Skip to main content

Thẻ: sơn tùng mtp

Youtube: Nhiều video của Sơn Tùng MTP ‘Trending’ ở nhiều quốc gia

Chỉ cần hơn chục nghìn lượt xem, một video đã có thể lọt top trending YouTube tại nhiều quốc gia khác. Việc Sơn Tùng “đạt kỷ lục” về trending không phải là một phép màu.

Ngày 6/7, tài khoản Facebook của Sơn Tùng MTP đăng tải hình ảnh với nội dung là những kỷ lục mà MV Có Chắc Yêu Là Đây lập được trên nền tảng YouTube.

Theo đó, MV mới nhất của Sơn Tùng đạt top 1 trending tại Việt Nam, top 2 tại Nhật Bản, top 5 tại Phần Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ và Canada. Điều này là nhờ công lớn từ cộng đồng fan hâm mộ của Sơn Tùng với những chiến dịch kêu gọi “cày view” diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội.

Tuy lọt top trending tại Hàn Quốc nhưng nhiều bình luận của người xem “xứ kim chi” tỏ ra lạ lẫm với cái tên Sơn Tùng. “Đây là ca sĩ nào mà lọt vào top trending Hàn Quốc vậy?”, một tài khoản YouTube bình luận.

Mặc khác, một số tài khoản người Hàn cho rằng fan hâm mộ Sơn Tùng đã giả VPN từ Việt Nam sang Hàn Quốc để cày view cho thần tượng.

Cách làm này từng được Justin Bieber hướng dẫn fan hâm mộ thực hiện đầu năm 2020 và nhận sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng. Tuy vậy, không cần fake VPN, MV Sơn Tùng vẫn có thể lọt vào top trending âm nhạc của nhiều quốc gia bởi điều đó rất dễ đạt được.

Cùng với MV 26 triệu lượt xem của Sơn Tùng, sản phẩm BigCityBoy của Binz và Touliver cũng đang lọt top trending âm nhạc tại Canada chỉ với 6 triệu lượt xem.

“Dễ thấy các quốc gia Sơn Tùng đứng top trending đều là nơi người Việt sinh sống nhiều, chẳng hạn Nhật, Singapore và cả Hàn Quốc. Việc ủng hộ sản phẩm của nghệ sĩ trong nước là điều dễ hiểu”, H. T, chủ nhân của nhiều ca khúc hit tại Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, Nhật Nguyễn, người sở hữu một số kênh YouTube cho biết tại Canada, Mỹ, Nhật… MV của Sơn Tùng chỉ đứng top trending mục âm nhạc thay vì thẻ thịnh hành (Trending). Cách tính thứ hạng của Sơn Tùng giúp MV Có Chắc Yêu Là Đây có thêm lợi thế về số liệu, chiến tích.

“Thực tế tại các quốc gia khác, YouTube không phải nền tảng để nghe nhạc. Đó chỉ là nền tảng để xem video, trailer… Ví dụ, tại Hàn Quốc, nền tảng chính được dùng để nghe nhạc là MelOn, Genie, Bugs, Flo hay Naver. Ở Mỹ, các nền tảng nghe nhạc như iTunes, Spotify đều vắng bóng Sơn Tùng”, nhạc sĩ H. T. cho biết.

Bên cạnh đó, việc lọt top trending nước ngoài được giới làm YouTube cho rằng không quá khó. “Chỉ cần có hơn 10.000 lượt xem là một MV đã có thể góp mặt vào top thịnh hành tại một số quốc gia.

Trong thẻ thịnh hành YouTube tại Đài Loan, một video đăng tải một ngày với 29.000 lượt xem đã có thể lọt top 10 trending”, ông Nhật nói thêm.

Vì vậy, việc Sơn Tùng xuất hiện trong top trending âm nhạc của một nền tảng video tại nhiều quốc gia không phải là thành tích quá nổi bật.

“Việc người hâm mộ cày view cho thần tượng không phải chuyện quá mới. Tuy vậy, cày view trên nền tảng không có người cày thì việc MV của Sơn Tùng lọt top trending tại nhiều nước là điều dễ hiểu”, nhạc sĩ H. T. kết luận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Zing

Cú lội ngược dòng của “đế chế” Biti’s

Ra đời từ năm 1982, Biti’s nhanh chóng trở thành một huyền thoại trong giới học sinh và phụ huynh nhờ vào độ bền “khủng” của sản phẩm mang thương hiệu này. Sau nhiều năm mờ nhạt, Biti’s đã tạo ra một cú lội ngược dòng trên thị trường.

Còn nhớ một thời khi thị trường giày dép Việt Nam chưa phát triển, thì Biti’s – thương hiệu nổi tiếng của Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên, được xem là sự lựa chọn hàng đầu. Những năm 90, gia đình nào sang hay “nhà có điều kiện” mới làm bạn với sandal của Biti’s. Ngày đó, đôi dép này thịnh hành một phần vì độ bền “khủng” của nó.

Biti’s miệt mài với định vị thương hiệu “nâng niu bàn chân Việt” cho đến giai đoạn đầu của thời kỳ những năm 2000, khi những đôi bàn chân Việt trẻ và khỏe, với sự hậu thuẫn của một nền kinh tế đổi mới, đã bắt đầu biết xỏ vào giày Nike hay adidas.

Và như một lẽ tự nhiên, Biti’s “thất thế”. Tâm lý sính ngoại là một phần, nhưng chủ yếu là giày adidas và Nike chất lượng đã được toàn thế giới công nhận, mẫu mã thì “oách” hơn nhiều.

Biti’s là một ví dụ điển hình cho thấy thương hiệu thời trang Việt Nam vẫn có thể thành công trong thị trường bao la, nếu chú trọng đến việc nắm bắt xu hướng và cách thức truyền thông.

Biti’s từng là sự lựa chọn hàng đầu.

Dần dà, giới trẻ hình thành định kiến rằng Biti’s “hết thời”, hoặc chỉ còn được quan tâm bởi tầng lớp cha chú đã có thói quen tiêu dùng sản phẩm này từ thời bao cấp khó khăn. Theo đó, bất lợi bủa vây tứ phía, và cái tên Biti’s dần bị quên lãng.

Chuyện vực dậy cái tên từ thời cha chú trong thị trường mở cửa với đủ cái tên ngoại quốc và chất lượng cao như hiện nay, là điều quá khó, không chỉ với riêng Biti’s.

Để có thể chống lại guồng quay đào thải chứ chưa nói đến chuyện phát triển, Biti’s cần phải tìm cách thay đổi tư duy tồn tại khá lâu tại Việt Nam là “sính ngoại”, nghi ngờ chất lượng của các sản phẩm trong nước.

Những tưởng sẽ giống Giày Thượng Đình, Biti’s cũng bị “chìm nghỉm” trước cơn sóng toàn cầu. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, Biti’s bỗng trở lại hùng hậu với sản phẩm giày thể thao được giới trẻ đón nhận khá nhiều, đó là Biti’s Hunter.

Từ “Nâng niu bàn chân Việt”, Biti’s phiên bản 2016 trở lại rầm rộ cùng chiến dịch Influencer Marketing “Đi để trở về”. Hãng này cũng đã chuẩn bị cho mình một chiến lược PR cực hùng hậu khi đưa ra ý tưởng mang những đôi giày vào MV ca nhạc của 2 nam ca sĩ đình đám là Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn.

Riêng về Sơn Tùng, chẳng ai có thể phủ nhận được sức hút cũng như độ phủ sóng của anh chàng. Và tất nhiên đôi giày “lạc quẻ” trong MV mới nhất của nam ca sĩ ngay lập tức tạo nên một cơn bão dữ dội, khiến người hâm mộ lùng sục mua bằng được.

Sau hiệu ứng “giày Sơn Tùng” và “giày Soobin”, các cửa hàng Biti’s “cháy hàng”, thậm chí cung cấp không đủ với lượng tiêu thụ khủng của người mua hàng. Thậm chí, Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD.

Cảm xúc thương hiệu vẫn là vật “ngáng chân”

Với khoảng 8.500 công nhân lành nghề cùng mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, hiện Biti’s luôn duy trì mức tăng trưởng tốt ở thị trường trong nước với khoảng 20%/năm.

Ở thị trường quốc tế, ngoài nhà phân phối chính thức là Công ty Cambo Trading chuyên phân phối sản phẩm Biti’s trên toàn lãnh thổ Campuchia, Biti’s còn xuất khẩu đến 40 nước như: Ý, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Mexico… Bên cạnh đó, Biti’s cũng được các khách hàng quốc tế có thương hiệu nổi tiếng như: Decathlon, Clarks, Speedo, Skechers, Lotto… tin tưởng chọn lựa trở thành đối tác gia công với nhiều đơn hàng giá trị lớn.

Giờ đây, Biti’s đã lớn mạnh và phát triển đi lên cùng đất nước, không chỉ trở thành một thương hiệu uy tín trong nước mà còn tiên phong xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Biti’s đã đánh dấu thương hiệu tại 40 nước trên thế giới, trong đó phải nói đến các thị trường khó tính như: Ý, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Nam Mỹ…

Là một doanh nghiệp gia đình, Biti’s khá kín tiếng với truyền thông về những con số doanh thu và lợi nhuận.

Nhưng giai đoạn 2012, doanh số bán hàng của Biti’s đã đạt được 1.000 tỷ đồng và mức tăng trưởng ở thị trường nội địa lúc bấy giờ được công ty này xác định khoảng 20%/năm.

Cuối năm 2016, Biti’s tăng vốn từ 270 tỷ đồng lên 437 tỷ đồng, lượng vốn góp của 11 thành viên đều tăng, trong đó nắm giữ nhiều nhất là ông Vưu Khải Thành, Chủ tịch Công ty Biti’s, với 162,3 tỷ đồng. Cả gia đình ông Thành nắm giữ gần 380 tỷ đồng với tỉ lệ sở hữu gần 87%.

Tính đến tháng 8/2018, giá trị vốn góp của Biti’s đạt 436,86 tỷ đồng. Trong đó, ông Vưu Khải Thành, bà Lai Khiêm là các cổ đông lớn nhất khi nắm lần lượt 29,650% và 27,250%.

Ngoài ra, ba người con của ông Vưu Khải Thành gồm Vưu Lệ Quyên, Vựu Lệ Minh, Vưu Tuấn Kiệt cùng sở hữu 10% vốn doanh nghiệp. Như vậy, gia tộc họ Vưu nắm gần 87% vốn Biti’s.

Có thể thấy, Biti’s là một ví dụ điển hình cho thấy thương hiệu thời trang Việt Nam vẫn có cơ hội để gây sức ảnh hưởng trong thị trường bao la hiện nay, nếu chú trọng đến việc nắm bắt xu hướng và cách thức truyền thông marketing phù hợp.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dù cái tên Biti’s đã dành được ít nhiều cảm mến của giới mộ điệu thời trang thì yếu tố cảm xúc thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là những chướng ngại vật làm “ngáng chân” thương hiệu này tới việc cạnh tranh với gã khổng lồ adidas hay Nike.

Với sự thay đổi hình ảnh theo hướng trẻ trung hơn, Biti’s đã tạo tiếng vang lớn.

Nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại nhập, liệu Biti’s có duy trì được phong độ hay lại một lần nữa chìm xuống? Điều đó còn phải chờ xem sức “kháng chiến” của Biti’s trong thời gian tới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Hà Anh | MarketingTrips