Skip to main content

Thẻ: Puma

Puma cho phép khách hàng Gen Z giám sát chuỗi cung ứng bền vững

Mới đây, gã khổng lồ về bán lẻ đồ thể thao đã ra mắt chương trình “Voices of a Re:Generation” (Tiếng nói của thế hệ mới) — một sáng kiến nhằm phát triển cách thương hiệu điều hướng tới hành trình bền vững.

Puma cho phép khách hàng Gen Z giám sát chuỗi cung ứng bền vững
Puma cho phép khách hàng Gen Z giám sát chuỗi cung ứng bền vững

Dự án sẽ bắt đầu với việc Puma hợp tác và nhường ghế cho bốn “tiếng nói” của thế hệ Gen Z – những người có ảnh hưởng trong các chiến dịch bảo vệ môi trường từ khắp châu Âu và Hoa Kỳ, trong thời gian dài một năm.

Mối quan hệ hợp tác với bốn “đại sứ bền vững” sẽ khám phá những cách khả thi để thực hiện các chiến lược kinh doanh và phát triển tính bền vững của Puma, đồng thời sử dụng nền tảng của chương trình để truyền đạt những nỗ lực của Puma một cách minh bạch và xác thực.

Theo Vogue Business, bốn người tiêu dùng Gen Z được chọn bao gồm: nhà tái chế 23 tuổi Andrew Burgess, nhà làm phim tài liệu 29 tuổi Alice Aedy – cũng là đồng sáng lập công ty truyền thông định hướng tác động Earthrise Studio, vlogger sống bền vững 29 tuổi Luke Jaque-Rodney, và nghệ sĩ thị giác 32-tuổi Jade Roche.

Mỗi người trong số họ đại diện cho một trong những thị trường bán lẻ chính của Puma: Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Mặc dù ba trong số bốn người không phải là Gen Z về mặt tuổi tác, Puma cho biết tất cả họ đều có lượng khán giả trung thành nằm trong độ tuổi 18 – 24.

Voices of a Re:Generation được xây dựng dựa trên cam kết của thương hiệu nhằm đảm bảo các sáng kiến bền vững của Puma phù hợp với mọi người, đặc biệt là thế hệ tiếp theo. Sáng kiến này được thúc đẩy một phần nhờ phản hồi của nhân viên — độ tuổi trung bình của nhân viên Puma là 32 — và một phần nhờ cuộc khảo sát mà thương hiệu tiến hành.

Kết quả cho thấy 71% thanh niên cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe khi nói đến môi trường và muốn thấy các thương hiệu đưa ra nhiều cam kết hơn (49%), truyền đạt mục tiêu của họ tốt hơn (40%) và minh bạch hơn (34%).

Trong suốt năm 2023, bốn người trẻ có ảnh hưởng sẽ gặp Giám đốc nguồn cung ứng của Puma, Anne-Laure Descours và nhóm Phát triển bền vững của Puma để hợp tác và trình bày quan điểm trung thực của họ.

“Chúng tôi luôn ghi lại sự tiến bộ của mình trong các hoạt động bền vững; tuy nhiên, có một thực tế là thông tin chúng tôi chia sẻ không phải lúc nào cũng dễ dàng được thế hệ tiếp theo hiểu được”, bà Descours nói.

“Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi và chúng tôi cam kết làm cho tính bền vững trở nên dễ tiếp cận và minh bạch hơn đối với mọi người, mọi lứa tuổi”.

Voices of a Re:Generation chỉ là một bước tiến trong nhiều năm nỗ lực kinh doanh bền vững của PUMA.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của trang web Business of Fashion, Puma được đánh giá là thương hiệu bền vững nhất trong ngành này trong năm 2022.

Trong nỗ lực thực thi chiến lược bền vững “Forever Better,” hồi đầu năm nay, Puma thông báo trong giai đoạn 2017-2021, hãng đã giảm được tới 88% lượng khí phát thải trong hoạt động chung và 12% trong chuỗi cung ứng, trong khi vẫn đạt tăng trưởng doanh thu mạnh trong thời gian này.

Để đạt được kết quả này, PUMA cho biết đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo, chuyển đổi toàn bộ ôtô của công ty từ chạy bằng xăng sang điện, tăng cường sử dụng vật liệu bền vững và tăng năng suất của các nhà máy.

Puma cũng được đưa vào bảng xếp hạng 100 công ty bền vững nhất toàn cầu của tổ chức Corporate Knights, duy trì xếp hạng ba A với MSCI và vị trí hàng đầu với ISS; hai cơ quan xếp hạng bền vững hàng đầu.

Còn theo tiêu chuẩn đánh giá tính bền vững của S&P năm 2022, Puma lần đầu tiên vượt trội so với tất cả các thương hiệu thể thao khác kể từ năm 2010.

Bất chấp sự thay đổi trong ban lãnh đạo gần đây – Giám đốc điều hành Bjørn Gulden chuyển sang làm việc cho đối thủ Adidas, Puma khẳng định rằng Voices of a Re:Generation là sự tiếp nối chiến lược dài hạn của thương hiệu, bởi môi trường là một vấn đề quan trọng đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi.

Nghiên cứu của Puma trùng khớp với cuộc khảo sát gần đây của Piper Sandler, cho thấy môi trường là mối quan tâm hàng đầu phổ biến nhất trong số các vấn đề được xếp hạng của tuổi teen, chiếm 19%, tiếp theo là tình trạng bình đẳng chủng tộc với 9%.

Cùng một báo cáo cũng cho thấy sức mua của tuổi teen đang tăng lên, với chi tiêu tự báo cáo tăng 2% so với năm trước, lên đến 2.419 đô la.

Khi sức mua của nhóm này tăng lên, thương hiệu cần phải làm việc để thu hút họ một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi nhiều thương hiệu đã cố gắng trở nên bền vững hơn, những nỗ lực này không phải lúc nào cũng được các nhà tiêu dùng trẻ tuổi đón nhận tốt.

Các cáo buộc “tẩy xanh” hoặc giả vờ quan tâm đến môi trường để kiếm lợi nhuận có thể làm chết chương trình thậm chí là khi nó được thiết kế với ý định tốt đẹp.

Do đó, các chuyên gia cho biết hầu hết các thương hiệu đều né tránh các sáng kiến minh bạch do có thể gây ra rủi ro về uy tín.

Thành công của Puma sẽ phụ thuộc vào khả năng của 4 nhân vật có ảnh hưởng trong việc thúc đẩy sự thay đổi lâu dài hay không. Javed Siddiqui, giáo sư tại Trường Kinh doanh Alliance Manchester, người chuyên về quản trị doanh nghiệp, cho biết ônglạc quan về sáng kiến này. “Có thể có rất nhiều câu hỏi mà Puma chưa thể trả lời, nhưng sự sẵn sàng đối mặt với người tiêu dùng của họ là điều đáng hoan nghênh”.

Hiện các nhà hoạch định chính sách của Châu Âu và Hoa Kỳ hiện đang nỗ lực để thắt chặt các tiêu chuẩn và thúc đẩy thay đổi hệ thống bền vững trong sản xuất thời trang.

Điều này bao gồm Tuyên bố Xanh gần đây của EU, trong đó đưa ra nhiều hướng dẫn hơn về truyền thông hướng tới người tiêu dùng về tính bền vững và Luật Chống lãng phí và Kinh tế tuần hoàn của Pháp, thúc đẩy các thương hiệu đưa thông tin truy xuất nguồn gốc chi tiết hơn trên nhãn sản phẩm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips

7 thương hiệu nổi tiếng cùng những chiến lược Marketing “lật kèo” cực đỉnh, từ chẳng bán được gì đến thu về hàng trăm triệu đô

Những chiến lược Marketing đầy sáng tạo đã giúp các thương hiệu không chỉ tạo ra tiếng vang tầm cỡ quốc tế mà còn mang lại một khoản doanh thu khổng lồ.

7 thương hiệu nổi tiếng cùng những chiến lược Marketing "lật kèo" cực đỉnh, từ chẳng bán được gì đến thu về hàng trăm triệu đô
7 thương hiệu nổi tiếng cùng những chiến lược Marketing “lật kèo” cực đỉnh, từ chẳng bán được gì đến thu về hàng trăm triệu đô

Trong kinh doanh, marketing là một yếu tố quan trọng để đưa sản phẩm của công ty đến với công chúng. Thậm chí là rất quan trọng, bởi đôi khi một chiến lược marketing tốt có thể lật ngược cả ván cờ, giúp công ty từ thế thua thành thắng, mà còn là thắng đậm.

1. Jeep cùng pha đổi thiết kế ngoạn mục.

Jeep – thương hiệu ô tô huyền thoại của Mỹ từng có thời điểm buôn bán rất khó khăn dù vừa tung ra một mẫu xe mới. Sự sụt giảm doanh thu của họ là khá bất thường, chẳng ai hiểu tại sao, cho đến khi lãnh đạo thương hiệu quyết định mời Clotaire Rapaille – một chuyên gia marketing gạo cội về tư vấn.

Chẳng phải chờ lâu, Rapaille đưa ra một gợi ý táo bạo: loại bỏ thiết kế đèn hình vuông phía trước, thay bằng hình tròn như những gì hãng từng làm thuở ban đầu.

Trong một bài phỏng vấn, Clotaire giải thích rằng bản thân Jeep là một thương hiện gắn với sự tự do của miền Tây – tượng trưng cho tốc độ, giống như một chú ngựa dành cho cao bồi Mỹ. Nói cách khác, người Mỹ nhìn nhận xe Jeep giống như một chú ngựa, một sinh vật sống, và chiếc đèn vuông sẽ khiến biểu tượng này tan vỡ.

Kết quả là sau thay đổi, công ty ghi nhận doanh số bán xe tăng trở lại, chứng minh nhận định của Rapaille là đúng.

2. Nestlé và sự thay đổi văn hóa thưởng thức cafe.

Nestlé – thương hiệu thực phẩm từ Thụy Sĩ có độ phủ sóng rất rộng, nhưng khi tới Nhật Bản, họ vấp phải không ít khó khăn.

Rõ ràng, văn hóa người Nhật chuộng Trà hơn cafe, nên Nestlé trước khi tiến vào đây đã phải nghiên cứu thị trường rất kỹ. Tuy nhiên, dù kết quả nghiên cứu cho thấy người Nhật thích cafe của họ, thì thực tế là cafe Nestlé bán được rất ít tại xứ sở Mặt trời mọc.

Các chuyên gia marketing của Nestlé sau đó nhận ra lý do: dù người Nhật có thích cafe của họ, nhưng bản thân cafe vẫn là một thứ gì đó không thân thuộc. Khi họ vào thị trường này, cafe không phải thứ gắn liền với ký ức của người Nhật, khi cả tuổi thơ họ đã gắn liền với trà.

Để giải quyết vấn đề này, công ty quyết định tung ra cafe có vị… kẹo. Trẻ em thích chúng, và dần dần cafe trở gắn liền với tuổi thơ của cả một thế hệ sau đó. Nhờ vậy, văn hóa uống cafe của người Nhật đã thay đổi, đến mức theo thống kê được công bố năm 2020, mỗi người dân Nhật tiêu thụ trung bình 2kg cafe/năm.

3. Tất giấy và cú lừa lịch sử.

Tại Thụy Sĩ vào đầu thập niên 1960, doanh số bán tất giấy (hoặc quần tất da chân) của họ chẳng mấy ấn tượng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi nhờ một “cú lừa” từ… các nhà bán TV.

Cụ thể, một chuyên gia về TV đã mạnh miệng tuyên bố, những chiếc TV đen trắng có thể chuyển thành TV màu nếu phủ lên đó một lớp tất giấy.

Dĩ nhiên là một cú lừa thôi, bản thân chiến dịch cũng được công bố vào ngày 1/4 (Quốc tế nói dối), nhưng không ngờ lại câu được rất nhiều cá. Ngay buổi tối hôm đó, người dân đổ xô ra các cửa hàng, mua về hàng tá tất giấy, để rồi phát hiện ra chẳng có đôi tất nào đổi được màu TV cả.

Bản thân nhà quảng cáo sau đó cũng cho biết đây chỉ là một trò đùa. Nhưng với người trót mua tất, họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc chịu khó dùng chúng mà thôi.

4. Puma cùng chiến dịch đỉnh cao mang tên: Đôi giày chưa buộc của Pelé.

World Cup Mexico năm 1970, trận đấu giữa Brasil và Peru, Vua bóng đá Pelé đã có một thời khắc lịch sử. Trước khi trọng tài nổi còi, Pelé đã xin tạm dừng, ngồi xuống buộc dây giày.

Mọi ống kính máy quay lúc đó đều hướng vào ông, và rồi cả thế giới nhận ra ông đang đi một đôi giày của Puma.

Có nhiều tin đồn cho rằng Pelé đã nhận $25.000 để thực hiện pha buộc dây lịch sử này – dù chưa ai đưa ra được bằng chứng. Tuy nhiên, thời khắc ấy đã giúp nhiều thương hiệu khác nhận ra chiến lược này có hiệu quả như thế nào, khi rất nhiều người thấy được thương hiệu giày thần tượng của mình thi đấu là gì.

5. IKEA cùng những món nội thất khổng lồ.

Khi tới Mỹ vào thập niên 1980, doanh số của IKEA khá ảm đạm. Đó là khi đội marketing của thương hiệu đến từ Thụy Điển nhận ra nội thất IKEA đang khá nhỏ bé so với kích cỡ nhà ở của người Mỹ.

Những chiếc sofa của Thụy Điển quá nhỏ, trong khi rèm cửa thì quá ngắn. Vậy nên, công ty quyết định cải thiện kích cỡ của nội thất, sao cho phù hợp hơn với những căn nhà cỡ bự tại Mỹ. Đây là một nước đi quan trọng, giúp họ chiếm lĩnh thị trường Mỹ như ngày hôm nay.

6. Búp bê kem chống nắng của Nivea.

Nivea muốn phát hành sản phẩm mới: kem chống nắng cho trẻ em, với mục đích dạy cho trẻ nhỏ biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ da. Nhưng vấn đề là làm như thế nào?

Rốt cục, họ nghĩ ra một cách. Thay vì tổ chức các lớp giảng dạy nhạt nhẽo, họ bèn sản xuất… búp bê, và đó là những con búp bê khá đặc biệt. Sau khi phơi nắng, búp bê sẽ chuyển sang màu đỏ, và nếu bôi một ít kem chống nắng được bán kèm, màu đỏ ấy sẽ nhạt dần.

Số búp bê ấy được tặng kèm, không phải để bán, và chiến dịch này thành công rực rỡ khi đẩy doanh thu của họ tăng cao ngất ngưởng.

7. Kotex và sản phẩm “chớ gọi tên ra”.

Trong thế kỷ 20 và nhiều thế kỷ trước đó nữa, kinh nguyệt là một chủ đề bị hạn chế nhắc đến. Một phần do người xưa coi đây là vấn đề khá nhạy cảm, phần khác là vì nhiều người quan niệm rằng phụ nữ khó có thể tin tưởng vào lúc họ đến kỳ, do tính khí trở nên thất thường.

Đó là lý do vì sao các nhà sản xuất băng vệ sinh phải vò đầu bứt tai nghĩ ra phương án quảng cáo cho sản phẩm ai cũng ngại gọi tên này. Cuối cùng, câu trả lời được đưa ra bởi công ty Kimberly-Clark với thương hiệu: Kotex!

Thời kỳ ấy, đa số đàn ông chẳng biết Kotex là cái gì, trong khi phụ nữ thì coi đây giống như một dạng mật mã giữa các chị em với nhau, và sản phẩm nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Thậm chí, có tin đồn (chưa kiểm chứng) rằng một thanh niên Mỹ từng thốt lên giữa buổi tiệc: “Làm ơn ai đó nói cho tôi biết Kotex là cái gì được không?” Chẳng ai trả lời cả.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips