Skip to main content

LinkedIn cập nhật một loạt các thuật ngữ xây dựng thương hiệu mới

31 Tháng Tám, 2021

Bạn có bao giờ cảm thấy ngợp khi cố gắng nghiên cứu những thuật ngữ liên quan đến thương hiệu, marketing hoặc cập nhật các chỉ số mới nhất để theo dõi, nhằm đo lường hiệu suất của thương hiệu của bạn không?

Những người làm marketing nói chung thường sử dụng các thuật ngữ chuyên môn trong quá trình giao tiếp, một phần là để tiết kiệm thời gian, và một phần là có rất nhiều cụm từ khi dịch ra tiếng Việt sẽ không rõ và đủ nghĩa.

Vậy, làm thế nào bạn có thể chuyển từ một ‘người bình thường’ thành ‘chuyên gia’ – hoặc ở cấp độ cơ bản, làm cách nào bạn có thể hiểu các yếu tố bạn cần để tối đa hóa các yếu tố quảng cáo và thương hiệu.

Dưới đây là những thuật ngữ về thương hiệu mà LinkedIn vừa xuất bản.

Acquisition.

Customer acquisiton là thuật ngữ đề cập đến việc thương hiệu đang có thêm được những khách hàng mới hoặc bán được các sản phẩm cho khách hàng.

Nó là quá trình nuôi dưỡng khách hàng để chuyển khách hàng từ các giai đoạn đầu tiên của phễu bán hàng (sales funnel) đến giai đoạn quyết định mua hàng.

Chi phí để có được một khách hàng mới được gọi tắt là CAC (customer acquisition cost).

Activation.

Activation là hoạt động kích hoạt marketing nhằm mục tiêu chuyển khách hàng tới các giai đoạn tiếp theo trong hành trình mua hàng.

Trong các hoạt động tiếp thị hiệu suất (performance marketing), tiếp thị tăng trưởng (growth marketing) hay bán hàng, thuật ngữ này cũng đồng nghĩa với một vòng bán hàng ngắn hạn.

Mặc dù activation rất hữu ích trong việc kích thích khách hàng tiềm năng hay đạt được các mục tiêu ngắn hạn, khách hàng có xu hướng quên đi các hoạt động mua hàng hay chuyển đổi của họ rất nhanh, mức độ ghi nhớ về thương hiệu cũng không là ngoại lệ.

Đó cũng là lý do tại sao việc đầu tư dài hạn vào xây dựng thương hiệu và các hoạt động kích hoạt ngắn hạn lại là chìa khoá để thành công cho các thương hiệu.

Availability heuristic.

Khách hàng có xu hướng sử dụng các thông tin có thể xuất hiện trong tâm trí họ một cách nhanh nhất. Các quyết định của họ vốn dựa trên các hình ảnh, dữ kiện và cảm xúc quen thuộc, những thứ vốn dễ nhớ và luôn nằm trong tâm trí của họ (TOM – Top of Mind).

Nếu thương hiệu của bạn khơi gợi được những yếu tố tình cảm tích cực và dễ nhớ sau mỗi lần xuất hiện, nó có thể xuất hiện trong tâm trí của khách hàng một cách dễ dàng hơn.

Để làm được điều này, bạn nên:

  • Tối đa hoá lượng tiếp cận (reach).
  • Sử dụng các tài sản hay sự sáng tạo dễ nhớ và khác biệt.
  • Sử dụng các thông điệp có sức cộng hưởng.

Brand Awareness.

Brand Awareness hay độ nhận biết thương hiệu đề cập đến những triển vọng ở cả hiện tại và tương lai của tổ chức, các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp cần phải nằm trong số các cân nhắc của khách hàng trước khi họ quyết định mua nó.

Trên LinkedIn, khi bạn chọn mục tiêu của chiến dịch là Brand Awareness, nền tảng sẽ tìm cách tối đa hoá lượng tiếp cận (reach) và hiển thị (impressions) từ đó tối đa hoá mối tương quan truyền thông hay thị phần được thảo luận (SOV – Share of Voice) của thương hiệu so với các sản phẩm (đối thủ) khác cùng danh mục trên thị trường.

Brand Equity.

Brand Equity hay tài sản thương hiệu là giá trị nhận thức của khách hàng (customer perception) đối với một thương hiệu cụ thể.

Brand Lift Testing.

Đây là một công cụ tự phục vụ thương hiệu có thể sử dụng để đo lường sức ảnh hưởng của các chiến dịch quảng cáo đến thương hiệu (sức khoẻ thương hiệu – Brand Health).

Điều này được thực hiện bằng cách bạn xác định các chỉ số căn bản của nhận thức thương hiệu trong một giai đoạn nhất định (thường là thông qua các buổi phỏng vấn khách hàng), sau đó so sánh với cùng các chỉ số đó sau khi triển khai các chiến dịch quảng cáo.

Liên quan đến thuật ngữ này, có một thuật ngữ liên quan khác mà bạn cần quan tâm đó là Absolute brand lift, khái niệm này dùng để đo lường sức ảnh hưởng của quảng cáo bằng cách so sánh sự khác biệt về tỷ lệ phản hồi giữa những người từng thấy và không thấy quảng cáo của bạn.

Brand Salience.

Brand salience hay sự chào đón thương hiệu là số liệu đo lường về tần suất khách hàng chú ý, nhận diện và cân nhắc thương hiệu.

Category Flexibility.

Category flexibility đề cập đến việc khi nào tài sản thương hiệu của doanh nghiệp đủ mạnh để cung cấp nhiều hơn một giải pháp đến thị trường. Khái niệm này được xem là cơ hội để thương hiệu có thể mở rộng thị phần nhiều hơn nữa.

Competitive Moats.

Tương tự như các hàng rào (moats) được dùng để bảo vệ các toà lâu đài, các hàng rào cạnh tranh của thương hiệu được sử dụng để bảo vệ thị phần và lợi nhuận của doanh nghiệp bằng cách tạo ra những lợi thế riêng biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Customer loyalty.

Thương hiệu có được sự trung thành của khách hàng bằng cách cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm đáng nhớ và nhất quán.

Một trong những chỉ số quan trọng nhất để đo lường sự trung thành của khách hàng đó là thiện chí mua sắm lặp lại của khách hàng từ cùng một thương hiệu.

Emotional Messaging.

Emotional messaging là những thông điệp có thể thuyết phục được yếu tố cảm xúc của khách hàng, để xây dựng sức ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm và nhận thức của thương hiệu.

Emotional messaging hay những thông điệp cảm xúc là yếu tố cổt lõi để khiến cho thương hiệu trở nên đáng nhớ hơn trong tâm trí của khách hàng mục tiêu.

Miễn là các quảng cáo của thương hiệu có thể tương tác được với khách hàng, mọi người sẽ chú ý và nhớ đến nó. Trước khi khách hàng có các kịch bản mua sắm của riêng mình, thương hiệu nên xuất hiện và gây ấn tượng với họ, lặp lại nhiều lần quá trình đó.

Trước đây, các thương hiệu B2C thường sử dụng các thông điệp mang đậm yếu tố cảm xúc và các thương hiệu B2B thì tập trung vào lý trí.

Tuy nhiên ngày nay, các thương hiệu B2B cũng nên sử dụng yếu tố cảm xúc để xây dựng thương hiệu và thúc đẩy sự tăng trưởng trong dài hạn.

Frequency.

Khách hàng thường xem quảng cáo của thương hiệu nhiều lần trước khi họ có các quyết định mua hàng cụ thể. Frequency hay tần suất là số lần trung bình mà mỗi khách hàng nhìn thấy quảng cáo trong một khoảng thời gian cụ thể.

High quality audiences.

Về cơ bản, khái niệm High quality audiences dùng để chỉ những người có khả năng chuyển đổi cao khi tương tác với quảng cáo của thương hiệu. Điều này thường gắn liền với việc thương hiệu sẽ cung cấp các quảng cáo đến đúng người vào đúng thời điểm.

Long-term sales.

Là khi chuyển đổi được xảy ra sau một khoảng thời gian dài.

Mental availability.

Mental availability hay sự sẵn sàng về mặt tinh thần là xu hướng khi thương hiệu được nghĩ đến trong các tình huống mua hàng cụ thể.

Pricing Power.

Pricing power để cập đến năng lực định giá của thương hiệu. Đó chính là khả năng tăng giá của thương hiệu khi khách hàng của họ rất nhạy cảm với việc giảm giá.

Reach.

Reach hay lượng tiếp cận chính là số người duy nhất (unique) xem quảng cáo ít nhất là một lần trong suốt chiến dịch. Liên quan đến khái niệm này, nhiều bạn marketer hay nhầm lẫn với impressions hay lượt hiển thị.

Bạn có thể hiểu rằng một người dùng (1 reach) có thể được hiển thị quảng cáo nhiều lần (nhiều impressions). Do đó trong cùng một chiến dịch, số lượt impressions luôn luôn nhiều hơn số lượt reach.

Share of Voice.

Các thương hiệu sử dụng chỉ số này để so sánh mức độ nhận biết của thương hiệu trên các kênh marketing khác nhau so với đối thủ cạnh tranh của họ.

Share of Market.

Share of Market hay Market share là tỷ lệ phần trăm của tổng doanh thu hay doanh số bán hàng trong cùng một danh mục thị trường mà thương hiệu đang sở hữu – nó thường được tính theo doanh thu hoặc số lượng khách hàng.

Share of Mind.

Là sự sẵn sàng về mặt tinh thần hay tâm trí của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …