Skip to main content

Thẻ: programmatic ads

Programmatic Advertising là gì? Hiểu về quảng cáo có lập trình

Những chiến lược quảng cáo hiển thị được nhắm mục tiêu tự động có lập trình (Programmatic Advertising) được chứng minh là có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng. Vậy Programmatic Advertising là gì, tại sao nó quan trọng với thương hiệu và hơn thế nữa, tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Programmatic Advertising là gì? Tìm hiểu về quảng cáo có lập trình
Programmatic Advertising là gì? Tìm hiểu về quảng cáo có lập trình

Nhận thức về kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực marketing, đang dần trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây và với quảng cáo hiển thị có lập trình (programmatic ads), thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình hiệu quả hơn nhiều.

Vốn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ, hành vi của người tiêu dùng cũng như các chiến lược marketing cũng thay đổi tương ứng.

Một trong những chiến lược đó là khả năng thích ứng với công nghệ quảng cáo hiển thị tự động hay còn được gọi là Programmatic Advertising (Programmatic Ads).

Programmatic Advertising là gì?

Hiểu một cách đơn giản, Programmatic Advertising là công nghệ quảng cáo cho phép việc mua bán không gian quảng cáo (inventory) giữa các bên (advertiser, agency và publisher, ad network…) một cách tự động.

Theo báo cáo Triển vọng truyền thông và giải trí toàn cầu (GEMO) của PwC, hiện có hơn 50% ngân sách quảng cáo được chi tiêu cho các nền tảng kỹ thuật số và dự đoán con số này sẽ tăng lên mức khoảng 54,4% vào năm 2022 (năm 2018 là 47,7%).

Việc chi tiêu quảng cáo luôn chịu sự ảnh hưởng bởi sự chú ý của các nhóm đối tượng mục tiêu.

Tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) đã luôn thay đổi và những gì đang tỏ ra hiệu quả ngày hôm nay có thể sớm trở nên lỗi thời trong thời gian ngắn.

Để có thể nhận biết chính xác về những nơi mà người dùng đang ở và quan tâm nhiều nhất, người làm marketing nói chung không có cách nào khác ngoài việc liên tục quan sát và theo dõi các xu hướng mới hay những gì đang diễn ra trên thị trường.

Theo dữ liệu gần đây của Statista, gần một nửa số người trả lời trong cuộc khảo sát nói rằng trung bình họ dành từ 5 đến 6 giờ trên điện thoại mỗi ngày và đa số thời gian là dành cho các ứng dụng (app) hơn là các trình duyệt (browsers).

Một báo cáo khác cho thấy mỗi người tiêu dùng trung bình có hơn 30 ứng dụng trên thiết bị di động của họ, nhưng lại dành đến 97% thời gian cho 10 ứng dụng họ ưa thích nhất – các ứng dụng được ưa thích nhất là mạng xã hội, game, tin tức, âm nhạc, v.v.

Xu hướng này cũng một phần giải thích lý do tại sao có đến hơn 2/3 ngân sách quảng cáo có lập trình hiện đang được chi tiêu cho thiết bị di động so với máy tính để bàn.

Các chiến thuật có thể áp dụng để giúp chiến lược quảng cáo hiển thị có lập trình (Programmatic Advertising) hiệu quả hơn.

Về mặt tổng thể, các nền tảng quảng cáo hiển thị có lập trình (hệ thống Facebook Ads là một trong số đó) cho phép các nhà tiếp thị chủ động tiếp cận với khách hàng tiềm năng trên nhiều môi trường khác nhau trên Internet (khác với quảng cáo tìm kiếm là thương hiệu chỉ có thể hiển thị quảng cáo khi người dùng tìm kiếm một thứ gì đó).

Dưới đây là một số chiến thuật nhỏ thương hiệu có thể áp dụng.

Nhắm mục tiêu theo nội dung: Hệ thống quảng cáo hiển thị có lập trình có khả năng tìm kiếm khách hàng tiềm năng dựa trên những nội dung mà họ quan tâm, các ứng dụng và các website tương tự mà họ đã truy cập hay tương tác trước đó.

(Nếu mọi người cùng truy cập vào một website, họ có thể nhận được những thông tin hay nội dung giống nhau và bị ảnh hưởng theo những cách tương tự nhau).

Những người làm marketing cần hiểu rằng nếu mọi người có cùng quan điểm, họ thường bị thuyết phục bởi những điều giống nhau từ các thương hiệu tương tự nhau.

Nhắm mục tiêu theo vị trí: Nhắm mục tiêu theo vị trí thường tỏ ra hiệu quả hơn với các doanh nghiệp truyền thống vì mục tiêu của họ chỉ là những người sinh sống trong một phạm vi bán kính địa lý nhất định.

Tuỳ thuộc vào mục tiêu của từng thương hiệu cũng như khả năng phân phối, họ có thể chọn cách chỉ nhắm mục tiêu đến các khu vực cụ thể hoặc mở rộng trên phạm vi lớn hơn.

Ví dụ nếu thương hiệu quan sát và thấy rằng các khách hàng đến từ Miền Trung không hoặc rất ít tạo ra chuyển đổi, họ có thể không nhắm mục tiêu tiếp cận khu vực đó.

Nhắm mục tiêu theo sở thích: Thay vì nhắm mục tiêu theo những thứ bên ngoài, nhà quảng cáo cũng có thể tiếp cận khách hàng theo những cách “gẫn gũi” hơn.

Hãy tìm hiểu xem đối tượng mục tiêu của bạn thích các sản phẩm nào ngoài sản phẩm của bạn (đối thủ), họ thường làm gì (bao gồm cả yếu tố giải trí) trên các nền tảng trực tuyến hay họ có những sở thích gì khác ngoài việc mua sắm các sản phẩm tương tự.

Ví dụ, một thương hiệu đồ uống không nhất thiết phải nhắm mục tiêu đến những người thích các thương hiệu đồ uống khác, thay vào đó họ có thể tập trung vào những người quan tâm đến lối sống, ẩm thực, giải trí hay thể thao chẳng hạn.

Nhắm mục tiêu theo sở thích được cho là một trong những chiến thuật quảng cáo có khả năng mang lại mức lợi nhuận cao nhất.

Nhắm mục tiêu lại: Nếu việc liên tục nhắm mục tiêu đến những khách hàng mới có thể tốn kém hơn, kỹ thuật nhắm mục tiêu lại (re targeting, re-marketing) tập trung vào những người đã truy cập vào các nền tảng (fanpage, website, ứng dụng…) của thương hiệu trong một khoảng thời gian nhất định (được chọn).

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, việc nhắm mục tiêu lại những người từng truy cập hay quan tâm đến thương hiệu có khả năng mang lại chuyển đổi cao hơn với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, các thương hiệu cần lưu ý là, trong khi nhắm mục tiêu lại có thể hiệu quả hơn về mặt chi phí và chuyển đổi, việc tập trung vào một lượng ít (đối tượng cũ) khách hàng tiềm năng có thể làm hạn chế khả năng tăng trưởng và mở rộng của thương hiệu.

Một điểm khác cũng quan trọng không kém là không ít những người làm marketing không thực hiện chiến lược đa dạng hoá các kênh truyền thông trong những giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm và tối ưu kênh, dẫn đến việc họ thường phụ thuộc vào một hoặc một số ít kênh nhất định.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips