Quảng cáo Thương mại là gì? Đặc điểm và Vai trò?
Tìm hiểu khái niệm quảng cáo thương mại nhìn từ góc độ Pháp lý (Theo quy định của Pháp luật Việt Nam): Quảng cáo thương mại là gì? Quảng cáo là gì? Đặc điểm, Vai trò và Ví dụ về Quảng cáo thương mại? Các khái niệm về các thuật ngữ được quy định trong Quảng cáo? Các quy định về các hình thức Quảng cáo?
Quảng cáo thương mại là một biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị trường của Doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp giới thiệu, khuếch trương về hàng hóa, dịch vụ của mình một cách nhanh chóng. Mặc dù cụm từ “Quảng cáo” được sử dụng tương đối phổ biến, thuật ngữ này vẫn chưa được hiểu một cách đúng đắn, đặc biệt là từ góc độ Pháp lý. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các khái niệm về Quảng cáo và Quảng cáo thương mại, đặc điểm, vai trò và các hình thức của Quảng cáo, cùng với đó là các quy định về Quảng cáo (Theo Luật).
Quảng cáo thương mại là gì?
Phân biệt với quảng cáo theo khái niệm thông thường, khái niệm quảng cáo thương mại được quy định trong Luật Việt Nam tại Điều 102 Luật Thương mại 2005: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dich vụ của mình”.
Hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp là những nỗ lực nhằm tác động đến hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng hay khách hàng bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng theo cách thuyết phục về sản phẩm hay dịch vụ của người bán nhằm thu được lợi nhuận một cách hiệu quả nhất.
Như vậy, có thể hiểu hoạt động của thương nhân sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; hoạt động quảng cáo cho thương nhân khác để thu phí dịch vụ là hoạt động quảng cáo thương mại.
Trong pháp luật hiện hành, quảng cáo thương mại chỉ là một bộ phận của hoạt động quảng cáo nói chung.
Đặc điểm và mục đích của Quảng cáo thương mại.
Phân biệt với quảng cáo nói chung và với các hoạt động xúc tiến thương mại khác, quảng cáo thương mại có các đặc điểm pháp lý cơ bản sau:
– Về chủ thể thực hiện:
Chủ thể của hoạt động quảng cáo thương mại là thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh).
Với tư cách là người kinh doanh, thương nhân thực hiện quyền quảng cáo thương mại để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình hoặc thực hiện dịch vụ quảng cáo cho thương nhân khác theo hợp đồng để tìm kiếm lợi nhuận (Điều 103 luật Thương mại 2005).
Bên cạnh đó, chủ thể của Luật Cạnh tranh còn có thể là các nhóm doanh nghiệp liên kết với nhau dưới hình thức hiệp hội doanh nghiệp, các nghiệp đoàn…. và các cá nhân hành nghề tự do. Đây là đặc điểm cho phép phân biệt quảng cáo thương mại với các hoạt động thông tin, cổ động do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội …thực hiện nhằm mục đích phi lợi nhuận như tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.
– Về phương thức thực hiện:
Điều 103 Luật Thương mại quy định cụ thể về quyền quảng cáo thương mại: “Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.
Thương nhân có thể tự mình thực hiện các công việc cần thiết để quảng cáo hoặc thuê dịch vụ quảng cáo của thương nhân khác thông qua hợp đồng dịch vụ. Trong nền kinh tế thị trường, dịch vụ quảng cáo được pháp luật thừa nhận là một dịch vụ thương mại mà thông qua phí dịch vụ, thương nhân thu được lợi nhuận một cách trực tiếp.
Trong trường hợp tự mình quảng cáo không đạt được hiệu quả mong muốn, thương nhân có quyền thuê thương nhân khác thực hiện việc quảng cáo cho mình và phải chi trả phí dịch vụ vì việc đó.
– Về cách thức xúc tiến thương mại:
Trong hoạt động quảng cáo thương mại, thương nhân sử dụng sản phẩm và phuơng tiện quảng cáo thương mại để thông tin về hàng hóa dịch vụ đến khách hàng.
Các Doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo thông qua sản phẩm quảng cáo (gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại) và những phương tiện rất đa dạng để đưa sản phẩm quảng cáo đến với khách hàng (phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền tin, các ấn phẩm….) Đặc điểm này cho phép phân biệt quảng cáo thương mại với những hình thức xúc tiến thương mại khác.
– Về mục đích của quảng cáo thương mại:
Mục đích trực tiếp của quảng cáo thương mại là giới thiệu về hàng hoá dịch vụ để xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận của thương nhân.
Thông qua các hình thức truyền đạt thông tin, thương nhân giới thiệu về một loại hàng hóa, dịch vụ mới, tính ưu việt về chất lượng giá cả, khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng…
Như vậy, thương nhân có thể tạo sự nhận biết và kiến thức về hàng hóa dịch vụ; có thể thu hút khách hàng đang sử dụng hàng hóa, dịch vụ của công ty khác thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm và những lợi ích của một nhãn hiệu cụ thể hoặc thông qua việc so sánh tính ưu việt của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại.
Đây thực sự là những lợi thế mà thương nhân có thể khai thác vì nó có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng nhu cầu tiêu dùng xã hội, bao gồm cả tiêu dùng cho cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất.
Việc phân biệt rõ khái niệm quảng cáo nói chung và quảng cáo thương mại cũng như xác định rõ ràng bản chất “thương mại” của hoạt động quảng cáo là một việc làm hết sức cần thiết, bởi vì những lý do sau:
Thứ nhất: Luật Quảng cáo hiện hành điều chỉnh hoạt động quảng cáo chủ yếu chỉ quy định ở các nguyên tắc chung về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành hoạt động quảng cáo nói chung. Tuy nhiên hoạt động quảng cáo thương mại là một hoạt động có tính chất đặc thù riêng và tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh rất cao, do đó cần có những quy định cụ thể, chuyên biệt đối với hoạt động này.
Thư hai: Pháp luật thương mại, pháp luật quảng cáo không nên điều chỉnh luôn cả hoạt động quảng cáo phi thương mại như hiện nay. Bởi các dạng hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo thương mại đang phát sinh ngày càng nhiều với tính chất đa dạng và tinh vi.
Trong khi đó, ngoài các quy định về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh tại Điều 39, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004, pháp luật Việt Nam còn thiếu các quy định về các hành vi quảng cáo khác. Điều này sẽ giúp cho việc quản lý hoạt dộng quảng cáo được thông suốt, thuận lợi hơn.
Thư ba: Việc điều chỉnh các hoạt động quảng cáo thương mại hiện nay được quy định rải rác tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Cạnh tranh, luật Thương mại, Luật Quảng cáo và rất nhiều các văn bản dưới luật … dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thương mại còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, cần xem xét nên chăng ban hành một đạo luật quảng cáo thương mại riêng, chuyên biệt điều chỉnh các dạng hành vi quảng cáo thương mại để nâng cao chất lượng quản lý của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo nói chung và hoạt động quảng cáo thương mại nói riêng. Góp phần hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
(Theo Bộ Tư Pháp).
Giải thích các Khái niệm của các thuật ngữ liên quan đến Quảng cáo.
Theo Luật Quảng cáo, Luật này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Dưới đây là các thuật ngữ
- Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
- Dịch vụ có mục đích sinh lợi là dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ; dịch vụ không có mục đích sinh lợi là dịch vụ vì lợi ích của xã hội không nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
- Sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.
- Xúc tiến quảng cáo là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội ký kết hợp đồng dịch vụ quảng cáo.
- Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó.
- Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.
- Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân dùng phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.
- Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
- Người tiếp nhận quảng cáo là người tiếp nhận thông tin từ sản phẩm quảng cáo thông qua phương tiện quảng cáo.
- Thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao; thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
- Diện tích quảng cáo là phần thể hiện các sản phẩm quảng cáo trên mặt báo in, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, xuất bản phẩm, bảng quảng cáo, phương tiện giao thông hoặc trên các phương tiện quảng cáo tương tự.
- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.
- Màn hình chuyên quảng cáo là phương tiện quảng cáo sử dụng công nghệ điện tử để truyền tải các sản phẩm quảng cáo, bao gồm màn hình LED, LCD và các hình thức tương tự.
Luật quảng cáo là gì?
Luật quảng cáo được hiểu đơn giản là toàn bộ văn bản hay điều khoản quy định về cách thức một cá nhân hay tổ chức được thực hiện các hoạt động quảng cáo.
Tại Việt Nam, Luật quảng cáo lần đầu được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013 do Quốc hội ban hành.
Các yêu cầu về Nội dung quảng cáo gắn liền với từng hình thức và phương tiện Quảng cáo.
Các phương tiện Quảng cáo.
Theo Luật Quảng cáo, các phương tiện quảng cáo bao gồm:
- Báo chí.
- Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
- Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
- Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.
- Phương tiện giao thông.
- Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.
- Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.
- Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu về Nội dung Quảng cáo.
Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Các yêu cầu khác về tiếng nói và chữ Viết trong Quảng cáo:
. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
- a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt. b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
- Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Yêu cầu chi tiết theo các hình thức quảng cáo.
Quảng cáo trên Báo chí, phương tiện điện tử và các thiết bị viễn thông khác.
Quảng cáo trên báo in.
- Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
- Cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trước ít nhất 30 ngày tính đến ngày phát hành đầu tiên của phụ trương quảng cáo.
- Phụ trương quảng cáo của báo phải đánh số riêng; có cùng khuôn khổ, phát hành kèm theo số trang báo chính.
- Trên trang một của phụ trương quảng cáo phải ghi rõ các thông tin sau:
- a) Tên tờ báo;
- b) Tên, địa chỉ của cơ quan báo chí;
- c) Dòng chữ “Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán”.
- Không được quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất của báo.
Quảng cáo trên báo nói, báo hình.
- Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
- Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
- Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:
a) Chương trình thời sự;
b) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
4. Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.
5. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.
6. Cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo;
b) Ý kiến của cơ quan chủ quản;
c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí.
7. Trong trường hợp cơ quan báo chí có nhu cầu thay đổi nội dung giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép;
b) Bản sao có chứng thực giấy phép đang có hiệu lực.
8. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét, cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo hoặc cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung; cơ quan cấp giấy phép phải gửi bản sao giấy phép đã cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ quan báo chí đặt trụ sở chính để phối hợp trong công tác quản lý.
Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử.
- Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau:
a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin;
b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.
2. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
- Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo:
a) Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
b) Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
c) Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
2. Quảng cáo bằng các hình thức khác trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quảng cáo trên các ấn phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, và các thiết bị công nghệ khác.
Quảng cáo trên các sản phẩm in.
- Đối với các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo.
- Đối với tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản hoặc biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản tài liệu đó.
- Đối với tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp có nội dung cổ động, tuyên truyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, được quảng cáo không quá 20% diện tích từng sản phẩm. Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng của sản phẩm in.
- Không được quảng cáo trên các sản phẩm in là tiền hoặc giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước.
- Quảng cáo trên tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp và các sản phẩm in không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này phải ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo, số lượng in, nơi in.
Quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình.
Thời lượng quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình chương trình văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách không được vượt quá 5% tổng thời lượng nội dung chương trình.
Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên Quảng cáo và phương tiện giao thông.
Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn.
- Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện.
- Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội phải tuân theo những quy định sau:
a) Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng đối với bảng quảng cáo, băng-rôn dọc và phía bên phải đối với băng-rôn ngang;
b) Diện tích thể hiện của biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng-rôn.
4. Thời hạn treo băng-rôn không quá 15 ngày.
Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo.
- Việc đặt màn hình chuyên quảng cáo phải tuân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương.
- Khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời không được dùng âm thanh.
- Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường.
Quảng cáo trên phương tiện giao thông.
- Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
- Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự.
- Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự tại địa điểm cố định phải tuân thủ quy định sau:
a) Quảng cáo không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy định của pháp luật về môi trường;
b) Không được quảng cáo tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện;
c) Không được quảng cáo trên hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn.
2. Không được quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn với phương tiện giao thông và các phương tiện di động khác tại nội thành, nội thị của thành phố, thị xã.
Quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể theo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, đoàn người thực hiện quảng cáo, vật thể quảng cáo.
Quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao.
- Quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao phải thực hiện theo pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và thể dục, thể thao.
- Không được treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo ngang bằng hoặc cao hơn biểu trưng, lô-gô hoặc tên của chương trình; khổ chữ thể hiện trên sản phẩm quảng cáo không quá một phần hai khổ chữ tên của chương trình.
- Quảng cáo trên khu vực sân khấu phải đảm bảo mỹ quan và không được che khuất tầm nhìn của người xem.
- Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao không được che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả; không làm ảnh hưởng đến hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên, việc chỉ đạo của huấn luyện viên và việc thực hiện nhiệm vụ của ban tổ chức, trọng tài, nhân viên hướng dẫn, y tế, người phục vụ.
Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo.
- Đoàn người thực hiện quảng cáo phải tuân theo các quy định sau:
a) Đoàn người thực hiện quảng cáo là đoàn người có từ ba người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện sản phẩm quảng cáo tại một địa điểm hoặc di chuyển trên đường giao thông;
b) Đoàn người thực hiện quảng cáo phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Tổ chức, cá nhân tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương về nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực hiện quảng cáo, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý với thông báo thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quá thời hạn trên mà không có văn bản trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện quảng cáo theo nội dung đã thông báo.
2. Hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo và phương tiện quảng cáo khác phải tuân thủ các quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
Kết luận.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của MarketingTrips về khái niệm Quảng cáo thương mại theo góc độ Pháp lý. Bằng cách hiểu Quảng cáo thương mại là gì theo Quy định của Pháp luật, các yêu cầu về hình thức quảng cáo và hơn thế nữa, bạn có thể đảm bảo rằng bạn luôn thủ các quy định, bảo vệ thương hiệu và tránh sai sót khi thực thi Quảng cáo.
Xem thêm:
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tra Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips