những thông tin được đề cập nhiều nhất là việc gỡ bỏ ứng dụng vi phạm quy định nền tảng hoặc do chính phủ các nước yêu cầu.

Theo đó, kho ứng dụng của Apple có khoảng 1,78 triệu ứng dụng và trong năm qua có 186.195 ứng dụng bị gỡ, phần lớn thuộc loại Trò chơi (38.883 ứng dụng) và Công cụ tiện ích (20.045 ứng dụng).

Việt Nam có 8.462 app bị xóa vì những lý do khác nhau, trong đó nhiều nhất là vi phạm nguyên tắc thiết kế với 4.657 ứng dụng, đứng thứ sáu thế giới; còn lý do gian lận là 3.626, đứng thứ hai thế giới.

Theo hướng dẫn của Apple, lỗi thiết kế là ứng dụng đã lỗi thời hoặc mang đến trải nghiệm người dùng kém hơn so với hãng mong đợi. Ví dụ, khi người dùng truy cập, ứng dụng chuyển hướng họ sang một trang web trước khi khởi chạy.

Vi phạm gian lận là việc các ứng dụng mắc một số vi phạm như tạo các đánh giá gian lận về đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc tạo các nội dung sai sự thật nhằm dụ người dùng cài đặt.

Ngoài ra, những lý do khác được hãng đề cập là vi phạm quy tắc ứng xử của nhà phát triển, gian lận nhiều lần, thiết kế sao chép ứng dụng khác, tạo ứng dụng spam, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tin giả…

Báo cáo minh bạch của Apple cũng thể hiện Việt Nam nằm trong top 10 nước về số nhà phát triển khiếu nại sau khi bị gỡ ứng dụng, với 416 lượt. 11 ứng dụng đã được đưa trở lại App Store sau khi Apple xem xét.

Thị trường có số ứng dụng bị gỡ khỏi App Store cao nhất là Trung Quốc với hơn 41 nghìn, Mỹ hơn 32 nghìn, Ấn Độ hơn 10 nghìn.

Trung Quốc cũng là nước có số ứng dụng bị xóa nhiều nhất liên quan đến gian lận và quy tắc ứng xử của nhà phát triển, trong khi Mỹ đứng đầu về vi phạm trong thiết kế và spam.

Công bố của Apple xuất phát từ vụ kiện năm 2019, khi các nhà phát triển cáo buộc Apple lấy hoa hồng 30% từ quá lớn, dẫn đến việc họ không còn lợi nhuận.

Vụ kiện được dàn xếp vào năm 2021, với kết quả Apple phải chi 100 triệu USD để hỗ trợ nhà phát triển nhỏ, đồng thời cung cấp thống kê liên quan đến kho ứng dụng của hãng.

App Store có gần 37 triệu nhà phát triển đăng ký. Mỗi tuần, kho ứng dụng có hơn 656 triệu người truy cập, với 747 triệu lượt tải. Hãng cũng khóa 282 triệu tài khoản người dùng, ngăn chặn 2,2 tỷ USD giao dịch gian lận từ trên nền tảng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

CEO Epic Games muốn xóa sổ App Store và Google Play

Để giải quyết tình trạng độc quyền nền tảng, CEO Epic Games kêu gọi tạo ra kho ứng dụng thống nhất cho mọi hệ điều hành.

CEO Epic Games muốn xóa sổ App Store và Google Play
Source: Bloomberg

Tim Sweeney, CEO Epic Games tiếp tục chỉ trích Apple và Google do các chính sách độc quyền trên iOS và Android. Để giải quyết vấn đề này, ông kêu gọi tạo ra kho ứng dụng thống nhất cho tất cả hệ điều hành.

“Những gì thế giới cần bây giờ là cửa hàng duy nhất hoạt động với mọi nền tảng. Hiện tại, quyền sở hữu phần mềm bị phân mảnh với iOS App Store, Google Play Store, các kho ứng dụng trên Xbox, PlayStation, Nintendo Switch, sau đó đến Microsoft Store và Mac App Store”, Sweeney chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Ngày 16/11, Sweeney có mặt ở Seoul (Hàn Quốc) để tham dự Hội nghị Toàn cầu về Cân bằng Hệ sinh thái Ứng dụng Di động. Tại đây, ông đã công khai phản đối chính sách độc quyền trên kho ứng dụng của iOS và Android.

“Apple đẩy hàng tỷ người dùng vào một kho ứng dụng và quy trình thanh toán. Apple đang tuân theo các chính sách của nước ngoài liên quan đến quyền riêng tư người dùng, tuy nhiên lại phớt lờ đạo luật do Hàn Quốc thông qua”, Sweeney cho biết.

Vào tháng 8, Hàn Quốc là nước đầu tiên thông qua luật cấm độc quyền thanh toán trên di động. Theo quy định mới, các công ty như Apple, Google phải mở cửa cho hệ thống thanh toán bên thứ ba thay vì buộc nhà phát triển sử dụng quy trình thanh toán độc quyền.

Google cũng bị CEO Epic Games chỉ trích do cắt phí các giao dịch không do công ty xử lý. Dan Jackson, phát ngôn viên Google cho biết chiết khấu trên Play Store không chỉ để xử lý giao dịch.

“Đó là cách chúng tôi cung cấp Android và Google Play miễn phí, đầu tư vào kênh phân phối, phát triển dịch vụ bảo mật cho lập trình viên, người dùng tại Hàn Quốc và trên thế giới”, Jackson khẳng định.

Tại Hàn Quốc, Sweeney bày tỏ quan điểm ủng hộ đất nước châu Á trong cuộc chiến chống lại hành vi độc quyền. “Tôi rất tự hào khi cùng các bạn đứng lên chống lại điều này. Tôi tự hào khi đứng cùng các bạn và nói rằng tôi là người Hàn Quốc”, CEO Epic Games cho biết.

Epic Games đã đệ đơn kiện Apple, Google vào năm 2020 sau khi Fortnite bị gỡ khỏi App Store và Play Store do áp dụng hệ thống thanh toán riêng, cập nhật mà không qua kiểm duyệt. Hãng game này chỉ trích chiết khấu 30% mà Apple, Google áp dụng cho nhà phát triển là quá cao.

Apple và Google nói rằng mức chiết khấu giúp tăng cường bảo mật cho người dùng và lập trình viên. Dù vậy, Sweeney vẫn chỉ trích sự độc quyền về hệ thống thanh toán trong các nền tảng.

“Có một thị trường cho các cửa hàng, thị trường cho thanh toán và nhiều thị trường liên quan. Điều quan trọng là quy định chống độc quyền không cho phép kẻ thống trị một thị trường sử dụng quyền lực để áp đặt lên các thị trường không liên quan”, Sweeney cho biết

Trong hồ sơ được nộp gần đây, Epic Games cáo buộc Google còn thành lập “Lực lượng đặc nhiệm Fortnite” từ năm 2018 khi Fortnite cho phép tải game từ Samsung Galaxy Store hoặc website mà không thông qua Google Play.

Epic Games cho rằng đội ngũ này họp hàng ngày, thậm chí gửi thông tin về lỗi trong game cho giới báo chí sau 9 ngày phát hiện, trong khi quy định phải là 90 ngày.

Phúc Thịnh | Theo Bloomberg.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link