Skip to main content

Thẻ: BlackBerry

Những bài học về chiến lược Marketing của Blackberry trước khi sụp đổ

Vào quý I năm 2009, thị phần của RIM (BlackBerry) vẫn chiếm 20,1% toàn cầu, củng cố vững chắc vị thế tiên phong của hãng trong lĩnh vực điện thoại di động, với thiết bị mang tính biểu tượng – BlackBerry. Mặc dù cuối cùng cũng thất bại, Blackberry để lại nhiều bài học Marketing đáng học hỏi.

Những bài học về chiến lược Marketing của Blackberry trước khi sụp đổ
Những bài học về chiến lược Marketing của Blackberry trước khi sụp đổ

Công ty Canada thể hiện rõ triết lý bán hàng và Marketing nhằm vào phân khúc doanh nhân và giới tài chính – một thiết bị tinh vi nhưng thực dụng và dễ dùng mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng.

Năm 1999, RIM ra mắt mẫu điện thoại đầu tiên với mã hiệu 850. Sản phẩm này có những tính năng chưa từng xuất hiện trên thị trường lúc bấy giờ: bàn phím vật lý QWERTY và điều hướng bằng con lăn (thumb-wheel). Một thị trường mới đã mở ra với vô vàn những điều mới mẻ để khám phá.

Đến giai đoạn 2002 và 2004, công ty đã phát triển một cộng đồng người dùng rộng lớn và thống lĩnh thị trường toàn cầu. Một thiết bị hiện đại, thực sự thông minh, tích hợp tính năng thư điện tử (email) và hệ thống thông tin không dây thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp, khi họ có thể trao đổi tức thời ở mọi nơi.

Tại thời điểm đó, người dùng kiểm tra email bằng cách gửi lệnh lên máy chủ và email mới được kéo về định kỳ theo thời gian cài đặt (15 phút/lần hoặc 1 tiếng/lần). BlackBerry đem đến giải pháp mang tính đột phá, đó là đẩy email về thiết bị kết nối liên tục với máy chủ (BlackBerry Services) – cũng là tiền đề cho các giải pháp push mail sau này trên các ứng dụng nhắn tin khác.

Các mẩu quảng cáo trên tivi vào giai đoạn đó có cùng một hình ảnh: mọi nhà quản lý đều cầm trên tay một chiếc “Dâu Đen”. Trong năm 2008, công ty này đã đạt 6 tỷ USD doanh thu, trong khi Apple và Android mới chỉ là những “tay mơ” chập chững vào thị trường di động và không có sức cạnh tranh tương xứng.

Chiến lược Marketing đơn giản và tiết kiệm của Blackberry.

Blackberry cũng áp dụng một chiến lược marketing hiệu quả với chi phí thấp và độc đáo. Những điều này nhằm mục đích tạo ra sự quan tâm đến các thiết bị BlackBerry của đối tượng mục tiêu, đặc biệt là các chuyên gia kinh doanh và người tiêu dùng am hiểu công nghệ.

Một trong những hoạt động Marketing là chiến dịch “Blackberry Thumb”. Chiến dịch này quảng bá tính năng bàn phím QWERTY, nhấn mạnh về sự bền bỉ và tin cậy của những bàn phím cứng vật lý.

Chưa dừng lại, công ty cũng hiệu quả với cách marketing du kích. Nhân viên của Blackberry xuất hiện tại các hội nghị, hội thảo để tìm kiếm những doanh nhân sử dụng laptop to nặng cồng kênh.

Các khách hàng này được tặng một thiết bị BlackBerry dùng thử miễn phí trong vòng một tháng. Điều này đã tạo ra hoạt động Marketing truyền miệng (WOM Marketing) rộng rãi trong giới doanh nhân.

Sức hút của BlackBerry lan toả đến nhóm người dùng không phải doanh nghiệp. Công ty tích hợp nhiều tính năng hơn nhóm đối tượng người dùng phổ thông. Blackberry Pearl bước vào thị trường dành cho phân khúc khách hàng này. Thiết bị có nhiều tính năng đa phương tiện khác nhau, tích hợp cả BBM.

Vào giữa những năm 2000, các nhà cung cấp dịch vụ tính phí trên mỗi tin nhắn văn bản. Trong khi đó, BBM sử dụng dữ liệu Internet để truyền tin nhắn giữa các thiết bị – rẻ và nhanh chóng, tương tự như iMessages và các dịch vụ nhắn tin khác hiện nay. Không bất ngờ khi vào thời kỳ đỉnh cao, công ty Canada chiếm 20% thị trường smartphone toàn cầu và hơn 50% thị phần tại Mỹ.

Câu chuyện ngụ ngôn “chú ếch trong nồi nước”

Có một chú ếch được thả vào một nồi nước lạnh. Nồi nước không hề đậy vung và sau đó được đặt lên một cái bếp. Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ếch không hề có phản ứng gì. Nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ khiến chú ếch thích nghi dần và không hề nhận ra có sự thay đổi.

Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó, vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi. Cuối cùng, đến lúc nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã bị luộc chín trong nồi nước. Câu chuyện này phù hợp hoàn hảo cho trường hợp của BlackBerry. Đến tận quý III/2010, doanh số Apple vẫn chưa thể vượt qua Blackberry.

Kể từ năm 2013, những người từng sử dụng BlackBerry “không còn muốn mua những chiếc điện thoại mới của thương hiệu này nữa”, do họ có những lựa chọn khác hiện đại hơn.

Apple liên tục ra mắt iPhone mới mỗi năm, trong khi tốc độ ra sản phẩm mới của Android còn kinh khủng hơn – hầu hết 3 tháng lại có một thiết bị mới. Chưa kể, những chiếc điện thoại đã “tiến hoá” với công nghệ cảm ứng mới, màn hình chạm đa điểm và kích cỡ to dần theo thời gian.

Trong khi đó, BlackBerry chỉ bổ sung một số cập nhật cho các mẫu máy hiện có mà không thay đổi lớn đối với hệ điều hành – thứ làm nên linh hồn của smartphone hiện đại. Thảm kịch đã xảy ra khi RIM tự mắc kẹt trong thị trường lâu đời của chính họ.

Năm 2011, “Dâu Đen” tung ra một chiếc máy tính bảng thú vị – BlackBerry Playbook. Đây có thể là bước chuyển mình đáng kể đầu tiên của họ sau khi thế giới di động đã thay đổi từ 5 năm trước.

So với iPad 2 cùng thời, PlayBook có màn hình sáng và đẹp hơn (170ppi vs 132 ppi), hai loa ngoài stereo, camera trước sau đều nhỉnh hơn iPad. Thao tác cảm ứng điều hướng hiện đại, đa nhiệm nhưng thế vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt về hệ sinh thái ứng dụng, cũng như RIM dừng hỗ trợ sản phẩm này chỉ sau 2 năm ra mắt.

Việc loay hoay thay đổi dẫn đến tình trạng người dùng trung thành quay lưng còn người dùng mới thì không thu hút được. Khách hàng dễ dàng chọn một chiếc iPhone hoặc Android để biết chắc sẽ được hỗ trợ phần mềm ít nhất từ 3-4 năm. Đến năm 2016, công ty ngừng sản xuất điện thoại thông minh và bán mình cho TCL.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VietnamNet

Sự sụp đổ của BlackBerry và ranh giới mong manh giữa thiên tài và kẻ điên

Sự thất bại của BlackBerry và ranh giới mong manh giữa thiên tài và kẻ điên

Từng được gọi là “vua của smartphone”, song BlackBerry hiện chỉ còn là hoài niệm trong lòng những thế hệ người hâm mộ, một thương hiệu tiên phong trong nhiều công nghệ di động, nhưng nhanh chóng sụp đổ khi chỉ bấu víu vào những giá trị cũ. Thất bại của BlackBerry là bài học đáng khắc ghi cho nhiều thương hiệu khác.

Sự sụp đổ của BlackBerry và ranh giới mong manh giữa thiên tài và kẻ điên
Sự sụp đổ của BlackBerry và ranh giới mong manh giữa thiên tài và kẻ điên

“Dâu Đen” được thành lập vào năm 1984 với tên gọi Research In Motion, bởi Mike Lazaridis và Douglas Fregin, hai sinh viên kỹ thuật người Canada. Ban đầu, công ty này thực hiện các dự án cho các doanh nghiệp khác như hệ thống đèn LED cho GM, mạng cục bộ cho IBM hay hệ thống biên tập phim.

Năm 1989, công ty điện thoại Rogers của Canada ký hợp đồng với RIM để nghiên cứu mạng Mobitex, một hệ thống thiết kế dành riêng cho nhắn tin, đưa RIM sớm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nhắn tin di động. Đến năm 1996, RIM chính thức tạo ra máy nhắn tin hai chiều đầu tiên – RIM-900 Inter@ctive Pager.

Đến năm 2000, công ty này giới thiệu sản phẩm điện thoại di động đầu tiên, BlackBerry 957, được trang bị tính năng đẩy thông báo thư điện tử (push-email) và Internet.

Trong suốt thập kỷ đó, BlackBerry đã trở thành biểu tượng của doanh nghiệp và người nổi tiếng nhờ vào độ bảo mật và các chức năng dành cho doanh nhân trên các mẫu điện thoại phím cứng kinh điển.

Ngay cả khi iPhone của Apple ra đời vào năm 2007 và Android OS năm 2008, BlackBerry vẫn chiếm lĩnh thị trường cho tới tận năm 2010. Nhưng cũng kể từ đó đánh dấu bước trượt dài của thương hiệu điện thoại đình đám này.

BlackBerry thất bại và ranh giới mong manh giữa “thiên tài và kẻ điên”.

BlackBerry là hãng điện thoại hiếm hoi tạo ra cảm xúc cho người dùng, với những sáng tạo mang tính tiên phong, song không thể trở thành chuẩn mực của thế giới di động bấy giờ.

Ban lãnh đạo BlackBerry khẳng định bàn phím vật lý của họ “ăn đứt” màn cảm ứng của iPhone vào thời điểm đầu. Chỉ khi doanh số smartphone “Nhà Táo” tỏ ra vượt trội, công ty Canada mới vội vã ra mắt một thiết bị cảm ứng, BlackBerry Storm – mẫu điện thoại bị đánh giá là thảm hoạ.

Storm là một thiết bị có thiết kế đẹp với nắp lưng kim loại, cũng như được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến như cảm biến gia tốc và cảm biến tiệm cận. Song, điểm giết chết smartphone này là công nghệ cảm ứng màn hình, cũng chính là thứ BlackBerry muốn tạo ra sự khác biệt. Hãng sử dụng cái gọi là SurePress, thực tế là một phím ngầm đặt dưới màn hình. Người dùng cần phải chạm màn hình và ấn lực xuống mới thực sự tính là một click.

Bỏ qua trải nghiệm người dùng với SurePress, “Dâu Đen” vẫn mang công nghệ này lên Storm 2 (BlackBerry 9520/9550), với nâng cấp bốn phím dưới màn hình thay vì một như đời đầu.

Mặc dù cơ chế sử dụng tương tự như Force Touch trên các thiết bị của Apple sau này và phản hồi xúc giác tương đối rõ ràng khi gõ phím trên Storm 2, song việc buộc phải dùng lực khi muốn click khiến nó lạc lõng với xu hướng cảm ứng bấy giờ.

BlackBerry cũng tìm cách tích hợp bàn phím cứng vào thiết bị cảm ứng, chẳng hạn như BlackBerry Bold, song càng cho thấy công ty này đã lạc hướng khi thị hiếu thị trường đã tiến vào lãnh địa của màn hình to.

Thành công đó nhưng cũng thất bại đó – Không gì là mãi mãi.

Khi Apple, Google tạo ra những chiếc điện thoại dễ tiếp cận với phổ thông bằng giao diện người dùng cùng ứng dụng bắt mắt, BlackBerry vẫn “đóng đinh” với những khách hàng doanh nghiệp.

Hãng không sai khi dồn lực cho nhóm đối tượng mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty nhất vào thời điểm đó, song “Dâu Đen” đã bỏ qua phân khúc người dùng cuối – nhóm đối tượng sau đó đã trở thành yếu tố sống còn với mọi công ty smartphone.

Khi các doanh nghiệp thay đổi chính sách, với việc cho phép nhân viên mang điện thoại cá nhân vào công ty, không ngạc nhiên khi những chiếc BlackBerry bị thay thế bởi iPhone hay Android.

Vào thời điểm 2009, BlackBerry cho ra mắt kho ứng dụng BlackBerry App World trước áp lực từ Apple App Store và Android Market. Dù vậy, số lượng ứng dụng bên thứ ba nghèo nàn, không được cập nhật thường xuyên hay mỗi lần update ứng dụng phải khởi động lại máy hoàn toàn (vốn không hề nhanh), là những điểm càng khiến BBOS tụt hậu so với đối thủ.

Ngay cả ứng dụng phổ biến nhất BlackBerry Messenger (BBM), cũng không được hãng tận dụng hiệu quả. Hãng đã bỏ qua cơ hội xây dựng lượng người dùng cơ sở lớn hơn, điều mà những ứng dụng nhắn tin bên thứ ba như WhatsApp đã thành công sau đó.

Đến đầu năm 2017, thị phần điện thoại di động của BlackBerry chính thức xuống còn 0,0%. Tháng 9 cùng năm, công ty thông báo dừng cuộc chơi phần cứng. Và vào ngày 4/01/2022, BlackBerry chấm dứt hỗ trợ và đóng server mọi dịch vụ, đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên điện thoại doanh nhân “Dâu đen”.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

BlackBerry được ngỏ ý mua lại bởi một quỹ tư nhân

Theo thông tin từ Reuters, quỹ đầu tư tư nhân Veritas Capital đã đưa ra lời đề nghị mua lại BlackBerry, công ty phần mềm của Canada.

BlackBerry được ngỏ ý mua lại bởi một quỹ tư nhân
BlackBerry được ngỏ ý mua lại bởi một quỹ tư nhân

Giá cổ phiếu của BlackBerry được niêm yết tại Mỹ tăng khoảng 17% sau thông tin được công bố.

Theo đó, quỹ đầu tư tư nhân Veritas Capital đã đưa ra lời đề nghị mua lại BlackBerry, giá trị của thương vụ chưa được tiết lộ.

Về phía BlackBerry, cách đây không lâu công ty này cho biết rằng doanh nghiệp sẽ tiến hành xem xét các lựa chọn thay thế mang tính chiến lược, trong đó có thể bao gồm cả việc tách một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh của mình.

Được thành lập từ năm 1984, cái tên BlackBerry vốn được biết đến là thương hiệu sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) dành riêng cho các doanh nhân, được các giám đốc điều hành, chính trị gia và nhiều người hâm mộ sử dụng. Thương hiệu trở nên phổ biến nhất vào đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh và không thể giữ được thị phần trên thị trường điện thoại di động, công ty đã “khai tử” mảng kinh doanh này vào năm 2022. Công ty hiện chỉ sản xuất phần mềm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô và an ninh mạng.

Cũng cách đây không lâu, BlackBerry cho biết họ sẽ tiếp tục bán các bằng sáng chế liên quan đến thiết bị di động cho Malikie Innovations Limited với giá lên tới 900 triệu USD.

Trước đó, Catapult IP Innovations Inc từng muốn mua lại các văn bằng này với giá 600 triệu USD tuy nhiên thương vụ sau đó đã không thành.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Câu chuyện thương hiệu: Tại sao đế chế BlackBerry thất bại?

Tin tưởng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và phản ứng chậm trước các thay đổi của thị trường smartphone đã khiến BlackBerry trả giá đắt. Câu chuyện thất bại của BlackBerry là lời cảnh tỉnh cho nhiều thương hiệu khác.

Câu chuyện thương hiệu: Tại sao đế chế BlackBerry thất bại
Câu chuyện thương hiệu: Tại sao đế chế BlackBerry thất bại

Năm 1984, hai sinh viên kỹ thuật Canada Mike Lazaridis và Douglas Fregin lập ra công ty Research in Motion (RIM). Khi đó, RIM chỉ có một văn phòng nhỏ ở thành phố Waterloo (Ontario, Canada), phía trên một hiệu bánh.

Ban đầu, công ty này chủ yếu làm các dự án ngẫu nhiên, từ hệ thống đèn LED cho hãng sản xuất ôtô GM, đến hệ thống nội bộ cho IBM, thậm chí là một công cụ chỉnh sửa phim.

Một hãng điện thoại Canada có tên Rogers còn ký hợp đồng với RIM để tạo ra Mobitex – hệ thống được thiết kế riêng cho việc nhắn tin. Hợp đồng này giúp RIM trở thành chuyên gia thời kỳ đầu trong lĩnh vực tin nhắn di động.

Năm 1996, họ tạo ra máy nhắn tin 2 chiều đầu tiên. Vài năm sau đó, RIM dần chỉnh sửa thiết kế, tích hợp thêm nhiều tính năng như màn hình màu, WiFi hay trình duyệt web.

Bốn năm sau đó, họ ra mắt BlackBerry 957 – thiết bị có giao diện tương tự các smartphone sau này của RIM, nhưng chưa có chức năng nghe gọi.

Đây được xem là chiếc BlackBerry đầu tiên hoàn chỉnh các tính năng hỗ trợ cho doanh nhân như danh bạ, lịch làm việc, đồng bộ với máy tính. Tại thời điểm ra mắt, chiếc 957 có giá 499 USD.

Smartphone thực sự của BlackBerry ra đời năm 2002, có tên BlackBerry 5810. Năm 2003, họ tạo ra smartphone đầu tiên có màn hình màu.

Nhờ đi tiên phong trong việc đưa email vào thiết bị di động cầm tay, với bàn phím QWERTY nổi tiếng, bi lăn trackball và độ bảo mật cao, BlackBerry nhanh chóng chiếm được cảm tình của các lãnh đạo thế giới, các giám đốc doanh nghiệp và nhiều người giàu có, nổi tiếng khác. Trên thực tế, sở hữu một chiếc BlackBerry từng được coi là biểu tượng cho địa vị xã hội.

Điện thoại này vì thế thu hút được lượng người dùng hùng hậu. Nhiều người trở thành fan cuồng của BlackBerry. Thậm chí còn có những bài báo về “chứng nghiện BlackBerry”. Một số cho rằng chính BlackBerry đã tạo ra smartphone đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Được các chính phủ và doanh nghiệp ưa chuộng, doanh thu RIM tăng chóng mặt giai đoạn 1999 – 2001. Họ cũng liên tiếp bổ sung tính năng cho BlackBerry Enterprise Server (BES) – dịch vụ dành cho các doanh nghiệp và hệ điều hành BlackBerry OS.

Giai đoạn hoàng kim 2001 – 2007, RIM tích cực mở rộng ra toàn cầu và ra mắt nhiều sản phẩm mới. Khi thành công trên thị trường cho doanh nghiệp, RIM cũng lấn sân sang người tiêu dùng cá nhân. Dòng BlackBerry Pearl được đánh giá là rất thành công. Các dòng Curve và Bold sau đó cũng được đón nhận tốt.

Nhưng sự phổ biến của Android (Google) và iOS (Apple) cũng dần ảnh hưởng đến BlackBerry. Năm 2007, Apple ra mắt iPhone. Khi đó, đồng CEO RIM Lazaridis đã ngồi nhà theo dõi sự kiện này, chăm chú đến mức quên tập thể dục.

Trên sân khấu, cố CEO Apple Steve Jobs cầm một thiết bị nhỏ để tải nhạc, video và bản đồ từ Internet về. “Họ làm điều đó như thế nào nhỉ”, Lazaridis băn khoăn. Sự tò mò của ông nhanh chóng chuyển sang kinh ngạc khi Stanley Sigman – CEO nhà mạng Cingular (thuộc AT&T) công bố hợp đồng độc quyền với Apple, để bán iPhone trong nhiều năm.

Hôm sau, Lazaridis kéo đồng CEO Jim Balsillie vào phòng làm việc, bật video về iPhone lên. “Họ đưa trình duyệt web đầy đủ tính năng vào thứ này. Các nhà mạng thì không cho chúng ta làm như thế”, ông nói.

Suy nghĩ đầu tiên của Balsillie khi đó chỉ là RIM sắp mất khách hàng AT&T. Ông cho rằng Apple lúc đó có thỏa thuận với nhà mạng này tốt hơn, còn RIM thì không được phép làm thế. Lazaridis đánh giá iPhone là sản phẩm rất khác biệt với người tiêu dùng khi đó. Nhưng Jim Balsillie đã trấn an ông rằng RIM vẫn sẽ đứng vững.

WSJ cũng cho biết trên thực tế, các lãnh đạo BlackBerry ban đầu khá thờ ơ với iPhone. Họ cho rằng điện thoại này chỉ nhắm vào người tiêu dùng trẻ, với các tính năng giải trí.

Bên cạnh đó, việc iPhone có pin yếu, hoạt động trên mạng 2G và khả năng làm nghẽn mạng của AT&T với các tính năng tải nhạc, video khiến RIM không mấy bận tâm.

“Nó không thể đe dọa mảng kinh doanh cốt lõi của RIM được. Không bảo mật, pin yếu, bàn phím thì tệ”, Larry Conlee – phó tướng hàng đầu của Lazaridis thời đó nhận định.

BlackBerry vẫn tập trung vào các tính năng như độ bảo mật và bàn phím dễ sử dụng, để thống trị thị trường doanh nghiệp.

Vì tập trung vào nhóm người dùng này, họ kiên trì với các dòng điện thoại có bàn phím đầy đủ, bất chấp phản hồi từ phần đông người dùng rằng họ thích màn hình cảm ứng hơn.

BlackBerry coi sản phẩm của mình là những điện thoại để email, thay vì chiếc máy tính di động nhiều tính năng như Google và Apple nhắm tới.

Tuy nhiên, iPhone sau đó lại trở thành cú hích. Không chỉ nhắm vào người dùng cá nhân, iPhone cũng muốn thu hút lãnh đạo doanh nghiệp – thị trường chủ chốt của BlackBerry.

Dẫu vậy, BlackBerry khi đó vẫn duy trì được vị thế là “thiết bị dành cho email doanh nghiệp”. Mọi người thường dùng hai điện thoại, một chiếc BlackBerry cho công việc và một cái khác cho các mục đích cá nhân.

2007 cũng là năm Google thông báo cho phép các hãng smartphone sử dụng miễn phí hệ điều hành Android do hãng này phát triển. Việc đó đã dọn đường cho các công ty như Samsung Electronics hút khách hàng từ BlackBerry với các sản phẩm giá rẻ hơn.

Năm 2008, BlackBerry ra mắt Storm – điện thoại màn hình cảm ứng đầu tiên của hãng – để cạnh tranh với iPhone. Điện thoại này được bán qua nhà mạng Verizon.

Doanh số nhanh chóng đạt 1 triệu chiếc chỉ trong hai tháng đầu. Nhưng sau đó, những lời phàn nàn về lỗi của thiết bị này bắt đầu xuất hiện. Cả triệu máy bị người dùng hoàn trả, khiến Verizon thiệt hại gần 500 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư, nhà phân tích và giới truyền thông bắt đầu lo ngại về triển vọng kinh doanh của BlackBerry.

Năm 2009, RIM vẫn đứng đầu trong danh sách 100 công ty tăng trưởng nhanh nhất thế giới của tạp chí Fortune. Số liệu của hãng nghiên cứu Gartner cho thấy năm 2009, thị phần của BlackBerry trên thị trường smartphone toàn cầu là gần 21%.

Còn tại Mỹ, tháng 9/2010, hãng cung cấp dữ liệu Comscore cho biết RIM có thị phần smartphone lớn nhất, với 37,3%. Đến năm 2011, BlackBerry bán được hơn 50 triệu smartphone trên thế giới. Cùng năm đó, họ đạt đỉnh doanh thu tại 19,9 tỷ USD.

Doanh thu của BlackBerry qua các năm.
Doanh thu của BlackBerry qua các năm.

Nhưng công ty này sau đó liên tục mất thị phần về tay các thiết bị dùng iOS của Apple và Android của Google. RIM đã đánh giá thấp tốc độ thay đổi trên thị trường smartphone.

Các thiết bị mới liên tục ra mắt mỗi năm, trong khi RIM lại phản ứng chậm chạp và quá tin tưởng rằng khách hàng doanh nghiệp – thay vì cá nhân – mới là động lực cho thị trường này. Dịch vụ email không đủ để níu chân khách hàng khi các nhu cầu của họ ngày càng nhiều.

Đến tháng 11/2012, BlackBerry chỉ còn nắm 7,3% thị phần tại Mỹ. Các sản phẩm chạy hệ điều hành của Google và Apple nắm lần lượt 53,7% và 35%. Cùng năm đó, Samsung Electronics trở thành hãng sản xuất smartphone dẫn đầu thế giới.

Tháng 1/2012, BlackBerry thông báo hai CEO Jim Balsillie và Mike Lazaridis sẽ từ chức, trong bối cảnh vốn hóa, thị phần (market share) của công ty lao dốc.

Người được chọn thay thế là Thorsten Heins – một lãnh đạo đã gia nhập công ty từ năm 2007. Nhưng hai năm sau đó, Heins vẫn không thể giúp công ty này đảo ngược tình hình.

Quý đầu năm 2014, họ lỗ 84 triệu USD. Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu BlackBerry giảm tới 30%. Quý cuối năm 2016, trong hơn 432 triệu smartphone được bán ra trên toàn cầu, chỉ 208.000 chiếc là BlackBerry.

Cùng năm đó, hãng điện tử Trung Quốc TCL mua lại quyền sử dụng thương hiệu điện thoại BlackBerry, chạy hệ điều hành Android. Nhưng chỉ 4 năm sau, TCL thông báo dừng sản xuất smartphone này.

Năm 2013, RIM đổi tên thành BlackBerry. Vài năm gần đây, BlackBerry dần khai tử mảng phần cứng và đóng cửa các dịch vụ liên quan đến smartphone. Đến nay, hãng vẫn đang cố gắng bán các bằng sáng chế liên quan đến thiết bị di động. Họ hiện tập trung vào mảng an ninh mạng và Internet vạn vật (IoT).

Tháng trước, BlackBerry công bố doanh thu và lợi nhuận quý I của năm tài chính 2024 (kết thúc vào tháng 5/2023) vượt dự báo.

Doanh thu đạt 373 triệu USD, gấp đôi ước tính của hãng cung cấp dữ liệu Refinitiv. Doanh thu mảng an ninh mạng là 93 triệu USD. Doanh thu từ cấp phép và các dịch vụ khác là 235 triệu USD, chủ yếu từ bán sáng chế. Lợi nhuận hoạt động là 35 triệu USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo VnExpress