Skip to main content

Thẻ: Live Streams

Trung Quốc cấm thuê người nổi tiếng livestream quảng cáo tài chính

Nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh cấm các công ty môi giới tài chính thuê người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để thu hút khách hàng mới.

Theo Bloomberg, hôm 8/11, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã gửi thông báo đến các công ty tài chính, cho biết những doanh nghiệp này không được phép thuê người nổi tiếng để quảng cáo, thu hút khách hàng mới. Theo thông báo trên, việc kêu gọi đầu tư thông qua phát trực tiếp cũng bị cấm.

CSRC cho rằng nhân viên của công ty môi giới nên duy trì tính khách quan và chuyên nghiệp khi bình luận về tình hình kinh tế và thị trường trên Internet.

Bên cạnh đó, những người này cũng phải hạn chế sử dụng những “ngôn từ gây sốc” hoặc “trang phục kỳ quặc” để thu hút khách hàng.

Giới chức Bắc Kinh đã đưa ra những sáng kiến mới nhằm xây dựng một môi trường trực tuyến “lành mạnh”, tạo điều kiện cho nền kinh tế và xã hội phát triển bền vững.

Nước này đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, nhà chức trách có nhiều động thái kiềm tỏa những rủi ro tài chính liên quan đến fintech, bất động sản.

Khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn ngành tài chính có trị giá đến 54.000 tỷ USD của nước này cho nhà đầu tư nước ngoài, hơn 130 công ty môi giới nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn để duy trì thị phần và mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Để có được nhiều khách hàng hơn, những doanh nghiệp lớn như Huatai Securities Co. và East Money Information Co. hay những công ty nhỏ hơn phải thuê người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo.

“Động thái mới nhất có thể gây tác động lớn đến các công ty chứng khoán tập trung nhiều vào những nền tảng mạng xã hội để thu hút khách hàng.

Nhiều người nổi tiếng có chuyên môn kém, thường sử dụng ngôn từ phóng đại để gây chú ý với khách hàng, dẫn đến việc đầu tư không hợp lý”, Liu Yiqian, nhà phân tích tại Shanghai Securities Co. cho biết.

Cuối tháng 11/2020, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý livestream và phát sóng trực tiếp thương mại điện tử. Trong đó, quy định áp dụng các phương pháp như nhận dạng khuôn mặt để triển khai quản lý tên thật cho người phát sóng và người dùng.

Quy định mới cũng giới hạn số lượng phần thưởng của người dùng theo thời gian, hàng ngày và hàng tháng, nếu có quá nhiều phần thưởng sẽ có tin nhắn nhắc nhở và chức năng nhận thưởng sẽ bị tạm dừng nếu vượt quá giới hạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

YouTube đang thử nghiệm tính năng mua sắm khi phát trực tiếp với các nhà sáng tạo được chọn

YouTube đang bắt đầu thử nghiệm tính năng mua sắm trong luồng mới trong khi phát trực tiếp như một phần của nỗ lực liên tục với các công cụ kiếm tiền cho nhà sáng tạo và phát triển thương mại điện tử

Theo giải thích của Google:

“Như chúng tôi đã thông báo vào đầu năm nay, chúng tôi đã thử nghiệm phiên bản beta một trải nghiệm mua sắm tích hợp cho phép người xem khai thác uy tín và kiến thức của những nhà sáng tạo đáng tin cậy để mua hàng trên YouTube.

Thử nghiệm này lần đầu tiên có trên các video theo yêu cầu và chúng tôi hiện đang thử nghiệm trải nghiệm này trên luồng phát trực tiếp với một số nhà sáng tạo và thương hiệu.

Vì vậy, nếu bạn đang xem một luồng phát trực tiếp (live-stream) được hỗ trợ trên YouTube, bạn có thể xem và mua sắm các sản phẩm trong thời gian thực.”

Tùy chọn này cũng tương tự như thử nghiệm của TikTok với mua sắm trực tiếp gần đây, khi ứng dụng hợp tác với Walmart trên một số chương trình phát sóng mua sắm trực tiếp.

Quá trình này sẽ bổ sung thêm nhiều cách để thương hiệu có thể tăng khả năng sản phẩm được khám phá YouTube – điều này cũng liên quan đến việc có đến 33% người mua sắm nói rằng họ đã mua các sản phẩm mà họ đã khám phá trên YouTube, đồng thời thời lượng xem video mua sắm có “giảm giá” đã tăng hơn 400% trong năm qua (theo Google).

Trong bối cảnh sự tăng trưởng của thương mại điện tử, một phần do hậu quả của đại dịch, YouTube đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn hơn về sự quan tâm của người dùng đối với những nội dung liên quan đến sản phẩm.

Cập nhật lần này của YouTube cũng là một sự đáp lại cho nhu cầu đó. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng đang bắt đầu thử nghiệm danh sách sản phẩm thương mại điện tử bên dưới video và quảng cáo dùng thử thông qua công nghệ thực tế ảo (VR) mới.

Đó thực sự là giai đoạn tiếp theo của các nền tảng, nơi người dùng sẽ ngày càng quen với việc xem và mua trực tiếp các mặt hàng trong các ứng dụng mạng xã hội, dựa trên bất kỳ nội dung nào được hiển thị.

Đó cũng là lý do tại sao YouTube đang tìm cách đi trước xu hướng. Và trong khi mua sắm trong các luồng phát trực tiếp chỉ là một phần nhỏ trong số này, thì đó là một động thái khác hướng tới các cấp độ tiếp theo của thương mại điện tử và kết nối xã hội.

Hiện YouTube chỉ đang cung cấp các công cụ mua sắm mới này cho một số ít nhà sáng tạo được chọn cho thử nghiệm, tất cả các tài khoản khác sẽ sớm nhận được cập nhật.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

YouTube ra mắt Clips phục vụ cho Live Streams

YouTube đang giới thiệu khả năng tạo clip từ các luồng trực tiếp và VOD của những người sáng tạo khác.

YouTube đang thử nghiệm một tính năng mới có tên là Clips cho phép người dùng tạo các video ngắn, có thể chia sẻ từ các luồng trực tiếp (live streams) của người sáng tạo.

Clipping là một tính năng tiêu chuẩn trong phát trực tiếp và cuối cùng nó đã được YouTube áp dụng.

Nếu sự phổ biến của Clips trên Twitch ngày càng tăng cao, thì đây có thể là một trong những bổ sung quan trọng hơn cho YouTube trong thời gian gần đây.

Clips cho phép người sáng tạo và người xem lấy bối cảnh từ một luồng trực tiếp, có thời lượng từ 5 đến 60 giây và chia sẻ với những người khác.

Người xem có xu hướng tạo clip từ các luồng phát trực tiếp khi có một khoảnh khắc hài hước, một câu trích dẫn sâu sắc, một màn chơi ấn tượng trong một trò chơi điện tử nào đó được xuất hiện. Đây cũng là lý do YouTube cho ra đời ứng dụng mới này.

Clips hiện đang được thử nghiệm trên YouTube.

YouTube đang thử nghiệm Clips với một nhóm nhỏ người sáng tạo đồng thời thu thập phản hồi để hướng dẫn phát triển thêm tính năng này.

Clips có thể tạo trong luồng trực tiếp của người sáng tạo và từ video theo yêu cầu (VOD – video on demand) được tải lên sau đó.

Nếu bạn đang xem nội dung từ một trong các kênh có trong nhóm thử nghiệm, bạn sẽ thấy biểu tượng clip dưới video trông giống như một cái kéo.

Nhấn vào biểu tượng clip và bạn có thể chọn một phần của video để chia sẻ với người khác.

Thêm tiêu đề và nhấp vào “Chia sẻ Clip” và YouTube sẽ tạo URL để bạn chia sẻ.

Clip sẽ được phát trên video gốc và lặp lại nhiều lần.

Cả người sáng tạo và người xem đã đăng nhập đều có thể tạo Clips. Clips có thể được chia sẻ trên các kênh mạng xã hội hoặc thông qua hình thức trực tiếp (ví dụ như email hoặc văn bản).

Mặc dù chỉ có thể tạo clip từ một số kênh nhất định trong thời gian thử nghiệm, nhưng tất cả người xem đều có thể tạo clip từ các kênh đó.

Khi người dùng tạo clip, clip đó sẽ được lưu trữ trong một tab chuyên dụng sẽ chứa tất cả các clip mà người dùng tạo trên YouTube.

YouTube không chỉ định kênh nào là một phần của nhóm thử nghiệm nên bạn sẽ phải để ý biểu tượng để tìm xem kênh nào đang được áp dụng thử nghiệm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

Vì sao lên Facebook nhìn đâu cũng thấy livestream bán hàng?

Với chi phí chỉ bằng 30%, nhiều shop online vẫn có thể quảng cáo livestream trên Facebook với ngân sách khủng.

“Hiện tại chi phí để chạy quảng cáo ra một tin nhắn Facebook của tôi là 200.000 đồng/tin. Quá cao để có thể có lợi nhuận”, Khánh Đan, chủ Dekat Lingerie, một cửa hàng thời trang nữ tại TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, trên Dòng thời gian của Facebook, hàng loạt các quảng cáo livestream xuất hiện dày đặc với chi phí chỉ bằng 1/3.

Chạy quảng cáo giá rẻ để rửa tiền cho hacker

“Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định.

Theo ông Đông, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn), nói ngắn gọn là “voi”. Theo đó, các tài khoản quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn, thường là của nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, những tài khoản này sẽ được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.

“Dễ hiểu là nếu cần chạy quảng cáo 100 triệu đồng. Bạn sẽ chỉ trả cho hacker 30 triệu để mua lại các tài khoản mà họ hack được từ các công ty lớn”, ông Đông cho biết.

Để tiện chi tiêu cho các công ty lớn, Facebook hỗ trợ mua quảng cáo trước, trả tiền sau. Tuy vào lịch sử chi tiêu và tín nhiệm của công ty, Facebook sẽ cho họ những ngưỡng tài khoản quảng cáo khác nhau. Có ngưỡng quảng cáo lên đến vài triệu USD.

Những tài khoản này được hack bằng nhiều cách khác nhau từ quét mật khẩu theo email đến các web lừa đăng nhập, đánh cắp thông tin.

“Mới đây Facebook đổi giao diện, các hacker ra mắt hàng loạt extension, một dạng tiện ích mở rộng trên trình duyệt Chrome. Công cụ này cho phép người dùng đổi về giao diện cũ tuy vậy cũng lấy luôn quyền truy cập Facebook. Nếu tài khoản đang giữ ngân sách quảng cáo lớn sẽ bị chiếm quyền”, Phú Bình, người chuyên môi giới các loại tài khoản quảng cáo invoice trên một chợ đen cho biết.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp tài khoản invoice cũng âm thầm giao cho người khác chạy quảng cáo. Sau khi chạy hết ngưỡng ngân sách do Facebook cung cấp sẽ báo là bị hack. Đây là một dạng vừa ăn cướp vừa la làng.

Cuối cùng, Facebook là bên mất tiền vì công ty này không nhận được các khoản thanh toán sau khi hiển thị quảng cáo. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại bị mất tài khoản quảng cáo, ảnh hưởng đến chiến dịch truyền thông và trở thành mục tiêu của hacker.

Thị trường quảng cáo lũng đoạn

Ngoài ra, việc tài khoản quảng cáo “voi” lọt vào tay kẻ gian cũng khiến thị trường quảng cáo Facebook tại Việt Nam gặp nhiều ảnh hưởng.

“Vì đây là tài khoản bị hack nên mục đích của họ là làm sao để tiêu càng nhiều tiền càng tốt. Một shop kinh doanh rất nhỏ cũng phải chi trên 5 triệu đồng mỗi ngày. Có những shop tôi biết chi đến 500 triệu đồng tiền quảng cáo ‘chùa’ mỗi ngày”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, chính vì những tài khoản “voi” này mà giá đấu thầu quảng cáo quá cao, khiến các doanh nghiệp chân chính không thể tiếp cận người dùng một cách hiệu quả.

“Có thời điểm tôi chạy quảng cáo ra một tin nhắn chỉ 10.000 đồng nhưng giờ con số này lên gấp 20 lần. Qua tìm hiểu thì tôi biết mỗi buổi trưa thì các tài khoản invoice sẽ mua quảng cáo. Lúc này, cộng đồng người quảng cáo chân chính sẽ tự tắt quảng cáo để tránh cạnh tranh. NewsFeed không còn chỗ cho nhà quảng cáo đúng luật nữa rồi”, bà Đan cho biết.

Ngoài ra, việc Facebook phải liên tục cập nhật thuật toán, sửa lỗi và siết hạn mức cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm quảng cáo của nhiều thương hiệu.

“Trước đây, mỗi chiến dịch chúng tôi sẽ được chạy trước 20 triệu đồng một tháng. Nhưng giờ đây, Facebook đã hạ hạn mức này xuống còn 10 triệu đồng, buộc doanh nghiệp phải tạo và xin xét duyệt nhiều tài khoản quảng cáo hơn”, Hữu Phúc, nhân viên phụ trách quảng cáo của một của hàng bán lẻ di động tại quận 3, TP.HCM cho biết.

Chạy “voi” là con dao hai lưỡi?

“Nghe chạy quảng cáo 10 đồng trả 3 đồng thì ai cũng ham. Nhưng thật sự đây không phải sân chơi cho mọi người”, ông Đông cho biết.

Theo đó, vì lai lịch bất minh của những tài khoản quảng cáo “voi”, việc của hacker là yêu cầu cộng tác viên tiêu thụ tiền càng nhanh càng tốt trước khi bị chủ sở hữu phát hiện. Vì vậy, những tài khoản này thường mua quảng cáo hết công suất, bất chấp số lượt hiển thị và mục tiêu nhắm đến có chính xác hay không.

“Với những sản phẩm không có công thức bán hàng chuẩn, giá không cạnh tranh thì lỗ là chuyện bình thường vì lượt tiếp cận nhiều nhưng không ra đơn”, ông Bình nói.

Vì vậy, hình thức gian lận này chỉ phù hợp với cách bán hàng livestream để “chốt đơn” ngay tại buổi quảng cáo. Các mặt hàng giá rẻ, hàng nhái, kém chất lượng không cần uy tín hay thương hiệu sẽ ưu tiên dùng cách quảng cáo này.

Ưu điểm của tài khoản invoice là được Facebook tín nhiệm. Từ đó việc xét duyệt quảng cáo dễ hơn, tạo điều kiện cho các shop hàng vi phạm chính sách tiêu thụ hàng hóa dễ dàng. Chỉ trong vài giờ, hàng chục nghìn USD tiền quảng cáo sẽ được chi tiêu bạt mạng.

“Từ đó, hàng gian, hàng giả có cơ hội tiếp cận, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng hơn”, ông Bình kết luận.

Ngoài ra, các “ngành phụ trợ” như buôn bán fanpage tick xanh, phần mềm “chốt đơn” cũng nhờ đó mà hưởng lợi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Zing