Thuật toán đề xuất video của Facebook cho Digital Marketers
Meta vừa chia sẻ một số thông tin mới về cách thuật toán đề xuất và phân phối video của Facebook hoạt động (và cách để tối ưu nội dung dựa trên thuật toán).
Nếu bạn chưa từng nghe qua thì Meta hiện đang mong muốn bạn đăng nhiều Reels hơn, Reels là nền tảng có mức độ phát triển nhanh nhất của hệ sinh thái Meta và hiện chiếm hơn 20% trong tổng thời gian mà người dùng dành cho Instagram.
Trên thực tế, video nói chung là định dạng nội dung (content format) có mức độ tương tác cao nhất trên Facebook, chiếm khoảng 50% thời gian mọi người dành cho Facebook.
Đây cũng là lý do tại sao các thuật toán của Facebook ngày càng ưu ái nhiều hơn cho video, khuyến khích người dùng đăng và chia sẻ nhiều Reels hơn.
Thông qua một chia sẻ mới, Meta đã công bố các yếu tố chính có trong thuật toán xếp hạng và đề xuất video trên Facebook – đó là những gì mà Facebook xem xét và đánh giá khi quyết định xem liệu video nào nên được ưu tiên và video nào thì không.
Yếu tố đầu tiên trong thuật toán đề xuất nội dung video của Facebook là “Tính nguyên bản” (Originality), đó chính là những nội dung được sáng tạo và chia sẻ lần đầu.
Theo giải thích của Facebook:
“Trong nền kinh tế nhà sáng tạo (Creator Economy), các video gốc đóng vai trò phản ánh tiếng nói và giá trị độc đáo của các nhà sáng tạo nội dung. Chúng là những nội dung lần đầu tiên được xuất bản. Chúng tôi ưu tiên video gốc và coi đó như là ‘phần thưởng’ cho những nỗ lực sáng tạo thực sự.”
Nếu bạn là một marketer, sản xuất các nội dung gốc nên là chiến lược ưu tiên hàng đầu (thay vì là chỉ chú trọng vào chất lượng nội dung).
Về cơ bản, như Facebook đã từng tuyên bố trước đây, thuật toán đề xuất video của Facebook sẽ làm giảm phạm vi tiếp cận (Reach) của các nội dung được chia sẻ lại (và trong một số trường hợp là xét phạt các Trang thường xuyên vi phạm nguyên tắc này).
Thành phần quan trọng thứ 2 xuất hiện trong thuật toán đề xuất và phân phối video của Facebook là “khả năng thu hút sự chú ý và giữ chân”.
Theo góc nhìn này, Facebook nói rằng những video có khả năng thu hút được sự chú ý của khán giả hay đối tượng mục tiêu và truyền cảm hứng cho họ sẽ có khả năng nhận được nhiều ưu tiên phân phối hơn.
Thời gian xem video hay khả năng giữ chân người dùng ở lại với video cũng là một thành tố quan trọng khác có trong thuật toán.
Facebook cho biết:
“Tỷ lệ giữ chân người xem là một trong những chỉ số hàng đầu để đánh giá mức độ tiếp nhận nội dung của người xem.
Khả năng giữ chân người xem có thể cho thấy rằng chủ đề và cấu trúc của video phù hợp với nội dung mà khán giả của bạn muốn xem, trong khi nếu họ từ bỏ sớm video, điều này có nghĩa là nội dung của bạn không đúng với những gì mà họ đang mong đợi.”
Nghệ thuật sử dụng Storytelling hay Kể chuyện nên được ưu tiên trong chiến lược xây dựng và phát triển video.
Facebook cho biết thêm:
“Độ dài của video không phải là yếu tố quan trọng trong thuật toán xếp hạng video của Facebook. Miễn là nội dung có tính liên quan chặt chẽ với nhau, hấp dẫn và khiến khán giả quan tâm, dài hay ngắn không thực sự quan trọng.”
Facebook cũng gợi ý rằng các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) nên cân nhắc việc thêm các phụ đề hấp dẫn (kịch tính) để tối đa hóa tỷ lệ giữ chân, đồng thời chất lượng sản xuất video cũng có thể góp phần khiến cho mọi người muốn tương tác nhiều hơn.
“Lòng trung thành và ý niệm” là yếu tố chính tiếp theo trong thuật toán đề xuất và phân phối video của Facebook, và Facebook cũng nhấn mạnh vào chỉ số lượng người xem lặp lại.
“Khi mọi người thường xuyên quay lại để xem video của một Trang hay tài khoản nào đó, chúng tôi coi đó như là một tín hiệu mạnh mẽ và tích cực để ưu tiên phân phối.
Điều này đặc biệt đúng khi chúng tôi thấy rằng mọi người tích cực tìm kiếm nội dung của bạn hoặc tìm kiếm nội dung đó trên Facebook Watch hoặc trực tiếp trên tài khoản.”
Tương tự như việc duy trì sự chú ý của người xem, việc tiếp tục sản xuất các nội dung video chất lượng cao và hấp dẫn để thu hút mọi người quay lại xem nhiều hơn có thể là một rào cản khác của nhiều thương hiệu.
Facebook gợi ý thêm rằng các nội dung bất ngờ có thể giúp thu hút nhiều đối tượng hơn, đồng thời bạn có thể sử dụng phương pháp kể chuyện dài (longer-form storytelling), trên nhiều video hơn.
Facebook nói tiếp:
“Bạn cũng nên tối ưu hoá tìm kiếm cho video. Điều này bao gồm việc viết các tiêu đề hay đoạn mô tả một cách rõ ràng và thêm một vài thẻ (hashtag) có liên quan.
Điều này có thể giúp nhiều người hơn xem nội dung của bạn, trên cả từ kết quả Tìm kiếm, qua các video được đề xuất trong Nguồn cấp dữ liệu (News Feed) đến trong Facebook Watch.”
Yếu tố cuối cùng mà Facebook đề cập trong thuật toán xếp hạng và đề xuất nội dung video đó là “Tương tác” – tức những thứ như Lượt thích, Lượt chia sẻ hay Nhận xét.
“Chúng tôi ưu tiên các nội dung giúp khơi dậy các cuộc trò chuyện và tương tác có ý nghĩa giữa những người thực. Để làm được điều này, thuật toán của chúng tôi sẽ tăng cường phân phối các video có khả năng truyền cảm hứng cho các tương tác giữa bạn với bạn (friend-to-friend) hoặc giữa người với người (person-to-person) trên Facebook.”
Nói tóm lại, thuật toán phân phối và đề xuất video của Facebook sẽ dựa trên 4 yếu tố xếp hạng chính.
- Tính nguyên bản (nội dung gốc).
- Khả năng thu hút sự chú ý và giữ chân người dùng.
- Lòng trung thành và ý niệm (ý định).
- Khả năng tương tác.
Ngoài ra, Facebook cũng chia sẻ thêm các yếu tố sẽ làm giảm mức độ phân phối của video:
- Video trông giống như các bản trình chiếu (slideshows) – Facebook nói rằng video phụ thuộc quá nhiều vào hình ảnh tĩnh có thể bị giảm phân phối.
- Cố tình tự chia sẻ nội dung – Nếu bạn đang tìm cách tự chia sẻ các nội dung do mình tạo ra, dù là thông qua các tài khoản ảo hay Trang được tạo ra với mục đích chia sẻ thì điều này cũng đang đi ngược lại với thuật toán xếp hạng video của Facebook.
- Sử dụng các chiến thuật “kêu gọi” – Đừng thúc giục mọi người thích, chia sẻ hoặc bình luận về nội dung chỉ để tăng phạm vi tiếp cận.
- Video đánh lừa người xem – Đừng đăng các video với nội dung giật gân hoặc đánh lừa người xem để họ phải xem.
Facebook nói rằng các Trang liên tục thể hiện những hành vi này “cuối cùng có thể mất khả năng tạo doanh thu thông qua quảng cáo trong luồng (in-stream ads ) hoặc các công cụ kiếm tiền khác của Facebook”.
Trong khi bạn có thể cho rằng sẽ rất khó để tuân thủ tất cả các thuật toán nói trên của Facebook, bằng cách hạn chế vi phạm đến mức tối đa hay tối ưu nội dung theo các chỉ dẫn này, Trang và thương hiệu của bạn cuối cùng sẽ có nhiều cơ hội hơn để hiển thị và tương tác với người dùng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips