Skip to main content

Thẻ: VNPay

Báo cáo ví điện tử: Momo và ZaloPay tiếp tục lỗ, VNPAY có lãi

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của hơn 40 ví điện tử và được đánh giá đang trong giai đoạn bùng nổ. Đến cuối năm 2021, MoMo và ZaloPay đang dẫn đầu danh sách thua lỗ, VNPAY báo lãi.

Báo cáo ví điện tử: Momo và ZaloPay tiếp tục lỗ, VNPAY có lãi
Báo cáo ví điện tử: Momo và ZaloPay tiếp tục lỗ, VNPAY có lãi

Gần đây, một báo cáo nghiên cứu thị trường của Vietdata cho thấy, trong bốn năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2022), số lượng người dùng ví điện tử đã tăng một cách ấn tượng: từ 12.3 lên 41.3 triệu (tăng 330%).

Vietdata cũng ước tính vào tháng 7/2024, thị trường ví điện tử Việt Nam sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, 100 triệu người dùng vào tháng 5/2026 và 150 triệu người dùng vào tháng 7/2030. Lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 85.6% so với cùng kỳ.

Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 30.2%/năm trong giai đoạn 2020-2027, thị trường thanh toán qua di động tại Việt Nam có thể cán mốc 2.7 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, khoảng trống thị trường tính đến thời điểm hiện tại cũng là một yếu tố đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp gia nhập cuộc chơi.

Theo báo cáo Chỉ số Thanh toán mới của Mastercard, trong năm 2022, 94% người tiêu dùng tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán kỹ thuật số và 60% trong số đó sử dụng ví điện tử bằng thao tác trên điện thoại thông minh.

Người tiêu dùng cũng dự định sẽ sử dụng ví điện tử nhiều hơn trong tương lai, 77% cho biết sẽ sử dụng ví điện tử trên điện thoại thông minh thường xuyên hơn trong năm tới.

Bên cạnh các “ông lớn” như MoMo, VNPAY, Moca, ShopeePay, ZaloPay, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động khi có sự gia nhập của hàng loạt các “tân binh” như VinID, SenPay, 9Pay, MobiFone Pay, eM, SmartPay, G-Pay,…

Dữ liệu cập nhật mới nhất của Vietdata cho thấy, tính đến cuối năm 2021, gã kỳ lân MoMo chiếm ưu thế khi thu hút tới 56% dân số Việt Nam sử dụng. Kế đến là ShopeePay với 17%, ZaloPay 14%, ViettelPay 8%, còn lại là Moca và VNPT Pay chỉ còn lần lượt 2% và 1%.

MoMo lỗ hơn 880 tỷ năm 2021.

Theo Vietdata, cuối năm 2021, sau khi công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm (series E) với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD, MoMo chính thức trở thành một trong bốn thành viên của câu lạc bộ startup kỳ lân Việt Nam.

Sau khi trở thành “kỳ lân” Momo từng bước chuyển mình thành “cá mập” khi quyết định thành lập Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo và rót tiền vào hàng loạt startup.

Thương vụ đầu tiên của MoMo là mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique startup ra đời năm 2017. Sau thành công từ thương vụ thâu tóm Pique, Momo tiếp tục đầu tư vào startup Nhanh.vn – Phần mềm quản lý bán hàng đa kênh với hơn 80 nghìn chủ shop đang hoạt động.

Doanh thu của Momo tăng đều trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, doanh thu năm 2021 của ví điện tử này đạt hơn 7.3 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2020). Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 Momo vẫn chưa có lãi. Cụ thể, kết thúc năm 2021, mức lỗ của MoMo lên tới hơn 880 tỷ đồng.

ZaloPay lỗ ròng 1.200 tỷ đồng.

Ví điện tử ZaloPay được Zion phát triển, lợi thế cạnh tranh của ví điện tử này nằm ở sự liên kết với ứng dụng Zalo – nền tảng trò chuyện hàng đầu Việt Nam với hơn 100 triệu người dùng.

Ví ZaloPay hiện là đối tác của những thương hiệu nổi tiếng như Lazada, Beamin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C, Be ở nhiều mảng khác nhau từ thương mại điện tử, mua sắm đến sức khỏe và làm đẹp. Zalopay cũng đang mạnh tay chi tiền, và chịu lỗ khá lớn để thu hút người tiêu dùng.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu cập nhật mới nhất từ Vietdata cho thấy năm 2021, Zalo Pay mang về mức doanh thu chỉ gần 270 tỷ đồng, song cũng ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 1.2 nghìn tỷ đồng. Công ty mẹ VNG đã dành tổng chi phí dự phòng lũy kế tính đến tháng 9/2022 cho ví điện tử này là 2.3 nghìn tỷ đồng.

Ông lớn VNPay báo lãi.

Vào cuối tháng 7/2021, VNPay thông báo nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, Paypal Ventures,…. qua đó càng làm sôi động thêm sự cạnh tranh giữa các ví điện tử với nhau cũng như tạo ra sự cạnh tranh giữa ví điện tử và các dịch vụ tương tự từ các ngân hàng và công ty viễn thông.

VNPay với thế mạnh của nền tảng cổng thanh toán điện tử sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán lớn. Tháng 12/2022 VNPay đã công bố hợp tác với nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op để mở rộng tệp khách hàng.

Về tình hình kinh doanh của VNPay, theo dữ liệu của Vietdata, trong những năm gần đây, VNPay ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Cụ thể, doanh thu của ông trùm này đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 2017. Sau khi chững lại vào năm 2019, lợi nhuận sau thuế của VNPay bắt đầu tăng trưởng trở lại và đạt gần 320 tỷ đồng vào năm 2021, tăng 87% so với năm 2020.

Ví điện tử Payoo.

Payoo là ví điện tử thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (Viet Union). Đến nay, Payoo đã liên kết với gần 25.000 điểm trên toàn quốc, thanh toán gần 1.000 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt gần 100 nghìn tỷ VND/năm.

Khi đã thành công với thanh toán hoá đơn, Payoo quay trở lại chinh phục đối tác bán lẻ với các giải pháp thanh toán mới. Sau bán lẻ, Payoo cũng lấn sân thêm nhiều mảng mới. Tính đến nay, Payoo đã và đang phục vụ hầu hết các đối tác hàng đầu của rất nhiều lĩnh vực từ công nghệ, điện máy, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, F&B, xe máy, nhà thuốc, chăm sóc sức khỏe, spa làm đẹp,…

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của Vietdata cho thấy, sau khi đạt mốc doanh thu hơn 3.2 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, doanh thu của công ty này bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Đến năm 2021, doanh thu của Payoo chỉ đạt 2.5 nghìn tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng dương.

Ví điện tử Ngân Lượng.

Ngân Lượng là ví điện tử thuộc Công ty Cổ phần Trung gian Thanh toán Ngân Lượng ra đời từ năm 2009. Với nguồn vốn lớn lao từ các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như IDG (Mỹ), SoftBank (Nhật), eBay (Mỹ) giúp Ngân Lượng có khả năng đảm bảo tài chính cho toàn bộ giao dịch trực tuyến tại Việt Nam. Ngân Lượng đã xây dựng hệ thống tiên tiến liên kết trực tiếp với gần 40 tổ chức tài chính và viễn thông tại Việt Nam và Quốc tế.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của Vietdata cho thấy, doanh thu của Ngân Lượng trong những năm gần đây khá trồi sụt. Doanh thu năm 2021 có sự tăng trưởng so với năm 2020, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với những năm 2017-2018. Cụ thể, năm 2021, doanh thu của Ngân Lượng đạt khoảng 430 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 35% so với năm 2020.

Ví điện tử Moca.

Năm 2013, Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca được thành lập bởi một nhóm cựu nhân sự cao cấp của Microsoft, Google và các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.

Nếu như Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ thì Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ và giao đồ ăn.

Moca chọn hợp tác với Grab là để xây dựng hệ sinh thái thanh toán di động cho toàn bộ hệ sinh thái của siêu ứng dụng này. Ngoài ra, Moca còn hợp tác với Tiki nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, thanh toán điện tử ngày càng tăng nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của Vietdata cho thấy, khép lại năm 2021 với đầy những biến động, doanh thu của thương hiệu này đạt khoảng 235 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2020. Cũng giống như Zalopay, Moca liên tục “đốt tiền” trong những năm gần đây. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Moca liên tục âm. Đến năm 2021, doanh nghiệp này báo lỗ gần 165 tỷ đồng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo An Nam | Markettimes   

Ngân hàng Mizuho chi 170 triệu USD mua cổ phần MoMo

Tờ Nikkei cho biết, Ngân hàng Mizuho sẽ chi 20 tỷ yen (170 triệu USD) để mua 7,5% cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử Momo.

Ngân hàng Mizuho chi 170 triệu USD mua cổ phần MoMo
Source: Newbium

Thương vụ dự kiến diễn ra ngay cuối năm nay, nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của Mizuho tại Việt Nam.

MoMo cho biết hiện không đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Tờ Nikkei bình luận, Mizuho đã bị tụt hậu so với các đối thủ trong đầu tư ra nước ngoài, nhưng muốn bắt đầu tích cực khai thác các khu vực tăng trưởng ở châu Á.

Ngân hàng Nhật Bản giờ đặt mục tiêu có vị thế lớn hơn trong lĩnh vực tài chính Đông Nam Á khi dân số và nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng.

Khoản đầu tư vào M-Service diễn ra sau khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu chung bậc 1 của Mizuho – một chỉ số về sức khỏe tài chính của công ty – đạt mục tiêu 9% và gần đây đã tăng lên 9,6%. Mizuho đã đầu tư vào Vietcombank vào năm 2011. Việc đầu tư vào M-Service được cho là sẽ giúp các bên tăng cường hợp tác trong thị trường bán lẻ Việt Nam.

M-Service được thành lập vào năm 2007, có hơn 1.400 nhân viên và đặt trụ sở chính tại TP HCM, cùng các văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Họ sở hữu ví điện tử MoMo, với hơn 20 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Công ty này đang cố gắng biến MoMo thành một siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập vào nhiều dịch vụ, tận dụng hơn 50% thị phần của mình.

Tháng 1/2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital , cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management.

Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

Vào tháng 10/2021, Decision Lab – đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín tại châu Á cũng đánh giá MoMo là ví điện tử được nhiều người dùng nhất tại Việt Nam với tỷ suất sử dụng lên đến 86% (cách xa vị trí thứ hai là 64%) trong báo cáo “Sự trỗi dậy ví điện tử tại Việt Nam” (The rise of E-wallet in Vietnam).

Nếu thương vụ này thành công, MoMo sẽ là kỳ lân thứ 3 của Việt Nam sau VNG năm 2014 và VNPAY (thuộc VNLIFE) năm 2020.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nguồn: Nikkei

Điểm nóng trên thị trường fintech Việt Nam

Thị trường fintech Việt Nam được dự báo đạt 7,8 tỷ USD đang đón nhận thêm nhiều sự ra đời của các startup công nghệ tài chính cả trong vào ngoài nước.

Theo thống kê từ TechInAsia, Việt Nam hiện được xem là thị trường màu mỡ trong mảng kinh doanh công nghệ tài chính (fintech) tại Đông Nam Á, và chỉ xếp sau các ông lớn trong ngành là Singapore và Indonesia.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 3 năm qua, số lượng fintech đã tăng gần 4 lần.

Hiện cả nước có hơn 150 fintech, trong khi 3 năm trước, con số này mới dừng lại ở 40. Trước đó, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và được dự báo đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Đi cùng với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế xuống dưới 10% của Chính phủ, xu thế phát triển của ngành này là tất yếu.

Các lĩnh vực của hệ sinh thái fintech của Việt Nam bao gồm: ví điện tử, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng, công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng,…

Trong đó, mảng thanh toán, chuyển tiền hiện chiếm tỷ trọng cao nhất và được xem là điểm nóng của mảng fintech trong nước.

Đáng chú ý có thể kể tới các tên tuổi như: MoMo, ZaloPay, Moca, GPay, ViettelPay, AppotaPay, AirPay, VNPay…

Do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 và sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của chính phủ trong năm 2020, các ví điện tử đứng đầu tại Việt Nam đã hưởng lợi mạnh mẽ từ sự thay đổi trong thói quen thanh toán tại và lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ trong năm qua, trở thành một hình thức thanh toán phổ biến sau đại dịch.

Vào tháng 9/2020, ví Momo công bố đạt 20 triệu người dùng cá nhân, trở thành ví điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam.

Ngay sau đó trong báo cáo Economy SEA 2020 của Google, startup thanh toán VNPay đã được định giá trên 1 tỷ USD, điều đó có nghĩa VNPay được công nhận là startup “Kì lân” thứ hai tại Việt Nam.

Nếu như các startup thanh toán, chuyển tiền của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, thì mức tăng trưởng mạnh nhất thuộc về các startup hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) và tiền điện tử/blockchain.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 30,8% dân số có tài khoản ngân hàng, đứng vị trí thứ 6 Đông Nam Á, tỷ lệ sử dụng thẻ debit gần 27%, thẻ credit hơn 4%.

Trong năm 2020, tổng mức chi tiêu qua kênh trực tuyến tại Việt Nam đạt trung bình 280 USD/người, giảm 9% so với năm 2019. Theo đó, các giao dịch qua POS di động chiếm hơn 21%, các giao dịch trực tuyến chiếm gần 80%.

Tuy nhiên, trước việc Việt Nam được kì vọng sẽ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, dự báo tổng chi tiêu đầu người năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị 323 USD/người. Tổng mức giá trị thanh toán sẽ gia tăng khoảng 30%, đạt giá trị khoảng 15 triệu USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

VNPay – Kỳ lân thứ hai của Việt Nam sau VNG

CEO VNPay cho biết công ty này cũng có những thời điểm đứng trước thách thức phải thay đổi.

Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 của Google, công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) là một trong 12 kỳ lân của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sau VNG, Việt Nam đã có startup thứ hai được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Tại hội thảo “Phát triển công nghệ tài chính Việt Nam trong mùa nhiễu động” trong khuôn khổ Techfest 2020, ông Lê Tánh – CEO VNPay đã có một số chia sẻ về câu chuyện kinh doanh của startup này.

“Không có thành công nào không phải trả giá”

Nói về chặng đường phát triển của doanh nghiệp, ông Lê Tánh cho biết “không có thành công nào không phải trả giá, VNPay cũng có những thời điểm đứng trước thách thức phải thay đổi”.

“Thách thức đầu tiên là làm thế nào thay đổi thói quen khách hàng vì những ý tưởng ban đầu mình đưa ra không ai dùng cả. Chúng tôi đi với một đối tác lớn, thuyết phục người dùng thay đổi thói quen. VNPay phải mất đến 6 năm thì các dịch vụ cốt lõi của fintech mới đem lại doanh thu đủ sống cho doanh nghiệp”, ông Lê Tánh nói.

Theo CEO VNPay, cách để doanh nghiệp này thành công là “đi từ những dịch vụ cơ bản và cần thiết nhất đến những thói quen cao hơn, xa hơn”.

“Thách thức thứ hai trong quá trình hoạt động đó là fintech là một lĩnh vực mới trong một không gian mới, rất cần những quy định mới. Trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ có giấy phép con và có quy định cái này được làm, cái kia không”, ông Tánh chia sẻ.

Người đứng đầu VNPay cho biết, “nếu bó buộc như thế chúng tôi không thể lớn được. Vì vậy, chúng tôi buộc phải xé rào, phải tìm cách tạo ra những dịch vụ mới trước vì chúng tôi biết rằng để cho ngân hàng nhà nước vào cuộc và các bộ ngành khác đồng ý thì phải có tiền lệ. Chúng tôi tạo ra các dịch vụ sau đó hỏi lại, nếu được chấp nhận thì đi theo”.

Theo CEO VNPay, để fintech phát triển vẫn còn nhiều rào cản cần phá bỏ. “Nhiều dịch vụ mới chúng tôi nghĩ có thể đem lại lợi ích cho khách hàng như việc người dân có thể thanh toán dịch vụ công hay đi xe buýt không phải mua vé giấy. Tuy nhiên, việc đó vẫn chưa có tiền lệ, chi phí hỗ trợ xe buýt hiện không có chi phí hỗ trợ thanh toán”, ông Tánh nói.

“Sẽ cung cấp hệ thống ví điện tử mới dựa trên Blockchain”

Tại hội thảo, ông Lương Thái Bảo (Đại học Kinh tế Quốc dân) dẫn một nghiên cứu của Asia Partners cho biết một quốc gia có thu nhập bình quân (đã điều chỉnh lạm phát) từ 3.500 – 7.000 USD thì quốc gia đó mới có cơ hội xuất hiện kỳ lân.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao thu nhập bình quân của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhưng đã có 2 startup tỷ USD, ông Lê Tánh cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone và Internet rất cao, các dịch vụ liên quan đến viễn thông, Internet có chi phí rẻ.

“Đó là động lực để chúng tôi đào sâu vào thị trường. Hệ sinh thái của VNPay từ chỗ tập trung vào phát triển nền tảng mobile banking và ngân hàng số cho hơn 30 đơn vị, chúng tôi cũng tạo ra các dịch vụ mới giúp ngân hàng có thêm doanh thu bên cạnh các dịch vụ tài chính truyền thống”, ông Tánh nói.

“Đối tác lớn thứ hai của chúng tôi là các nhà mạng, viễn thông – sở hữu tập khách hàng rất lớn. Chúng tôi đã cung cấp cho họ các dịch vụ như số hóa thanh toán, tạo ra thói quen không mua thẻ cào giấy mà sử dụng các hình thức mua trực tuyến.

Từ đó thêm nhiều dịch vụ khác như các dịch vụ liên quan đến du lịch như mua vé, đặt phòng đến các tiện ích khác như điện, nước…”, CEO VNPay chia sẻ thêm.

Theo ông Tánh, việc xử lý dữ liệu lớn luôn là công nghệ hàng đầu đặt ra với những dịch vụ của VNPay.

“Chúng tôi thu từ khách hàng, người bán rồi lại trả lại cho ngân hàng. Những gì chúng tôi nhận được rất nhỏ nên để đạt được lợi nhuận chúng tôi phải xử lý hàng chục triệu giao dịch hàng ngày. Công nghệ xử lý dữ liệu lớn là công nghệ chúng tôi đã thành công”, ông Tánh nói.

CEO VNPay cũng cho biết, trong năm tới kỳ lân thứ hai của Việt Nam sẽ cung cấp một hệ thống ví điện tử mới dựa trên nền tảng Blockchain. “Đó là kết quả nghiên cứu suốt 2 năm qua của chúng tôi”, doanh nhân này cho hay.

VNLIFE, công ty mẹ của công ty thanh toán Việt Nam VNPAY, đã từng hoàn tất gói tài trợ khoảng 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và GIC – quỹ đầu tư quốc gia Singapore.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips