Cách doanh nghiệp có thể sử dụng AI để tối ưu chiến lược nội dung trong 2023
Khám phá cách doanh nghiệp hay người làm marketing có thể sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu hoá chiến lược nội dung (Content Strategy) trong 2023.
Nằm trong thế giới Digital Marketing rộng lớn, nội dung trực tuyến (Online Content, Digital Content) là một trong những phương tiện chính để truyền cảm hứng, thu hút, cung cấp thông tin và thúc đẩy tương tác với đối tượng mục tiêu.
Trên thực tế, ngay cả khi các nội dung mà thương hiệu cung cấp không ngay lập tức chuyển đổi người đọc thành khách hàng, thì nó vẫn nằm ở đó, ở đâu đó trong tâm trí của khách hàng.
Để trở thành khách hàng trong tương lai hay nói cách khác là trước khi khách hàng tiềm năng (Lead) trở thành khách hàng, họ cần xem thương hiệu là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy.
Trong khi vai trò hay tầm quan trọng của nội dung trực tuyến là quá rõ ràng, các doanh nghiệp và marketer lại tốn khá nhiều nguồn lực và gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tối ưu nội dung.
Các doanh nghiệp cần có một chiến lược được hoạch định rõ ràng, các phương thức sáng tạo nội dung, cùng với đó là các công cụ hỗ trợ và hơn thế nữa để thúc đẩy hiệu suất.
Dưới đây là cách doanh nghiệp hay người làm marketing có thể sử dụng để xây dựng và tối ưu chiến lược nội dung (Content Strategy) của mình trong 2023.
1. Khám phá các ý định tìm kiếm của khách hàng.
Dù bạn là người làm Content Marketing hay là một người làm SEO, bạn hiểu rằng nhiều đối tượng mục tiêu sử dụng từ khóa để tìm kiếm những gì họ cần.
Với mỗi từ khoá, người tìm kiếm mong đợi những nội dung hay thông tin khác nhau, những thứ có thể giúp giải đáp các thắc mắc hay giải quyết các “nỗi đau” hiện tại của họ.
Trong khi các chiến lược nội dung thông thường tập trung vào các từ khóa mà người dùng có nhiều khả năng sử dụng nhất.
Và cũng có các công cụ nghiên cứu từ khóa (Keyword Research) có thể tiết lộ những cụm từ mà khách hàng đang tìm kiếm, cách tiếp cận này có thể không phát hiện được cái gọi là ý định tìm kiếm (Search Intent).
Ý định tìm kiếm cuối cùng mới là thứ marketer cần hiểu và đáp ứng, thứ có thể giúp chuyển đổi khách hàng và sau đó là bán được hàng (chứ không phải là thứ hạng từ khoá như nhiều người làm SEO vẫn nghĩ).
Mục đích của việc thấu hiểu ý định tìm kiếm đó là khám phá xem khách hàng thực sự đang cần điều gì, trong khi đa số các từ khoá mà người dùng sử dụng là các từ khoá ngắn và chung chung, quá trình này càng trở nên quan trọng hơn.
Bạn cứ thử hình dung thế này, với từ khoá “marketing“, bạn đang cần điều gì hay ý định tìm kiếm của bạn là gì?
Hiển nhiên “marketing” không thể là thứ bạn đang cần (bởi vì bạn đã biết và đang gõ nó), mà đằng sau đó là nó thực sự mang ý nghĩa là gì trong thực tế, doanh nghiệp đang sử dụng nó ra sao hay muốn học nó thì cần những kỹ năng gì.
Một chiến lược nội dung tốt là chiến lược được xây dựng xung quanh các ý định tìm kiếm, các câu hỏi “Tại sao” khách hàng lại tìm kiếm từ khoá đó và hơn thế nữa.
Ngoài các công cụ nghiên cứu từ khoá thông thường, các công cụ nghiên cứu được hỗ trợ bởi AI có thể phân tích hành vi một cách sâu sắc hơn, tiết lộ nhiều ý định tìm kiếm hơn và gắn liền với từng nhóm đối tượng cụ thể.
AI (trí tuệ nhân tạo) có thể xem xét cách người dùng tương tác với các nội dung của doanh nghiệp trong khi cũng có thể đưa ra những dự đoán mới về những gì họ có thể cần.
Các insights này chính là nền tảng của chiến lược xây dựng nội dung.
2. Xây dựng các mô hình nội dung.
Trong khi có vô số các kiểu nội dung mà bạn có thể xây dựng, với các nguồn lực thường là bị hạn chế, bạn không thể sản xuất tất cả mọi thứ tuỳ ý, thay vào đó bạn cần những mô hình nội dung (Content Frameworks) rõ ràng.
Content Frameworks hiểu một cách đơn giản là các dàn ý hay các bản kế hoạch mang tính định hướng giúp hướng dẫn bạn nên viết gì hay trình bày như thế nào.
Trong quá trình xây dựng nội dung, việc bạn cạn kiệt các ý tưởng không chỉ liên quan đến việc bạn thiếu các chủ đề nội dung, mà còn liên quan đến các mô hình hay dàn ý xây dựng nội dung.
Các công cụ AI có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo bằng cách đề xuất các chủ đề, dàn ý hay cách bạn có thể thể hiện nội dung. Nếu bạn không biết phải viết gì tiếp theo, AI sẽ là những trợ thủ đắc lực.
3. Sử dụng AI để đánh giá hiệu suất nội dung.
Khác với các phương thức marketing khác như Performance Marketing, Content Marketing hay Tiếp thị nội dung là một chiến lược dài hạn.
Số liệu thống kê từ Statista cho thấy doanh thu từ Content Marketing đã tăng lên gần 66 tỷ USD vào năm 2022, và theo dự báo, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026.
Trong khi giá trị tạo ra là rất lớn, việc đo lường hiệu quả của Content Marketing hay lợi tức đầu tư (ROI) mà nó có thể trực tiếp tạo ra thì vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Các công cụ kiểm tra và đánh giá nội dung (Content Audit) được hỗ trợ bởi AI (ví dụ như Screaming Frog hay WooRank) có thể thực hiện công việc này một cách nhanh hơn và chính xác hơn.
Chúng cũng có thể xác định nội dung nào đang hoạt động hiệu quả và nội dung nào thì không, chỉ ra lý do tại sao nội dung thất bại để từ đó các Content Marketer có thể đưa ra phương án tối ưu mới.
Vai trò của AI trong chiến lược nội dung.
Trong khi AI vẫn đang được xem là làn sóng, là lợi thế cạnh tranh mà các doanh nghiệp đang theo đuổi, không ít các marketer ở nhiều doanh nghiệp có năng lực công nghệ (trưởng thành về mặt công nghệ) đang sử dụng nó để thấu hiểu về nhu cầu của khách hàng và xây dựng chiến lược nội dung.
Trong khi nguồn lực con người thường đi kèm với nhiều hạn chế, đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp, khi doanh nghiệp cần đi nhanh và sáng tạo hơn, AI (trí tuệ nhân tạo) có thể nói là nhân tố X tiềm ẩn để các marketer đẩy nhanh quá trình thấu hiểu khách hàng, xây dựng và tối ưu nội dung, và cuối cùng là kéo người dùng về phía của thương hiệu.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips