Skip to main content

Cách MoMo trở thành siêu ứng dụng cho người Việt

9 Tháng Mười Hai, 2022

MoMo cho biết, MoMo phát triển thành siêu ứng dụng đa dịch vụ tại Việt Nam nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, lấy nền tảng thanh toán làm cốt lõi.

Cách MoMo trở thành siêu ứng dụng cho người Việt
Cách MoMo trở thành siêu ứng dụng cho người Việt

Thông tin do ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập MoMo nêu trong Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) ngày 8/12 vừa qua.

Cũng trong chương trình, Siêu ứng dụng MoMo nhận Giải Bạc ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số”, Top 10 sản phẩm xuất sắc nhất về Kinh tế số thuộc khuôn khổ giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022.

Trong phần tham luận với chủ đề “Giải pháp số trong hệ sinh thái tài chính Việt Nam”, ông Diệp nhấn mạnh: MoMo ra đời với sứ mệnh với ứng dụng công nghệ, giúp người dân Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính một cách đơn giản, dễ dàng, kể cả những người chưa từng có lịch sử tín dụng, thu nhập thấp.

Advertisement

Thành lập từ năm 2007, MoMo đi từ mô hình nhà phân phối airtime đến ví di động trên SIM và tiên phong cung ứng dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng vào năm 2014.

Năm 2016, đơn vị có một triệu khách hàng đầu tiên, đến 2019 đã có 10 triệu người dùng. Nhưng chỉ trong hai năm 2021 – 2022, mỗi năm MoMo có thêm 10 triệu người dùng mới.

“Chỉ trong hai năm chúng tôi tăng trưởng với tốc độ tương đương 20 năm thông thường”, đại diện MoMo nói.

Với hơn 31 triệu người dùng, MoMo hiện chiếm hơn 50% thị phần ví điện tử.

Advertisement

Tháng 11/2022 rồi, MoMo năm thứ hai liên tiếp vào Bảng xếp hạng 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam 2022 (Vietnam Best Brand in 2022) của YouGov và xếp vị trí thứ 5 trong top 10 thương hiệu dẫn đầu, đứng cùng với các thương hiệu có tên tuổi và lâu đời trong và ngoài nước như Samsung, Panasonic, Vietnam Airlines, Kinh Đô…

Đây là niềm tự hào của ông Diệp bởi danh sách này thường thuộc về các thương hiệu mì ăn liền, bánh kẹo… rất hiếm hoi có một đại diện fintech.

Cũng trong ngày 8/12, YouGov tiếp tục công bố Bảng Xếp Hạng thương hiệu Ngân hàng và Giải pháp thanh toán được cân nhắc nhiều nhất Việt Nam 2022 (Bank and payment system consideration rankings 2022).

Theo đó, MoMo được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là thương hiệu được cân nhắc sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính.

Advertisement

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, đại diện MoMo nói: “Một ứng dụng chỉ có chức năng thanh toán riêng thì khó phát triển tại thị trường Việt Nam.

Do đó, chúng tôi xây dựng siêu ứng dụng đa nền tảng, cung cấp đa tiện ích cần thiết cho cuộc sống như thanh toán, mua bán tất cả dịch vụ, ăn uống, đi lại, vui chơi giải trí, đặt phòng khách sạn, chuyển tiền…”.

Là một fintech tiên phong tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của đất nước, lãnh đạo MoMo nhấn mạnh chuyển đổi số “không chỉ thượng tầng mà phải từ dưới đi lên”, MoMo có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiểu thương, hộ kinh doanh…

Ví dụ, tiểu thương, người bán hàng thường quan tâm đến những hình thức dễ thực hiện, tiết kiệm phí, hiệu quả. Đáp ứng tiêu chí này, họ có thể tự tạo, in mã QR code ngay trên ứng dụng MoMo để nhận tiền từ khách hàng miễn phí.

Advertisement

Đặc biệt, doanh nghiệp F&B có thể sử dụng giải pháp trọn gói cho quản lý, vận hành (thông qua hợp tác chiến lược với iPos.vn). Riêng doanh nghiệp lớn đã có ứng dụng, website có thể phát triển Mini App nhúng vào nền tảng MoMo để tiếp cận hơn 31 triệu khách hàng, tăng hiệu quả tiếp thị, bán hàng.

Trong hệ sinh thái tài chính vững chắc, không thể không nhắc đến các tổ chức tài chính, ngân hàng. MoMo hiện liên kết với 70 tổ chức tài chính bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm.

Trong đó, từ tháng 7/2021, đơn vị phối hợp cùng TPBank cung cấp giải pháp Ví Trả Sau, giúp những người chưa bao giờ tiếp cận dịch vụ tài chính, chưa có lịch sử tín dụng, đa số là sinh viên, lao động thu nhập thấp có thể dùng dịch vụ tài chính dễ dàng. Sau hơn 1 năm ra mắt, Ví Trả Sau đã tiếp cận hàng triệu khách hàng tại Việt Nam.

Công ty cũng tích cực đồng hành xây dựng Chính phủ số, phát triển thanh toán không tiền mặt. Theo thống kê, 90% dịch vụ công cấp độ 3,4 đã có thể thanh toán bằng MoMo.

Advertisement

Có tới 33,73% lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thành công qua Cổng Dịch vụ Công quốc gia thông qua hệ thống của MoMo (trong 8 tháng đầu năm 2022).

Tháng 8/2022 vừa qua, ứng dụng này cũng chiếm trên 50%, gần 192.000 giao dịch thanh toán thành công lệ phí xét tuyển Đại học, Cao đẳng trực tuyến 2022 qua Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia.

Song song đó, MoMo xây dựng nền tảng thiện nguyện, với 8,2 triệu người đóng góp, quyên góp 167 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 223.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà chống lũ……, sau 3 năm triển khai.

“Những giải pháp này góp phần hình thành xã hội số, đưa thanh toán số đi vào mọi mặt đời sống”, nhà đồng sáng lập MoMo nói.

Advertisement

Khép lại phần chia sẻ, ông Diệp nêu các đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử, chính phủ số. Ông nói: “Đổi mới là sáng tạo ra các mô hình chưa bao giờ có. Vì thế, cần có các cơ sở pháp lý phù hợp để doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó cần thu hút lượng nhân lực lớn trong và ngoài nước thông qua các ưu đãi cho họ. MoMo cũng mong muốn các doanh nghiệp cổ phần tư nhân có thể tham gia dự án chính phủ, thử nghiệm lớn, tạo điều kiện xã hội số phát triển hơn nữa”.

Ngoài phần trình bày tham luận, MoMo còn triển lãm các dịch vụ tiện ích như: thanh toán bằng khuôn mặt (Face Payment), tư vấn các giải pháp tài chính, đầu tư, tiết kiệm online, cùng với tiện ích khác như đặt vé máy bay, thanh toán bảo hiểm… Các dịch vụ này thu hút đông đảo quan tâm của khách tham quan triển lãm.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 xoay quanh chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Advertisement

Lần thứ tư tổ chức, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột – Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, với ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; và triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Advertisement

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement