Người Việt chi tiêu khoảng 25.000 tỷ mỗi năm cho các mặt hàng xa xỉ
Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes và các doanh nghiệp hàng xa xỉ khác lãi tổng cộng hơn 3.800 tỷ đồng năm 2022, tăng mạnh so với giai đoạn trước.
Theo số liệu từ Vietdata – nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực – các doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam có tổng doanh thu gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.825 tỷ đồng năm 2022. Hai con số này lần lượt tăng 67% và 2,7 lần so với năm 2021.
Kết quả kinh doanh của nhóm này trong năm ngoái đã tăng rất mạnh so với giai đoạn trước, các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu nghìn tỷ đồng.
Các con số trên được thống kê từ 12 doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh khoảng 34 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Rolex, Calvin Klein, Charles & Keith, Zara…
Trong nhóm các doanh nghiệp phân phối nhiều thương hiệu gồm Mitra Adiperkasa, DAFC và ACFC (thuộc IPPG), Tam Sơn, Maison, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao nhất là Tam Sơn với doanh thu hơn 4.745 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 849 tỷ đồng năm 2022. Đây cũng là đơn vị phân phối nhiều thương hiệu nhất gồm Hermes, Kenzo, Boss, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Lalique, Diptyque…
Còn lại các thương hiệu H&M, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Dior và Adidas đều có pháp nhân kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam. Trong số này, Louis Vuitton là đơn vị có doanh thu cao nhất, đạt hơn 2.360 tỷ đồng. Nhưng quán quân về lợi nhuận là Dior với hơn 558 tỷ đồng.
Theo Vietdata, giai đoạn 2017-2022 số lượng người siêu giàu tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, số lượng người sở hữu khối tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến 1.059 người (số liệu mới nhất từ Knight Frank – tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh).
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có dân số tương đối trẻ với độ tuổi trung bình là 32, được xem là độ tuổi tiềm năng trong phân khúc tiêu dùng sản phẩm xa xỉ. Ngoài nguồn cầu mạnh mẽ, khó khăn trong việc di chuyển ra nước ngoài cũng phần nào tác động đến nhu cầu mua sắm trong nước của người tiêu dùng Việt hiện nay.
“Mặc dù thời trang xa xỉ không nhắm vào số đông, chỉ một phân khúc khách hàng (Segment) nhỏ sẵn sàng chi trả, doanh thu của các mặt hàng này luôn ở mức cực kỳ cao”, Vietdata phân tích.
Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường của Đức Statista, cũng cho thấy doanh thu thị trường xa xỉ của Việt Nam ước tính đạt hơn 957 triệu USD năm 2023. Cho đến năm 2028, tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự đoán ở mức 3,23%.
Trong báo cáo thị trường thương hiệu xa xỉ tại Đông Nam Á, ông Nick Bradstreet – Giám đốc Bán lẻ châu Á Thái Bình Dương của Savills, cho rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc khiến các thương hiệu nhận ra rằng họ không thể chỉ dựa vào một quốc gia mà cần đa dạng hóa. “Đông Nam Á là lựa chọn đương nhiên với các thị trường nổi bật gồm Singapore, Thái Lan và Việt Nam”, ông nhận định.
Trên thế giới, hai năm 2021 và 2022, các thương hiệu bán hàng xa xỉ hàng đầu thế giới như LVMH, Hermes… công bố doanh thu tăng vọt bất chấp rủi ro suy thoái, nhờ trào lưu mua sắm bù và hành vi của người giàu không tuân quy luật theo kinh tế học.
Tuy nhiên, sức cầu về tiêu dùng nhóm hàng xa xỉ bắt đầu chững lại khi sang năm 2023. Trong quý III, doanh số của Louis Vuitton, Dior chậm lại trong khi Gucci, Yves Saint-Laurent thậm chí còn giảm.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer