Skip to main content

Công ty đầu tư vào The Coffee House, Haravan, Juno, Ahamove…lỗ liên tục

20 Tháng Hai, 2025

Seedcom từng là doanh nghiệp tiên phong áp dụng chiến lược New Retail tại Việt Nam. Mô hình này kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Seedcom đang đầu tư và vận hành các doanh nghiệp như The Coffee House, Cầu Đất Farm, Haravan, Juno, Eva De Eva, Hnoss, KingFood, Giao Hàng Nhanh, Ahamove,…

Ông Đinh Anh Huân là Chủ tịch kiêm sáng lập Seedcom. Ông Huân là một trong 5 đồng sáng lập Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG). Năm 2014, MWG lên sàn chứng khoán và là thương vụ IPO đình đám nhất lúc bấy giờ. Sau đó, ông Huân đã bán toàn bộ cổ phiếu MWG nắm giữ.

Sau Thế Giới Di Động, ông thành lập Seedcom với Seed có nghĩa là hạt giống trong tiếng Anh. Hệ sinh thái của Seedcom hiện diện rất lớn trong đời sống, từ F&B, thời trang, thực phẩm, logisctics tới bán lẻ hiện đại.

Seedcom ban đầu đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, với quy mô vốn điều lệ 58 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm ông Lê Quang Hưng góp 55,9 tỷ đồng, chiếm 96,5% vốn điều lệ; ông Nguyễn Duy Linh góp 1,3 tỷ đồng, nắm 2,4% vốn và ông Mai Hoàng Phương, góp 0,6 tỷ đồng, nắm 1,1% vốn.

Đến tháng 10/2017, 99,99% cổ phần Seedcom được chuyển nhượng cho Ficus Asia Investment. Quỹ đầu tư này trực tiếp nắm chi phối ở Seedcom tới tháng 6/2020, trước khi nhượng lại toàn bộ cổ phần cho CTCP Seedcom Group (Seedcom Group).

Tháng 6/2022, Seedcom nâng vốn gần 754 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Seedcom Investment góp 691 tỷ đồng, chiếm 91,7% vốn và Ficus Asia Investment góp 63 tỷ đồng – nắm 8,3% vốn điều lệ.

Ficus Asia Investment (Ficus) được đăng ký tại Singapore do ông Huân sáng lập. Năm 2020, Ficus nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn thông qua tổ chức của quỹ tại Singapore là Redefine Capital Fund.

Năm 2021, theo số liệu cập nhật từ cơ quan Quản lý doanh nghiệp và kế toán của Singapore (ACRA), Ficus lỗ ròng 3 triệu USD khi đầu tư vào các công ty Việt Nam. Cụ thể, năm 2020, doanh thu Ficus đạt 157 triệu USD, giảm so với mức 176 triệu USD năm 2019 do ảnh hưởng của COVID-19. Mức lỗ ròng cũng tăng 52% so với 2019 lên 38 triệu USD.

Tuy nhiên, mức tăng lỗ ròng thực tế chỉ khoảng 3 triệu USD, phần còn lại được ghi nhận lỗ này thực chất là chi phí dự phòng trích trước liên quan tới các cam kết với các nhà đầu tư, như các nghĩa vụ tài chính và chi phí khấu hao.

2020 – 2021 là giai đoạn khó khăn trong kinh doanh của các công ty trong hệ sinh thái Seedcom. Năm 2020, Seedcom lỗ sau thuế hơn 193 tỷ đồng và lỗ tiếp 238 tỷ đồng năm 2021.

Lần công bố báo cáo tài chính gần nhất của Seedcom vào năm 2022, công ty ghi nhận hơn 1.600 tỷ đồng doanh thu thuần, lỗ sau thuế tăng lên 272 tỷ đồng trong bối cảnh các mô hình bán lẻ của họ liên tục mở rộng quy mô sau dịch.

Thời điểm đó chuỗi The Coffee House dần trở lại đường đua trong ngành F&B khi đã lấy lại đà tăng trưởng về quy mô với 154 cửa hàng trên toàn quốc, đồng thời liên tục thử nghiệm các mô hình, sản phẩm mới.

Năm 2022 cũng đánh dấu sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo Seedcom. Ông Đinh Anh Huân thành Tổng Giám đốc khi ông Nguyễn Hoành Tiến làm Chủ tịch công ty. Ông Tiến được cho là sẽ tập trung vào việc xây dựng chiến lược và quan hệ đối tác nhà đầu tư. Trong khi ông Huân trở lại sâu sát hơn với các hoạt động điều hành mảng bán lẻ là thế mạnh, đặc biệt là các mũi nhọn vận hành và xây dựng hệ thống vận hành thông minh, phục vụ cho các công ty bán lẻ thuộc hệ sinh thái.

Cùng năm, ông Ngô Nguyên Kha – người điều hành Juno và Hnoss, cũng trở thành CEO The Coffee House.

Đến nay, ông Huân trở lại vai trò Chủ tịch Seedcom trong khi ông Tiến đã đầu quân cho Momo dưới vai trò Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Marketing và phân phối.

Ông Kha cũng rời vị trí CEO The Coffee House và thay vào đó là ông Trần Việt Trung – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Golden Gate. Sáng 19/2, dẫn nguồn tin tờ DealStreetAsia cho biết Golden Gate có thể đã mua lại The Coffee House từ Seedcom.

The Coffee House rơi vào khó khăn trong thời gian qua. Chuỗi này buộc phải rời thị trường Đà Nẵng và Cần Thơ trong năm 2024. Số cửa hàng cũng thu hẹp còn 93 so với con số 150 vào cuối năm 2023.

Tình hình kinh doanh của The Coffee House không được cải thiện trong nhiều năm. Năm 2019, doanh thu thuần của chuỗi này đạt gần 862 tỷ đồng, đến năm 2020 giảm xuống còn 735 tỷ đồng và 475 tỷ đồng vào năm 2021. Theo Vietdata, năm 2023, chuỗi đồ uống này đạt mức doanh thu là 700 tỷ đồng nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế.

Về thương vụ với Golden Gate, chúng tôi đã liên hệ nhưng chưa nhận được câu trả lời ngay lập tức từ “ông lớn” F&B. Đại diện truyền thông The Coffee House từ chối bình luận.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật