Skip to main content

Thẻ: Kakao talk

“Cha đẻ” ứng dụng nhắn tin Kakao Talk trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Brian Kim, nhà sáng lập của công ty ứng dụng tin nhắn Kakao Corp, trở thành người giàu nhất ở Hàn Quốc sau khi khối tài sản ròng cá nhân tăng hơn 6 tỷ USD từ đầu năm…

Brian Kim, founder and chairman of Kakao Corp

Theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Kim hiện sở hữu khối tài sản 13,4 tỷ USD, nhờ cổ phiếu Kakao tăng 91% trong gần 7 tháng qua.

Người thừa kế của tập đoàn Samsung, ông Jay Y. Lee, tụt xuống vị trí thứ hai, với khối tài sản 12,1 tỷ USD.

Ông Kim được xem là một ví dụ điển hình về sự đi lên của các doanh nhân công nghệ tự thân trong xếp hạng giàu ở Hàn Quốc, vượt qua thành viên của các gia tộc kiểm soát những tập đoàn khổng lồ (cheabol) lâu năm ở nước này.

Sự thăng hạng của các tỷ phú tự thân Hàn Quốc cũng cho thấy sức mạnh của các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO): cổ phiếu Kakao không ngừng tăng khi các công ty con chào bán hoặc có kế hoạch chào bán cổ phiếu.

“Kỳ vọng gia tăng trước các cuộc chào sàn của những công ty con chủ chốt trong Kakao”, nhà phân tích Hyunyong Kim thuộc Hyundai Motor Secutities nhận định.

“Chiến lược của Kakao là mở rộng nhanh chóng hoạt động kinh doanh thông qua thu hút quyết liệt vốn đầu tư. IPO là cách êm ái và chắc chắn nhất để làm việc đó”.

Công ty cho vay trực tuyến KakaoBank, trong đó Kakao Corp nắm cổ phần 32%, sẽ lên sàn chứng khoán vào tháng tới. Công ty này dự kiến huy động 2,6 nghìn tỷ Won, tương đương 2,3 tỷ USD, trong vụ phát hành.

Tháng 9 năm ngoái, Kakao Games, công ty con về trò chơi trực tuyến, huy động 384 tỷ Won từ IPO.

Kakao Pay, dịch vụ thanh toán online lớn nhất Hàn Quốc, lẽ ra sẽ chào sàn vào ngày 12/8, nhưng việc niêm yết bị hoãn lại do cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh hồ sơ IPO.

Ông Kim lập nên Iwilab, công ty tiền thân của Kakao, vào năm 2006, và ra mắt ứng dụng KakaoTalk 4 năm sau đó. Dịch vụ nhắn tin này hiện có khoảng 53 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó 88% ở Hàn Quốc.

Kakao đã mở rộng hoạt động khỏi lĩnh vực nhắn tin di động, nhảy vào những lĩnh vực từ thanh toán, ngân hàng trực tuyến, trò chơi, cho tới gọi xe. Hiện Kakao là công ty niêm yết lớn thứ tư ở Hàn Quốc, với giá trị vốn hoá thị trường đạt khoảng 58 tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng di động của Kakao, do mọi người giảm tương tác trực tiếp. Trong quý 1/2021, lợi nhuận của Kakao tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 209 triệu USD.

Giới phân tích kỳ vọng sẽ có thêm các kế hoạch IPO từ các công ty con khác của Kakao, gồm ứng dụng gọi xe, giải trí, và công ty con ở Nhật Bản.

Ông Kim, 55 tuổi, có xuất thân khiêm tốn, từng sống chung trong một phòng với 7 người thân trong gia đình.

Ông là người đầu tiên trong số các anh chị em của mình được học đại học, theo học tại Đại học Quốc gia Seoul danh giá. Trong thời gian đi học, ông làm gia sư để tự trang trải học phí.

Hồi tháng 3 năm nay, ông Kim gia nhập The Giving Pledge, sáng kiến khởi xướng bởi các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French Gates nhằm kêu gọi những người giàu nhất thế giới cho đi phần lớn tài sản trong lúc còn sống để giải quyết các vấn đề xã hội.

“Lớn lên trong cảnh nghèo, cho đến ngoài 30 tuổi, tôi vẫn xem việc trở nên giàu có là thước đo duy nhất về một cuộc đời thành công”, ông Kim viết trong tuyên bố gia nhập The Giving Pledge. “Tuy nhiên, sau khi đạt được sự giàu có như mong đợi, tôi lại cảm thấy không còn động lực và mất phương hướng”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Đan Linh

Kakao bất ngờ vượt Hyundai về giá trị vốn hóa sau khủng hoảng

Các công ty công nghệ thăng hạng nhanh chóng nhờ nhu cầu online tăng mạnh, trong khi các nhà sản xuất truyền thống gặp khó khăn trước sự thay đổi đột ngột.

Hôm 25/5, Kakao, công ty Internet nổi tiếng với ứng dụng chat KakaoTalk, xếp hạng thứ 9 trong 20 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc với 23,1 nghìn tỷ won (18,6 tỷ USD) vốn hóa. Trong khi đó, Hyundai Motor – nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước – rơi xuống hạng 11 với 20,4 nghìn tỷ won vốn hóa. Cuối năm 2019, Kakao đưng thứ 22 còn Hyundai Motor xếp thứ 6.

Naver, công ty Internet số 1 Hàn Quốc, đứng thứ tư với 39,3 nghìn tỷ won vốn hóa, củng cố ngôi vị dẫn đầu trong ngành. NCSoft, nhà sản xuất game online, nhảy lên hạng 13 với 18,2 nghìn tỷ won, xếp trên cả Posco, nhà sản xuất thép hàng đầu cả nước. Posco xếp hạng 17 với 14,9 nghìn tỷ won.

Các chuyên gia nhận định top 3 doanh nghiệp Internet vẫn tiếp tục tăng trưởng trong nửa sau năm 2020 vì được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng trong suốt dịch bệnh. Đầu tư vào lĩnh vực game/Internet được cải thiện do các dịch vụ không tiếp xúc phổ biến.

Nhu cầu đối với một loạt những dịch vụ trực tuyến – từ học từ xa đến thanh toán điện tử – tăng vọt tại Hàn Quốc khi bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội và các biện pháp khác nhằm khống chế virus. Samsung Electronics vẫn là công ty số 1 với giá trị vốn hóa đạt 291,6 nghìn tỷ won. Tập đoàn ghi nhận nhu cầu chip máy chủ tăng nhờ xu hướng làm việc từ xa.

Ngược lại, doanh số tháng 4 của Hyundai Motor giảm 56,9% so với cùng kỳ năm 2019, còn 159.000 xe. Công ty chịu thiệt hại nặng nề vì gián đoạn sản xuất khắp thế giới và nhu cầu suy yếu vì dịch bệnh. Cụ thể, doanh số bên ngoài Hàn Quốc giảm 70,4% trong cùng kỳ, càng gây thêm lo lắng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Internet lại tận dụng nền tảng và người dùng mạnh mẽ để mở rộng sang lĩnh vực tài chính, thương mại, di động. Kakao tuần trước cho biết sẽ liên kết tài khoản người dùng của các đơn vị thanh toán điện tử và ngân hàng Internet.

Cổ phiếu các công ty y sinh cũng tăng nhờ kỳ vọng vào phát triển các loại vắc-xin mới chống virus. Samsung Bilogics xếp thứ 3 với 41,8 nghìn tỷ won, còn đối thủ Celltrion xếp thứ 6 với 29 nghìn tỷ won vốn hóa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips