Lazada sắp sa thải hàng loạt Giám đốc Marketing và lãnh đạo cấp cao
Theo nguồn tin từ Tờ The Edge Singapore, Lazada đang sa thải hàng loạt giám đốc cấp cao ở Đông Nam Á (ĐNA), bao gồm Giám đốc kinh doanh chi nhánh Singapore Brigitte Daubry cùng hàng loạt giám đốc Marketing ở các thị trường khác nhau.
Tại Malaysia, giám đốc điều hành cùng giám đốc logistic sẽ bị sa thải cùng với 1/5 nhân sự tại đây.
Trong khi đó giám đốc thương mại Luca Suino của hãng tư vấn Momentum Commerce, đồng thời là Cựu phó chủ tịch của Lazada cho đến tháng 2/2021, đã đăng bài mời gọi các nhân viên Lazada sắp bị thôi việc chia sẻ hồ sơ tuyển dụng nếu cần một cơ hội việc làm mới.
Tính đến 4h chiều ngày 5/1/2024, khoảng 47 nhân viên từ 5 thị trường của Lazada là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines đã điền thông tin hồ sơ vào bài đăng của ông Suino. Các vị trí của những cựu nhân viên này có cả từ quản lý nhóm cho đến Phó chủ tịch.
Tình hình tồi tệ đến mức Arun Kumar và Gerald Young, hai cựu nhân viên Lazada đã rời công ty vào năm 2022 và 2023 đã phải tạo một nhóm chát riêng trên WhatsApp để giúp đỡ lượng lớn lao động sẽ bị sa thải tới đây.
Vào ngày 4/1/2024, anh Kumar, vốn từng là giám đốc mảng nghiên cứu của Lazada đã kêu gọi các nhân viên trong diện sa thải hãy điền hồ sơ để có thể nhanh chóng tìm được công việc mới.
Không thể chấp nhận được
Tờ Tech In Asia cho hay Lazada đang có kế hoạch cắt giảm 30% nhân lực ở ĐNA. Trước đó tập đoàn này đã tuyển dụng đến 10.000 lao động mới ở 6 thị trường bao gồm Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bởi vậy, việc Lazada cắt giảm mạnh nhân sự được cho là sẽ tạo nên cú sốc trên thị trường lao động.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Lazada nhận thêm 634 triệu USD rót vốn từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số tiền mà tập đoàn Trung Quốc bơm cho nền tảng này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.
Phía Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) thậm chí đã đưa ra tuyên bố ngày 5/1/2024 rằng họ cảm thấy vô cùng thất vọng vì Lazada thực hiện cuộc cắt giảm nhân sự hàng loạt mà không thông báo trước hay tham khảo ý kiến từ công đoàn.
Hiện NTUC cho biết việc Lazada sa thải hàng loạt vô trách nhiệm như trên là không thế chấp nhận được và đã chuyển vấn đề lên Bộ nhân lực Singapore (MOM) để giải quyết.
“NTUC đứng về phía những người lao động bị ảnh hưởng. Chúng tôi vô cùng thất vọng trước động thái này của Lazada. Chúng tôi xin được nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp phải hợp tác với công đoàn để đảm bảo một quy trình công bằng, qua đó bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là ở Singapore”, phía NTUC cho hay.
Đồng thời, NTUC cũng khẳng định mặc dù sa thải lao động có thể là việc “không thể tránh khỏi” nhưng chúng chỉ nên dùng như một phương án cuối cùng. Phía NTUC kêu gọi các công ty nên sử dụng hết các biện pháp khác trước khi đưa ra quyết định này.
Ngoài ra, NTUC cũng đề nghị doanh nghiệp nên cân nhắc thời gian sa thải để tránh diễn ra trong khoảng thời gian sát Tết Nguyên Đán như hiện nay.
Tờ The Edge đã cố gắng liên hệ với Lazada để đưa ra bình luận nhưng không được vì chi nhánh Singapore của hãng này đã sa thải toàn bộ phòng truyền thông từ năm 2023.
Cựu CEO Loh Wee Lee của Lazada Singapore đã rời chức vào tháng 8/2023 và đợt cắt giảm của công ty tại thị trường này đã liên tục kéo dài đến tận ngày 5/1/2024.
Được thành lập từ năm 2012, Lazada là nền tảng thương mại điện tử xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua lại nền tảng này vào năm 2016 để mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á.
Bản thân Lazada được cho là đang gặp cạnh tranh gay gắt ở Đông Nam Á từ đối thủ Shopee. Trong khi đó việc TikTok Shop của TikTok hợp tác với Tokopedia với thương vụ 1,5 tỷ USD càng khiến Lazada đối mặt nhiều thách thức hơn.
“Ông chủ” Alibaba cũng lao đao
Tờ Tech in Asia cho hay ông chủ Alibaba của Lazada cũng đang gặp nhiều khó khăn khi phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đầu tư và rót vốn của mình trước bối cảnh các đối thủ như PDD và Tencent bành trướng nhanh chóng.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Alibaba đã tuyên bố tạm dừng việc tách rời mảng điện toán đám mây theo kế hoạch vì cho rằng thị trường này đang chịu ảnh hưởng vì các lệnh cấm công nghệ của Phương Tây.
Ở mảng thương mại điện tử (eCommerce), Alibaba đã mất vị trí công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc vào tay công ty mới nổi PDD mới 8 năm tuổi. Đây là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp internet khi mà Alibaba của Jack Ma vốn đã thống trị trong hơn một thập kỷ.
PDD Holdings là công ty nổi tiếng với ứng dụng mua sắm đình đám Temu và là người tiên phong trong lĩnh vực mua bán hàng giá rẻ trong nước với ứng dụng Pinduoduo. Trong phiên giao dịch ngày thứ 5 tuần này, cổ phiếu công ty đã tăng 4% trong phiên giao dịch tại Mỹ, đạt giá trị thị trường gần 196 tỷ USD. Con số này vượt xa khoảng 190 tỷ USD của Alibaba vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ở New York.
Điều đáng nói là Alibaba từng là ứng cử viên sáng giá nhất của Trung Quốc để trở thành công ty nghìn tỷ USD. Giờ đây, cổ phiếu của họ đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào năm 2020.
Công ty đang phải đối mặt với những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự đoán và PDD làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.
Trong khi PDD thành công rực rỡ ở thị trường nước ngoài với Temu thì Alibaba lại đang khá chậm chân. Dù tập đoàn này bắt đầu mở rộng ra nước ngoài bằng AliExpress và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol.
Tuy nhiên cho đến nay, mảng kinh doanh ở Trung Quốc vẫn là đơn vị đóng góp doanh thu lớn nhất bất chấp nhiều năm nỗ lực mở rộng ra quốc tế.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo An Ninh Tiền Tệ