Skip to main content

SEO Audit là gì? Hướng dẫn Audit Website cho người mới

7 Tháng Mười Hai, 2022

Cùng tìm hiểu các nội dung về chủ đề SEO Audit như: SEO Audit là gì, tại sao SEO Audit lại quan trọng với thương hiệu, các bước SEO Audit cho Website, các công cụ được sử dụng cho SEO Audit là gì và hơn thế nữa.

SEO Audit là gì
SEO Audit là gì? Các bước SEO Audit cho Website

Nằm trong bức tranh tổng thể là SEO (Search Engine Optimization), SEO Audit là khái niệm mô tả các hoạt động phân tích và tối ưu website (hay ứng dụng) với mục tiêu là có được thứ hạng cao hơn trên các trang tìm kiếm (SERPs).

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài viết bao gồm:

  • SEO Audit là gì?
  • SEO là gì?
  • Tại sao SEO Audit cho website (app) lại quan trọng.
  • Các công cụ chính được sử dụng để thực hiện SEO Audit là gì?
  • Các bước thực hiện SEO Audit cho website.
  • Những yếu tố căn bản mà các SEOer cần kiểm tra khi thực hiện SEO Audit là gì?
  • Những công việc cần làm sau quá trình SEO Audit.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến khái niệm SEO Audit là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

SEO Audit là gì?

SEO Audit là khái niệm mô tả quá trình những người làm SEO nói chung tiến hành phân tích, kiểm tra hay xác định các vấn đề liên quan đến SEO với mục tiêu là có được thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm.

Quá trình thực thi SEO Audit có thể bao gồm các hoạt động như: kiểm tra cách website đang được cập nhật, kiểm tra SEO trên trang (on-page SEO), tối ưu lại chất lượng của nội dung dựa trên từ khoá, đánh giá SEO ngoài trang (off-page SEO) và hơn thế nữa.

SEO là gì?

SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization có nghĩa là tối ưu hoá công cụ tìm kiếm, khái niệm đề cập đến việc những người làm marketing nói chung hoặc cụ thể là các SEOer tìm cách để hiển thị nội dung nhiều hơn hay có thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo hoặc Bing.

Tại sao SEO Audit cho website (app) lại quan trọng.

Một khi đã có thể hiểu SEO Audit là gì, bạn thấy rằng SEO Audit là hoạt động vô cùng quan trọng để giúp website hay ứng dụng của doanh nghiệp tránh:

  • Mất lưu lượng truy cập (Traffic) tự nhiên do các vấn đề về liên quan đến chất lượng của website.
  • Mất cơ hội bán hàng hoặc mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu khác trên các công cụ tìm kiếm.
  • Website khi không được lập chỉ mục (Indexed) đúng cách sẽ khó được tìm thấy hơn.
  • Đối mặt với các hình phạt từ Google vì các backlink độc hại.

Về bản chất, việc tiến hành SEO Audit có thể giúp người làm SEO hay Marketing phát hiện các vấn đề có thể khiến website (app) mất lưu lượng truy cập và doanh số bán hàng.

Các công cụ chính được sử dụng để thực hiện SEO Audit là gì?

Các công cụ chính được sử dụng để thực hiện SEO Audit là gì?
Các công cụ chính được sử dụng để thực hiện SEO Audit là gì?

Khi chuẩn bị tiến hành SEO Audit, trong khi có rất nhiều công cụ khác nhau bạn có thể sử dụng, bạn không nhất thiết phải sử dụng nhiều công cụ.

Dưới đây là các công cụ SEO Audit phổ biến bạn có thể tham khảo.

  • Google Analytics.
  • Google Search Console.
  • Google PageSpeed Insights.
  • Google Schema Markup Testing Tool.
  • Các công cụ khác như SEMRush hay Ahrefs.
Google Analytics.

Google Analytics là công cụ phân tích website miễn phí của Google. Từ đây, bạn có thể xem cách website của mình đang hoạt động trên công cụ tìm kiếm.

Google Search Console.

Là một công cụ phân tích miễn phí khác của Google, Google Search Console cho người làm SEO thấy cách website đang được lập chỉ mục (Indexed), hiệu suất tìm kiếm của website, số lần hiển thị và nhấp chuột (Click) của các từ khoá và hơn thế nữa.

Google PageSpeed Insights.

PageSpeed Insights giúp bạn đo lường hiệu suất của các Trang (webpage) của website trên cả thiết bị di động và máy tính để bàn (desktop).

Google Schema Markup Testing Tool.

Nếu bạn đang xây dựng lược đồ (Schema) cho website của mình, bạn có thể sẽ muốn đảm bảo rằng các mã mã schema hiện đang được tạo một cách chính xác.

Google Schema Markup Testing Tool là công cụ kiểm tra đánh dấu lược đồ của Google cho phép bạn kiểm tra và xác minh các schema.

Các công cụ khác như SEMRush hay Ahrefs.

Ngoài các công cụ phổ biến (miễn phí) nói trên, bạn có thể thực hiện SEO Audit với các công cụ (có trả phí) như SEMRush hay Ahrefs.

Các bước thực hiện SEO Audit cho website.

Tuỳ thuộc vào từng nhu cầu khác nhau, bạn có thể tiến hành SEO Audit theo những cách khác nhau, dưới đây là các bước bạn có thể tham khảo.

  1. Ghi nhận thứ hạng của wesite và thấu hiểu đối thủ cạnh tranh.
  2. Kiểm tra các phiên bản trùng lặp của website trong mục lập chỉ mục của Google.
  3. Kiểm tra các URL đã được lập chỉ mục.
  4. Kiểm tra các thông báo lỗi từ Google.
  5. Kiểm tra tốc độ của website.
  6. Đảm bảo website đang sử dụng giao thức https.
  7. Kiểm tra tính thân thiện của website trên thiết bị di động.
  8. Phân tích và các vấn đề liên quan đến việc lập chỉ mục.
  9. Thấu hiểu trải nghiệm trang (page experience).
  10. Đánh giá SEO trên trang (on-page SEO Audit).
  11. Kiểm tra các liên kết nội bộ bị lỗi (broken internal links).
  12. Kiểm tra sitemap.
  13. Kiểm tra các liên kết chuyển hướng (redirects).
  14. Tìm kiếm và xử lý các nội dung trùng lặp (duplicate content).
  15. Xác định các trang có nội dung kém chất lượng.
  16. Kiểm tra các trang thiếu tính liên kết (Orphan Page).
  17. So sánh nội dung với các trang hàng đầu trên công cụ tìm kiếm và đánh giá ý định tìm kiếm của người dùng.
  18. Kiểm tra backlink.

Bên dưới là nội dung chi tiết các bước SEO Audit cho website.

1. Ghi nhận thứ hạng của wesite và thấu hiểu đối thủ cạnh tranh.

Trước khi bạn đi sâu hơn vào các yếu tố SEO kỹ thuật (Technical SEO) hay kiểm tra website, bạn cần hiểu về sự cạnh tranh hiện đang diễn ra.

Cũng tương tự như các cách tiếp cận khác trong Marketing, cho dù mục tiêu của bạn khi tiến hành SEO Audit là gì, website của bạn là mới hay cũ hay chiến lược của bạn như thế nào, việc bạn càng có thể hiểu về các đối thủ đang cùng cạnh tranh với mình trên cùng một thị trường, bạn càng có nhiều cơ hội hơn để thành công hay vượt qua đối thủ.

Bạn cần đánh giá thứ hạng website của mình và xác định hiệu suất của bạn so với đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể sử dụng các công cụ SEO Audit đã được đề cập ở trên ở phần này.

2. Kiểm tra các phiên bản trùng lặp của website trong mục lập chỉ mục của Google.

Ở bước này, bạn cần đảm bảo rằng Google hiện chỉ lập chỉ mục (indexing) cho một phiên bản duy nhất của website.

Các phiên bản của website có thể là:

http://www.domain.com
http://domain.com
https://www.domain.com
https://domain.com

Trong khi đối với người dùng bình thường, sẽ không có mấy sự khác biệt ở đây, tuy nhiên với các công cụ tìm kiếm (Search Engine), những phiên bản này lại hoàn toàn khác nhau.

Website của bạn chỉ nên có một phiên bản duy nhất được lập chỉ mục. Bạn có thể kiểm tra theo hình ảnh bên dưới.

3. Kiểm tra các URL đã được lập chỉ mục.

Ở bước 2 bạn có thể kiểm tra xem hiện website của bạn có bao nhiêu URL (đường dẫn) hiện đã được lập chỉ mục.

Mục tiêu của giai đoạn này là kiểm tra xem số lượng URLs có phù hợp với lượng nội dung mà website của bạn đã xuất bản hay không, nếu URLs được lập chỉ mục nhiều hơn số lượng bài viết, đây có thể là tin tốt, nhưng nếu ngược lại, bạn cần phải xem lý do tại sao các trang đó chưa được lập chỉ mục.

Bạn cũng có thể xoá các trang không mong muốn (chẳng hạn như nội dung trùng lặp) với công cụ từ Google: Google Search Console Removal.

4. Kiểm tra các thông báo lỗi từ Google.

Nếu website của bạn vi phạm các Nguyên tắc đánh giá chất lượng website của Google, bạn có thể nhận được thông báo từ Google.

Một khi website của bạn bị phạt, thứ hạng của website sẽ giảm và bạn sẽ không thể xếp hạng cao như trước đây cho đến khi Google thu hồi hành động.

Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ nội dung trên website của bạn sẽ bị hủy lập chỉ mục (deindexed) và thậm chí sẽ không được xếp hạng cho các từ khoá liên quan đến tên thương hiệu của doanh nghiệp (Brand name).

Bạn có thể kiểm tra phần này từ tài khoản Google Search Console như hình bên dưới được chụp từ tài khoản của MarketingTrips.

Nếu tài khoản của bạn hiển thị dấu tick màu xanh, mọi thứ đang rất ổn.

manual actions

 

5. Kiểm tra tốc độ của website cũng là những gì mà SEO Audit cần làm.

Kể từ khi Google coi trọng trải nghiệm của người dùng trên trang (user experience), tốc độ tải trang là một chỉ số quan trọng khi thực hiện SEO Audit cho website.

Vào năm 2018, Google bắt đầu đưa ra các chính sách cụ thể liên quan đến việc đánh giá chất lượng của website liên quan đến tốc độ tải trang (page load) mà đặc biệt là mức độ thân thiện với thiết bị di động (mobile -friendly).

Ngày nay, khi phần lớn người dùng truy cập các website từ thiết bị di động (trung bình là trên 70%), chỉ số này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo số liệu từ Google, khi tốc độ tải trang:

  • Tăng từ 1-3 giây -> tỷ lệ thoát trang (Bounce Rate) tăng lên 32%.
  • Tăng từ 1-5 giây -> tỷ lệ thoát trang tăng lên 90%.
  • Tăng từ 1-6 giây -> tỷ lệ thoát trang tăng lên 106%.
  • Tăng từ 1-10 giây -> tỷ lệ thoát trang tăng lên 123%.

Công cụ miễn phí đơn giản nhất để bạn kiểm tra thông số này là từ Google PageSpeed Insights, sau khi chọn phân tích, Google sẽ đưa ra các thông tin bạn cần sửa và tối ưu.

6. Đảm bảo website đang sử dụng giao thức https.

Nếu website của bạn không được thiết lập giao thức HTTPS, bạn nên thực hiện chuyển đổi ngay khi có thể. Chữ “S” từng là viết tắt của “Socket Security Layer” nhưng hiện đã được gọi với cái tên mới là “Transport Layer Security”, hiểu đơn giản thì đây là một lớp bảo mật cho website khỏi các cuộc tấn công mạng.

Liên quan đến HTTPS, đây đã được xem là tín hiệu xếp hạng cho website kể từ năm 2014, và do đó, nếu website của bạn hiện chưa được trang bị tính năng này, bạn nên bắt đầu ngay từ bây giờ.

Để được cấp HTTPS, bạn cần có chứng chỉ SSL (Socket Security Layer), bạn có thể nhờ các đơn vị kỹ thuật (Hosting, Cloud…) hỗ trợ.

7. Kiểm tra tính thân thiện của website trên thiết bị di động.

Bước tiếp theo trong quá trình SEO Audit là kiểm tra tính thân thiện của website với thiết bị di động.

Như đã đề cập ở trên, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của thiết bị di động và do đó, nếu website của bạn không thân thiện với thiết bị này, bạn khó có thể có được thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm.

Theo thông tin từ Google, thân thiện với thiết bị di động (Mobile-friendly) là chỉ số đánh giá chất lượng của website kể từ năm 2015.

Để kiểm tra số liệu này, bạn có thể sử dụng công cụ miễn phí từ Google là Mobile-Friendly Test. Ngoài ra bạn cũng có sử dụng tính năng Mobile Usability có trong Google Search Console.

Sau khi nhập địa chỉ website của bạn vào và chạy kiểm tra, tất cả các vấn đề liên quan đến website sẽ được liệt kê chi tiết.

8. Phân tích và các vấn đề liên quan đến việc lập chỉ mục.

Từ Google Search Console, bạn chọn Page Indexing (Lập chỉ mục Trang).

Tại đây, bạn có thể xem chi tiết tất cả các lỗi hiện có trên website.

Nếu bạn thấy tín hiệu báo lỗi (Error), điều này có nghĩa là website của bạn hiện đã bị hạn chế thu thập dữ liệu và lập chỉ mục, nhiệm vụ của bạn là xử lý ngay những lỗi này.

Các lỗi phổ biến bao gồm:

  • Các trang có thuộc tính ngăn lập chỉ mục (noindex) và đã được gửi lập chỉ mục trong sơ đồ trang (sitemap).
  • Các trang bị chặn thu thập dữ liệu trong tệp robots.txt nhưng lại được bao gồm trong sơ đồ trang.
  • Các trang 404 đã được gửi lập chỉ mục trong sơ đồ trang.

Các URL bị loại trừ (Excluded URLs).

Trong báo cáo này, bạn cũng sẽ thấy danh sách các URL (đường dẫn) bị loại trừ. Đây là những trang hiện không có trong chỉ mục của Google và có thể bao gồm:

  • Các trang bị loại trừ với thuộc tính ngăn lập chỉ mục (noindex attribute).
  • Các trang chuyển hướng (redirect page).
  • Thu thập dữ liệu bất thường (Crawl anomalies).
  • Các trang được thu thập dữ liệu nhưng không được lập chỉ mục.
  • Lỗi không tìm thấy 404 (Not found).
  • Các trang bị tệp robots.txt chặn.

Những URLs bị loại trừ này có thể xảy ra vì một số lý do khác nhau và không phải lúc nào bạn cũng cần khắc phục (như các lỗi ở trên).

9. Thấu hiểu trải nghiệm trang (page experience).

Như đã phân tích ở trên, các trải nghiệm của người dùng với website như tốc độ tải trang và tính thân thiện với thiết bị di động là những tín hiệu mà Google sử dụng để đánh giá và xếp hạng website.

Theo Google:

“Chúng tôi sẽ sử dụng sự kết hợp giữa Core Web Vitals với các tín hiệu khác về trải nghiệm trang để có thể có được một bức tranh tổng thể nhất về chất lượng của các trải nghiệm của người dùng trên trang.”

Từ góc nhìn này, rõ ràng là bạn không thể bỏ qua tín hiệu trải nghiệm của người dùng khi thực hiện SEO Audit.

Core Web Vitals là gì?

Core Web Vitals là một sáng kiến của Google với mục tiêu là cung cấp những hướng dẫn về các tín hiệu chất lượng, những thứ quyết định trải nghiệm của người dùng.

Bạn có thể kiểm tra phần này từ Google Search Console tại mục “Page Experience”.

10. Đánh giá SEO trên trang (on-page SEO Audit).

SEO trên trang hay on-page SEO có thể bao gồm các hoạt động như:

  • Tối ưu hóa thẻ tiêu đề (title tags), thẻ mô tả (meta descriptions) hay thẻ tiêu đề chính (header tags).
  • Thêm thẻ alt cho hình ảnh.
  • Xây dựng các nội dung được tối ưu hóa theo từ khoá.
  • Xây dựng cấu trúc liên kết nội bộ (Internal Links).

Về bản chất, thực hiện đánh giá on-page SEO là cần thiết vì đây là yếu tố mà người làm SEO có thể kiểm soát được (khác với off-page SEO khi nhiều yếu tố trong đó không thể kiểm soát được).

11. Kiểm tra các liên kết nội bộ bị lỗi (broken internal links).

Các liên kiết nội bộ bị lỗi khiến cho trải nghiệm của người dùng tệ hơn khi họ nhấp chuột vào nhưng lại không thể truy cập được trang mong muốn.

Để khắc phục những lỗi này, hãy tiến hành cập nhật các liên kết chính xác mới hoặc đơn giản là xoá đi liên kết (link) đó.

Sẽ là một ý tưởng thông minh nếu bạn liên kết các trang mạnh, những trang có thứ hạng liên kết nội bộ (Internal LinkRank) mạnh với các trang đơn lẻ yếu hơn.

12. Kiểm tra sitemap.

Sơ đồ trang web hay sitemap thông báo cho Google biết các trang chính trên website cần được lập chỉ mục.

Từ các công cụ kiểm tra sitemap như Google Search Console, bạn có thể phát hiện các trang hiện bị lỗi, bạn có thể sửa hoặc xoá các trang có liên kết bị lỗi đó.

13. Kiểm tra các liên kết chuyển hướng (redirects).

Redirect là gì? Redirect xảy ra khi người dùng nhấp vào một liên kết (URL) nào đó nhưng đích đến của họ không phải là một trang nội dung mà là một liên kết khác.

Một khi các liên kết chuyển hướng (redirect) không được thiết lập một cách chính xác, việc thu thập dữ liệu (Crawl) có thể xảy ra sự cố.

Bạn có thể sử dụng các công cụ như đã đề cập ở trên để kiểm tra chỉ số này.

Các bước từ 14 đến hết trong quy trình các bước thực hiện SEO Audit sẽ liên quan đến việc kiểm tra và đánh giá chất lượng của nội dung (Content Audit).

14. Tìm kiếm và xử lý các nội dung trùng lặp (duplicate content).

Các nội dung trùng lặp trên website có thể khiến website khó có được thứ hạng tốt khi các công cụ tìm kiếm như Bing hay Google không thể hiểu là bạn đang muốn xếp hạng cho trang nào.

Trong một số trường hợp, nội dung trùng lặp cũng có thể được coi là một tín hiệu thông báo rằng website đang muốn thao túng thứ hạng tìm kiếm.

Bạn có thể sử dụng Google Search Console hoặc các công cụ có trả phí khác để xác định và sửa các nội dung trùng lặp.

15. Xác định các trang có nội dung kém chất lượng (Think Content).

Mặc dù đây không phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp nhưng điều quan trọng là bạn cần phải đảm bảo những nội dung mà bạn cung cấp có đủ yếu tố ngữ cảnh và thông tin cho chủ đề mà bạn đang viết.

Những nội dung sơ sài hay kém chất lượng là khái niệm đề cập đến các trang nội dung cung cấp ít hoặc không có giá trị cho người dùng và công cụ tìm kiếm.

Các nội dung này được thiết kế chủ yếu để chuyển đổi người dùng, thao túng thứ hạng tìm kiếm hay đơn giản là những nội dung được sao chép (copy) từ các website khác.

16. Kiểm tra các trang thiếu tính liên kết (Orphan Page).

Các trang thiếu tính liên kết là các trang hiện đang tồn tại trên website nhưng lại không được liên kết đến từ bất kỳ trang nào khác.

Về cơ bản, nếu một trang nào đó trên wesite không được liên kết đến, nó sẽ không nhận được điểm số “tính có thẩm quyền theo chủ đề” thông qua các liên kết nội bộ (internal linking).

Cách khắc phục nhanh nhất mà bạn có thể thực hiện là thêm một liên kết nội bộ từ các trang có liên quan (và liên kết đến trang này).

17. So sánh nội dung với các trang hàng đầu trên công cụ tìm kiếm và đánh giá ý định tìm kiếm của người dùng (Search Intent).

Một trong những cân nhắc quan trọng nhất mà người làm SEO cần tập trung vào trong những năm gần đây là ý định hay mục đích của người tìm kiếm (Search Intent).

Nếu bạn muốn có được thứ hạng cao hơn đối thủ của mình, tức những trang đang ở những vị trí hàng đầu trên trang tìm kiếm (SERPs), bạn không thể không tiến hành phân tích và đánh giá các trang đó.

Chất lượng nội dung hay những thứ mà người tìm kiếm có thể cần đằng sau mỗi từ khoá tìm kiếm chính là chìa khoá chính.

18. Kiểm tra backlink.

Bước cuối cùng trong quá trình SEO Audit là kiểm tra backlink.

Trong khi trong những năm trở lại đây, các công cụ tìm kiếm như Google ngày càng ít coi trọng hơn giá trị của backlink và đề cao giá trị của nội dung, mục tiêu của bạn với hoạt động đánh giá backlink là kiểm tra các backlink độc hại.

Backlink có thể được coi là độc hại vì một số lý do khác nhau bao gồm:

  • Backlink bắt nguồn từ các website không được lập chỉ mục.
  • Backlink từ các website có nhiều trang giống nhau (nội dung copy).
  • Backlink đến từ các thư mục liên kết (directories) thay vì là trang nội dung.

Những công việc cần làm sau quá trình SEO Audit.

Đến đây, khi bạn đã hoàn tất các bước SEO Audit cho website của mình, vậy công việc tiếp theo mà bạn cần làm là gì?

Dưới đây là những thứ bạn có thể tham khảo.

  • Theo dõi thứ hạng hay vị trí của các từ khoá.
  • Sử dụng công cụ xóa trong Google Search Console để loại bỏ mọi nội dung trùng lặp đã được lập chỉ mục trong Google.
  • Sửa bất kỳ liên kết bị hỏng nào (broken links).
  • Bắt đầu chạy các báo cáo để xem xét và đánh giá kết quả SEO.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến khái niệm SEO Audit là gì?

  • on-page SEO Audit là gì?

Là các hoạt động SEO Audit được thực hiện trên chính website mà doanh nghiệp đang quản lý hay sở hữu.

  • Audit Website là gì?

Website Audit là một khái niệm lớn bao hàm cả SEO Audit, khi doanh nghiệp phân tích và đánh giá website không chỉ với mục tiêu là SEO mà còn là khách hàng tiềm năng, người dùng, bán hàng, nhận diện thương hiệu và hơn thế nữa.

  • SEO Audit checklist là gì?

Là danh sách các công việc cần làm khi tiến hành SEO Audit. Các bước SEO Audit cho website mà MarketingTrips đã đề cập ở trên chính là một kiểu checklist.

  • Pagerank là gì?

Pagerank là thứ hạng trang, khái niệm đề cập đến vị trí xuất hiện (thứ tự) hay thứ hạng (Rank) của các trang (Page) trên trang kết quả tìm kiếm theo từng từ khoá nhất định.

  • off-page SEO Audit là gì?

Ngược lại với on-page SEO Audit, off-page SEO Audit tiến hành đánh giá và phân tích các hoạt động bên ngoài website (trong một số trường hợp là không thể kiểm soát được) chẳng hạn như đánh giá đối thủ hay backlink từ các website khác.

Kết luận.

Một khi bạn đã có thể hiểu SEO Audit là gì, hay chi tiết các bước thực hiện SEO Audit cho website, bạn thấy rằng, đây là một hoạt động vô cùng cần thiết, đặc biệt là với các website hay dự án mới.

Bằng cách phát hiện và tối ưu nhanh nhất các vấn đề hiện có trên website, doanh nghiệp hay thương hiệu có nhiều cơ hội hơn để cải thiện thứ hạng tìm kiếm, thúc đẩy trải nghiệm của người dùng và hơn thế nữa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …