Skip to main content

Mối quan hệ đặc biệt giữa ngôn từ và tâm lý con người

7 Tháng Tám, 2023

Cuốn sách“The Secret Life of Pronouns” (Cuộc đời bí mật của các đại danh từ) của tác giả James W. Pennebaker đã làm cho chúng ta ‘mở mắt’ về mối quan hệ giữa thế giới tâm lý của con người và ngôn ngữ học.

Cuốn sách thật ra là tập hợp những công trình nghiên cứu tâm lý của tác giả về mối liên quan giữa cách chúng ta dùng chữ/từ và cá tính, tâm lý.

Một trong những phát hiện hết sức thú vị là người có xu dùng đại danh từ “I” (tôi) quá nhiều có thể thể hiện cá tính một người tự xem mình là trung tâm vũ trụ, và những người này thuờng có vấn đề nội tâm (như trầm cảm chẳng hạn).

Tác giả phân tích cách dùng chữ của thi sĩ người Mĩ Sylvia Plath, người mà sau này tự tử ở tuổi 31. Bà có xu hướng dùng đại danh từ khá nhiều trong các bài thơ.

Ví dụ như bài “Mad Girl’s Love Song”, chỉ có 17 dòng chữ, nhưng bà dùng đến 26 từ “I”, “my”, và “me”!

“Nội dung từ” và “Phong cách từ”.

Trên phương diện tâm lý học, các chuyên gia chia tiếng Anh thành 2 nhóm từ: nội dung từ (content words) và phong cách từ (style words). Hai nhóm từ này có chức năng và hàm ý tâm lý khác nhau:

  • Nội dung từ bao gồm những chữ như danh từ (tablecar, unclejustice), động từ (listen, hear, lovewalkhide), tính từ (sadhappy, beautiful, wonderful, bluefastamazing) và trạng từ (sadlyhappilybeautifully, wonderfully, amazingly). Nội dung từ chuyển tải những ý nghĩa về đối tượng, hành động, và các khái niệm trừu tượng.
  • Phong cách từ (còn gọi là “chức năng từ”) bao gồm đại danh từ (I, he, she, we, they, you), giới từ (up, with, in, for), mạo từ (a, an, the), phủ nhận từ (no, not, never), và liên từ (and, but, however, because, although). Những từ này phản ảnh phong cách hay chức năng này được dùng để sắp xếp và cơ cấu ngôn ngữ, làm cho nội dung từ có ý nghĩa rõ hơn.

Vào thập niên 1980s, Pennebaker tập trung vào nghiên cứu cách dùng chữ mang tính tích cực và tiêu cực có thể nói lên sức khoẻ tâm thần của một cá nhân.

Cách ông nghiên cứu là viết một chương trình máy tính gọi là LIWC (Linguistic Inquiry and Word Count), rồi đếm số chữ/từ mà một cá nhân sử dụng trong các bài viết. Ông đếm các nội dung từ rồi dùng phương pháp thống kê để ‘chẩn đoán’ tâm lý của người viết.

Trong thời gian nghiên cứu, một nghiên cứu sinh đề nghị là nên phân tích các tình nguyện viên dùng chữ như thế nào (chứ không chỉ dùng chữ để nói điều gì).

Điều này có nghĩa là mở rộng nghiên cứu sang “phong cách từ”. Hoá ra, sự chuyển hướng này dẫn đến nhiều khám phá thú vị về tâm lý, với nhiều bài báo khoa học được công bố. Rồi từ đó, ông viết thành sách.

Những phát hiện thú vị có thể tóm tắt dưới đây. Có thể tôi tóm tắt không đầy đủ, vì chỉ theo cảm nhận cá nhân mà thôi. Nếu các bạn muốn biết đầy đủ nội dung thì nên tìm cuốn sách để đọc.

Phát hiện 1: Nam và nữ dùng chữ khác nhau.

Cách dùng từ khác biệt giữa nữ và nam giới. Chúng ta thường nghĩ rằng nam giới, với cá tính ‘ta đây’, hay dùng những đại danh từ như “I” (tôi) nhiều hơn nữ. Sai.

Tác giả Pennebaker, qua phân tích những bài viết trên blog, diễn văn, v.v., cho biết nữ giới dùng đại danh từ “I” thường xuyên hơn nam giới.

Tại sao nữ dùng nhiều ‘tôi’ hơn nam giới? Tại vì chữ “I” có nghĩa là một sự tự nhận thức chính mình. Khi có vấn đề nội tâm, người ta hay tập trung sự chú ý vào họ hơn là người chung quanh.

Nữ giới có xu hướng dùng “Tôi” thường xuyên hơn là nam giới, rất có thể cho thấy nữ tự nhận thức cao hơn nam giới.

Ngoài ra, tác giả Pennebaker còn phát hiện rằng nữ giới dùng những từ như they, friend, parent (là những từ phản ảnh mối quan hệ) và những từ mang tính tri thức như think (nghĩ), reason (lí giải), believe (tin tưởng), v.v. nhiều hơn nam giới.

Ngược lại, nam giới hay sử dụng những mạo từ (a, an, the) nhiều hơn nữ giới. Điều này có phản ảnh nam giới có xu hướng đề cập đến những đối tượng cụ thể (car, train, steak) nhiều hơn nữ giới.

Phát hiện 2: Cách viết phản ảnh suy nghĩ.

Từ ngữ hay nội dung là phương tiện truyền tải thông tin của con người.

Hoá ra, cách người ta biết trong email, cách viết blog, cách viết văn bản chuyên môn, và cách nói chuyện có thể cung cấp cho chúng ta vài tín hiệu về người phát biểu. Tác giả Pennebaker nhận ra 3 dạng viết:

  • Cách viết nghiêm trang (formal thinking): đó là cách viết hay đối chiếu, phản bác, tương đối cứng nhắc, ít hài hước, và có chút ngạo mạn. Những người trong nhóm này thường dùng những chữ lớn, mạo từ, danh từ và giới từ.
  • Cách viết phân tích (analytic thinking): đây là cách viết cố gắng tìm hiểu thế giới chung quanh, và người viết hay dùng các từ mang tính loại trừ (như but, without, except, no, never) và những từ mang tính lí giải (because, reason, effect).
  • Cách viết kể chuyện (narrative thinking): người viết kiểu này thường là những người kể chuyện, họ rất thích tường thuật, và họ có xu hướng dùng các đại danh từ, thì quá khứ và liên từ (như with, and, together).

Như vậy, cách dùng phong cách từ nói lên kỹ năng xã hội. Tại sao? Tại vì phong cách từ có liên quan đến cách mà chúng ta xử lý bối cảnh xã hội.

Trong bộ não chúng ta, phần tiền thuỳ não (front lobe) là nơi giúp chúng ta sắp xếp lời nói. Chính cái tiền thuỳ não này cũng là nơi giúp cho chúng ta có kỹ năng đọc biểu cảm của người khác.

Do đó, không ngạc nhiên khi kỹ năng cảm nhận ngôn ngữ sắc diện của người khác và cách dùng từ có liên quan với nhau.

Phát hiện 3: Cách dùng chữ phản ảnh tâm lý.

Từ phát hiện 2, nhà nghiên cứu có thể phát hiện tâm lý của con người qua phân tích cách họ dùng đại danh từ.

Tác giả Pennebaker đưa ra trường hợp ông Thị trưởng New York Rudolph Giuliani, người mà công chúng hay nghĩ rằng ông là người dễ nóng giận và tự thị.

Nhưng sau khi ông bị ung thư thì cách nói và viết của ông trở nên khiêm tốn và nồng nhiệt.

Tác giả phân tích các bài nói chuyện của Giuliani và phát hiện sau khi bị ung thư ông dùng rất nhiều đại danh từ “Tôi”. Trước đó, ông là một người dễ nóng giận và hay dùng chữ “You”, “He”, “She”, “They” rất nhiều lần.

Phát hiện 4: Cách dùng từ ngữ cũng nói lên phần nào về địa vị xã hội của người viết.

Cũng giống như cách suy nghĩ, các phong cách từ (hay ‘chức năng từ’), đặc biệt là đại danh từ, là một tín hiệu cho thấy ai là ai trong xã hội.

Người ở vị trí cao trong xã hội thườn dùng đại danh từ “Tôi” ÍT hơn người có địa vị thấp.

Người có địa vị cao hay dùng các đại danh từ số nhiều (we, us, our) nhiều hơn so với người có địa vị thấp.

Tại sao có sự khác biệt này? Kết quả nghiên cứu giải thích rằng trong các đối thoại trực tiếp, người ở vị trí cao có xu hướng nói chuyện với khán giả, nhưng người ở vị trí thấp thì làm ngược lại: họ tránh khán giả và do đó hay dùng đại danh từ “Tôi.”

Tác giả trình bày số liệu về phân tích cách dùng từ của cựu tổng thống Nixon rất thú vị.

Trước khi vụ xì căng đan Watergate xảy ra, Nixon hay dùng “We” trong các bài diễn thuyết.

Nhưng sau khi vụ Watergate bị phanh phui, Nixon dùng “I” thuờng xuyên hơn.

Phát hiện 5: Ngôn ngữ đối xứng và khả năng thành công.

Câu hỏi là con người sử dụng ngôn ngữ trong các mối liên hệ như thế nào. Chúng ta hay mượn mệnh đề hay câu văn của người khác (như trong phim ảnh, tiểu thuyết) để minh hoạ cho một điểm.

Đó chính là một quá trình tự nhiên ‘đối xứng’ trong ngôn ngữ học, có thuật ngữ khoa học là “Language Style Matching” (LSM).

Số lần đối xứng này phản ảnh mức độ tương tác với một người khác. Kết quả một thí nghiệm tâm lý mà người tham gia là những cặp tình nhân cho thấy đối xứng ngôn ngữ này có liên quan đến sự thành công sau này.

Những cặp tình nhân nào dùng nhiều câu nói đối xứng có xác suất trở thành những cặp vợ chồng hay vẫn còn duy trì mối quan hệ tình cảm sau này.

Sử dụng những đại danh từ cũng là một yếu tố tiên lượng sự thành công của một tập thể.

Thí nghiệm tâm lý cho thấy các đội thi tuyển mà trong đó các thành viên dùng đại danh từ “we” (chúng tôi) càng nhiều thì xác suất thành công càng cao.

Đại danh từ “chúng ta” nói lên một tinh thần đoàn kết với nhau, và đó có thể là lý do giải thích tại sao họ hay thành công.

Tóm tắt vài nội dung chánh của cuốn sách “The Secret Life of Pronouns” (Cuộc đời bí mật của các đại danh từ) của tác giả James W. Pennebaker. Tác giả là một nhà tâm lý xã hội học, từng giữ chức Giáo sư Tâm lý học thuộc Đại học Texas tại Austin.

Tóm lại, “The Secret Life of Pronouns” (Cuộc đời bí mật của các đại danh từ) là một cuốn sách tâm lý – ngôn ngữ học rất hay. Nó hay là vì tác giả có thể dùng nghiên cứu khoa học lý giải được mối liên quan giữa cách dùng từ ngữ và trạng thái tâm lý chúng ta.

Đóng góp quan trọng của tác giả là ứng dụng khoa học thống kê trong việc phân tích cách dùng từ ngữ và có những phát hiện giúp chúng ta hiểu hơn về chính mình.

Rất khó nói những kết quả nghiên cứu mà tác giả trình bày trong sách có mang tính tái lập hay không.

Thời đại ngày nay, có nhiều nghiên cứu tâm lý cho ra những phát hiện ‘giật gân’ nhưng sau này thì không được lặp lại, rất có thể là sai. Hy vọng rằng các nghiên cứu tiếp sẽ minh chứng cho những phát hiện báo cáo trong sách.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh 

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …