Skip to main content

Thẻ: bỏ việc

3 lý do chính khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp

Theo các số liệu nghiên cứu mới đây, trong khi tiền lương vẫn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc liệu nhân viên có rời bỏ doanh nghiệp hay không, đó không phải là lý do quan trọng nhất.

3 lý do chính khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp
3 lý do chính khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp

Mặc dù chịu sự ảnh hưởng lớn của lạm phát và suy thoái toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách cắt giảm nhân sự và cũng chính điều này đã khiến cho cơ hội tìm việc làm mới cũng trở nên khó khăn hơn, với những người ở lại, doanh nghiệp cũng chịu phải áp lực tương ứng khi việc giữ được họ cũng rất khó khăn.

Trong khi mức lương vẫn đóng vai trò rất quan trọng với nhân viên, đó không phải là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất quyết định việc liệu nhân viên có ở lại với doanh nghiệp hay không.

Dưới đây là 3 lý do chính khiến nhân viên rời bỏ doanh nghiệp.

1. Sếp tồi vẫn là lý do đầu tiên.

Lý do đầu tiên khiến một nhân viên rời đó doanh nghiệp đó mối quan hệ giữa họ với sếp (thường là quản lý trực tiếp). Một nghiên cứu cho thấy gần 1/2 số nhân viên được khảo sát đã nghỉ việc vì người quản lý tồi và gần 2/3 tin rằng người quản lý của họ thiếu khả năng đào tạo và hướng dẫn (hoặc là họ không có năng lực làm việc đó).

Dữ liệu từ Gallup cho thấy có đến 70% sự khác biệt trong mức độ gắn kết của đội nhóm đến từ chính người quản lý.

Trong số rất nhiều mối quan hệ mà nhân viên sẽ phát triển tại một doanh nghiệp, những mối quan hệ được hình thành với người quản lý của họ có tác động đáng kể đến trải nghiệm tổng thể của họ tại nơi làm việc, thậm chí còn hơn cả mối quan hệ giữa các đồng nghiệp đồng cấp với nhau.

Nếu doanh nghiệp muốn giữ chân nhân viên của mình, đặc biệt là những nhân viên giỏi, hãy bắt đầu từ việc đánh giá lại các vị trí quản lý, tìm hiểu xem nhân viên đang cảm thấy như thế nào với người quản lý của họ, và liệu các quản lý đó có đủ năng lực dẫn dắt đội nhóm hay không.

2. Thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Theo một nghiên cứu trên hơn 18.000 nhân viên từ hơn 150 công ty, việc thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp là lý do hàng đầu dẫn đến việc nghỉ việc. Trong khi tiền lương hay thu nhập vẫn rất quan trọng, nó không phải là yếu tố quan trọng nhất và duy nhất.

Bất bình đẳng là một lý do khác liên quan đến việc nhận được sự đào tạo và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Ở một số thị trường như Mỹ, có đến hơn 50% nhân viên là Nữ cho rằng họ không nhận được các chương trình đạo tào và cơ hội thăng tiến như Nam giới.

3. Mức lương không tương xứng.

Mặc dù đứng trước suy thoái và “làn sóng từ chức vĩ đại”, nhiều nhân viên vẫn muốn doanh nghiệp cung cấp chọ họ các khoản lương thưởng tương xứng.

Một cuộc khảo sát của Đại học Phoenix với 5.000 nhân viên và 500 người sử dụng lao động trên khắp nước Mỹ cho thấy, cứ 3 người thì có 1 người sẽ từ bỏ công việc hiện tại mà không có kế hoạch dự phòng, nhưng 69% sẽ cân nhắc ở lại nếu các phúc lợi của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của họ.

Trong khi nhiều tổ chức đang đầu tư đáng kể để phát triển và thăng tiến cho nhân viên của họ, nghiên cứu cho thấy phần lớn người sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc đảm bảo lương thưởng công bằng và an toàn tài chính cho nhân viên.

86% người sử dụng lao động cho rằng nhân viên của họ hài lòng với mức lương của họ, nhưng gần một nửa số nhân viên được khảo sát không hài lòng và 56% đang phải sống qua ngày với từng đồng lương ít ỏi.

Sự chênh lệch về lương và sự thiếu an toàn về tài chính là những yếu tố chính dẫn đến sự không hài lòng trong công việc.

Bản thân người sử dụng lao động hay doanh nghiệp phải tạo ra sự minh bạch cao hơn nữa về các vấn đề liên quan đến lương thưởng để họ có thể đồng hành được với lực lượng lao động của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Chán việc – Biểu hiện dễ gây “ngộ nhận” nhất

Có những lúc, chỉ cần nhầm lẫn một chút cũng khiến bạn phải trả giá đắt!

Không cần phải là những nhân viên “lão làng” với thâm niên hàng chục năm trời, ngay cả các bạn trẻ chỉ vừa đi làm vài năm cũng thường có biểu hiện than vãn, chán nản.

Nhưng chán việc và muốn nghỉ việc lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đừng nhầm lẫn dẫn đến quyết định sai lầm và kết cục là sự nghiệp lao dốc không phanh.

Chán việc – Biểu hiện dễ gây “ngộ nhận” nhất

Nói như thế là bởi có không ít nhân viên cảm thấy chán nản, không còn hứng thú trong công việc nữa và thế là nộp đơn xin nghỉ.

Không phải là người trong cuộc thì không thể phán xét đúng – sai. Thế nhưng nếu đến một ngày nào đó, bạn cũng cảm thấy chán ngán nơi mình ngồi, việc mình làm và cả những người bạn gặp nơi công sở… thì khoan hãy nghĩ đến việc nộp đơn xin nghỉ.

Vì biết đâu đấy chỉ là cảm xúc nhất thời mà thôi.

Khi mỗi ngày đều phải đối diện với những công việc lặp đi lặp lại, tất nhiên nhàm chán là cảm giác khó tránh khỏi.

Ngay cả những công việc phải sáng tạo cái mới liên tục, tiếp xúc với điều mới mẻ mỗi ngày cũng có khi gây ra sự chán và nản vì áp lực, vì cạn kiệt khả năng tạo ra cái mới ở một lĩnh vực đã rất quen thuộc.

Bạn ơi, bạn không phải là người duy nhất như thế. Chán ở công ty này, sang công ty khác một thời gian bạn cũng sẽ lặp lại cảm xúc như thế.

Vậy thì vấn đề ở đây là làm sao để vượt qua điều đó, lấy lại hứng khởi làm việc chứ không phải là dễ dàng xin nghỉ để rồi phải làm quen lại ở môi trường mới, bắt đầu lại thâm niên ở một công ty mới.

Giải pháp trước mắt là hãy xin phép nghỉ một vài ngày để du lịch. Học những khóa học theo sở thích như nấu ăn, âm nhạc, cắm hoa, học nhảy… cũng là một gợi ý hay. Để khắc phục bệnh “chán” lâu dài hơn, hãy lấy độc trị độc bằng cách tìm niềm vui trong chính công việc của mình.

Sắp xếp lại chỗ ngồi và trang trí theo cách mới. Đề xuất với sếp cho bạn được học thêm kỹ năng và chuyên môn ở một mảng nào đó có liên quan để cảm thấy mới mẻ hơn.

Ngồi lại để nghĩ về những ngày tháng vui vẻ mà bạn đã có cùng cái nghề mà mình đã chọn, đặt ra những mục tiêu thậm chí hơi quá sức một chút để làm động lực.

Hoặc tự treo thưởng cho bản thân như cuối năm sẽ đi du lịch ở đâu, 1 vài năm nữa sẽ mua sắm thứ gì giá trị lớn… Nỗ lực tìm lại niềm vui và động lực trong công việc, cố gắng kìm nén cảm xúc tiêu cực và bạn sẽ lại tiếp tục được với công việc của mình.

Nhưng nếu đã làm mọi cách mà bạn vẫn cảm thấy quá chán ngán, thậm chí bức xúc, ngộp thở, không muốn phấn đấu thêm gì nữa, không còn thấy tương lai nào với vị trí và môi trường đó nữa. Vậy thì có lẽ đã đến lúc bạn nên nghiêm túc với đơn xin nghỉ việc.

Nghỉ việc – Quyết định cần “cái đầu lạnh” hơn là “trái tim nóng”

Nghỉ việc là một việc quan trọng bởi không thể biết trước được môi trường sau có tốt hơn môi trường trước hay không. Do đó, bạn cần tỉnh táo và lý trí để kìm nén những quyết định nóng vội.

Chán việc là nguy cơ cao nhất dẫn đến nghỉ việc. Nhưng môi trường nào và công việc nào cũng sẽ có thời điểm khiến bạn mất đi niềm đam mê, yêu thích theo thời gian.

Điều đó hoàn toàn có thể khắc phục được. Do đó, ngoài cảm xúc chán nản, bạn chỉ nên thực sự nghiêm túc với vấn đề xin nghỉ nếu cảm thấy các biểu hiện như: bị đối xử bất công, lương bổng và phúc lợi không tương xứng như thỏa thuận hoặc không rõ ràng, quá nhiều văn hóa đồng nghiệp và văn hóa công ty mà dù có cố gắng thế nào bạn cũng không thể hòa nhập được.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại, thêm vào đó là yếu tố bản thân bạn cũng không cảm nhận mình tiến bộ nhiều ở môi trường ấy. Vậy thì nghỉ việc rõ ràng là quyết định rất đáng xem xét.

Tuy nhiên trước khi quyết định nghỉ việc, bạn cũng cần có một buổi trò chuyện thẳng thắn cùng cấp trên của mình.

Những trao đổi có thể sẽ giúp giải quyết được vấn đề của bạn thay vì lẳng lặng xin nghỉ mà trong lòng vẫn còn nhiều nỗi bực tức và bức xúc.

Dù là chán việc hay nghỉ việc cũng đừng để cảm xúc lấn át lý trí, ảnh hưởng sự nghiệp

Mỗi lần stress hoặc chán việc, bạn lại mất thời gian để phục hồi lại. Mỗi lần nghỉ việc, lại lại mất thời gian để làm quen với nếp làm việc, đồng nghiệp, cường độ công việc ở môi trường mới.

Nếu tần suất của cả chán việc và nghỉ việc diễn ra quá nhiều, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất làm việc.

Bên cạnh đó, những quyết định nghỉ việc vội vàng đôi khi còn dẫn đến sai lầm khi tìm việc sau không phù hợp bằng công việc trước, môi trường làm việc cũng xảy ra nhiều điểm bất cập.

Công việc và môi trường là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp, vì thế đừng để những cảm xúc tiêu cực nhất thời dẫn lối hành động để rồi sự nghiệp có phần đình trệ, không như mong muốn.

Có câu nói vốn đã rất quen nhưng rất phù hợp trong hoàn cảnh này, đại ý: Mỗi khi muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lý do bắt đầu. Công việc chắc chắn không tránh khỏi những ngày mỏi mệt. Nhưng hãy cố gắng tạo niềm vui, động lực để sự nghiệp phát triển hơn mỗi ngày.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider