Skip to main content

Công thức xây dựng cấu trúc bộ phận Marketing (và tăng trưởng thương hiệu)

1 Tháng Tám, 2023

Trong khi tuỳ thuộc vào từng ngành nghề, quy mô doanh nghiệp và hơn thế nữa mà một doanh nghiệp có thể cần một cơ cấu tổ chức marketing khác nhau để thúc đẩy thương hiệu và doanh nghiệp, hãy cùng tham khảo một trong số các công thức đó trong bài viết này.

Công thức xây dựng cấu trúc bộ phận Marketing
Công thức xây dựng cấu trúc bộ phận Marketing

Như bạn có thể thấy qua hình ảnh ở trên, công thức này sẽ được dựa trên hình ảnh của một chiếc roi da, các bộ phận trên cây roi da sẽ là nền tảng để thương hiệu xây dựng cấu trúc bộ phận marketing với mục tiêu thúc đẩy thương hiệu.

Trước hết, hãy tìm hiểu sơ bộ về cây roi da.

Cơ chế hoạt động của một cây roi da.

Một cây Roi sẽ tạo ra lực bằng cách sử dụng động lượng (năng lượng) của một vòng dây di chuyển dọc theo một dải da thon. Khi nó di chuyển, năng lượng được tập trung vào một cấu trúc ngày càng thu hẹp. Điều này giúp khuếch đại năng lượng để đẩy phần đầu dây nhanh hơn đến 30 lần so với chuyển động ban đầu trong phần tay cầm của cây roi.

Cơ chế hoạt động của cây roi này liên quan như thế nào đến cấu trúc marketing của doanh nghiệp?

Trong hầu hết các tổ chức hay doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường ngày nay, Marketing là bộ phận quan trọng và mang tính thách thức hàng đầu.

Cấu trúc của bộ phận marketing càng hiệu quả thì các kết quả có được càng tức thời và bền vững, có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường và ngược lại.

Đối chiếu điều này với cơ cấu các bộ phận của cây roi da nói trên, dưới đây là một số điểm chính được rút ra.

  • Người quản lý thương hiệu sẽ cầm roi.

Thông thường, với các doanh nghiệp vừa và lớn (hay thậm chí là ở các doanh nghiệp nhỏ nhưng có cấu trúc chuyên nghiệp), người quản lý thương hiệu là CMO (Giám đốc Marketing), với trọng tâm là Marketing. Trong các công ty khởi nghiệp, vai trò này cũng có thể là do chính người sáng lập (Founder) đảm nhận.

Ở một số doanh nghiệp khác, người đứng đầu bộ phận này có thể là CGO (Chief Growth Officer), tức là Giám đốc Tăng trưởng.

Khi người quản lý thương hiệu vung roi, sức mạnh và ảnh hưởng của thương hiệu sẽ đi qua từng bộ phận trực thuộc, dẫn dắt tất cả các chiến lược và chuyển động theo cùng một hướng.

  • Phần tay cầm.

Phần tay cầm của roi da có thể được so sánh với chính bản thân thương hiệu (Brand), nơi lưu trữ tất cả mọi tài sản như giá trị thị trường, các nền tảng của thương hiệu (bao gồm những thứ như hệ tư tưởng, bản sắc thương hiệu, định vị thương hiệu, văn hóa thương hiệu…) và hơn thế nữa.

Đây cũng chính là điểm xuất phát để các thương hiệu bắt đầu xây dựng hay thiết lập nhận diện trên thị trường, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu (Brand Awareness) và thu hút đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Chỉ với một chuyển động nhỏ nhất từ phía đầu tay cầm, người quản lý thương hiệu có thể truyền năng lượng vào tay cầm, năng lượng này sẽ truyền xuống roi da, khuếch đại và tạo ra các tiếng vang lớn trên thị trường.

  • Phần dây (phần thân dây).

Phân dây hay phần thân của cây roi hoạt động như các nhóm chức năng trong bộ phận marketing. Cũng giống như các sợi dây trong cây roi, các nhóm này liên kết và đan xen với nhau để hỗ trợ lẫn nhau với mục tiêu là tối đa hoá hiệu suất cuối cùng (thường là hiệu suất bán hàng hoặc các chỉ số gắn liền với bán hàng).

Vì các nhóm này hoạt động đan xen và ảnh hưởng đến nhau. Nếu một đội nhóm hoạt động càng rời rạc không hiệu quả (giống như một sợi dây bị đứt), hiệu ứng cuối cùng hay lực mà sợi dây tạo ra sẽ giảm dần đi.

Các đội nhóm này có thể là bán hàng, tài chính, sáng tạo, truyền thông, Content Marketing, SEO, Digital Marketing, Social Media hoặc bất kỳ đội nhóm nào nào khác có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thương hiệu tiếp cận thị trường.

  • Điểm gần cuối phần dây lớn (Hitch).

Có thể hiểu phần này như là các hoạt động cụ thể của các bộ phận chức năng nói trên ví dụ như quảng cáo, tổ chức sự kiện, Digital Marketing hay trade marketing.

Nếu các hoạt động này được thực hiện không thành công, mọi nỗ lực bán hàng sau đó càng trở nên khó khăn hơn.

  • Phần dây nhỏ và mỏng gần cuối dây (Fall).

Đây chính là nơi mà tất cả các hoạt động marketing đã được chuyển đổi dưới dạng công cụ bán hàng dù là trong thị trường kỹ thuật số hoặc tại các cửa hàng (truyền thống).

Các công cụ bán hàng được thiết kế để thu hút và tương tác (trực tiếp) với người tiêu dùng mục tiêu, bao gồm những thứ như khuyến mãi bán hàng, tương tác với khách hàng các phương tiện truyền thông mạng xã hội, website, POSM, OOH…

  • Phần điểm cuối cùng của dây (Popper).

Phần cuối cùng này chính là quá trình chuyển đổi từ khách hàng mục tiêu hay khách hàng tiềm năng sang khách hàng (giai đoạn bán hàng tới khách hàng).

Doanh nghiệp càng thiết kế quá trình này trở nên thuận tiện và dễ dàng thì quá trình chuyển đổi khách hàng càng hiệu quả và ngược lại.

Với tư cách là người bán hàng (tiếp xúc với khách hàng), mỗi một lần bán là một cơ hội để làm tăng thêm (hoặc giảm đi) giá trị của thương hiệu, làm cho lần bán hàng tiếp theo trở nên dễ dàng hơn (hoặc khó khăn hơn).

Cũng tương tự như cách hoạt động của cây roi, để sau khi phần lực được tạo ra hay phần dây di chuyển không chạm ngược lại vào người cầm roi (Tác động không mong muốn), thương hiệu cần phải thực hiện cái gọi là chăm sóc khách hàng sau bán hàng (Hậu mãi).

Chăm sóc khách hàng là quá trình quyết định đến mức độ khó hay dễ của lần bán hàng tiếp theo với chính khách hàng đó hoặc các khách hàng khác (bao gồm cả những ảnh hưởng từ người mua hàng trước đó tới những người chưa mua hàng).

Một số bài học được rút ra.

Như bạn có thể thấy, để vận hành cây roi một cách trơn tru, bạn cũng cần phải tuân theo các cơ chế nhất định và các phần trên cây roi lại có tác động lẫn nhau, cũng như cách thức cấu trúc của các bộ phận chức năng trong marketing.

Để bộ phận này hoạt động một cách hiệu quả và mang lại kết quả cao nhất, dưới đây là một số điểm quan trọng bạn phải ghi nhớ.

  1.  Đảm bảo người cầm roi là người có hiểu biết toàn diện về tổ chức hay doanh nghiệp, với khả năng sắp xếp các phòng ban chức năng trực thuộc và tạo ra sự phát triển bền vững.
  2. Hãy tập trung vào tầm nhìn và giá trị của thương hiệu. Đảm bảo rằng thương hiệu là điểm cốt lõi hay mục tiêu của mọi đội nhóm chức năng, có vai trò hướng dẫn tất cả các bộ phận hay hoạt động đi theo một hướng nhất định.
  3. Vì các đội nhóm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất marketing tổng thể và bán hàng cuối cùng. Hãy đảm bảo rằng bộ phận đang được lấp đầy bởi các cá nhân có năng lực.
  4. Để khiến cho quá trình bán hàng trở nên hiệu quả hơn, hãy tập trung xây dựng các hệ thống hay công cụ bán hàng, bao gồm cả các công cụ hỗ trợ tự động.
  5. Liên tục quan sát, phân tích và hành động dựa trên các thông tin và insights có được từ thị trường. Các phản hồi của khách hàng và dữ liệu thị trường luôn đóng vai trò quan trọng đến việc tối ưu hoá chiến lược marketing.

Tóm lại, hiệu quả của marketing (và bán hàng) đến từ việc thiết kế và xây dựng một cấu trúc phòng ban marketing phù hợp, hoạt động chéo và hỗ trợ lẫn nhau cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là khách hàng.

Cấu trúc này càng mượt mà và thông suốt thì càng hiệu quả và ngược lại.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Funding Societies của Singapore vừa huy động được 25 triệu USD

22 Tháng Mười Hai, 2024
Funding Societies, công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore, vừa huy động…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …