Skip to main content

Thẻ: mua bán

Các xu hướng M&A toàn cầu 2022

Nối tiếp những xu hướng năm 2021, thị trường mua bán & sáp nhập (M&A) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp các biến động thị trường.

xu hướng M&A 2022

Báo cáo mới nhất của PwC về Các Xu hướng M&A Toàn cầu 2022 đã điểm lại những kết quả ấn tượng trong năm 2021 của hoạt động giao dịch toàn cầu nói chung, và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Báo cáo chỉ ra các xu hướng chính ảnh hưởng đến sự lạc quan của thị trường trong tương lại gần: dòng giao dịch mạnh mẽ, nguồn vốn sẵn có dồi dào và nhu cầu tăng cao đối với các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu.

2021 là năm kỷ lục cho hoạt động M&A.

Năm 2021 ghi nhận tổng khối lượng và giá trị giao dịch thương vụ đạt mức kỷ lục. Tổng số thương vụ được công bố toàn cầu vượt ngưỡng 62.000, tăng 24% so với năm 2020.

Giá trị thương vụ được công bố đạt mức 5.1 nghìn tỉ USD, bao gồm 130 giao dịch quy mô lớn (megadeal) trị giá hơn 5 tỉ USD, cao hơn 57% so với năm 2020 và vượt kỷ lục 4.2 nghìn USD của năm 2007.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã ghi nhận tổng khối lượng giao dịch tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

xu hướng M&A 2022
Khối lượng và giá trị giao dịch 2019-2021. Ảnh: PwC.

Quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) dần chiếm vị thế chủ chốt.

Quỹ đầu tư tư nhân tiếp tục ghi nhận tần suất và giá trị giao dịch cao. Gần 40% các giao dịch trong năm 2021 có liên quan đến các quỹ này, tăng mạnh so với chỉ hơn 25% cho 5 năm về trước.

Các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã tham gia vào các thương vụ mang giá trị cao hơn, chiếm 45% trong tổng giá trị giao dịch năm 2021, so với chỉ 30% trong 5 năm qua.

Hướng tới năm 2022, các quỹ đầu tư tư nhân đã và đang tăng cường năng lực giao dịch của mình. Tổng nguồn vốn của các quỹ tư nhân toàn cầu đạt 2.3 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021, cao hơn 14% so với đầu năm – mang lại nguồn động lực lớn thúc đẩy các hoạt động M&A trong năm 2022.

Tuy nhiên, thách thức dành cho các quỹ này chính là tìm ra phương pháp đem lại giá trị trước áp lực về lãi suất và hệ số tăng cao, cùng với những áp lực liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Xu hướng chính trong thị trường M&A 2022: Thoái vốn và ESG.

Về phía doanh nghiệp, việc chuyển đổi mang tính chiến lược sang các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo và đột phá sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình ra quyết định M&A.

Trong điều kiện thị trường toàn cầu đòi hỏi tư duy tạo ra giá trị, các CEO có khả năng sẽ tập trung thoái vốn nhằm cân bằng danh mục đầu tư, đảm bảo tăng trưởng và sinh lời trong dài hạn.

ESG cũng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A trong năm 2022 khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội kiến tạo giá trị.

Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, theo dự đoán của PwC, nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh, tạo cơ hội cho hoạt động M&A sôi nổi

Triển vọng tích cực trong năm 2022 bất chấp những biến động.

Khi sự lạc quan về kinh tế vẫn ở mức cao, thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022.

Đại dịch đã gây ra nhiều gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, dẫn đến nhiều rào cản về cơ cấu cũng như tài chính đối với các giao dịch trong năm 2022, bao gồm lãi suất cao, lạm phát tăng, thuế tăng và quy định ngày một thắt chặt hơn.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như không nản lòng trước biến động kinh tế vĩ mô, kết quả từ Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC cho thấy 77% các CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới.

Hơn nữa, hơn 50% các CEO thể hiện sự lạc quan cao đối với tăng trưởng doanh thu trong doanh nghiệp của họ trong 12 tháng tới; đứng đầu là các CEO của các Quỹ đầu tư tư nhân (67%) và các công ty công nghệ (64%), vốn là hai lĩnh vực có khối lượng và giá trị giao dịch M&A cao nhất trong năm 2021.

Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, kiêm Lãnh đạo ESG Dịch vụ Tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam, chia sẻ: “Các giao dịch thương vụ toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng dự kiến sẽ tiếp tục nhộn nhịp vào năm 2022.

Các nhà giao dịch thương vụ nên đề phòng những yếu tố tiềm ẩn trong giao dịch như sự biến động của thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

6 đến 12 tháng tới có thể là khoảng thời gian sôi động cho hoạt động giao dịch M&A tại Việt Nam nhờ vào các chính sách và quy định hỗ trợ của Chính phủ.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nhiều lĩnh vực sẽ bùng nổ hoạt động M&A năm 2022

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn coi mua bán và sáp nhập (M&A) như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ.

Vượt qua thách thức nhờ các yếu tố “hậu thuẫn”.

Là một người quan sát thị trường Việt Nam đã lâu, ông Warrick Cleine, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia khẳng định, thị trường M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khoẻ, bán buôn – bán lẻ hay công nghệ thông tin trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc hứng thú với ngành thương mại điện tử, logistics… Những tập đoàn lớn toàn cầu, trong đó nổi bật là Alibaba cũng quan tâm đến M&A ở Việt Nam.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 đã nhấn mạnh, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai, sau Singapore, trong số các điểm đến quan trọng nhất của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Mặc dù số lượng giao dịch năm 2020 và 2021 giảm nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là năm 2021 với giao dịch lớn giữa SMBC Consumer Finance và VP Bank. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục ở mức cao.

Năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A vẫn có sự tăng trưởng dù gặp nhiều thách thức do đại dịch.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ tại Việt Nam bất chấp diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Từ quan sát của ông Phương, sau hai năm đại dịch hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ; chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn. Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh, đó là sự hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, có nhiều yếu tố “hậu thuẫn” cho khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài, từ đó hỗ trợ cho tiềm năng bật lại mạnh mẽ đối với thị trường Việt Nam trong năm 2022.

Đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch, nổi bật trong quá trình đó là sự thúc đẩy xu hướng số hóa cả trong kinh doanh và lối sống.

Thứ hai là yếu tố pháp lý và môi trường sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Các FTA sẽ có hiệu lực tới đây và các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giếng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Bà Duyên cho rằng, các yếu tố hậu thuẫn này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động M&A của Việt Nam dù vẫn có nhiều thách thức. Chẳng hạn, các thương vụ có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành do một số vướng mắc như đi lại, thẩm định…

Với các thương vụ nhỏ, một số nhà đầu tư muốn hoàn thành càng nhanh càng tốt, nhưng với các thương vụ lớn thì họ cẩn trọng hơn vì không thể đến thăm trực tiếp công ty, ban lãnh đạo.

“Trước khi đưa ra quyết định với thương vụ lớn, cần nhìn nhận và cảm nhận rất nhiều các thông tin khác nữa.

Chúng tôi có nhiều thương vụ và giao dịch, nhưng do thời gian chuẩn bị dài hơn nên có nhiều thương vụ phải để tới năm sau để hoàn thành”, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam cho biết.

“Dù vậy, chúng tôi đang nhìn vào các năm tới với mức độ tự tin rất cao”, ông Lâm khẳng định.

M&A được xem là chiến lược quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Nhận định về các lĩnh vực sẽ hút nhà đầu tư trong năm tới, ông Warrick Cleine cho rằng, M&A trong các lĩnh vực như Fintech, dịch vụ tài chính, logistics… hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, sẽ vẫn còn nhu cầu để xử lý nỗi đau của những ngành nghề chịu tác động trong giai đoạn vừa qua như bán lẻ, F&B, giải trí, du lịch, hàng không… với nhiều tổn hại đến bảng cân đối kế toán. Lãnh đạo KPMG cho rằng, năm 2022 sẽ là thời điểm để nói về việc “vá lại” những tổn thất đó trên bảng cân đối kế toán.

Các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ, tiêu dùng sẽ tiếp tục hấp dẫn. Ngành công nghệ không hẳn liên quan đến Covid vì vốn rất năng động, tăng trưởng nhưng Covid thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển nói chung.

“Các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam có trao đổi với KPMG rằng họ nhìn M&A như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ”, ông Warrick Cleine cho biết.

Trong khi đó, bà Duyên cho rằng, ngành năng lượng sẽ là một trong những ngành năng động, thu hút được cả các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Tuy nhiên, lĩnh vực này có nhiều thay đổi về quy định pháp lý, do đó, các nhà đầu tư mong muốn các chính sách minh bạch và dễ đoán định hơn.

Đối với ông Lâm, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Các ngành mới hấp dẫn trong những năm tới là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông và cơ sở hạ tầng.

“Các doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý để đáp ứng tuân thủ với các quy tắc phát triển môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp tốt. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư tốt hơn”, ông Lâm lưu ý.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Salesforce đã hoàn tất việc mua lại Slack với 27.7 tỷ USD

Gã khổng lồ điện toán đám mây Salesforce đã hoàn tất việc mua lại Slack với trị giá 27,7 tỷ USD nhằm bổ sung ứng dụng nhắn tin vào bộ phần mềm doanh nghiệp của mình, hiện Salesforce không thay đổi ngay chức năng, thương hiệu hoặc vị trí lãnh đạo của Slack.

Giám đốc điều hành Salesforce, Ông Marc Benioff cho biết trong một tuyên bố:

“Cùng nhau, chúng tôi sẽ định hình tương lai của phần mềm doanh nghiệp (enterprise software), tạo ra trung tâm kỹ thuật số cho phép mọi tổ chức có thể mang lại thành công cho khách hàng và nhân viên của họ từ bất cứ nơi nào”.

Mặc dù Slack không hoàn toàn ‘bót nghẹt’ email, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý từ những công ty khổng lồ như Microsoft, công ty mà người đồng sáng lập và CEO của Slack, Ông Stewart Butterfield gọi là “mối đe doạ lớn đối với chúng tôi” trong một cuộc trò chuyện với tờ The Verge.

Butterfield cho biết: “Trong một thế giới khác, nơi Slack cực kỳ thành công trong hai năm tới và 98% nhân viên tri thức sử dụng Slack, điều đó rất quan trọng đối với Microsoft vì tầm quan trọng tương đối của email sẽ giảm đi đáng kể.”

Giờ đây, Slack đang đi từ một kẻ thách thức độc lập mới nổi trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Salesforce đã coi các nhân viên của mình là kiến ​​trúc sư của một phương pháp tiếp cận thân thiện từ xa và với Slack, nó sẽ cố gắng thống trị khi các công ty khác trên thị trường cũng đi theo hướng đó.

Để trả lời câu hỏi tiếp theo là gì, vào ngày 17 tháng 8 sắp tới, Butterfield và Bret Taylor, hiện là COO (Giám đốc vận hành) của Salesforce đang lên kế hoạch cho một sự kiện mới, nơi họ sẽ chia sẻ thêm về cách hai công ty đang tạo ra một nền tảng mạnh mẽ mới cho những người hoặc doanh nghiệp đang ưu tiên kỹ thuật số ở mọi nơi trên thế giới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Long Trần | MarketingTrips