Skip to main content

Thẻ: re-targeting

Remarketing và Retargeting: Khái niệm và các điểm khác biệt chính

Trong khi Remarketing và Retargeting không phải là các khái niệm hay thuật ngữ mới trong ngành quảng cáo nói riêng và marketing nói chung, không ít marketer lại không thể phân biệt được chúng. Hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu về sự khác biệt đó trong bài viết này.

Remarketing và Retargeting
Remarketing và Retargeting: Khái niệm và các điểm khác biệt chính

Nếu bạn là người làm marketing và bạn vẫn chưa thực sự hiểu về sự khác biệt giữa Remarketing và Retargeting, đừng lo,

bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất cả những gì cần hiểu về 2 thuật ngữ này.

Về tổng thể, Remarketing và Retargeting đôi khi được xem là một vì chúng có các mục tiêu tương tự nhau, tuy nhiên, bản chất chúng lại hàm chứa những ý nghĩa khác nhau, sự khác biệt lớn nhất giữa Remarketing và Retargeting nằm ở chiến lược và đối tượng mà thương hiệu muốn tiếp cận.

Tuỳ vào từng mục tiêu chiến lược khác nhau, nhà quảng cáo hay thương hiệu cần lựa chọn các phương thức tiếp cận phù hợp khác nhau.

Remarketing và Retargeting: Tương tự, nhưng khác nhau.

Dù bạn là người làm quảng cáo hay marketing, một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của bạn đó là xây dựng nên các tập khách hàng tiềm năng (Lead), những người có thể mua các sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu.

Để có thể có được các nhóm khách hàng này, bạn có thể cần thực hiện rất nhiều các chiến thuật khác nhau, từ A/B Testing, thêm các yếu tố sáng tạo hay thậm chí là sửa đổi sản phẩm và dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng.

Trong khi bạn có thể sử dụng quảng cáo để thúc đẩy các tương tác trực tiếp (mới) với người tiêu dùng, chỉ một số rất ít trong số họ ra quyết định mua hàng ngay từ lần tương tác đầu tiên với thương hiệu.

Dĩ nhiên là sẽ vô cùng lãng phí (và không hiệu quả) nếu bạn bỏ qua những khách hàng đã từng tương tác với thương hiệu và tiếp tục đi tìm kiếm các tương tác mới, và đây chính là lúc bạn cần các phương thức để giúp bạn tiếp tục tương tác lại với các khách hàng đã từng thể hiện sự quan tâm trước đó, những người thực sự có thể trở thành khách hàng của thương hiệu.

Retargeting là gì?

Retargeting là thuật ngữ được xuất phát từ thuật ngữ gốc Targeting (nhắm mục tiêu) có nghĩa là nhắm mục tiêu lại. Khái niệm đề cập đến việc một nhà quảng cáo hay thương hiệu hiển thị lại các nội dung quảng cáo nhắm đến những khách hàng hay người tiêu dùng đã từng tương tác trước đó tuy nhiên chưa mua hàng.

Retargeting hay nhắm mục tiêu lại cũng nói đến các vị trí đặt quảng cáo nơi mà người dùng đã từng có hành vi tương tác trước đó hay nơi mà thương hiệu muốn hiển thị quảng cáo tới khách hàng.

Khi người dùng truy cập vào website của thương hiệu, nhấp vào trang sản phẩm hoặc thực hiện một hành động nhất định nào đó, mọi hành vi này sẽ được lưu lại trong trình duyệt hoặc trên các hệ thống quảng cáo (ví dụ như Facebook Ads), sau đó, nhà quảng cáo có thể sử dụng thông tin này để thực hiện cái gọi là “Retargeting” khi người dùng đã rời khỏi các điểm tương tác với thương hiệu.

Hầu hết các nền tảng quảng cáo như Google hay Facebook đều cho phép nhà quảng cáo chạy các quảng cáo sử dụng cách tiếp cận này.

Về tổng thể, Retargeting hay nhắm mục tiêu lại được phân chia thành 2 loại chính đó là On-site Retargeting và Off-site Retargeting tuỳ thuộc vào nơi mà người dùng thực hiện tương tác và nơi mà nhà quảng cáo muốn hiển thị lại nội dung quảng cáo.

On-site Retargeting (Nhắm mục tiêu lại tại chỗ).

Khi nói đến Retargeting, nhiều người thường ám chỉ nó với On-site Retargeting, đó chính là hành động nhắm mục tiêu đến những cá nhân đã truy cập website hay các nền tảng khác của thương hiệu.

Họ đã từng tương tác với sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu tuy nhiên lại chưa thực hiện các hành động mà thương hiệu mong muốn ví dụ như mua hàng hay ít nhất là để lại thông tin tư vấn.

Cách thức nhắm mục tiêu này vừa có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi vừa có thể giúp giữ chân những người đã bày tỏ sự quan tâm đến thương hiệu nhưng chưa sẵn sàng mua hàng.

Nhắm mục tiêu lại tại chỗ có thể đi kèm với nhiều chiến thuật như:

  • Nhắm mục tiêu dựa trên các sản phẩm mà khách hàng đã tương tác nhưng không mua.
  • Nhắm mục tiêu dựa trên cách khách hàng tìm thấy website (từ mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm).
  • Nhắm mục tiêu tới những người trong danh sách email của thương hiệu vốn đã bày tỏ sự quan tâm đến thương hiệu nhưng chưa chuyển đổi thành khách hàng.
Các tham số phục vụ cho việc nhắm mục tiêu lại này có thể được thiết lập từ các hệ thống quảng cáo như:
  • Quảng cáo của Google (Google Ads).
  • Google Analytics.
  • Quảng cáo Meta (Facebook Ads, Instagram Ads).
  • Và nhiều nền tảng quảng cáo khác.

Trong khi tuỳ thuộc vào từng nhóm sản phẩm khác nhau mà lợi ích có được từ việc nhắm mục tiêu lại có thể khác nhau, các chiến dịch nhắm mục tiêu lại hầu như luôn cho thấy mức độ tương tác và chuyển đổi cao hơn so với các chiến dịch không nhắm mục tiêu lại.

Off-site Retargeting (Nhắm mục tiêu lại bên ngoài website hay các nền tảng thuộc sở hữu của thương hiệu).

Việc nhắm mục tiêu lại không chỉ được áp dụng với các nền tảng thuộc sở hữu của thương hiệu mà còn có thể khả dụng cả với các nền tảng của bên thứ 3 ví dụ như mạng xã hội.

Nói cách khác, các thương hiệu giờ đây có thể thực hiện các hoạt động nhắm mục tiêu lại dựa trên những gì mà người dùng đã làm trên các nền tảng. Từ các lượt thích trang, tương tác với bài đăng hay thậm chí là đã từng mua hàng, tất cả đều biến thành dữ liệu để thương hiệu có thể tiếp cận lại khách hàng.

Remarketing (Tiếp thị lại) là gì?

Như đã đề cập ở trên, việc phân biệt giữa Retargeting và Remarketing trong thực tế đôi khi khá khó khăn và nhiều marketer còn cho rằng chúng là một.

Mặc dù tên gọi hay thuật ngữ không thực sự quan trọng, điều cần thiết là người làm quảng cáo hay marketing cần hiểu bản chất của vấn đề để từ đó có thể đưa ra các chiến lược tiếp cận và tối ưu hoá hiệu suất của các chiến dịch.

Trong khi Retargeting như đã phân tích ở trên liên quan đến việc hiển thị lại các nội dung (quảng cáo) tới các khách hàng tiềm năng đã từng tương tác với thương hiệu (chưa phải là khách hàng của thương hiệu), Remarketing lại đề cập đến cũng là tương tác lại tuy nhiên là với các khách hàng hiện tại của thương hiệu.

Nhắm mục tiêu lại hay Retargeting hướng tới mục tiêu chuyển những người tiêu dùng hay khách hàng chưa mua sắm các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu thành khách hàng, còn tiếp thị lại hay Remarketing ngược lại nỗ lực thu hút lại khách hàng hiện tại thông qua các nền tảng khác nhau.

Các chiến thuật như gửi email cho khách hàng hiện có để gia hạn dịch vụ hoặc bán thêm các sản phẩm khác chính là những ví dụ truyền thống về Remarketing.

Khi nào nên sử dụng Retargeting và khi nào nên sử dụng Remarketing?

Như đã đề cập ở trên, việc quyết định thời điểm cần sử dụng Remarketing hay Retargeting cuối cùng đều phụ thuộc vào một thứ: chiến lược.
Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, việc sử dụng kết hợp cả 2 chiến thuật được chứng minh là hiệu quả hơn cả.

Ưu tiên Retargeting như một chiến lược.

Đúng như khái niệm đã phân tích, nhắm mục tiêu lại hay Retargeting là nhằm tiếp cận những khách hàng tiềm năng đã tương tác với thương hiệu nhưng chưa mua hàng.

Chiến lược nhắm mục tiêu lại hợp lý nên được kết hợp nếu:

  • Mục tiêu chính của thương hiệu là có được khách hàng mới.
  • Thương hiệu có sản phẩm/dịch vụ thường được mua một lần (hoặc rất lâu sau hoặc hiếm khi được mua lại lần hai).
  • Thương hiệu đang chi một khoản tương đối lớn cho quảng cáo có trả phí để xây dựng nhận thức về thương hiệu.
Vì hầu hết người dùng sẽ không mua hàng khi lần đầu tiên họ nghe đến thương hiệu hoặc sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, nuôi dưỡng những người dùng đó trên các kênh bằng nỗ lực nhắm mục tiêu lại chính là phương thức lý tưởng.

Ưu tiên Remarketing như một chiến lược.

Remarketing là nhắm mục tiêu lại những khách hàng đã từng mua hay khách hàng hiện tại của thương hiệu, nhà quảng cáo nên cân nhắc việc sử dụng Remarketing nếu:

  • Thương hiệu có sản phẩm hoặc dịch vụ thường được khách hàng mua nhiều lần.
  • Thương hiệu muốn bán thêm cho khách hàng hiện tại những sản phẩm bổ sung có thể phù hợp với nhu cầu của họ.
  • Thương hiệu không có nhiều ngân sách marketing.
Remarketing không chỉ có ý nghĩa về khía cạnh nhắm mục tiêu hay bán hàng, nó còn là cách để thương hiệu duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng ngay cả khi họ đang là khách hàng, nhiều khách hàng mới cũng được chính các khách hàng này giới thiệu nếu doanh nghiệp “nuôi dưỡng” họ đủ tốt.

Phân biệt rõ Remarketing và Retargeting để xây dựng chiến lược phù hợp và thúc đẩy hiệu suất.

Như bạn thấy, khi so sánh giữa Remarketing và Retargeting, trong khi ranh giới giữa 2 cách tiếp cận này ngày càng trở nên mờ nhạt, điểm mấu chốt vẫn là hiểu bản chất thực sự về cách thương hiệu tiếp cận lại khách hàng của mình.

Retargeting thực sự tập trung vào việc nhắm mục tiêu những người dùng đã từng tương tác với thương hiệu nhưng chưa mua hàng chủ yếu thông qua các quảng cáo có trả phí.

Remarketing ngược lại tập trung vào việc thu hút lại các nhóm khách hàng hiện tại, chủ yếu thông qua các chiến dịch như email marketing hoặc quảng cáo có trả phí. Bán thêm (up-sale), bán chéo (cross-sale) là những thuật ngữ khác dành cho Remarketing.

Cuối cùng, với tư cách là một marketer, dù là phân biệt Remarketing và Retargeting hay bất cứ cách phân biệt nào khác, đừng bao giờ hiểu sai về bản chất thực sự của các thuật ngữ hay ý nghĩa đằng sau chúng, bạn không thể làm đúng nếu hiểu sai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer