Skip to main content

ChatGPT vs Marketing: Liệu ChatGPT sẽ đe doạ các Marketer?

10 Tháng Hai, 2023

Vì những chiến dịch Marketing thành công cần những trí thông minh cảm xúc mà AI hay ChatGPT khó có thể có được, các Marketer nói chung vẫn là một phần không thể thiếu và bị thay thế.

ChatGPT vs Marketing: Liệu ChatGPT sẽ đe doạ các Marketer?
ChatGPT vs Marketing: Liệu ChatGPT sẽ đe doạ các Marketer?

Cũng tương tự như lần đầu tiên được nghe đến khái niệm vũ trụ ảo Metaverse, AI (trí thông minh nhân tạo) hay lần này là chatbot AI ChatGPT đang làm dậy sóng không chỉ với những người làm công nghệ mà còn cả với những ai hiện đang làm việc trong lĩnh vực Marketing và truyền thông nói chung, cảm giác hoang mang là khó có thể tránh khỏi.

Mặc dù những gì mà ChatGPT mang lại là tương đối rõ ràng, ở một khía cạnh khác, không ít marketer đang đặt ra câu hỏi là liệu chatbot dựa trên AI này sẽ thay thế họ hay làm đảo lộn những gì mà họ đã từng làm?

ChatGPT được xem như là “kẻ huỷ diệt” với nhiều ngành nghề, tuy nhiên, liệu điều này có thực sự đúng, và với tư cách là những người làm marketing, bạn nên nhìn nhận và ứng dụng nó với tâm thế như thế nào?

Advertisement

AI hiển nhiên là hữu ích – và nó chỉ mới bắt đầu.

Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn trở lại đây, AI có thể nói là một trong những từ khoá được đề cập đến nhiều nhất trên các trang báo chí hay mạng xã hội, từ những ý kiến cho rằng AI có thể xoá bỏ nhiều ngành nghề đến việc nó sẽ làm đảo lộn cách mọi người thực hiện công việc của họ.

Ngành marketing nói chung cũng không phải là ngoại lệ, ít nhất ở khía cạnh tìm kiếm, một khi hành vi hay cách người dùng tìm kiếm thông tin về một sản phẩm hay thương hiệu thay đổi, về cơ bản cách thức tiếp cận marketing cũng cần phải thay đổi.

Những gì mà AI nói chung và ChatGPT nói riêng đang làm được sẽ khiến không ít các ngành nghề phải đánh giá lại cách thức làm việc, trong đó có nghề sáng tạo nội dung, truyền thông và marketing.

Nếu bạn biết đến Lensa, ứng dụng này sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh chân thực như ảnh chụp từ chính chiếc điện thoại của bạn.

Advertisement

Hay với Midjourney, chỉ trong vòng vài phút bạn đã có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tùy chỉnh được lấy cảm hứng từ AI.

Được xuất hiện như là một công cụ tìm kiếm nơi người dùng có thể nhập vào các từ khoá hay các câu hỏi, ChatGPT sử dụng những dữ liệu có được từ internet cộng với đó là các thuật toán được hỗ trợ bởi AI để đưa ra các câu trả lời mang tính đàm thoại và tự nhiên cao, và cũng bởi từ lý do này, nhiều người đang tự hỏi, liệu những người làm marketing có thể dựa hoàn toàn vào ChatGPT để xây dựng nội dung hay xây dựng nên các chiến lược marketing thành công hay không?

Nói cách khác, liệu ChatGPT có đe doạ hay có khả năng thay thế một Marketer thực thụ hay không?

Với những gì đang diễn ra ở hiện tại, cũng như với những gì mà các công nghệ quảng cáo và marketing (Adtech và Martech) đã được áp dụng trong quá khứ, có thể nói rằng AI hay ChatGPT khó có thể thay thế một nhà marketer, thay vào đó, nó chỉ có thể khiến công việc của marketer trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn mà thôi.

Advertisement

Trong khi bản thân ChatGPT và các công cụ xây dựng nội dung dựa trên AI (AI-driven content) khác có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành marketing và quảng cáo, vẫn có rất nhiều mối bận tâm mà các công cụ này khó có thể tự xử lý.

Thứ nhất, do các thuật toán đằng sau những công cụ này không phải lúc nào cũng minh bạch nên có thể khó truy tìm nguồn gốc của thông tin sai lệch và quy trách nhiệm cho những người phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, có một rủi ro khác là những nội dung do AI tạo ra có thể duy trì những thành kiến được tích hợp sẵn trong các tập dữ liệu mà chúng được đào tạo.

Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất với các nội dung do AI tạo ra khó có thể đảm bảo rằng nội dung đó có chất lượng cao và phù hợp với thông điệp cũng như giọng điệu tổng thể của thương hiệu.

Advertisement

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều các thách thức hiện hữu, ChatGPT hay các công cụ xây dựng nội dung được hỗ trợ bởi AI khác cũng mang lại nhiều giá trị to lớn.

Một trong số này là khả năng tạo ra các nội dung được cá nhân hóa cao phù hợp với từng người tiêu dùng. Điều này có thể đặc biệt hiệu quả với các hoạt động email marketing, quảng cáo trên mạng xã hội và các hình thức Digital Marketing khác.

Ngoài ra, ChatGPT hay các công cụ khác cũng có thể giúp nâng cao hiệu quả của quy trình xây dựng nội dung (Content Creation).

Bằng cách tự động hóa một số nhiệm vụ nhất định, chẳng hạn như viết bài mô tả sản phẩm hoặc tạo ra các bài đăng trên mạng xã hội, những người làm marketing có thể dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ quan trọng (và không thể bị thay thế) như chiến lược, thấu hiểu khách hàng mục tiêu và phân tích dữ liệu.

Advertisement

Tóm lại, mặc dù ChatGPT và các công cụ xây dựng nội dung dựa trên AI khác có tiềm năng làm cách mạng hóa ngành marketing và quảng cáo, chúng vẫn tồn động nhiều bất cập và đặc biệt, khó có thể thay thế marketer mà thay vào đó chỉ là hỗ trợ một số công việc hay quy trình nhất định.

ChatGPT đưa ra kết quả ấn tượng nhưng không sâu sắc và không mang nhiều giá trị cho Marketing.

Nếu bạn đã đăng ký ChatGPT và bắt đầu sử dụng chatbot này, hiển nhiên, cảm giác đầu tiên sẽ là “khó có thể tin được”, chỉ mất vài giây xử lý, nó có thể đưa ra câu trả lời tới bất cứ câu hỏi hay từ khoá nào.

Tuy nhiên, vì bản chất dữ liệu mà ChatGPT có được là từ những thứ có sẵn trên internet, chúng được “đào tạo” từ đây, những gì mà nó đưa ra khó có thể đảm bảo tính mới mẻ, sáng tạo và phân tích chuyên sâu (ý nghĩa đằng sau các dữ liệu).

Vì ChatGPT hay bất cứ công cụ AI nào khác không thể hiểu được yếu tố ngữ cảnh hay bối cảnh mà bạn đang đặt ra câu hỏi, những gì mà nó gợi ý một lần nữa thiếu tính hữu ích và gần như không mang yếu tố cảm xúc (thứ quyết định trực tiếp đến ý định mua hàng của khách hàng).

Advertisement

Với tư cách là những người làm marketing, khi đối tượng mà bạn phải chinh phục là khách hàng, những người luôn muốn thương hiệu khiến họ cảm thấy được thấu hiểu, được lắng nghe, được cân nhắc và đánh giá cao, một công cụ AI đơn thuần như ChatGPT hiển nhiên chỉ là một phần hỗ trợ (nhỏ).

Nói đến đây, có không ít người sẽ cho rằng ChatGPT đang bị xem thường, ít được coi trọng hay ít có giá trị với những người làm marketing, nhưng thực tế thì không.

Nếu so với các công cụ như Google, ChatGPT ít nhất vẫn có nhiều lợi thế khác biệt, chẳng hạn như khả năng đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng thay vì người dùng phải tìm kiếm và xem qua rất nhiều các website từ trang kết quả tìm kiếm của Google (dữ liệu đầu vào của Google cũng là từ internet tương tự ChatGPT).

Quay trở lại với cách thức hoạt động của ChatGPT hay bất cứ công cụ được hỗ trợ bởi AI nào khác, dữ liệu đầu vào luôn là thứ quyết định đến kết quả đầu ra (những nội dung mà ChatGPT đưa ra).

Advertisement

Đối với ngành marketing, khi khách hàng đang thay đổi hành vi hàng ngày, khi đối thủ liên tục thay đổi chiến lược và mọi thứ liên tục thay đổi trên thị trường, khi các nghiên cứu thị trường chuyên sâu đóng vai trò quyết định đến sự thành công của thương hiệu, với từng thương hiệu lại có từng nhóm khách hàng và nhu cầu khác nhau, bạn có tin rằng, ChatGPT có đủ tất cả các thông tin đó để đưa ra câu trả lời tức thì và có ý nghĩa tới khách hàng hay không?

Với những ai làm marketing, họ hiểu rằng câu trả lời không phải là câu trả lời duy nhất, hay nói cách khác, thông tin về bản chất không phải là yếu tố quyết định, hiểu thông tin (insight) và những gì ẩn dấu đằng sau các dữ liệu lại quan trọng hơn nhiều.

Người làm marketing trong bối cảnh mới không phải đơn giản là người ghi nhận và phân phối thông tin, họ phải là người giải quyết vấn đề, kết nối bằng cảm xúc và hơn thế nữa với khách hàng của họ, tiếc là những trí thông minh này, AI khó có thể có được.

Cuối cùng, hãy nghĩ đến khách hàng, chính là những đối tượng mục tiêu của bất kỳ ai làm marketing, trong suốt hành trình mua hàng, khi họ liên tục tìm kiếm, so sánh và đối chiếu nhiều thông tin khác nhau về thương hiệu từ các nguồn đáng tin cậy khác nhau (báo chí, bạn bè, người có ảnh hưởng hay trực tiếp từ thương hiệu), rõ ràng là họ không thể dựa vào ChatGPT để đưa ra quyết định, một lần nữa, cách thức làm marketing hay phân phối nội dung làm sao có thể bị thay thế bởi chatbot AI này.

Advertisement

Bạn cũng cần tự hỏi liệu người mua hàng của bạn sẽ sử dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin về thương hiệu hay không và họ tin ChatGPT như thế nào?

Các công cụ AI sẽ chỉ giúp tăng cường và cải thiện hiệu suất làm việc thay vì thay thế (nếu có chỉ là một số ít nhóm ngành nhất định).

Thông qua các phân tích ở trên, bạn có thể chắc chắn một điều là, không chỉ với ngành marketing mà với nhiều ngành nghề khác, ChatGPT hay bất kỳ công cụ nào khác về bản chất là không thể thay thế con người mà nếu có chỉ là thay đổi cách thức con người làm việc và kết nối.

Với tư cách là marketer, giờ đây, thay vì hoài nghi về cách ChatGPT hay các công nghệ mới có thể thay thế mình, bạn cần sớm nhận ra rằng, giá trị lớn nhất của mình nằm ở chỗ tạo ra những dữ liệu đầu vào có ý nghĩa, kết nối và giải quyết các vấn đề của khách hàng với tư cách là một con người với nhiều yếu tố cảm xúc.

Bạn cũng cần phân biệt đâu là những phần công việc mà AI hay ChatGPT có thể làm thay được và đâu là những phần “bất khả xâm phạm”.

Advertisement

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement