Một vài xu hướng Digital Marketing bạn không thể bỏ qua trong 2022
Bằng cách tập trung vào các xu hướng mà người dùng quan tâm trong 2022, người làm Digital Marketing có thể đánh bại đối thủ và mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng hơn trong dài hạn.
Bắt kịp các xu hướng digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) mới dường như cũng không mấy dễ dàng tuy nhiên đó lại là điều hết sức cần thiết đối với cả người làm marketing lẫn chủ doanh nghiệp.
Trong khi các digital marketers phải cố gắng tận dụng triệt để các cơ hội mới, các chủ doanh nghiệp cũng cần có các chiến lược khác để có thể thích ứng tốt hơn với các hành vi đang thay đổi nhanh chóng từ phía người dùng.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử (eCommerce) và giáo dục trực tuyến, dưới đây là một số xu hướng digital marketing hàng đầu mà bạn không thể bỏ qua trong năm mới 2022.
1. Video Marketing.
Với sự trỗi dậy của ứng dụng video dạng ngắn TikTok, video giờ đây có thể lan truyền rộng rãi hơn nhiều và điều này cho phép các thương hiệu có nhiều cách hơn để tận dụng nó.
Bằng cách chủ động tạo ra những xu hướng mới cộng với việc sử dụng chiến lược nội dung do người dùng tạo ra (UGC), các nhà sáng tạo nội dung có thể giúp thương hiệu xây dựng độ nhận biết một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của TikTok, việc Instagram tập trung vào Reels, và YouTube liên tục cải tiến Shorts là những bằng chứng khác cho thấy video sẽ tiếp tục là định dạng ưu tiên hàng đầu của các nền tảng trong 2022.
Ngoài TikTok, Instagram Reels hay YouTube, Pinterest và LinkedIn cũng đang đầu tư nhiều hơn vào các tính năng video nhằm bắt kịp các xu hướng tiêu thụ nội dung của người dùng.
Tuy nhiên, có một lầm tưởng khác mà không ít các marketers mắc phải đó là, trong khi nghĩ đến video marketing họ thường nghĩ đến các chiến dịch tốn kém và trau chuốt, những câu chuyện mang tính xác thực cao và gần gũi lại nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khách hàng.
2. Niche Marketing.
Niche Marketing hay phương thức làm marketing bằng cách tập trung vào các thị trường ngách (nhỏ và hẹp) luôn thể hiện được sức mạnh kết nối vốn có với người tiêu dùng.
Tập trung vào một (hoặc một vài) thị trường ngách cho phép thương hiệu hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng, dễ dàng hơn trong việc định vị mình là chuyên gia ngành và mức độ trung thành của người tiêu dùng là cao hơn.
Niche Marketing còn có khả năng phát triển nhanh hơn, ít tốn kém hơn và thâm nhập tốt hơn khi thương hiệu đã ở vị thế dẫn đầu ở các thị trường hay phân khúc nhỏ hơn.
Với một nhóm khách hàng nhỏ hơn, thương hiệu có nhiều cơ hội hơn để tập trung vào chất lượng, dịch vụ khách hàng và xây dựng mối quan hệ, điều có thể mang lại cho thương hiệu nhiều rào cản gia nhập hơn với các đối thủ mới.
Ngoài ra, khi khách hàng ngày càng có xu hướng tin tưởng hơn với những “nhà lãnh đạo tư tưởng ngành“, thương hiệu càng thể hiện được tính có thẩm quyền của mình thì càng có nhiều cơ hội hơn để bán các giải pháp của họ tới công chúng.
3. Sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử.
Thương mại điện tử đang phát triển ở một tốc độ chưa từng có và được dự kiến là sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Theo Statista, giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Dựa trên những xu hướng này, các nhà bán lẻ và doanh nghiệp có thể “nương tựa” vào các nền tảng thương mại điện tử để gia tăng mức độ hiển thị và thúc đẩy nhiều hơn nữa nhận thức về thương hiệu.
Cho dù thương hiệu của bạn vốn bán hàng trực tiếp thông qua các cửa hàng (vật lý), một sự hiện diện mạnh mẽ trên các nền tảng trực tuyến cũng có thể mang lại những giá trị không hề nhỏ.
4. Mobile Marketing cũng là xu hướng Digital Marketing sẽ phát triển mạnh trong 2022.
Một số chiến lược mobile marketing hay tiếp thị di động mà thương hiệu có thể tận dụng tốt trong 2022 là tiếp thị qua SMS, tiếp thị trong ứng dụng (in-app marketing), tiếp thị truyền thông mạng xã hội (social media marketing), tiếp thị dựa trên vị trí (location-based marketing) và tiếp thị ở các khu vực lân cận (proximity marketing).
Theo Google Consumer Insights, 61% giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện trên các thiết bị điện thoại thông minh từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, với mức tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY).
Hơn một nửa lưu lượng truy cập các website và ứng dụng đến từ thiết bị di động và người mua sắm cũng đang sử dụng thiết bị di động của họ để nghiên cứu sản phẩm và mua hàng trực tuyến.
Khi nói đến các chiến lược tiếp thị di động, ‘thân thiện’ là từ khoá chính mà những người làm marketing cần lưu ý, điều này có nghĩa là bạn cần làm cho các nền tảng của mình chạy nhanh hơn, dễ điều hướng hơn và luôn đảm bảo có thể hiển thị trong tầm mắt những gì mà khách hàng tìm kiếm.
5. Marketing Automation.
Trong những năm qua, các nền tảng lớn như HubSpot hay SalesForce đã chỉ ra rằng những doanh nghiệp có sử dụng các công cụ tự động hoá trong quá trình nuôi dưỡng khách hàng có thể mang lại lượng khách hàng tiềm năng chất lượng cao hơn theo thời gian.
Bằng cách ứng dụng yếu tố tự động hoá vào quá trình gửi email, quản lý khách hàng (CRM) hay phản hồi tự động (chatbots), thương hiệu có thể kết nối với khách hàng ở cấp độ cá nhân cao hơn và nhanh hơn.
Bên cạnh đó, thông qua việc cá nhân hoá nội dung tới từng đối tượng mục tiêu trên các nền tảng, thương hiệu cũng có thể chứng kiến tỷ lệ chuyển cao hơn.
Trong khi đầu năm thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp xem xét lại các chiến lược cũ và phát triển chiến lược mới, khai thác nhanh và sâu những xu hướng digital marketing có thể phát triển mạnh trong 2022 giúp mang lại cho thương hiệu nhiều lợi thế và cơ hội tăng trưởng dài hạn trong tương lai.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh