Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu của các doanh nhân
Bằng cách thể hiện và rèn luyện sự đồng cảm, bạn sẽ thấu hiểu được cảm xúc của nhân viên và có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để tạo ra lực lượng lao động hạnh phúc và năng suất hơn.
Từ “làn sóng bỏ việc” đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu đến các cuộc xung đột giữa các cá nhân tại nơi làm việc, cũng như sự chia rẽ chính trị ngày một dâng cao, rõ ràng sự đồng cảm đang trở nên “khan hiếm” hơn bao giờ hết.
Sự đồng cảm là một đặc điểm, một dấu hiệu quan trọng trong không gian kinh doanh, do tính gần gũi và hợp tác của nó. Khi bạn làm việc lâu dài với một người, khả năng đồng cảm của bạn với họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của cả bạn lẫn họ.
Bằng cách thể hiện và thực hành sự đồng cảm, bạn thực sự cảm nhận được những gì người khác đang cảm nhận đồng thời hiểu được những cảm xúc đó ở mức độ trí tuệ cao nhất.
Sự đồng cảm là gì và… không phải là gì.
Đồng cảm (Empathy) là khả năng xác định, thấu hiểu và chia sẻ những cảm xúc hay suy nghĩ của người khác một cách gần gũi nhất. Nó không giống như sự cảm thông (sympathy), khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc thương hại người khác.
Sự đồng cảm đòi hỏi việc chia sẻ một quan điểm chung và thực sự thấu hiểu về các phản ứng cảm xúc cụ thể của một người nào đó.
Các nhà tâm lý học đã xác định 3 kiểu đồng cảm khác nhau gồm:
- Đồng cảm về nhận thức là khả năng phân biệt các trạng thái cảm xúc khác nhau ở người khác.
- Đồng cảm về cảm xúc là cảm nhận một số điều mà người khác đang cảm thấy; và
- Đồng cảm động lòng trắc ẩn là khi bạn biết người kia đang cảm thấy gì, tự mình trải qua cảm xúc đó và mong muốn được thực hiện một số hành động cụ thể để giúp người đó cảm thấy tốt hơn.
Mặc dù mỗi hình thức đồng cảm đều có thể giúp bạn trở thành chủ doanh nghiệp, doanh nhân hay những người nhân viên tốt hơn, sự đồng cảm động lòng trắc ẩn nói riêng là sự đồng cảm ở mức độ kết nối sâu sắc nhất.
Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu cho các doanh nhân.
Nhân viên đang ngày càng cảm thấy áp lực và căng thẳng hơn với mọi thứ, họ bị đánh giá thấp và thậm chí là bị coi thường. Đây cũng là một phần lý do dẫn đến làn sóng từ chức vĩ đại trên toàn cầu trong thời gian gần đây.
Sự đồng cảm xuất phát từ các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp giúp giảm bớt những vấn đề này, từ đó nhân viên sẽ ít có khả năng bỏ việc hơn, gắn bó hơn và có thể thực hiện công việc tốt hơn.
Đồng cảm giúp quá trình tương tác giữa cá cá nhân trong đội nhóm trở nên gẫn gũi và hiệu quả hơn, cải thiện sự gắn bó của nhân viên đồng thời phát triển lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Cuối cùng, sự đồng cảm cũng có thể giúp bạn đánh giá các phản ứng cảm xúc của người khác đối với một vấn đề liên quan đến công việc một cách khách quan hơn, để từ đó bạn xử lý tình huống nhạy bén hơn.
Phát triển sự đồng cảm tại nơi làm việc.
Nếu sự đồng cảm hiện không có sẵn trong tổ chức hay doanh nghiệp của bạn, hãy bắt đầu thử xây dụng và thực hành nó. Cũng giống như việc phát triển bất cứ kỹ năng nào khác, sự đồng cảm cũng cần được phát triển thông qua một loạt các bước thực hành thường xuyên.
Để thực hành sự đồng cảm, hãy thử các bước sau từ tạp chí Psychology Today:
- Hãy xem xét một người mà bạn biết khá rõ và đã trò chuyện với họ trong thời gian gần đây. Đây có thể là một nhân viên, một thành viên trong gia đình của bạn, một giám đốc điều hành hoặc chỉ đơn thuần là một người bạn.
- Bạn mô tả tính khí hay tâm trạng của họ đã thể hiện như thế nào trong vài ngày qua?
- Tiếp theo, bạn nên suy nghĩ về những nguyên nhân (tiềm ẩn) dẫn đến các trạng thái tâm trạng đó. Điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của họ, điều có thể khiến họ rơi vào những trạng thái cảm xúc (tích cực hoặc tiêu cực) đó?
- Bạn có thể đang đóng vai trò gì trong những diễn biến cảm xúc của họ?
- Bạn có thể đặt mình vào vị trí của họ và thử cảm nhận hiện tại họ đang cảm thấy như thế nào không?
- Cuối cùng, hãy cân nhắc xem bạn có thể làm gì để giúp họ cải thiện?
Bằng cách dành một chút nhỏ thời gian cho những câu hỏi hay bài tập đơn giản này hàng ngày, bạn cảm thấy sự đồng cảm trong mình sẽ bắt đầu phát triển một cách tự nhiên.
Bày tỏ sự đồng cảm.
Về cơ bản, chúng ta có thể thể hiện và thực hành sự đồng cảm trong bất kỳ bối cảnh nào, dù cho trong bối cảnh kinh doanh hay cuộc sống, tuy nhiên tại nơi làm việc, việc bạn thể hiện phải thực sự tinh tế.
Đặt một câu hỏi mở là một trong những cách hay để khiến người khác cảm thấy được lắng nghe và có giá trị, đặc biệt khi người đang hỏi là các nhà lãnh đạo.
Những câu hỏi đầy sự quan tâm của bạn cho biết bạn đang tham gia vào cuộc thảo luận, rằng bạn đang lắng nghe và rằng bạn quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề một cách công bằng.
Bày tỏ sự đồng cảm giúp bạn thể hiện ý định và nỗ lực của mình, để từ đó bạn có thể hiểu người khác một cách đầy đủ hơn. Một số câu bạn có thể sử dụng để thực hành điều này:
- “Bạn cảm thấy thế nào…về những gì vừa xảy ra?”
- “Tôi rất tiếc khi phải nghe điều đó….”
- “Tôi nghĩ rằng tôi cũng sẽ cảm thấy như vậy trong tình huống đó…”
- “Tôi có thể làm gì để giúp giúp bạn không…”
- “Bạn có muốn chia sẻ rõ hơn về điều này không? Tôi rất muốn nghe…”
Một vài cách đơn giản khác để bạn có thể thực hành sự đồng cảm.
Ngoài việc sử dụng những câu hỏi mở, bày tỏ lòng biết ơn và sự quan tâm, bạn cũng có thể thử các cách sau:
- Lắng nghe tích cực: Đặt câu hỏi mở chỉ là bước đầu tiên. Bạn cũng cần phải hoà nhập với người đối diện bằng cách tích cực lắng nghe họ khi họ trả lời. Hạn chế ngắt lời khi họ đang nói. Thay vào đó, hãy để họ thoải mái thể hiện quan điểm của mình.
- Ưu tiên sức khỏe của nhân viên: Không có gì tốt hơn việc thể hiện sự đồng cảm của bạn với các thành viên bằng cách coi sức khoẻ của họ là sự ưu tiên hàng đầu của bạn. Hãy thường xuyên tổ chức các chương trình giúp nhân viên của bạn duy trì sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
- Hạn chế sự vội vàng khi phát xét: Là một doanh nhân, bạn thường bị áp lực khi phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong những tình huống cá nhân hơn, sự đồng cảm yêu cầu bạn tiếp cận vấn đề một cách chậm rãi và sâu sắc hơn.
- Nhận phản hồi từ người khác: Các nhà lãnh đạo thường e ngại việc nhận phản hồi từ các nhân viên của họ, nhưng trên thực tế, việc lắng nghe phản hồi là một trong những cách hiệu quả nhất để hiểu những gì đang diễn ra. Hãy tiếp nhận ý kiến phản hồi từ đồng nghiệp hoặc các thành viên đáng tin cậy khác về mức độ bạn đang thể hiện sự đồng cảm.
Đặt bản thân bạn vào tình cảnh của người khác.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một chút đồng cảm cũng có thể giúp bạn tạo ra một nơi làm việc tích cực, hiệu quả và gắn kết hơn. Hãy thực hành lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi mở và thực hành sự thấu cảm với mọi người.
Bạn sẽ sớm nhận thấy rằng, lực lượng lao động của mình sẽ ngày một hạnh phúc hơn, hoà nhập hơn và đóng góp nhiều hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh