Skip to main content

Thẻ: Kido

Quy mô thị trường Kem Việt Nam đạt hơn 229 triệu USD năm 2023

Ngày 23/9, Nutifood hoàn tất đầu tư vào KIDO Foods, nắm giữ 51% cổ phần. KIDO Foods gia nhập thị trường kem Việt Nam từ năm 2003. Công ty sở hữu hai thương hiệu kem nổi tiếng là Celano và Merino, đồng thời vận hành hai nhà máy chế biến tại Củ Chi (TP HCM) và VSIP (Bắc Ninh).

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Nutifood, chia sẻ việc đầu tư giúp Nutifood mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Thị trường kem Việt Nam đang trên đà phát triển, được thúc đẩy bởi xu hướng tiêu dùng thay đổi và thu nhập ngày càng tăng trong dân số, báo cáo từ Credence Research công bố năm ngoái nhận định.

Thị trường Kem Việt Nam đạt quy mô 229,04 triệu USD năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 447,08 triệu USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 8,72% giai đoạn 2024 – 2032. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ kem ngày càng tăng và sự mở rộng của thị trường.

Cuộc chơi ngành kem chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt. Báo cáo hồi năm 2020 của đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết KIDO Foods dẫn đầu với 44% thị phần. Hai thương hiệu theo sau là Unilever Việt Nam (11,1%) và Vinamilk (9,1%). Tổng cộng, ba ông lớn này nắm giữ khoảng 64% thị phần.

Trong đó năm 2003, KIDO Foods mua lại nhà máy kem Wall’s từ Unilever. Năm 2004 và 2005, công ty lần lượt ra mắt thương hiệu Merino và Celano. Hiện, KIDO có ba nhãn hiệu kem nằm trong top 10 là Merino (thị phần 24,8%), Celano (17,4%) và Wel Yo (1,3%).

Trong khi đó, ông lớn thứ hai thị trường là Unilever Việt Nam cũng có ba nhãn hiệu là Cornetto, Paddle Pop và Wall’s lọt top bán chạy. Tháng 7 năm ngoái, Unilever Việt Nam đã chính thức bước vào cuộc chơi đầy tham vọng ở phân khúc kem cao cấp với thương hiệu Magnum, đánh dấu bước chiến lược nhằm mở rộng thị phần.

Chiến lược của Unilever tập trung vào việc tận dụng sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu dùng cao cấp tại các thành phố lớn và điểm du lịch.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Unilever Việt Nam, phân khúc cao cấp vẫn là mảnh đất màu mỡ. “Thị trường Việt Nam nhìn chung là một thị trường phát triển cực kỳ mạnh mẽ so với các quốc gia trên thế giới, việc nhiều công ty trong cùng một ngành nhảy vào cạnh tranh là chuyện không tránh khỏi khi thị trường vẫn đang rất cởi mởi với tốc độ tăng trưởng trung bình ngành hàng kem lên đến 8% mỗi năm.

Do đó, việc tập trung vào kênh phân phối, tối đa hóa chi phí vận hành, đẩy mạnh các hoạt động Marketing truyền thông đa phương tiện và trên hết là tập trung phát triển những sản phẩm kem chất lượng sẽ là chiến lược trọng tâm của chúng tôi”, đại diện Unilever Việt Nam chia sẻ tại sự kiện ra mắt Magnum tháng 6.

Đối thủ tiềm năng của cả Unilever và KIDO Foods chính là Vinamilk. Doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam vẫn chưa đẩy mạnh kinh doanh mảng kem. Điều này dễ hiểu khi trong cuộc họp thường niên năm 2017, trả lời cổ đông, CEO Mai Kiều Liên cho hay quy mô ngành kem khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Nếu đem so sánh với các mảng kinh doanh chính của Vinamilk thì con số này còn rất nhỏ. “Vì vậy, Vinamilk chưa muốn tập trung cho các ngành hàng này mà sẽ chờ đợi, khi nào thấy có cơ hội thì mới đầu tư phát triển”, bà Liên nói.

Dù vậy, Vinamilk vẫn đang chiếm lĩnh xấp xỉ 10% thị phần trong mảng kem. Với thương hiệu và hệ thống phân phối sẵn có, khi Vinamilk chú trọng đẩy mạnh mảng kem, các công ty trong ngành hiện tại sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Hiện tại, danh mục sản phẩm kem của Vinamilk bao gồm 50 loại SKU với 4 thương hiệu.

Ngoài ba ông lớn, thị trường kem Việt cũng có sự tham gia của những cái tên nhỏ hơn như Tràng Tiền (thuộc sở hữuOne Capital Hospitally) hay Thuỷ Tạ. Tuy nhiên, những thương hiệu này chiếm thị phần (Market Share) không lớn và thường không phải là trọng tâm kinh doanh của doanh nghiệp sở hữu.

Chuyên gia tại Credence Research dự báo trong thời gian tới thị trường kem Việt sẽ chứng kiến sự đổi mới liên tục về hương vị, định dạng sản phẩm và bao bì nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.

Xu hướng hướng tới các sản phẩm kem cao cấp và thủ công đang ngày càng trở nên phổ biến. Các nhà sản xuất cũng đang đáp ứng nhu cầu về các lựa chọn lành mạnh hơn như kem ít đường và không chứa sữa, giúp mở rộng cơ sở người tiêu dùng. Sức khoẻ và tính bền vững trong sản phẩm là điều mà các doanh nghiệp sản xuất kem toàn cầu đang ngày càng chú trọng.

Sự tăng trưởng của thị trường sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sự đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, dẫn đến việc chi tiêu cho các món tráng miệng đông lạnh tăng lên.

Các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội thống trị thị trường kem Việt Nam nhờ dân số  đông và thu nhập cao hơn. Đây là những trung tâm tiêu thụ chính và cũng là nơi đổi mới sản phẩm diễn ra mạnh mẽ.

Tăng trưởng thị trường không chỉ giới hạn ở các thành phố lớn mà còn mở rộng đến các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, nhờ vào sự gia tăng thu nhập khả dụng và cải thiện hạ tầng bán lẻ.

Trong cuộc đua mới này, KIDO và Vinamilk đã tận dụng sự hiểu biết về thị trường nội địa cùng mạng lưới phân phối mạnh mẽ để duy trì vị thế dẫn đầu. Trong khi đó, các thương hiệu quốc tế như Nestlé và Unilever sử dụng kinh nghiệm toàn cầu của mình để giới thiệu các sản phẩm sáng tạo, tạo sức hút lớn đối với người tiêu dùng Việt.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

KIDO tham vọng thị trường mới với mục tiêu trở thành “Market Leader” trong ngành FMCG

Nằm trong chiến lược xây dựng và trở thành tập đoàn số 1 trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu (FMCG), sau khi mua lại 68% cổ phần Thọ Phát, KIDO tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook, hiện thực hóa mục tiêu “Lấp đầy gian bếp Việt” thông qua những sản phẩm dinh dưỡng, tiện lợi, an toàn, độc đáo.

Tại Việt Nam, hầu hết các món ăn từ xưa đến nay, từ truyền thống đến hiện đại của người Việt đều không thể thiếu gia vị đi kèm. Hay trong thói quen nấu nướng của người Việt, những loại gia vị như dầu ăn, nước mắm, nước tương, hạt nêm… những loại gia vị đóng gói sẵn tiện lợi khác… đã trở thành một phần không thể thiếu để chế biến các món ăn.

Mặt khác, Việt Nam với gần 100 triệu dân, diện tích đất trồng lớn, cùng nghề đánh bắt hải sản làm nước mắm đã tạo nên sự đa dạng cho gia vị Việt, đưa gia vị trở thành một ngành hàng đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Euromonitor International, quy mô thị trường ngành hàng gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt 35,707 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô đạt 15,214 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo này, ngành hàng gia vị được dự báo sẽ đạt 40,812 nghìn tỷ vào năm 2026.

Là tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam với 30 năm trên thị trường, dẫn đầu nhiều ngành hàng nhờ sự am hiểu khẩu vị người Việt, KIDO chính thức cho ra mắt ngành hàng mới: ngành hàng gia vị, bao gồm hạt nêm và nước mắm. Mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những loại gia vị tiện lợi, được đóng gói sẵn với nguồn nguyên liệu tươi, hương vị hài hòa cho món ăn tròn vị.

Bốn sản phẩm của ngành hàng gia vị Tường An sẽ chính thức ra mắt người tiêu dùng là: nước mắm cá cơm Tường An 40 độ đạm – đậm đà; nước mắm cá cơm Tường An 32 độ đạm – hài hòa; hạt nêm Tường An Unicook sườn non, xương ống và nước cốt thịt hầm; hạt nêm Tường An Unicook nấm hương và 3 loại rau củ.

Qua đó, KIDO hiện thực hóa mục tiêu “Lấp đầy gian bếp Việt” mà tập đoàn theo đuổi trong suốt 30 năm hoạt động.

Ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết: “Ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng của KIDO trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu, “Lấp đầy gian bếp Việt” đã được KIDO đã đặt ra”.

Ra mắt thị trường trong giai đoạn này, chúng tôi sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập tại từng khu vực/ thị trường, cùng với đó là đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thiết yếu sẵn có, kênh MT, cùng với các kênh mua sắm hiện đại, nền tảng thương mại điện tử để lan tỏa hình ảnh và mang những sản phẩm mới của tập đoàn đến gần hơn với người tiêu dùng, phát triển ngành nhanh chóng, CEO KIDO cho biết thêm.

Song song đó, trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần, KIDO sẽ phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật… giúp các điểm bán và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng hóa việc trải nghiệm sản phẩm.

“Tập đoàn KIDO có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam cùng nền tảng vững chắc về hệ thống, tài chính, marketing, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mạng lưới phân phối rộng khắp, đồng thời dẫn đầu nhiều ngành hàng tại Việt Nam.

Ngoài ra, Tường An với 46 năm khẳng định uy tín trên thị trường, là thương hiệu đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt sau hơn 4 thập kỉ. Cộng hưởng thế mạnh thương hiệu cùng nền tảng sẵn có sẽ là “bệ phóng” giúp ngành hàng gia vị mang thương hiệu Tường An, không phải chịu áp lực nhiều trong lần thâm nhập vào thị trường lần này”, ông Trần Lệ Nguyên nhấn mạnh.

Các sản phẩm nước mắm và hạt nêm của Tường An được sản xuất từ những nguồn nguyên liệu tự nhiên, được tuyển chọn kỹ lưỡng thông qua quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào, đến khâu thành phẩm cuối cùng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đó, dòng nước mắm cao đạm cá cơm Tường An được ủ chượp theo phương pháp truyền thống từ 100% cá cơm tươi Phú Quốc, giúp lưu giữ lượng đạm tự nhiên cao với hương thơm đặc trưng, hậu vị ngọt cá đậm đà từ mắm cốt đặc biệt.

Ngoài ra, nhà máy sản xuất nước mắm Tường An đạt chứng nhận FSSC 22000 và đặc biệt là đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ. Mặt khác, nhà máy sản xuất hạt nêm Tường An Unicook được đánh giá cao về mặt chất lượng, sản xuất trên dây chuyền hiện đại Nhật Bản, với các chứng nhận ISO 22000, GMP,…

Dựa trên kết quả khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Intage VietNam vào tháng 9/2023 cho thấy trên 90% người tiêu dùng cho rằng họ yêu thích sản phẩm nước mắm cá cơm Tường An ngay từ lần thử đầu tiên bởi độ hài hòa và đậm đà của sản phẩm với 100% cá cơm tự nhiên.

Song song đó, kết quả nghiên cứu từ Công ty Intage VietNam vào tháng 7/2023 cũng chỉ ra rằng hơn 90% người tiêu dùng yêu thích sản phẩm Hạt nêm Tường An Unicook ngay từ lần thử đầu tiên bởi nước dùng trong, ngon ngọt tự nhiên và không chứa chất bảo quản.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo The Leader

Tập đoàn KIDO đã sở hữu 51% của bánh bao Thọ Phát

Ngày 23/8/2023, CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) công bố thông tin bất thường về việc đã sở hữu 51% bánh bao Thọ Phát.

KIDO đã sở hữu 51% bánh bao Thọ Phát
KIDO đã sở hữu 51% bánh bao Thọ Phát

Cụ thể, thực hiện nghị quyết số KDC07/2023/NQ-HĐQT ngày 19/4/2023 của HĐQT CTCP tập đoàn KIDO, thông qua chủ trương đầu tư để chi phối và sở hữu tối đa 70% thương hiệu bánh bao Thọ Phát.

Tập đoàn KIDO công bố thông tin đã hoàn tất giao dịch theo từng giai đoạn và hiện chiếm tỷ lệ 51% tại Công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát vào ngày 23/8/2023.

Công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát được nhắc tới là CTCP Thọ Phát Quốc tế. Công ty CP Thọ Phát quốc tế được thành lập 23/05/2023, Hoạt động kinh doanh chính của Thọ Phát theo đăng ký là bán buôn thực phẩm.

Vốn điều lệ khi mới thành lập của công ty là 1 tỷ đồng cùng 6 cổ đông sáng lập bao gồm: ông Vũ Phước Thọ chiếm 62% cổ phần, ông Nguyễn Quốc Lâm chiếm 1% cổ phần, và Vũ Trần Thanh Thảo chiếm 2% cổ phần, ông Vũ Phước Thắng chiếm 2% cổ phần, bà Lê Thị Ngọc Mai chiếm 31% cổ phần, Vũ Lê Hoàng Trúc chiếm 2% cổ phần.

Ngày 29/06, Thọ Phát quốc tế đã thay đổi đăng ký kinh doanh, nâng vốn điều lệ lên 585 tỷ đồng, tương ứng 58,5 triệu cổ phần phổ thông.

Ông Vũ Phước Thọ chính là ông chủ của thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Khởi nghiệp từ năm 1987, đến năm 1995, lò bánh của ông gây được được tiếng vang với người tiêu dùng khi cho ra mắt một loại bánh bao mới có nhân trứng muối.

Nhờ chính sách kinh doanh đổi mới và tiềm lực mạnh mẽ, các sản phẩm bánh tươi, bánh đông lạnh của Thọ Phát đã trở thành lựa chọn của hàng loạt các chuỗi siêu thị/cửa hàng tiện lợi như WinMart, Co.op Mart, Go!, Circle K, Family Mart, Ministop, GS25, Bách hóa Xanh… Cùng với 28 điểm bán lẻ Thọ Phát tại TP.HCM là Mini Bao, các cửa hàng truyền thống, Thọ Phát đang có mặt tại khoảng 4000 điểm bán lẻ trên cả nước.

Trước đó, một phần giá trị thương vụ đã được tiết lộ khi báo cáo tài chính quý II của Kido được công bố. Đến 30/6/2023, số tiền Kido đầu tư vào Công ty CP Thọ Phát quốc tế là 100 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 25%.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Trọng Nghĩa | Markettimes

MWG và Kido ‘vung tay’ chiếm lĩnh thị phần sau dịch: Bước đi có mạo hiểm?

Tay chơi mới trong lĩnh vực bán lẻ là Kido cũng đẩy nhanh tiến độ mở cửa hàng, bắt tay đối tác để tăng độ phủ thương hiệu Chuk Chuk.

Theo báo cáo Bộ Công Thương, kể từ đầu tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát và tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Điều này giúp cho thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian thực hiện giãn cách trước đó, nhu cầu hàng may mặc tăng cao do đang trong giai đoạn chuyển mùa tại các tỉnh phía Bắc; nhu cầu đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, vật phẩm văn hóa giáo dục cũng tăng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách…

Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tổng mức bán lẻ) tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước và giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.

Qua tháng 11, với nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday) được tổ chức tại nhiều địa phương, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng 6,2% so với tháng trước, song vẫn giảm 12,2% so với tháng 11/2020.

Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước do có nhiều tháng ghi nhận mức thấp, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước).

Bộ Công Thương đánh giá dịch bệnh khiến việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm hồi phục chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.

Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi và nhiều nhà bán lẻ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chưa thể trở lại kinh doanh như bình thường, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh đã tranh thủ mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.

Như Thế Giới Di Động – đơn vị thành viên của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) liên tiếp mở ra các chuỗi mới, thử nghiệm bán những mặt hàng chưa từng bán với mục tiêu tạo sự bứt phá.

Cụ thể, trong tháng 10, Thế Giới Di Động mở chuỗi Topzone tập trung vào các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook và các phụ kiện kèm theo. Đến ngày 20/11, đơn vị này tiếp tục công bố khai trương chuỗi mới BlueJi đánh vào sản phẩm mắt kính hàng hiệu và trang sức.

5 siêu thị thuộc chuỗi này đã đi vào hoạt động từ 20/11. Mới đây, doanh nghiệp lại cho ra mắt chuỗi BlueSport chuyên bán các sản phẩm thời trời của những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Adidas, Reebok…

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG, Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Di Động chia sẻ dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Trải qua dịch bệnh, Thế Giới Di Động nhìn ra được những cơ hội mới ở những lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.

Ví dụ như lĩnh vực thời trang, đây là một lĩnh vực có nhu cầu lớn, dịch bệnh khiến các nhà bán lẻ nhỏ phải đóng cửa và tạo khoảng trống cho đơn vị khác nhảy vào. Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ mở sớm và nhanh để giành lấy thị phần.

Không chỉ doanh nghiệp nội, Tập đoàn E Land – tập đoàn thời trang hàng đầu của Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn lấn sân vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, E Land sẽ hợp tác với Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) để mở chuỗi bán lẻ, mang các thương hiệu thời trang Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Tiết lộ với Người Đồng Hành, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT cho biết 2 bên đã có bước chuẩn bị như nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng… để đầu năm sau khởi động.

Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đang có những bước đi mới nhằm nhanh chóng bành trướng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk. Cho ra mắt từ tháng 6, nhưng dịch bệnh khiến kế hoạch mở rộng chuỗi của Kido bị trì hoãn và mới được khởi động lại vào cuối tháng 10.

Sau 1 tháng, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido cho biết đã mở được 10 cửa hàng, mỗi cửa hàng ghi nhận 500-800 hóa đơn mỗi ngày. Kido đặt mục tiêu mở thêm 40 cửa hàng trong tháng 12 và 400 trong năm 2022.

Chuỗi bán lẻ Chuk Chuk của Kido.

Tổng giám đốc Kido nhìn nhận dịch Covid-19 vẫn là một thách thức lớn, tuy nhiên cũng nhờ dịch bệnh mà đơn vị tìm kiếm được mặt bằng vị trí đẹp dễ dàng hơn cùng chi phí thấp hơn đến 50% so với trước dịch.

Không dừng ở đó, Kido còn bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim để đưa sản phẩm Chuk Chuk vào trong hệ thống các cửa hàng GS25. Việc này nhằm mục đích đưa sản phẩm của Chuk Chuk tiến nhanh ra thị trường miền Bắc và xa hơn là Hàn Quốc.

Mặt khác, dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý III, nhiều loại hình kinh doanh phải tạm đóng cửa thì các cửa hàng tiện lợi cùng siêu thị, siêu thị mini vẫn được mở cửa để đảm bảo cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân.

Việc có ki ốt trong cửa hàng GS25 sẽ giúp Chuk Chuk vẫn phục vụ được các tín đồ trà sữa tương tự như Phúc Long mở ki ốt tại Winmart+.

Nhiều ý kiến cho rằng với xu hướng mua hàng ngày càng chuộng online như hiện nay, kết hợp dịch Covid-19 vẫn là yếu tố bất định thì việc bành trướng, mở rộng chuỗi cửa hàng khá rủi ro, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect đánh giá mặc dù xu hướng hiện nay là bán hàng online, kênh thương mại điện tử, song rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này phải quay lại mở cửa hàng vật lý, kho hàng do bị phụ thuộc chuỗi logistics.

Do vậy, những doanh nghiệp bán lẻ xây dựng được tập khách hàng, có mạng lưới cửa hàng vật lý và dòng tiền mạnh sẽ có nhiều lợi thế.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh