Skip to main content

Startup là gì? Khái niệm và cách hiểu đúng về Startup

13 Tháng Chín, 2023

Startup là gì? Các khái niệm phổ biến thường thấy xoay quanh thuật ngữ Start-up? Những quan niệm sai lầm về cái gọi là Start up? Các yếu tố chính quyết định sự thành công của một Startup? Các giai đoạn phát triển của một Startup? Những thuật ngữ quan trọng cần biết trong thế giới làm Startup? Lợi thế và bất lợi của các công ty Startup? Một số mô hình Startup mới hiện nay?

Startup còn được gọi là Khởi nghiệp hay công ty khởi nghiệp, khái niệm dùng để chỉ các doanh nghiệp mới bắt đầu gia nhập thế giới kinh doanh. Mặc dù về lý thuyết, thuật ngữ Startup đề cập đến các doanh nghiệp mới, tuy nhiên trong thực tế thì khái niệm này thường dùng để chỉ các công ty bắt đầu khởi sự kinh doanh nhưng với một mô hình mới.

Startup là gì
Startup là gì? Khái niệm và cách hiểu đúng về Start-up

Được nổi lên chủ yếu trong bối cảnh khi các yếu tố công nghệ phát triển mạnh mẽ, thuật ngữ Startup (Khởi nghiệp) được xem là biểu tượng của các làn sóng kinh tế mới, các mô hình kinh doanh mới có tính đột phá (phá vỡ) và sáng tạo cao. Không chỉ được dùng để chỉ các doanh nghiệp mới vận hành hay gia nhập thế giới kinh doanh, Startup còn đại diện cho các doanh nghiệp với nhiều chiến lược thâm nhập thị trường táo bạo, có nhiều lợi thế mới so với các doanh nghiệp cùng ngành trước đó và hơn thế nữa.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài viết này bao gồm:

Advertisement
  • Startup (Khởi nghiệp) là gì?
  • Thấu hiểu khái niệm Startup?
  • Những quan niệm sai lầm về cái gọi là Startup?
  • Các yếu tố chính quyết định sự thành công của một Startup?
  • Các giai đoạn phát triển của một Startup?
  • Những thuật ngữ quan trọng cần biết trong thế giới làm Startup?
  • Lợi thế (Thách thức) và bất lợi của các công ty Startup là gì?
  • Một số mô hình Startup mới hiện nay?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Startup là gì?

Startup trong tiếng Việt có nghĩa là Khởi nghiệp hoặc các Công ty khởi nghiệp.

Thuật ngữ Startup đề cập đến một công ty hay doanh nghiệp đang bước vào những giai đoạn vận hành kinh doanh đầu tiên. Các công ty khởi nghiệp có thể được thành lập bởi một hoặc nhiều nhà lãnh đạo khác nhau, những người đang thực sự khao khát mang các sản phẩm và dịch vụ mới vào thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thông thường, các Startup bắt đầu với những chi phí cao và doanh thu hạn chế, đó là lý do tại sao các doanh nghiệp này thường nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như các nhà đầu tư mạo hiểm.

Advertisement

Theo Wikipedia, Startup còn được gọi là Start-up hoặc Upstart, thuật ngữ đề cập đến các doanh nghiệp đang hoặc mới gia nhập ngành, và sở hữu các mô hình kinh doanh (Business Model) có thể mở rộng được.

Thấu hiểu khái niệm Startup.

Như đã đề cập ở trên, mặc dù khái niệm Startup thường được dùng để chỉ các doanh nghiệp mới vận hành, trong thực tế thì thuật ngữ này lại chủ yếu nhấn mạnh hay đề cập đến các doanh nghiệp có những mô hình kinh doanh mới, các chiến lược mới, các sản phẩm và dịch vụ có tính cạnh tranh cao so với các công ty cùng ngành đã tồn tại và hơn thế nữa.

Dưới đây là một số thông tin quan trọng khác bạn nên biết và hiểu đúng về khái niệm Startup.

  • Một Startup hay công ty khởi nghiệp là doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh doanh.
  • Người đứng đầu doanh nghiệp thường là các nhà sáng lập (Founder), họ có thể tự sử dụng tài chính cá nhân để kinh doanh hoặc gọi vốn từ các nguồn bên ngoài.
  • Điểm quan trọng của các Startup đó là chọn đúng thị trường hay phân khúc khách hàng mục tiêu và đáp ứng nhu cầu của họ bằng các sản phẩm và dịch vụ vượt trội. Trong phần lớn trường hợp, chiến lược của các Startup là tập trung vào thị trường ngách (Niche market) thay vì là thị trường đại trà (Mass market).
  • Theo nhiều các nghiên cứu khác nhau, tỷ lệ thành công của các công ty khởi nghiệp hay Startup là rất cao, trên 95% sau 3 năm đầu tiên.
  • Các Startup có thể sử dụng nguồn vốn (tự góp) ban đầu để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển kế hoạch kinh doanh của mình.
  • Nghiên cứu thị trường là kim chỉ nam giúp xác định nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ, trong khi các bản kế hoạch kinh doanh (Business Plan) toàn diện vạch ra tuyên bố sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của công ty cũng như các chiến lược marketing là các yếu tố quyết định sự thành công khác.

Những quan niệm sai lầm về cái gọi là Startup?

Như MarketingTrips đã đề cập ở trên, mặc dù không có bất cứ một quy định hay sự ràng buộc vào về mặt khái niệm của thuật ngữ Startup, ý nghĩa đằng sau thuật ngữ này trong thực tế lại rất khác so với lý thuyết.

Advertisement

Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về cái gọi là Startup.

  • Startup là tự kinh doanh (tự doanh) bất cứ một thứ gì đó mới: Trong khi bạn có thể bắt đầu tự kinh doanh riêng bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, điều này không có nghĩa là bạn đang làm Startup. Trừ khi những gì bạn đang kinh doanh có thể gia tăng quy mô lên một mức đủ lớn hoặc có sức ảnh hưởng, một vài hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ thường không được gọi là Startup. Ví dụ, khi bạn tự mở một quán cafe nhỏ ven đường và chỉ dừng lại ở đó, đây chỉ là việc bạn đang kinh doanh riêng thay vì là bạn đang khởi nghiệp. Ngược lại nếu bạn quyết định nhân chuỗi rộng hơn với quy mô lớn hơn, đây có thể được coi là Startup.
  • Startup cần phải có nhiều tiền và nhiều nhân sự: Nhiều quan niệm cho rằng, muốn làm Startup thì phải có hay cần nhiều tiền và nhiều nhân sự. Thực tế là, tuỳ thuộc vào từng mô hình kinh doanh khác nhau mà nhà sáng lập không cần phải có quá nhiều tiền hay cần nhiều nhân sự. Trong các lĩnh vực như công nghệ hay tự động hoá, yếu tố tiền hay số lượng nhân sự không thực sự quan trọng.

Lợi thế (Thách thức) và bất lợi khi làm việc cho các công ty Startup là gì?

Lợi thế (Thách thức) và bất lợi khi làm việc cho các công ty Startup là gì?
Lợi thế (Thách thức) và bất lợi khi làm việc cho các công ty Startup là gì?

Có rất nhiều lợi ích khi làm việc cho các Startup. Nhiều trách nhiệm hơn và nhiều cơ hội học hỏi hơn là 2 thứ quan trọng nhất.

Vì phần lớn các Startups có ít nhân viên hơn các công ty lớn và lâu đời nên nhân viên trong Startup thường có xu hướng đảm nhiệm nhiều vai trò hay công việc khác nhau hơn là chỉ tập trung một chuyên môn nhất định, điều này dẫn đến việc họ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn và dĩ nhiên, họ cũng có nhiều cơ hội học hỏi hơn.

Các Startup cũng có xu hướng làm việc thoải mái hơn, nơi làm việc trở thành một trải nghiệm chung, với giờ giấc linh hoạt, tăng cường sự tương tác giữa các nhân viên với nhau và giữa nhân viên với lãnh đạo.

Advertisement

Không cần quá nhiều kinh nghiệm là những lợi thế khác cho những người mới. Tại nhiều Startup, họ coi trọng tố chất và khả năng học hỏi hơn là những kinh nghiệm đã có, đây chính là cơ hội cho những ai đang cần một nơi để thể hiện bản thân.

Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp mới và có ít nguồn lực, cũng có nhiều hạn chế nhất định khi làm việc trong các Startup như phải làm nhiều hơn (thậm chí là tăng ca), áp lực công việc cao hơn, yêu cầu cao hơn.

Dưới đây là một số lợi thế và bất lợi khi làm việc cho Startup.

Lợi thế:

Advertisement
  • Nhiều cơ hội học hỏi và trau dồi bản thân.
  • Làm việc có trách nhiệm hơn.
  • Môi trường làm việc linh hoạt.
  • Cơ hội thăng tiến cao và dễ chứng minh năng lực thực sự của bản thân.

Bất lợi:

  • Thu nhập có thể thấp (và ít ổn định) hơn.
  • Nhiều áp lực hơn.
  • Khối lượng công việc cao hơn.
  • Khó thể hiện được năng lực của bản thân nếu không có chuyên môn cứng.

Các yếu tố chính quyết định sự thành công của một Startup?

Trong khi tuỳ thuộc vào từng startup cụ thể và trong từng bối cảnh kinh doanh cụ thể, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự thành công một startup, thông qua một loạt các nghiên cứu từ nhiều startup thất bại và thành công, dưới đây là những lý do chính có thể khiến một startup thành công hơn trên thị trường.

1. Tầm nhìn và Chiến lược.

Một tầm nhìn rõ ràng về tương lai là một kỹ năng hoặc năng khiếu mà mọi lãnh đạo doanh nghiệp đều cần có để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Tầm nhìn sẽ là động lực chính đằng sau sự thành công của một doanh nhân và nó sẽ đóng vai trò như một chiếc la bàn cho doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn.

Với tư cách là một startup, doanh nghiệp cần hình dung về cách kiếm tiền ngay từ đầu, đồng thời suy nghĩ về chiến lược bảo vệ và duy trì nó trong dài hạn. Nó có thể bao gồm cả việc hình dung về tập khách hàng mục tiêu, sự thay đổi của môi trường vĩ mô và vi mô, và hơn thế nữa.

Advertisement

2. Tốc độ.

Với các startup, tốc độ cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến sự thành công. Khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đã tồn tại trên thị trường, đã có khách hàng và doanh số ổn định, startup cần phải thiết lập một tư duy nhanh nhạy mới có thể đủ sức để đối đầu.

Thay vì từ từ đạt được các mục tiêu, startup cần giành được chúng nhanh hơn trước khi bị các đối thủ mạnh hơn gia nhập cuộc đua và theo kịp. Bỏ xa đối thủ một khoảng đủ để đánh chiếm thị trường và tạo ra rào cản chính là công thức thành công của startup.

3. Ngân sách hay nguồn vốn cũng rất quan trọng đối với sự thành công của Startup.

Theo các dữ liệu nghiên cứu chung, một trong những lý do chính khiến các công ty khởi nghiệp hay startup thất bại đó là vì họ hết tiền trước khi đạt được điểm hoà vốn hoặc trước khi có doanh số đủ để duy trì (nuôi) doanh nghiệp.

Hoặc là startup có đủ nguồn vốn để theo đuổi đến mục tiêu cuối cùng hoặc là nhanh chóng tìm kiếm khách hàng và thúc đẩy doanh số để duy trì doanh nghiệp trước khi chạm tới điểm gọi là thành công.

Advertisement

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, các startup thành công đều là các doanh nghiệp có khả năng quản trị tài chính và theo đuổi sự tin gọn trong cách vận hành.

Với tư cách là các nhà sáng lập của các startup, bạn cần phải đặt ra các mục tiêu tài chính rõ ràng, từ việc quản lý chi phí đến thời điểm đạt được mục tiêu về doanh thu. Khi cả nguồn lực con người lẫn tài chính đều có giới hạn, bạn cần phải “đạt được nhiều thứ hơn với ít nguồn lực đầu tư hơn.”

4. Tính kỷ luật.

Cũng tương tự như con đường thành công cá nhân, sự thành công của startup cũng bắt nguồn từ tính kỷ luật mạnh mẽ.

Kỷ luật bắt đầu bằng sự tự chủ và là sản phẩm của một tiêu chuẩn cá nhân. Nếu không có kỷ luật, các startup sẽ không thể thành công trong kinh doanh ngay cả khi họ đang ở trong một nền kinh tế tốt nhất.

Advertisement

Kỷ luật tự giác dẫn đến đạo đức làm việc tích cực và đạo đức làm việc tích cực dẫn đến việc hoàn thành công việc một cách hiệu quả và năng suất. Điều quan trọng là tất cả các thành viên trong đội nhóm phải phối hợp và làm việc cùng nhau vì cùng một mục tiêu chung.

5. Sự quyết tâm là một yếu tố khác quyết định sự thành công của Startup.

Một startup thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của sự quyết tâm khi xây dựng doanh nghiệp. Họ nói không với bỏ cuộc, nhất là khi họ đối mặt với những khó khăn và thất bại.

Trích từ cuốn sách kinh điển “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, nếu đặt đúng người vào đúng chỗ, startup cuối cùng sẽ tìm được hướng đi tới sự thành công. Sự quyết tâm và kiên trì là 2 yếu tố then chốt để biến điều này thành hiện thực.

6. Khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi.

Sống trong thế giới VUCA này, khó có thể nói trước được điều gì về tương lai. Có một thứ duy nhất mà bạn có thể làm đó là thích ứng nhanh với bối cảnh hay điều kiện mới.

Advertisement

Là startup, khi các yếu tố vĩ mô khiến hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, bạn phải nhanh chóng thích nghi và thay đổi tương ứng.

Hãy nhìn vào sự thất bại của Nokia hay sự ra đi thầm lặng của Yahoo, bạn sẽ thấy khả năng thích nghi và thay đổi thực sự quan trọng đến mức nào.

Thích nghi với sự thay đổi cũng có nghĩa là các startup có thể cần phải có những tư duy mới, con người mới, công nghệ mới, những thứ có thể giúp doanh nghiệp không ngừng cải tiến và tối ưu các sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp cho khách hàng.

7. Năng lực điều hành (lãnh đạo).

Yếu tố quan trọng cuối cùng quyết định sự thành công của một startup đó là năng lực điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp.

Advertisement

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có đến 98% sự thành công của startup bị ảnh hưởng từ năng lực điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Về phần này, kinh nghiệm của các thành viên sáng lập và đội nhóm là rất quan trọng vì kiến thức nền tảng của họ sẽ giúp họ đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn là những quyết định tồi.

Các giai đoạn phát triển chính của một Startup là gì?

Theo dữ liệu từ ngân hàng vốn có mối quan hệ mật thiết với các startup SVB, một startup sẽ phải trải qua 3 giai đoạn chính đó là: early-stage (Giai đoạn tiền gọi vốn), venture-funded stage (giai đoạn tăng trưởng) và late stage (Giai đoạn phát triển bền).

Giai đoạn tiền gọi vốn (Early-stage startup).

Vốn được xem là giai đoạn đầu tiên của một startup, đây là giai đoạn khó khăn nhất của bất kỳ startup nào. Vì chưa gọi được vốn, cùng với đó là các chiến lược và sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện, giai đoạn này thường kéo dài và khó khăn mãi cho đến khi tới được giai đoạn tiếp theo.

Advertisement

Giai đoạn này cũng bắt đầu với ý tưởng rằng các sản phẩm và dịch vụ của startup có khả năng mở rộng và nhắm vào những thị trường sẵn sàng tạo ra giá trị. Về cơ bản mọi thứ ở giai đoạn này còn khá mơ hồ.

Giai đoạn tăng trưởng (Venture-funded stage startup).

Đây chính là giai đoạn sau khi startup nhận được vốn qua vòng gọi vốn đầu tiên (Series A) và sẵn sàng cho các vòng gọi vốn tiếp theo trong tương lai.

Startup bước vào giai đoạn này khi các nhà đầu tư ở vòng Series A tin rằng doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc dịch vụ tốt và bản thân các nhà sáng lập cũng có kế hoạch cũng như năng lực vận hành để mở rộng quy mô.

Giai đoạn phát triển (Late stage startup).

Tới được giai đoạn này, startup về cơ bản là đã ổn định cả về mặt tài chính lẫn kế hoạch hay chiến lược kinh doanh (Business Plan) để phát triển doanh nghiệp.

Advertisement

Câu chuyện của startup giờ đây tất cả là về việc tối đa hoá hiệu suất kinh doanh, điều này cũng có nghĩa là các nhà sáng lập ở giai đoạn này sẽ tập trung nhiều hơn vào các đội nhóm bán hàng, marketing hay những yếu tố hỗ trợ bán hàng khác.

Tại thời điểm này trong vòng đời của một startup, cả nhà sáng lập, CEO, cùng tất cả nhân viên khác đều đã sẵn sàng và doanh nghiệp về cơ bản là đã thiết lập được những nền móng vững chắc cho sự hiện diện của mình trong ngành.

Những thuật ngữ hay khái niệm quan trọng cần biết trong thế giới làm Startup?

Một khi bạn bắt đầu tìm hiểu về khái niệm Startup, có vô số các thuật ngữ đi kèm khác mà bạn không thể không biết và hiểu. Dưới đây là những thuật ngữ quan trọng nhất.

1. Nhà sáng lập (Founder).

Nhà sáng lập hay đồng sáng lập (co-founder) là những người có thể gọi là chủ doanh nghiệp, người khai sinh nên doanh nghiệp. Tuỳ vào cấu trúc của từng startup mà tỷ lệ sở hữu của các nhà sáng lập là khác nhau.

Advertisement

Tuy nhiên, có một điểm chung là, khi doanh nghiệp càng lớn (sau IPO thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà sáng lập càng thấp. Ví dụ, mặc dù Bill Gates là người khai sinh nên Microsoft, tính đến hiện tại, ông chỉ nắm giữ dưới 10% cổ phần của Microsoft.

2. Công cụ tăng tốc (accelerator).

Công cụ tăng tốc là một tổ chức cung cấp những chương trình ngắn hạn bao gồm cả việc cố vấn (Mentorship), nguồn lực và thậm chí là cả cơ hội rót vốn (Funding) để giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng hơn.

3. Nhà đầu tư thiên thần (angel investor).

Nhà đầu tư thiên thần là người cấp vốn lần đầu tiên cho một startup. Người này tin tưởng vào ý tưởng hoặc giải pháp của startup và do đó, họ sẵn sàng mạo hiểm để đầu tư vào startup ở những giai đoạn rất sớm này.

4. “Tự thân vận động” (bootstrapping).

Trong thế giới startup, bootstrapping có nghĩa là doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần hay các quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Trong trường hợp này, các nhà sáng lập sử dụng tiền từ bạn bè và gia đình để bắt đầu công việc kinh doanh.

Hơn 80% startup bắt đầu kinh doanh với hình thức này.

5. Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC – Venture Capital).

Quỹ đầu tư mạo hiểm, theo đúng tên gọi của nó chính là các tổ chức sẽ rót tiền đầu tư vào startup với mục tiêu mở rộng quy mô. Cũng tương tự như các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ này rót tiền vào startup từ những giai đoạn khá sớm.

Advertisement

6. Tốc độ đốt tiền (Burn Rate).

Burn rate là khái niệm đề cập đến cách và tốc độ chi tiêu (đốt tiền) của startup và thường được tính theo từng khoảng thời gian nhất định ví dụ là theo tháng.

Hầu hết các nhà đầu tư trước khi rót vốn vào startup đều sẽ muốn biết tốc độ chi tiêu cụ thể của doanh nghiệp để từ đó có thể tính điểm hoà vốn hay thời điểm họ sẽ rút lui (Exit) khỏi doanh nghiệp.

7. Huy động vốn từ cộng đồng (Crowdfunding).

Huy động vốn từ cộng đồng là một hình thức tài trợ thay thế, dễ tiếp cận, dân chủ hơn so với huy động vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư thiên thần.

Các startup khi này sẽ bắt đầu huy động vốn từ nhiều người và khách hàng khác nhau, người đầu tư có thể chính là những khách hàng đang sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ của startup.
Ngày nay, có không ít các startup sẽ huy động vốn thông qua việc cung cấp các đơn đặt hàng trước sản phẩm hoặc dịch vụ của họ với mức giá chiết khấu đủ tốt.

8. Chiến lược rút lui (Exit).

Một khi bắt đầu rót tiền vào startup, một trong những mục tiêu của các nhà đầu tư đó là “Exit”, tức rút vốn khỏi startup. Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư đã đạt được một mức lợi tức đầu tư nhất định từ việc đầu tư vào startup.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể chọn cách “Exit” khi họ cảm thấy không còn hứng thú với startup cho dù là họ sẽ bị lỗ sau khi rút lui.

Advertisement

Exit hay rút lui không chỉ áp dụng cho các nhà đầu tư mà còn áp dụng cho cả nhà sáng lập, họ cũng có thể bán lại doanh nghiệp (startup) của mình để chuyển sang các công việc kinh doanh khác.

9. Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Với hầu hết các startup, IPO hay phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (niêm yết trên sàn chứng khoán) là mục tiêu tối thượng.

Bằng cách IPO, startup sẽ có nhiều cơ hội hơn để có được nhiều tiền hơn từ việc bán các cổ phiếu của mình, đây chính là động lực để startup phát triển và cũng là động lực của các nhà sáng lập.

10. Hack tăng trưởng (Growth Hacking).

Growth Hacking là thuật ngữ marketing được sử dụng chủ yếu trong các startup để mô tả các chiến lược tập trung vào việc sử dụng các phương pháp chi phí thấp để đẩy nhanh sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Với sự phát triển của yếu tố công nghệ mà đặc biệt là mạng xã hội, nhiều startup ngày nay luôn không ngừng tìm kiếm các giải pháp có thể thúc đẩy nhanh chóng lượng người dùng hay khách hàng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ mà không cần phải đầu tư quá nhiều ngân sách vào marketing (tiếp thị).

11. MVP.

MVP trong tiếng Việt có nghĩa là Sản phẩm khả dụng tối thiểu. Trong kinh doanh và đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp (startup), MVP hay Minimum Viable Product là một trong những kỹ thuật mang tính sống còn, khái niệm này mô tả một quá trình xây dựng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, từ giai đoạn thử nghiệm hay dùng thử đến giai đoạn tung chính thức ra thị trường.

Advertisement

12. Khả năng mở rộng (Scalability).

Cũng là thuật ngữ trong thế giới startup, khả năng mở rộng đề cập đến sự bền vững (sustainability) và tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp. Mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp là phát triển và cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho một số lượng người dùng ngày càng tăng thông qua một mô hình kinh doanh khả thi và có thể lặp lại.

13. Giá trị của startup (Valuation).

Có thể nói, được định giá cao là mục tiêu của hết các nhà sáng lập hay người làm startup, giá trị của startup được gọi là Valuation.

Tuỳ vào từng mô hình kinh doanh khác nhau, tình hình kinh doanh khác nhau mà các startup được định giá theo các công thức khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, mô hình kinh doanh nào có tốc độ tăng trưởng quy mô tiềm năng càng lớn thì mức định giá càng cao và ngược lại. Ví dụ một công ty công nghệ thường sẽ được định giá cao hơn một công ty bán lẻ có cùng quy mô hay doanh thu.

14. Pre-money Valuation (Giá trị của startup trước vòng gọi vốn).

Trong lĩnh vực startup mà cụ thể là cách định giá giá trị của startup, Pre-money Valuation đề cập đến giá trị của một doanh nghiệp trước khi gọi vốn, tức không bao gồm số tiền có thể gọi được từ một vòng gọi vốn nào đó.

Advertisement

Việc định giá này không chỉ giúp các nhà đầu tư biết được giá trị hiện tại của startup mà còn cung cấp thông tin về giá trị của mỗi cổ phần trong startup.

15. Post-money Valuation (Giá trị của startup sau vòng gọi vốn).

Ngược lại với Pre-money Valuation, Post-money Valuation là giá trị của startup sau gọi vốn, tức cộng thêm cả số tiền gọi được tại một vòng gọi vốn nào đó.

Ví dụ, trước khi gọi vốn, startup được định giá 1 triệu USD và nhà đầu tư quyết định đầu tư thêm 250.000 USD thì giá trị sau gọi vốn tức Post-money Valuation khi này sẽ là 1.250.000 USD.

Bạn có thể xem thêm ví dụ bên dưới để hiểu rõ hơn về cách tính giá trị startup theo Pre-money Valuation và Post-money Valuation.

Advertisement

FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ Startup?

  • Scalable startup là gì?

Scalable startup có nghĩa là Startup có thể mở rộng, khái niệm dùng để chỉ các Startup hay công ty khởi nghiệp có những mô hình kinh doanh có thể mở rộng được quy mô.

Ví dụ, khi bạn bắt đầu mở một trung tâm anh ngữ đầu tiên, tiềm năng trong tương lai (dựa trên nhu cầu hay dung lượng của thị trường) là bạn có thể mở rộng nó lên thành 100 trung tâm khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau.

  • Người Startup là gì?

Thực chất, không có khái niệm nào đúng nghĩa được gọi là người Startup. Những người thành lập nên các Startup vốn được gọi là Nhà sáng lập (Founder).

Advertisement
  • Startup lifecycle là gì?

Startup lifecycle có nghĩa là vòng đời phát triển của một startup, từ giai đoạn ban đầu trước khi gọi vốn, tới lúc gọi được vốn và cuối cùng là giai đoạn phát triển sau khi gọi được vốn.

  • Startup kỳ lân (Unicorn) là gì?

Startup kỳ lân hay còn được gọi là Unicorn là các startup được định giá (Valuation) từ mức 1 tỷ USD trở lên. Việt Nam hiện có các kỳ lân Startup như VNG, Momo hay VnPay.

  • Breakeven Point là gì?

Break even Point (BEP) có nghĩa là điểm hoà vốn. Vốn là thuật ngữ phổ biến trong phạm vi khởi nghiệp, Break even Point được sử dụng để mô tả một công ty start-up đã đạt được điểm mà ở đó doanh nghiệp không còn lỗ.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ tất cả các kiến thức nền tảng quan trọng mà bạn cần biết khi tìm hiểu về thuật ngữ Start-up. Từ các khái niệm cơ bản như Startup là gì, các quan điểm sai lầm về thuật ngữ Startup đến các kiến thức nâng cao như các yếu tố quyết định sự thành công của Startup hay những giai đoạn phát triển của một Startup.

Advertisement

Hy vọng với những thông tin này, dù bạn là nhân viên đang có ý định làm việc trong các Startup, là người sắp làm Startup hay nhà sáng lập của các Startup, cũng đều đã có những hành trang hữu ích trên con đường sự nghiệp và kinh doanh của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement