Skip to main content

Doanh thu chuỗi bán lẻ dược phẩm Long Châu vượt qua FPT Shop

30 Tháng Một, 2024

Năm 2023, FPT Retail đóng 31 cửa hàng FPT Shop trong khi tiếp tục mở mới thêm 560 nhà thuốc Long Châu. Một số cửa hàng FPT Shop còn được tận dụng để chuyển đổi sang chuỗi Long Châu nhờ vị trí thuận lợi, phù hợp mô hình nhà thuốc.

Hết năm, Long Châu sở hữu gần 1.500 nhà thuốc, gấp đôi số cửa hàng FPT Shop. Mỗi cửa hàng Long Châu mang về trung bình 1,1 tỷ đồng doanh thu hàng tháng.

Không chỉ xét về số lượng cửa hàng, 2023 là năm đầu tiên Long Châu vượt qua doanh thu FPT Shop, bắt đầu từ quý II sau đó tiếp tục mở rộng. Tính chung cả năm, Long Châu đóng góp gần 50% vào tổng doanh thu FPT Retail, dù trước đó năm 2022 tỷ trọng này chỉ là 32%.

Advertisement

Ngược lại, doanh thu FPT Shop năm ngoái giảm 22% so với cùng kỳ, tỷ trọng đóng góp cũng chỉ còn phân nửa.

Với diễn biến trên có thể thấy sao đã đổi ngôi bên trong FPT Retail – vốn từ lâu được biết đến rộng rãi là một đơn vị phân phối các sản phẩm công nghệ.

Long Châu về tay FPT Retail từ năm 2017. Để chuẩn bị tiến vào thị trường hoàn toàn mới so với mảng bán lẻ công nghệ truyền thống, công ty của Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, trong đó FPT Retail góp 75% vốn ban đầu, sau tăng sở hữu lên hơn 84%.

Khi ấy FPT Retail là một đơn vị hiếm hoi tham gia vào mảng bán lẻ dược phẩm theo chuỗi, vốn khá mới mẻ ở Việt Nam và chỉ có Pharmacity được coi là đối thủ. Lúc ấy, mảng dược phẩm được đánh giá là khó nhằn khi thị phần nằm chủ yếu tại 50.000 nhà thuốc nhỏ lẻ và trong các bệnh viện.

Advertisement

Hai năm sau, từ 8 nhà thuốc Long Châu ban đầu tại TP HCM, FPT Retail đã mở mới 70 cửa hàng. Sau khi trở thành chuỗi nhà thuốc duy nhất có lãi vào năm 2021 (5 tỷ đồng), năm 2022 Long Châu thực sự bùng nổ khi mở mới 600 điểm bán trong một năm. Kết thúc năm đó, Long Châu vượt mốc 1.000 nhà thuốc với lợi nhuận tăng gấp 10 lần lên 52 tỷ đồng.

Trong đại hội cổ đông thường niên, bà Nguyễn Bạch Điệp tự tin khẳng định 99% cửa hàng Long Châu mở mới có lãi sau 6 tháng. Thời điểm năm 2022, biên lãi gộp của Long Châu đạt 23,6%, tăng so với con số 20,9% trong năm 2021.

Trên cơ sở đó, năm 2023, Long Châu kỳ vọng chuỗi nhà thuốc sẽ mang về 14.000 tỷ đồng doanh thu. Và thực tế, hệ thống nhà thuốc này đã vượt 1.900 tỷ đồng doanh thu so với mục tiêu đề ra, đồng thời buộc công ty chủ quản là FPT Retail phải thưởng vì đạt hiệu quả kinh doanh.

Không dừng lại ở nhà thuốc và bán thuốc, năm 2023 cũng chứng kiến Long Châu bước vào mảng kinh doanh mới là tiêm chủng. Từ 5 cơ sở tiêm chủng hồi tháng 10 năm ngoái, đến nay Long Châu đã mở mới 20 điểm, tích hợp với chuỗi nhà thuốc hiện hữu.

Advertisement

Phía Long Châu nhận định tỷ lệ bao phủ vắc xin ở Việt Nam khoảng 4% dân số, trong khi con số này ở nhiều quốc gia khác là 15% – 30%, do đó tiềm năng mảng này vẫn còn nhiều. Thực tế, trên thị trường tiêm chủng vắc xin theo chuỗi hiện chỉ có hai cái tên đáng kể gồm VNVC của CTCP Vắc xin Việt Nam và Nhi Đồng 315. Trong đó, đối thủ chính của Long Châu được xác định là VNVC với hơn 100 trung tâm trên cả nước.

Tuy nhiên, có lẽ tham vọng của ban lãnh đạo FPT Retail chưa dừng lại ở bán thuốc và tiêm chủng. Mới đây, trong màn ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn Singapore HH Healthcare, bà Điệp tiết lộ muốn “xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe” tại Việt Nam.

“Chúng tôi xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe theo từng bước đi cụ thể không chỉ là một chuỗi nhà thuốc, mà còn phục vụ người dân từ phòng bệnh đến chữa bệnh, tạo ra sự cân bằng giữa chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc dài hạn”, bà Điệp nói.

IHH Healthcare được biết đến là một trong những tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu ở châu Á, quản lý các thương hiệu chăm sóc sức khỏe như Gleneagles, Mount Elizabeth và Parkway. Tập đoàn này điều hành hơn 1.000 giường bệnh tại Singapore, một mạng lưới gồm hơn 30 công ty, chi nhánh chăm sóc sức khoẻ và quản lý 83 bệnh viện tại 10 quốc gia trên toàn cầu.

Advertisement

Theo báo cáo World Health Organization phát hành năm 2019, ngành chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam có giá trị 15,6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm CAGR là 11.2%, chiếm 6.5% cơ cấu GDP. Báo cáo của VIRAC cũng đưa ra con số tương tự và dự báo chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Ngược lại với Long Châu khi mọi cánh cửa còn đang rất rộng mở, FPT Shop cho thấy mảng phân phối công nghệ đã đạt đến độ bão hoà và đang trên đà suy yếu. Dấu hiệu đi xuống của lĩnh vực này đã bắt đầu được dự báo từ năm 2019 khi VDSC cho biết tăng trưởng các cửa hàng FPT Shop hiện hữu chỉ từ 0% tới 1%.

Bắt đầu từ quý I/2023, để cải thiện tình hình, FPT Shop kết hợp bán các sản phẩm điện máy gia dụng tại các cửa hàng. Công ty cho biết mục đích mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh mới nhằm tận dụng lợi thế mặt bằng, giúp tăng doanh thu.

Nửa đầu năm 2023, FPT Shop còn bị cuốn vào cuộc chiến giá khốc liệt với chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh khiến FPT Retail chịu lỗ trước thuế gần 300 tỷ đồng trong cả năm ngoái.

Advertisement

FPT Retail cho biết đã chịu ảnh hưởng nặng nề về biên lợi nhuận và đang bắt đầu thay đổi chiến lược để không sa đà vào cuộc chiến giá.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Advertisement

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan

Advertisement