Skip to main content

Thẻ: logistics

Nghịch lý ngành logistics

Trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp khó do giá thuế container thì các doanh nghiệp logistics nội địa lại “ngậm ngùi” nhường thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Nghịch lý ngành logistics

Oằn mình gánh chi phí logistics.

Chia sẻ tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối diện với thách thức mới, trong đó có phí dịch vụ logistics tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài.

Đáng chú ý, đây đang là giai đoạn tất bật nhất của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm để sản xuất hàng Tết và giao đơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang rất thận trọng khi nhận đơn, nhiều đơn vị phải từ chối bớt bạn hàng.

Cũng theo bà Chi, nếu trước đây thời gian vận chuyển hàng hoá đến Mỹ là 28 ngày thì bây giờ thời gian chờ container rỗng có thể kéo dài đến 2-3 tháng khiến cả doanh nghiệp và đối tác đều rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sảm phẩm bị rút ngắn, giá bị đội lên cao.

Về chi phí, trước đây giá một container đi Mỹ chỉ khoảng 2.000 USD, đi Nga 1.200 USD nhưng hiện nay đã lên đến 15.000 USD/container 40 feet (Mỹ), 9.000-10.000 USD (Nga).

Trong khi đó, doanh nghiệp khó có thể điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết các đơn hàng đã được ký trước và cũng phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng quan điểm với bà Chi, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành gỗ là logistics.

“Việc thiếu container khiến hàng tồn kho tăng cao, khó thu hồi vốn, nhiều nơi còn không dám nhận đơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Phương nói.

Các doanh nghiệp dệt may cũng chung những khó khăn này. Mặc dù ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đến giữa năm và thỏa thuận với khách hàng kế hoạch sản xuất, cung ứng cho cả năm 2022, nhưng vì giá cước vận tải tàu biển, phí thuê container cùng hàng chục phí khác đẩy chi phí logistic tăng cao khiến các doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng mới.

Trong thời gian tới, có thể các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn này bởi theo Bộ Công thương, dự kiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục tắc nghẽn đến cuối năm 2022.

Doanh nghiệp nội địa “nhường” thị phần cho nước ngoài.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện tại, 95% thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài, chi phí logistics cao một cách vô lý đang gây sức ép và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đặc biệt, tiên lượng về vấn đề này, từ cuối năm 2021, hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển đã đưa ra cảnh báo việc tăng cước container đường biển có thể khiến giá nhập khẩu toàn cầu tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay đến năm 2023. Điều này thực sự là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có khoảng 4.000 – 4.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao với số lượng áp đảo mà khối doanh nghiệp logistics nội địa chỉ có được 5% thị phần ngay chính trên “sân nhà”, các đơn vị xuất nhập khẩu phải “bạc mặt” vì chi phí vận chuyển? Bởi lẽ với nguồn lực như trên, các doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể làm chủ được thị trường.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên không có sức cạnh tranh, đa phần làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp…

Hiện, doanh nghiệp logistics Việt Nam mới được khách hàng thuê vận chuyển tới cảng nội địa, sau cảng là do doanh nghiệp nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Vì thế, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều hạn chế về “sân chơi”.

Nói rõ hơn về vấn đề này, theo ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội logistics TP.HCM, các công ty logistics Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản.

Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì vấn đề cốt lõi là 65% hàng nhập khẩu và 73% hàng xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp nước ngoài.

“Hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và đương nhiên miếng bánh còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng”, ông Cường cho hay.

Do đó, ông Cường kiến nghị, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”.

Bởi lẽ, để nang cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế, việc giảm chi phí về logistics là điều hết sức cần thiết và bám sát mục tiêu của các cơ quan chức năng logistics phải trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo The Leader

Diễn biến trái chiều logistics thương mại điện tử châu Á và Âu – Mỹ

Trong khi doanh nghiệp bán lẻ, người dùng châu Á thỏa mãn với mùa mua sắm cuối năm, logistics Âu – Mỹ lại đối mặt tình trạng quá tải, trì hoãn thời gian giao hàng.

logistics thương mại điện tử

Trong các đợt mua sắm cuối năm, người dùng Đông Nam Á thường lợi thế hơn nhờ gần các quốc gia có khu sản xuất, gia công và kho bãi phân phối hàng hóa hơn như Việt Nam, Trung Quốc…

Hầu hết đều nhận hàng sớm hơn các nước Âu – Mỹ. Hệ thống logistics tại các nước này cũng ngày một cải thiện, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và hoạt động năng suất hơn nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Hai năm trở lại đây, logistics Đông Nam Á được xem như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Không chỉ doanh nghiệp nội địa tập trung phát triển, mà các “ông lớn” quốc tế cũng nhạy bén nắm bắt thời cơ, đổ vốn đầu tư, thúc đẩy ngành này lớn mạnh.

Trải qua đợt mua sắm cuối năm với Ngày độc thân 11/11 và dịp sale to trước khi sang năm mới 12/12, người dùng châu Á lần nữa “thắng lớn” khi không chỉ mua sắm được nhiều đồ giá rẻ, tiết kiệm chi phí mà còn nhận hàng nhanh, gọn. Ngày Độc thân 11/11 còn được xem là ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất châu Á.

Tại thị trường Âu – Mỹ, nếu so với các đợt sale Black Friday (Thứ 6 đen tối) hay Cyber Monday (Thứ 2 điện tử), hoạt động mua sắm 11/11 khá ảm đạm. Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ và các nước châu Âu lại phải đối mặt với những hệ quả từ việc quá tải của hệ thống giao vận do ảnh hưởng từ Ngày độc thân.

Tại Thái Lan năm nay, chỉ trong hai ngày diễn ra lễ hội mua sắm 11/11, Lazada ghi nhận con số kỷ lục 30,5 triệu USD doanh số. Hầu hết người dùng chi tiêu trong hai ngày này đều chọn mua các mặt hàng thời trang nhanh từ Trung Quốc.

Tại Singapore cũng ghi nhận doanh số ấn tượng khi thu đến 11 triệu SGD (tương đương 8,1 triệu USD) chỉ trong chín phút đầu tiên. Nền tảng này cũng thành công ghi nhận kỷ lục tổng số mặt hàng một người mua trong 11/11 là 191 sản phẩm.

Giới thương mại điện tử đã đưa ra dự đoán rằng rất có thể sự bùng nổ mạnh mẽ này sẽ tạo áp lực lên toàn hệ thống logistics và giao nhận trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với “bài học” về chuỗi cung ứng từ các nước Âu – Mỹ, logistics châu Á đã chuẩn bị trước kịch bản quá tải và có những giải pháp giúp cắt giảm những khâu rườm rà, kéo dài thời hạn giao hàng. Đồng thời, doanh nghiệp logistics cũng bổ sung nhân sự kịp thời trước thềm lễ hội mua sắm để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh đột ngột này.

Đại diện Tập đoàn Lazada cho biết họ đã xử lý khoảng 20% tổng số lượng bưu kiện trong đợt 11/1 nhanh hơn ít nhất 24h so với năm ngoái. Đây là con số không hề nhỏ so với mức doanh thu 30,5 triệu USD chỉ trong hai ngày.

Con số này thậm chí chỉ mới được ghi nhận tại Thái Lan, một trong 6 quốc gia mũi nhọn tại Đông Nam Á, ghi nhận mức tăng trưởng về sức mua thương mại điện tử nhanh chóng trong năm qua. Vị khách hàng mua 191 sản phẩm đạt kỷ lục kể trên cũng cho biết anh đã nhận được 98% tổng số đơn đã mua vào ngày hôm sau.

So với sự sôi nổi của châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, logistics Mỹ đã gặp khó khăn trong suốt quá trình đó.

Sự trì hoãn, gián đoạn từ các trung tâm sản xuất, xuất khẩu, đến tắc nghẽn các cảng biển và cửa khẩu khiến cả ngành logistics lâm vào cảnh trì trệ đột ngột. Vận chuyển đường bộ cũng không khá khẩm hơn khi thiếu hụt xe tải để dỡ hàng và vận chuyển hàng hóa.

Một báo cáo của New York Times về Catch Co, công ty đánh cá ở Chicago chuyên sản xuất lịch đếm ngược đến Giáng sinh, cho thấy công ty này sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng từ sự chậm trễ của chuỗi cung ứng.

Theo đó, lịch trình dự kiến để hàng hóa từ nhà máy Trung Quốc khởi hành và vận chuyển đến tay khách đặt hàng sẽ mất khoảng 130 ngày.

Trong khi quy trình này trước đó chỉ mất khoảng 60 ngày. Phía Catch Co cũng ước tính lịch trình hàng hóa sẽ đến các chuỗi cửa hàng Walmart sớm nhất trong tuần cuối tháng 11 dù đã nhận đơn đặt hàng và bắt đầu sản xuất lịch từ đầu tháng 4/2021.

Dù có vẻ đang chiếm ưu thế hơn so với thị trường logistics Âu – Mỹ thời điểm cuối năm, song ông Rahul Kapoor, Phó chủ tịch hàng hải và thương mại tại IHS Global Insight cho biết ông sẽ không tự mãn rằng châu Á “hoàn toàn ổn”. Tuy nhiên châu lục này vẫn ở mức “khá hơn một chút” và “vẫn trong tầm kiểm soát”.

Các chuyên gia logistics khác đã liệt kê một số lý do dẫn đến tình trạng trái ngược hiện tại của ngành này giữa hai bán cầu.

Một trong số đó bắt nguồn từ việc nhiều cảng ở châu Á hoạt động suốt ngày đêm. Nhờ đó hàng hóa di chuyển nhanh hơn.Vị trí gần hai nước chuyên sản xuất là Việt Nam, Trung Quốc cũng giúp họ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển.

Thêm vào đó, nhờ trải qua các mùa lễ hội mua sắm xuyên suốt trong năm như 6/6, 7/7, 8/8, 9/9… doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics tại khu vực này hầu hết đều đã có kinh nghiệm.

Họ quen thuộc với các quy trình mua sắm, xử lý đơn hàng, đóng gói và vận chuyển trong mùa cao điểm lễ hội. Đa số doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị và lên sẵn kịch bản nhiều tháng trước khi đợt lễ hội ập đến.

Đại diện Tập đoàn Lazada cho biết công tác chuẩn bị cho ngày 11/11, 12/12 và đợt sale lớn dịp Tết sắp tới đã bắt đầu từ hai tháng trước khi diễn ra chương trình tại các trung tâm phân loại, chia chọn, kho hàng… Đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động đào tạo nhân viên về mặt kỹ năng, tăng cường hoạt động và chủ động bổ sung nguồn nhân lực.

Kelvin Lim, người sáng lập Pacific Logistics Group, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần với kinh nghiệm trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa và kho bãi tại 11 quốc gia, cho biết công ty của ông đã làm việc với khách hàng về kế hoạch và lịch trình sản xuất từ trước khi diễn ra lễ hội. Việc phối hợp bàn bạc này giúp giải quyết bất cứ vấn đề phát sinh nào giữa chừng, tránh tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ, đồng thời loại bỏ các sự cố có thể dự đoán trước.

Kelvin cho rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics châu Á có kinh nghiệm dày dạn trong các đợt lễ hội mua sắm. Họ đã chuẩn bị trước nhiều tháng cho Ngày độc thân năm nay để đón đầu nhu cầu gia tăng đột biến.

Sự bùng nổ này là hoàn toàn có thể dự đoán được khi sức mua từ đầu năm 2021 đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Rahul Kapoor cũng đưa ra nhận định rằng dù cũng chịu ảnh hưởng từ đại dịch về mặt kinh tế, song ngành thương mại điện tử và logistics tại châu Á lại bứt tốc đáng kinh ngạc.

“Có thể đôi khi xuất hiện vấn đề chậm trễ đơn hàng dô nhu cầu tăng đột ngột. Tuy nhiên sự chậm trễ này là không đáng kể và rất hiếm, thậm chí tỷ lệ rất thấp. Và tất nhiên là tình trạng logistics ở châu Á vẫn luôn khả quan hơn tại Mỹ”, Kapoor nói thêm.

Thái Nghiên (Theo SCMP)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Hệ sinh thái logistics thương mại điện tử trong kỷ nguyên số

Logistics thương mại điện tử chứng kiến kỷ nguyên tăng trưởng chưa từng có khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh trong năm 2021.

Hệ sinh thái logistics thương mại điện tử trong kỷ nguyên số
Source: barrettdistribution

Hiện tại ít nhất 102 nhà cung cấp dịch vụ logistics chủ chốt, bao gồm những “ông lớn” với nền tảng vững chắc lẫn những doanh nghiệp mới nổi, đang hoạt động tại thị trường Đông Nam Á. 2020-2021 là thời điểm cho thấy sự phát triển nhanh chóng và bùng nổ nhất của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử thế giới.

Không chỉ “bành trướng” về mặt thị trường, lĩnh vực này còn nổi bật với những bước tiến vượt trội khi đưa những công nghệ hiện đại như big data và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình vận hành.

Theo Andy Huang, Giám đốc Logistics Tập đoàn Lazada, sự cải tiến này giúp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì, thậm chí gia tăng hiệu quả hoạt động gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống.

Chính sự phát triển này của doanh nghiệp logistics đã góp phần giảm bớt sự quá tải nhu cầu thương mại điện tử trong hai năm trở lại đây.

Mặt khác, ông Andy Huang cũng chỉ ra chính sự phát triển nhanh chóng này đã mở ra những vấn đề mới về tính bền vững của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp logistics ra đời sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Song một số đơn vị chỉ tập trung cho một, hoặc một số, thị trường, đối tượng khách hàng nhất định, khá ít doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực.

Mở rộng quy mô theo hướng bền vững.

Theo đó, làm sao để mở rộng quy mô đúng cách, đáp ứng đúng nhu cầu các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng là điều mà các công ty logistics cần chú trọng. Vị Giám đốc logistics nhận định cần xây dựng một hướng tăng trưởng bền vững bằng cách ứng dụng thực tiễn vào quy trình vận hành.

Cụ thể, ông Andy Huang khuyên mỗi doanh nghiệp logistics hãy xem bưu kiện như những “hành khách” trên các tuyến xe bus.

Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ thiết lập duy nhất tuyến đường từ điểm A đến điểm B, mà mỗi tuyến lại do một nhà điều hành xe bus khác nhau đảm nhiệm, sẽ dẫn đến kéo dài lộ trình lẫn thời gian di chuyển.

Để khắc phục yếu tố này, ông gợi ý các doanh nghiệp nên có một “trạm trung chuyển xe bus”. Đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa từ nhiều nơi khác nhau. “Hành khách” có thể lên xe bus của bất kỳ hãng nào tiện đường để đi trực tiếp tới điểm đến thay vì phải dừng nhiều trạm, khiến lịch trình bị trì hoãn.

“Sự tương tự của nút giao xe bus trong bối cảnh này sẽ giúp đặt nền tảng cho mạng lưới chuỗi tích hợp giữa cung ứng và logistics. Hệ thống ứng dụng công nghệ thông minh cho phép trải nghiệm thương mại điện tử tập trung vào khách hàng và hiệu quả hơn so với cách vận hành truyền thống”, ông Andy cho hay.

Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra những thách thức doanh nghiệp logistics đối mặt hiện tại đều liên quan đến logistics thương mại điện tử.

Tầm quan trọng của các thành viên trong hệ sinh thái không chỉ đến từ góc độ công nghệ mà còn nằm ở khả năng hiệu chỉnh lại mô hình hoạt động và kinh doanh của họ, hướng đến tăng trưởng bền vững dài hạn.

Giải pháp đầu tư dài hạn.

Logistics thương mại điện tử hiện vẫn khá tách biệt với những khía cạnh khác trên thị trường. Việc thiết lập mạng lưới và cơ sở đầu cuối cho riêng lĩnh vực này phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư đáng kể để duy trì và vận hành. Ông Andy cho biết các doanh nghiệp nhỏ thường không đủ khả năng chi trả cho khoảng chi phí đầu tư này.

Theo đó, ông đưa ra gợi ý các doanh nghiệp nhỏ có thể hợp tác với những công ty cung cấp dịch vụ logistics đa kênh. Hai bên có thể cùng xây dựng một kho hàng, phục vụ riêng cho các nhà cung cấp và thương hiệu trên thương mại điện tử.

Hình thức này có thể giúp mang lại lợi ích cho cả người bán, doanh nghiệp logistics nhỏ và các “ông lớn” trong ngành trên hành trình xây dựng dây chuyền vận chuyển, phân loại theo hướng bền vững.

Ngoài ra, với quy mô và khả năng đầu cuối, các nền tảng thương mại điện tử có thể khuyến khích người bán và đối tác của họ mở thêm lựa chọn dịch vụ giao hàng nhanh cho người dùng. Người bán có thể hoàn thành đơn hàng nhanh hơn, gia tăng khả năng hiển thị cửa hàng và tăng lưu lượng truy cập.

Thời gian giao hàng rút ngắn là cách nhanh nhất để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tác động tích cực đến trải nghiệm mua sắm, tăng tỷ lệ tái mua hàng và kéo thêm khách hàng mới.

Ngành công nghiệp logistics thương mại điện tử đã trải qua chặng đường dài trong thập kỷ qua. Từ việc quản lý đơn đặt hàng bằng hệ thống Excel đến việc sở hữu một nền tảng quản lý dữ liệu tập trung, ngành này đã có những bước tiến vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu của người bán, thương hiệu lẫn khách hàng tiêu dùng.

Ông Andy Huang nhấn mạnh rằng khi cả thương mại điện tử và logistics cùng phát huy tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp lĩnh vực này buộc phải không ngừng cải tiến quy trình, hệ thống vận hành để thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường bùng nổ.

“Nếu muốn tạo ra một hệ sinh thái hậu cần thương mại điện tử (eCommerce) bền vững và toàn diện,việc tích hợp các hoạt động logistics cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng. Mỗi doanh nghiệp cần xem việc lập kế hoạch nguồn lực và nhân lực như một thực thể duy nhất.

Chỉ cần đạt được điều đó, doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử có thể cắt giảm kha khá chi phí kinh doanh, giúp các thương hiệu và nhà bán hàng thêm khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu”, ông Andy Huang chia sẻ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh