Skip to main content

Thẻ: Smartphone

Huawei rời khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc

Huawei hiện không còn nằm trong 5 hãng điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc, dù từng nhận được sự ủng hộ lớn của người dùng nước này.

Theo số liệu thị trường smartphone Trung Quốc quý II/2021 do Canalys công bố, tổng số lô hàng smartphone bán ra tại nước này đạt tổng cộng 74,9 triệu máy, giảm 17% so với 90,7 triệu máy trong cùng kỳ năm ngoái. Số lượng công ty xuất xưởng trên 10 triệu máy ra thị trường cũng giảm từ 5 xuống còn 3.

Trong đó, hai công ty con của BBK là Vivo và Oppo lần lượt giữ vị trí dẫn đầu với 18,2 triệu máy và 16 triệu máy tương ứng. Vivo đã có mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Oppo là 10%.

Xiaomi đã vươn lên vị trí thứ ba với 12,6 triệu máy bán ra. Đây là vị trí Huawei đã nắm giữ trong quý I/2021. Xiaomi cũng nhà cung cấp phát triển nhanh nhất trong quý, với mức tăng trưởng 35%.

Honor – Công ty tách ra từ Huawei – xếp vị trí thứ 5 với 6,9 triệu máy và cũng là lần đầu tiên hãng vào top 5 thị phần smartphone tại Trung Quốc. Ở vị trí thứ 4 là Apple với 7,9 triệu máy.

Trong khi đó, sau hơn 7 năm giữ vị trí dẫn đầu về smartphone tại Trung Quốc, Huawei giờ đây không còn nằm trong top 5. Trong những năm qua, hãng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ tại thị trường quê nhà.

Trong quý II/2020, hãng thậm chí vươn lên dẫn đầu thị trường smartphone thế giới trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận, chủ yếu nhờ sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc.

Huawei vừa ra mắt loạt smartphone P50 thế hệ mới. Máy được nâng cấp mạnh về camera và cấu hình, nhưng lại chỉ hỗ trợ mạng 4G thay vì 5G – điều bị đánh giá là bước lùi của Huawei. Tại sự kiện Yu Chengdong, người đứng đầu mảng kinh doanh tiêu dùng Huawei thừa nhận “chip 5G rất tốt, nhưng chúng tôi chỉ có thể được sử dụng như chip 4G”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo SCMP

5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Trước khi thất bại, Nokia từng được coi là thương hiệu dẫn đầu của cuộc cách mạng điện thoại di động. Nokia là một trong những thương hiệu có giá trị và dễ nhận biết nhất trên thế giới.

5 lý do chính khiến 'đế chế một thời' Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động
Tại sao Nokia thất bại? 5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Vị thế của Nokia đối với thị trường điện thoại di động được minh chứng bằng thực tế là nó có thị phần toàn cầu hơn 40%.

Trong khi hành trình lên đỉnh cao của Nokia diễn ra nhanh chóng, sự suy giảm của nó cũng tương tự như vậy.

Vậy tại sao từ một đế chế gần như không thể thay thế với nguồn lực rất mạnh, Nokia đã bị bỏ lại đằng sau cuộc chơi. Dưới đây là tóm gọn 05 lý do chính khiến Nokia thất bại.

1. Chỉ tập trung vào phần cứng.

Sẽ không có bất cứ nghi ngờ gì khi nói Nokia vốn rất nổi tiếng về chất lượng phần cứng, tuy nhiên, khi nói đến phần mềm, có rất ít người phủ nhận tình yêu của họ dành cho Android của Google hoặc iOS của Apple.

Nokia lẽ ra nên kết hợp với hệ điều hành Android sớm hơn nếu hãng này thực sự muốn quay trở lại đường đua. Thay vào đó, công ty lại tiếp tục hợp tác với Microsoft, điều đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho cả hai gã khổng lồ công nghệ.

2. Nokia thất bại vì thiếu sự đổi mới.

Nokia đã cố gắng trở lại cuộc đua bằng những chiếc điện thoại mới của mình với công nghệ mới nhất, nhưng đó vốn là những tính năng đã có hay có phần cũ kỹ, chưa phải là những thứ công nghệ dành cho tương lai.

Không chỉ thất bại với dòng điện thoại cao cấp (flagship phone) mà Nokia cũng bị tổn hại ở phân khúc tầm trung (mid-range segment). Sự thâm nhập của quá nhiều thương hiệu khác như Motorola, Xiaomi, HTC, Huawei đã khiến Nokia gặp thất bại ê chề.

3. Không có một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Nếu bạn suy nghĩ một cách kỹ lưỡng, những gì mà Google và Apple đã làm đó là tạo ra một cộng đồng bao gồm các nhà sản xuất điện thoại (phone makers), nhà phát triển (developers) và cả khách hàng.

Các thương hiệu mới đã tham gia hệ sinh thái này khi khách hàng rất hài lòng khi dùng thử chúng vì họ đã vốn quen với giao diện người dùng của Android.

Ngược lại, Nokia luôn cố gắng để đứng ngoài cuộc cạnh tranh này và sự cô lập đó đã khiến công chúng mất dần sự quan tâm đến thương hiệu.

4. Sự trỗi dậy của thị trường di động Trung Quốc.

Không lâu, kể từ khi thị trường điện thoại di động phát triển, các thương hiệu Trung Quốc bắt đầu sản xuất điện thoại di động với tốc độ không thể đánh bại.

Có lần người phát ngôn của Nokia nói rằng người Trung Quốc sản xuất điện thoại còn nhanh hơn cách chúng tôi thực hiện một ý tưởng mới của mình bằng PowerPoint.

5. Chọn nhầm CEO cũng là một nguyên nhân chính khác khiến Nokia thất bại.

5 lý do chính khiến 'đế chế một thời' Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động
Tại sao Nokia thất bại? 5 lý do chính khiến ‘đế chế một thời’ Nokia thất bại trong thị trường điện thoại di động

Khi Stephen Elop ngồi lên chiếc ghế CEO của Nokia vào quý 4/2010, Nokia khi đó vẫn có 28,2% thị phần (Market Share) điện thoại di động, bán ra 117 triệu máy, còn Samsung chỉ mới bán được 71 triệu máy và Apple chỉ là 13,4 triệu máy.

Vào thời điểm đó, hệ điều hành điện thoại di động mà Nokia lựa chọn, là Symbian, chiếm 36,6% thị trường điện thoại thông minh là cũng là nền tảng lớn nhất khi iOS của Apple chỉ mới có 16,7%.

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Stephen Elop nhưng đôi khi, có một người nổi tiếng với đầy đủ các kỹ năng là không đủ để chuyển đổi một doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang trong một thị trường rất năng động với sự cạnh tranh rất gay gắt.

Elop đã nhận ra những khó khăn mà Nokia đang gặp phải và ông đã cố gắng để đưa ra một số quyết định lớn nhưng tất cả đều vô vọng.

Nokia vẫn tiếp tục ‘té ngã’ và gánh thất bại trên đường đua mãi những ngày về sau đó !

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Việt Nam nằm trong trong top 10 nước sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới

Theo số liệu điều tra, Việt Nam sử dụng khoảng 61,3 triệu chiếc điện thoại thông minh và nằm trong top các quốc gia sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhất trên thế giới.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu vẫn liên tục tăng trưởng.

Lượng điện thoại thông minh bán ra hàng năm tăng hơn gấp ba lần từ 2009 –  2015. Sau đó, thị trường bắt đầu ổn định khoảng 1,5 triệu chiếc mỗi năm.

Năm 2020, các nhà cung cấp điện thoại thông minh đã bán ra khoảng 1,38 tỷ điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Và con số sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2021 với con số dự đoán trên 1,53 triệu chiếc.

10 nước có lượng người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất. Nguồn: Statista.

Số liệu điều tra của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng smartphone với gần 912 triệu người.

Dù con số ít hơn tới một nửa, nhưng Ấn Độ cũng xếp thứ 2 sau Trung Quốc với trên 439 triệu chiếc.

Hai quốc gia này sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng bởi dân số đông và được đánh giá là các thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tương đối thấp, Statista bình luận.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có lượng người dùng cao nhất.

Số liệu cho thấy, Indonesia có tới 160,2 triệu người dùng điện thoại thông minh và xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng. Việt Nam có 61,3 triệu người dùng, ở trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone đông nhất thế giới.

Philippines và Thái Lan có tỷ lệ người dùng thấp hơn, với lần lượt là 41,3 và 37,8 triệu người dùng.

Tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh có thể được sử dụng như một chỉ số để đo lường mức độ tiên tiến của nền kinh tế của một quốc gia.

Lượng người sử dụng điện thoại thông minh và tỷ lệ thâm nhập của smartphone cũng được xem là một trong những cơ sở phát triển nền kinh tế số.

Năm 2020, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh tại Việt Nam xếp thứ 9 với chỉ số 63,1%, cao hơn Indonesia với tỷ lệ thâm nhập 58,6% và Philippines ở mức 37,7%.

Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2020 nền kinh tế kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á ghi nhận sự tăng trưởng của thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến trong bối cảnh đại dịch.

Theo đó, thanh toán số đạt 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Truyền thông trực tuyến cũng đạt mức tăng trưởng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020.

Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming), mức tăng trưởng đạt 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.

Theo đánh giá, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho nền kinh tế số.

Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%.

Trong bối cảnh đại dịch, kinh tế Internet tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng của là vận tải, thực phẩm, thương mại điện tử và fintech.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Elon Musk và Tesla sẽ lấn sân sang lĩnh vực smartphone?

Mẫu concept Tesla Model π đã nhanh chóng gây được sự chú ý khi đồng hộ hóa với Starlink, kết nối điện não – máy tính và còn có thể sử dụng để khai thác Marscoin của Elon Musk.    

Elon Musk giờ đây đã trở thành một biểu tượng để học hỏi của nhiều người, và những người hâm mộ CEO Tesla cũng không bao giờ có thể đoán được tỷ phú công nghệ 49 tuổi này sẽ làm gì trong tương lai.

Mới đây nhất, Elon Musk đã bất ngờ công bố một video giới thiệu concept của chiếc smartphone mới trên website Tesla.

Chiếc điện thoại di động thông minh này có tên tạm gọi là Model π (hay Model Pi), hiển thị mốc thời gian 21:59 ngày 1/2/2021 trên màn hình đề xuất, có vẻ như đó cũng là video mới nhất từ ông chủ Tesla.

Theo đoạn video giới thiệu, mẫu smartphone của Tesla có thể được kết nối với mạng vệ tinh Starlink, kết nối giao diện não-máy tính, hệ thống khai thác Marscoin, với tính năng sạc bằng năng lượng mặt trời. Ngoài ra nó cũng có thể chụp ảnh với tốc độ cao, tích hợp sẵn điều khiển xe điện…

Mẫu điện thoại ý tưởng này có thiết kế khá giống với iPhone 12. Ở mặt trước, có camera dạng lỗ đục, với biểu tượng phím tắt gọi và chụp ảnh ở cuối màn hình chờ.

Mặt sau màu xám nhạt, được cho là sử dụng năng lượng mặt trời, có chức năng mở khóa bằng vân tay siêu âm dưới màn hình ở mặt trước, mặt sau được trang bị camera với 4 thấu kính.

Chức năng kết nối của Tesla Model π và hệ thống Starlink của Elon Musk có thể được thấy từ video với tốc độ Upload/Download đã đạt tới con số gấp đôi 210M.

Về khả năng điều khiển xe điện, đây có thể là tính năng độc quyền mà Musk đã tính toán để gắn liền với các mẫu xe của Tesla.

Chức năng kết nối hệ thống giao diện máy tính – não trên Tesla Model π được sử dụng để thay thế một số chức năng bị mất do chấn thương não của con người, đồng thời truyền thông tin để điều khiển điện thoại di động hoặc các thiết bị khác và chức năng lưu trữ bộ nhớ trong tương lai.

Thông thường, chức năng chụp hình sẽ là điểm nhấn của các smartphone hiện đại. Máy ảnh của Model π hiện được trang bị 4 ống kính nhưng các chức năng cụ thể không được giới thiệu. Tuy nhiên, video cho thấy chức năng chụp bầu trời đầy sao bằng một cú nhấp chuột.

Đây là chức năng mà không phải máy ảnh được trang bị trên điện thoại di động chuyên nghiệp nào cũng có được.

Bởi để đạt được những bức ảnh phơi sáng theo thời gian dài, người ta thường phải sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp có chân máy, điều này cho thấy các chức năng chụp ảnh mạnh mẽ của Model π trong điều kiện thiếu sáng.

Ngoài ra, chức năng chụp ảnh tốc độ cao cũng là điểm nhấn đáng kể của mẫu smartphone này.

Về thông số cấu hình cụ thể, video từ ông chủ Tesla không đề cập chi tiết. Tuy nhiên, với chức năng khai thác coin có sẵn, không khó để tưởng tượng Model π sở hữu cấu hình mạnh đến mức độ nào.

Trên thực tế, ai cũng biết rằng khai thác coin bằng PC tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn và yêu cầu GPU khá cao cấp, để có thể biến chiếc smartphone thành một trạm đào tiền ảo, chắc chắn Elon Musk sẽ trang bị cho Model π cấu hình “siêu khủng”.

Mẫu concept Model π được thiết kế bởi Antonio De Rosa, được biết đến với các ý tưởng sản phẩm Apple, nhằm vinh danh Starlink của Tesla và SpaceX.

Ngay khi ý tưởng ban đầu của mẫu máy này được phát hành trên blog của De Rosa, nó đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ dư luận, trong đó bao gồm cả Elon Musk.

Kể từ khi những chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là các tín đồ công nghệ đã chịu nhiều tác động lớn.

Trong những năm gần đây, điện thoại thông minh của Apple cũng như nhiều nhà sản xuất khác đã không có nhiều thay đổi về chất.

Chiếc smartphone sắp tới này nếu có thể ra mắt, nó được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi mang tính cách mạng cho các dòng điện thoại di động thông minh hiện tại.

Khi nhân loại (điển hình là Elon Musk với SpaceX) tăng tốc tiến vào một tương lai của du hành vũ trụ, phương tiện không khí thải và hy vọng sẽ sớm có Apple Car, chiếc điện thoại ý tưởng này đặt ra một câu hỏi quan trọng:

Liệu một ngày nào đó Tesla sẽ tham gia thị trường điện thoại thông minh không?

 

Huy Lâm

Theo ICTNews