Skip to main content

Digital Transformation: 5 thành phần quan trọng nhất của chuyển đổi số

12 Tháng Chín, 2023

Thật khó để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công nếu không hiểu được bản chất và các thành phần cốt lõi của chuyển đổi số.

thành phần quan trọng nhất của chuyển đổi số
Source: Mediabistro

Cuộc cách mạng kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu buộc mọi tổ chức phải tự đổi mới, hoặc ít nhất là suy nghĩ lại về cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty lớn đều đã đầu tư một khoản ngân sách đáng kể vào thứ thường được gọi là “chuyển đổi kỹ thuật số” hay “chuyển đổi số” (digital transformation).

Mặc dù những khoản đầu tư này được dự báo sẽ có thể lên tới 6,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023, nhưng chúng thường được thực hiện mà không có các kế hoạch rõ ràng về lợi ích hay tỉ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) cụ thể.

Nguyên nhân dẫn đến các chiến lược chuyển đổi số thất bại thì rất nhiều, nhưng chúng thường là kết quả của việc đánh giá thấp các bước hoặc các giai đoạn cần thiết khác nhau để thực hiện thành công một kế hoạch chuyển đổi.

Advertisement

Theo Ông Erik Brynjolfsson đến từ Đại học Stanford, một lý do chính dẫn đến việc doanh nghiệp không tận dụng được các công nghệ mới, bao gồm cả AI (trí tuệ nhân tạo), là do không đầu tư vào các kỹ năng – đặc biệt là rất ít doanh nghiệp đào tạo lại và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động của họ sau khi họ gia nhập doanh nghiệp.

Đối với nhiều tổ chức, việc thuyết phục các nhân viên có kinh nghiệm hoặc quản lý cấp cao triển khai các công cụ công nghệ mới là một trải nghiệm không hề dễ dàng khi họ đã quá quen thuộc với những gì họ đã được học và làm trước đó.

Chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp bắt tay thực hiện nếu doanh nghiệp chưa có các kế hoạch hành động rõ ràng, chưa hiểu bản chất của vấn đề chứ chưa nói đến tầm nhìn hay ý nghĩa sâu xa của nó.

Mặc dù tuỳ thuộc vào mỗi loại hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức hay văn hoá của doanh nghiệp, các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa cơ bản của việc chuyển đổi không phải là thay thế các công nghệ cũ bằng công nghệ mới, cũng không phải là thu thập một khối lượng lớn dữ liệu hay tuyển một đội quân các nhà khoa học dữ liệu cho tổ chức.

Advertisement

Trên thực tế, bản chất của chuyển đổi số là trở thành một tổ chức dựa trên dữ liệu và phát triển xoay quanh dữ liệu (data-driven), doanh nghiệp đảm bảo rằng các quyết định, hành động hay quy trình quan trọng phải được đưa ra dựa trên những hiểu biết sâu sắc theo hướng dữ liệu, thay vì các trực giác mang tính cảm tính của con người.

Nói cách khác, bạn sẽ chỉ chuyển đổi số khi bạn đã thay đổi được cách mọi người hành xử và cách mọi thứ đang được thực hiện trong tổ chức của bạn.

Như hình ảnh bạn có thể thấy qua hình ảnh bên dưới từ HBR, có 5 thành phần cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức:

Source: HBR

1. Con người.

Chuyển đổi số là chiến lược bắt đầu từ yếu tố con người, sở dĩ nói con người là yếu tố quan trọng nhất khi chuyển đổi số là vì dù cho doanh nghiệp của bạn đang làm gì, bạn muốn thu thập dữ liệu nào thì cuối cùng vẫn hướng tới mục tiêu phục vụ con người chính là khách hàng của doanh nghiệp, dù cho công nghệ doanh nghiệp chọn là gì thì nó vẫn sẽ được thực hiện bởi con người.

Advertisement

Đối với hầu hết các tổ chức, khía cạnh con người trong chuyển đổi số đề cập đến khả năng tiếp cận của họ với người tiêu dùng (consumers), khách hàng (clients) và cả nhân viên. Về mặt lịch sử, những mối quan hệ này thường rời rạc và bị phân tán.

Bạn hãy nghĩ thế này, khi bạn kinh doanh nhỏ lẻ (chủ một quán cafe chẳng hạn) hay bạn đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ, bạn hoàn toàn có thể hiểu rõ khách hàng và nhân viên của mình mà không cần nhiều yếu tố kỹ thuật, công nghệ hoặc dữ liệu.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tổ chức của bạn trở nên quá lớn, khách hàng của bạn trở nên quá phức tạp để có thể hiểu hay nhân viên của bạn có quá nhiều thành kiến cá nhân?

Rõ ràng, bạn cần các công nghệ mới, các kỹ năng mới, các cách tiếp cận mới.

Advertisement

2. Dữ liệu (Data).

Nếu bạn muốn mở rộng kiến ​​thức hay hiểu biết sâu hơn về khách hàng và nhân viên của mình, đồng thời ứng dụng nó vào một tổ chức lớn trong những tình huống phức tạp hay khó dự báo hơn, bạn cần phải có dữ liệu – đó chính là toàn bộ các hành vi về các tương tác với người tiêu dùng, nhân viên và khách hàng của bạn.

Công nghệ cũng từ đây có thể phát huy tốt nhất vai trò và sức ảnh hưởng của nó – Công nghệ làm đơn giản hoá quá trình thu thập dữ liệu của mọi người, chẳng hạn như những dữ liệu về việc họ đã làm gì, họ là ai, họ thích gì, v.v.

3. Những hiểu biết sâu sắc (Insights).

Mặc dù dữ liệu được ca ngợi là thứ có giá trị nhất với các tổ chức nói chung trong thế giới mới, tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là dữ liệu thì nó lại không mang lại nhiều giá trị cho tổ chức, điều quan trọng là doanh nghiệp có thể hiểu và tận dụng các dữ liệu đó vào hoạt động kinh doanh thực tiễn như thế nào.

Khi doanh nghiệp không có các mô hình phân tích, hiểu dữ liệu, ứng dụng khoa học dữ liệu hay hệ thống xử lý dữ liệu, mọi dữ liệu là vô nghĩa. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có các công nghệ hay phương pháp phân tích phù hợp, dữ liệu có thể được biến thành các hiểu biết sâu sắc (Insight) về khách hàng, người tiêu dùng hay nhân viên của mình.

Advertisement

Đây là lúc các dữ liệu đơn thuần “nhường chỗ” cho việc phân tích, chính là lúc doanh nghiệp cần đi tìm các ý nghĩa từ các dữ liệu họ có được.

Bài toán của doanh nghiệp khi này là tìm ra những thứ có ý nghĩa, một câu chuyện, một khái niệm nào đó về những gì đã xảy ra, có thể xảy ra và giải thích tại sao. Khi đã tìm ra được những hiểu biết ban đầu, doanh nghiệp có thể kiểm tra lại nó qua các dự báo hay các thử nghiệm.

Mặc dù tất cả các mô hình hay dự báo đều có những sai số cơ bản, tuy nhiên, bản chất của các thử nghiệm không phải là chuyện đúng hay sai mà là chuyện doanh nghiệp có thể làm tốt hơn so với những gì họ đã làm.

4. Hành động.

Ngay cả khi bạn đã tiến đến giai đoạn có các hiểu biết sâu sắc vẫn là chưa đủ. Trên thực tế, những hiểu biết thú vị, hấp dẫn và tò mò sẽ trở nên lãng phí hay vô nghĩa nếu không có một kế hoạch hành động cụ thể để biến chúng thành các chỉ số kinh doanh như mong đợi.

Advertisement

Hãy thử nghĩ nếu những hiểu biết sâu sắc cho bạn biết rằng khách hàng của bạn không thích một sản phẩm hay một tính năng nào đó – điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển sản phẩm và chiến lược marketing của bạn?

Và giả sử rằng nếu bạn có thể dự đoán một số khách hàng của bạn đang có nguy cơ chuyển sang sử dụng các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ làm gì?

AI hay tất cả các công nghệ mới có thể đưa ra dự đoán và dữ liệu có thể cung cấp cho doanh nghiệp những hiểu biết sâu sắc, nhưng còn chuyện “nên làm gì” hay có những hành động như thế nào thì lại là một chuyện khác.

Điều này giải thích lý do tại sao yếu tố nhân tài hay con người lại đóng vai trò quyết định hàng đầu trong chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Advertisement

5. Kết quả.

Sau tất cả mọi thứ, cũng đến lúc bạn có được các kết quả ban đầu. Sau khi bạn đánh giá kết quả, bạn cần quay lại dữ liệu. Bản thân các kết quả khi này trở thành một phần của tập dữ liệu mới, phong phú hơn, nhiều ý nghĩa hơn và nó sẽ tiếp tục xoay vòng.

Trong suốt quá trình lặp đi lặp lại hay xoay vòng này, bạn cho phép các hiểu biết sâu sắc của mình trở nên dễ dự đoán hơn, có ý nghĩa hơn và có giá trị hơn, và cũng chính điều này sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho dữ liệu.

Nói tóm lại, phần quan trọng nhất của chuyển đổi số không phải là “kỹ thuật số” (digital) mà là “chuyển đổi” (transformation).

Thế giới của chúng ta đã luôn thay đổi trong hàng thập kỷ qua và việc tổ chức của bạn phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi này là điều không thể tránh khỏi.

Advertisement

Điều cần thiết với doanh nghiệp khi này là thay đổi tư duy, văn hóa và trọng dụng yếu tố nhân tài, bao gồm cả việc nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động của bạn để họ có thể sẵn sàng hơn trong tương lai.

Là người lãnh đạo, bạn luôn phải đấu tranh tư tưởng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nhiệm vụ thiết yếu của các nhà lãnh đạo là tạo ra cầu nối giữa quá khứ và tương lai, và theo nghĩa này, chuyển đổi số không phải là một cái gì đó quá mới, nó chỉ đơn giản là cái tên mà chúng ta cần đặt cho nó ngày hôm nay.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Advertisement

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement