Skip to main content

Hành trình Management Trainee #2

13 Tháng Tư, 2020

Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.

management trainee

Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận.

Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để đậu MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp MT” thành công, thì cần những tố chất gì.

Advertisement

Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN thi MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.

Bài chia sẻ của bạn Nguyễn Đức Minh đến từ Unilever Vietnam. Tốt nghiệp thành công chương trình MT 2013, Đức Minh hiện đang là E-Commerce Manager ngành hàng Chăm sóc nhà cửa khu vực Đông Nam Á của Unilever và hiện đã gắn bó với Unilever hơn 6 năm.

Hành trình trước khi “tốt nghiệp” Management Trainee của Unilever Future Leaders Program (UFLP) – đa dạng và đầy màu sắc với những cột mốc chính:

  • 3 tháng đi thị trường và làm ở phòng Sales với vai trò là Nhân viên bán hàng và Quản lý Bán hàng.
  • 18 tháng làm ở phòng Marketing với vai trò Trợ lý Nhãn hàng (Assistant Brand Manager).
  • 6 tháng làm việc tại Singapore với vị trí Regional Assistant Brand Manager cho nhãn hàng Surf, quản lý 3 thị trường chính: Việt Nam, Philippines và Australia – New Zealand.

* Trước hết cảm ơn Minh đã đồng ý chia sẻ những trải nghiệm của Minh trong hành trình làm MT tại Unilever Vietnam với bạn đọc. Minh có thể chia sẻ về những công việc đầu tiên tại đây với vai trò là một MT không?

Advertisement

Cảm ơn Brands Vietnam đã tạo cơ hội để Minh chia sẻ với các bạn trẻ về hành trình MT của mình. Tại Unilever, MT chính là “những lãnh đạo tương lai” có tâm – có tầm. Chính vì thế, tất cả MT đều bắt đầu hành trình với những hoạt động cơ bản nhất trong kinh doanh để thật sự tiếp xúc và thấu hiểu khách hàng: từ người tiêu dùng, nhà phân phối đến những cửa hàng bán lẻ, siêu thị để có thể xây dựng nền tảng vững chắc nhất cho công việc sau này.

Từ choáng ngợp vì sự đồ sộ, chuyên nghiệp và có phần “lung linh” của Unilever sau tuần giới thiệu đầu tiên ở văn phòng, giai đoạn làm Sales đã kéo Minh “về mặt đất” với những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng khó nắm bắt hết nếu không qua trải nghiệm thực tế. Thời gian này, Minh trở thành một nhân viên bán hàng thực thụ: có KPI cụ thể về số lượng cửa hàng cần kiểm tra mỗi ngày và doanh số từng tháng.

Lúc ấy, dù đã chuẩn bị sẵn sàng và hừng hực khí thế bắt đầu, Minh đã không lường trước sự khắc nghiệt của thời tiết, với nắng mưa thất thường rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì công việc làm Sales luôn đòi hỏi di chuyển nhiều giữa các điểm bán, nên Minh nghĩ mỗi người hãy chuẩn bị thật chu đáo về sức khỏe, đừng để “lực bất tòng tâm” vì chưa sẵn sàng cho hành trình này.

Bên cạnh đó, Minh cũng “start with the end in mind”: xác định mục tiêu của mỗi giai đoạn, lên kế hoạch, chọn vấn đề để tập trung, tăng hiệu quả công việc. Minh hiểu rằng, sau 4 tuần chóng vánh ở vị trí nhân viên bán hàng một trọng trách lớn hơn là Quản lý Bán hàng (Sales Supervisor) đang chờ đợi. Để có thể trực tiếp quản lý đội ngũ nhân viên bán hàng của nhà phân phối, ngoài hiểu rõ quy trình, công việc và đạt chỉ tiêu bán hàng, Minh cũng thường xuyên trò chuyện với các anh chị bán hàng – những người mình sẽ quản lý để tìm hiểu khó khăn, thách thức mà họ gặp phải. Hơn nữa, Minh cũng học cách quan sát các anh chị Quản lý Bán hàng và ghi chú những điểm quan trọng, từ cách giao chỉ tiêu, điều phối buổi họp đầu ngày, cách làm báo cáo cuối tháng… để rút ra bài học cho mình.

Advertisement

Cuối cùng, là một Marketer, Minh cũng chú tâm quan sát và tìm hiểu cách các sản phẩm của mình và đối thủ triển khai thực tế trên thị trường như thế nào để có những lưu ý, bài học và đề xuất trong tương lai.

* Kết thúc thời gian làm nhân viên bán hàng, vai trò tiếp theo của Minh là gì?

Kết thúc 4 tuần bán hàng, Minh được giao vị trí Quản lý Bán hàng tại khu vực Bình Thạnh và chịu trách nhiệm ngành hàng Dầu gội và Kem đánh răng của Unilever.

Không phủ nhận, vào thời gian đó, có nhiều nỗi sợ và áp lực vô hình trong Minh: sợ mọi người không đánh giá cao ý kiến của mình, sợ bị phản đối, sợ không đạt KPI và trên tất cả, là áp lực khi được giao nhiệm vụ quản lý một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm hơn rất nhiều cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề… Chính vì những nỗi lo lắng chất chồng đó, ngày đầu tiên họp cùng đội ngũ nhân viên bán hàng, lúc đứng lên giao chỉ tiêu, Minh đã từng lắp ba lắp bắp không nói trọn vẹn, dù trước đó đã trao đổi kỹ với sếp.

Advertisement

Nhưng rồi Minh nhận ra, tất cả những áp lực và khó khăn đó là do chính bản thân tự tạo nên chứ không phải là mọi người xung quanh. Vậy nên, bài học đầu tiên của Minh là, đừng tự tạo áp lực tiêu cực cho bản thân, vì xung quanh bạn vẫn có sự chân thành và hết lòng hỗ trợ từ các anh chị ở nhà phân phối. Các anh chị hiểu rõ vì mình là sinh viên mới ra trường, thiếu sót là điều không tránh khỏi. Từ sau lần đó, Minh học cách cởi mở với những đánh giá của người khác, thể hiện sự ham học hỏi nên được quý mến và chia sẻ thẳng thắn, góp ý về phong cách làm việc và dần dần, mọi thứ đều trở nên suôn sẻ hơn.

Bên cạnh đó, rất may mắn vì với UFLP, Minh luôn có một người coach cho từng giai đoạn nên chưa từng thấy đơn độc trên hành trình. Trong giai đoạn này, anh Quản lý Bán hàng khu vực Hồ Chí Minh (Area Sales Manager) và các anh chị Quản lý Bán hàng khác cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm qua training có hệ thống hoặc qua thực tiễn “on-the-job”, giúp Minh làm tốt hơn theo thời gian.

Minh vẫn còn nhớ như in những lúc theo các anh Quản lý Bán hàng đến thị trường quan sát và thực hành các bước bán hàng tiêu chuẩn, học cách trò chuyện, giao tiếp tạo mối quan hệ với khách hàng cũng, chốt sales, v.v…. Những bài học đó “thấm” rất nhanh và có thể áp dụng ngay lập tức vào công việc. Với những chiến lược Minh tự đề xuất cho nhà nhân phối cũng như cách quản lý nhân viên, Minh đều thảo luận, chủ động xin ý kiến và “tận dụng” tối đa từ các anh chị, vì biết rằng không ngại hỏi chính là cách để mình phát triển nhanh nhất. Sợi dây áp lực vô hình cứ thế được tháo bỏ để Minh tự tin hơn thể hiện và hoàn thành tốt trong giai đoạn này.

* Sau khi hoàn thành công việc tại nhà phân phối, vị trí tiếp theo của Minh là gì?

Advertisement

Điều đặc biệt khi tham gia UFLP là bạn sẽ được giao trọng trách rất lớn và quan trọng so với tuổi nghề. Nếu một sinh viên mới tốt nghiệp thường sẽ trở thành Marketing Intern, Executive thì với UFLP, Minh bắt đầu với vị trí Trợ lý Nhãn hàng (Assistant Brand Manager – ABM) của thương hiệu Sunlight, toàn quyền xây dựng, giám sát thực hiện và chịu trách nhiệm nhiều dự án từ phát triển ý tưởng đến khi nhìn thấy thành quả: là nụ cười của khách hàng, là những tăng trưởng về kinh doanh, là sự đồng lòng của cả tập thể với cùng một mục tiêu gắn kết.

Trong giai đoạn này, coach của Minh là Line Manager trực tiếp, và Minh cũng có nhiều dịp tiếp xúc hơn với mentor của mình – (một chị quản lý cấp cao của công ty), những con người cho Minh cơ hội được chia sẻ và học hỏi từ chính bề dày kinh nghiệm của họ. Với mentor, những buổi gặp hàng tháng với chị luôn giúp Minh nhìn lại sự trưởng thành của bản thân theo thời gian. Những câu chuyện không dừng lại ở công việc mà còn đi sâu hơn đến những vấn đề cuộc sống, từ những niềm vui cho đến thử thách trong hành trình bước ra khỏi vùng an toàn của mình, Minh đều có thể tìm thấy được lời khuyên từ chị.

Với coach – Line Manager, Minh cũng luôn chủ động book lịch họp chia sẻ ý tưởng, kế hoạch và nhận những góp ý, trau chuốt để hoàn thiện hơn, hay đôi khi, để “đập đi xây lại từ đầu” vì lệch hướng (cười).

Điều Minh thích ở phòng Marketing tại Unilever là tinh thần dám nghĩ – dám làm để trở thành chất xúc tác cho những sự thay đổi mới mẻ. Có những lúc, Minh từng đề xuất những phương án sáng tạo, khác biệt với khuôn khổ thông thường, có tiềm năng đem lại hiệu quả cao hơn, tuy nhiên, cũng đi cùng rủi ro cao. Nhưng không vì thế mà các anh chị quản lý cấp cao từ chối, ngược lại, luôn sẵn sàng đón nhận và cùng Minh tính toán, thiết lập các phương án dự phòng đối với các rủi ro đó.

Advertisement

* Đảm nhiệm vai trò ABM chắc hẳn là một thử thách và cũng là cơ hội cho bản thân, Minh có thể kể về một chiến dịch đáng nhớ Minh từng thực hiện không?

Một trong những dự án mà Minh nhớ nhất là vào dịp Tết năm 2014 với nhãn hàng Sunlight và đối tượng mục tiêu là người dân khu vực đồng băng sông Cửu Long. Với thông điệp ban đầu là “Một chai Sunlight rửa sạch 34.000 chén đĩa”, nếu lựa chọn hình ảnh và phương pháp tiếp cận không gần gũi, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng lãng quên. Vậy nên, Minh cùng đội ngũ Marketing cần tìm ra một hình ảnh đặc trưng, dễ tạo được sự liên tưởng với người tiêu dùng mục tiêu. Dù nhận nhiều đề xuất ý tưởng từ Agency đối tác, tất cả thành viên trong dự án đều chưa cảm thấy “đã”.

Trong lúc “brainstorm”, mọi người chợt nghĩ đến hình ảnh cầu Cần Thơ khi ấy vừa thành lập vài năm, là hình ảnh biểu tượng của sự thịnh vượng, kết nối giữa thành thị Sài Gòn và vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh ấy ngay lập tức đã được đồng ý và lồng ghép vào thông điệp gốc và trở thành: “Một chai Sunlight rửa sạch 34.000 chén đĩa trải dài khắp cầu Cần Thơ”.Thông điệp này khiến người tiêu dùng ngạc nhiên, xen lẫn tự hào khi hình ảnh quê hương họ được xuất hiện hoành tráng trên các TVC, Print-ads…, mang lại tính thuyết phục cao và góp phần lớn trong sự thành công của toàn chiến dịch.

Cũng từ đó, Minh học được rằng, với Marketing, không chỉ quan trọng là bạn phải làm những thứ “đao to búa lớn” mà chính từ sự chỉn chu, chi tiết và tâm huyết trong từng việc nhỏ nhất, không dễ dàng hài lòng và luôn sẵn sàng vượt qua giới hạn sẽ mang đến trái ngọt. Quan trọng hơn hết, sản phẩm và chiến dịch phải luôn xuất phát và hướng tới người tiêu dùng thì mới có thể mang lại được sự thành công cho nhãn hàng, cũng như mang lại lợi ích thật sự cho người sử dụng sản phẩm. Nhờ vậy, Minh cũng thấu hiểu được hiệu quả của việc “Đặt người tiêu dùng lên hàng đầu” trong thực hiện kế hoạch Marketing.

Advertisement

* Trong thời gian làm tại thương hiệu Sunlight hẳn là không chỉ có thành công mà còn có những thất bại nữa. Có thất bại nào khiến Minh không thể quên không? Phương án giải quyết của Minh là gì?

Song song cùng những kỉ niệm vui, cũng có những nốt trầm trong quá trình làm Marketing của Minh. Minh còn nhớ, vào dịp Tết 2015, team đã lên ý tưởng cho chiến dịch Tết là mua nước rửa chén Sunlight trúng chai Sunlight vàng, giúp nhãn hàng tăng doanh số và nhận diện thương hiệu. Minh từng tự tin rằng người tiêu dùng nông thôn sẽ cảm thấy phấn khích với giải thưởng như mình. Nhưng, qua quá trình khảo sát nhóm, những người tiêu dùng tiềm năng không hề tin câu chuyện mua Sunlight trúng vàng thật, hoặc luôn nghĩ rằng may mắn sẽ không đến với họ.

Khi đó kế hoạch chiến dịch đã được thông qua, ngân sách cũng đã chi cho việc chạy thử, không có kế hoạch dự phòng và nỗi thất vọng vì sự tự tin “vô đối” vào trực giác của mình dâng trào trong Minh. Nhưng Tết đã cận kề, không thể để sự dằn vặt kết thúc mọi thứ, Minh đã nghĩ đến hướng giải quyết chia nhỏ phần thưởng từ một chai Sunlight vàng thành thật nhiều nhẫn vàng, tượng trưng cho những lộc quý đầu năm mà nhãn hàng muốn đem đến với suy nghĩ: “Thay vì tặng người tiêu dùng một niềm vui thật lớn thì đem niềm vui đó chia thành nhiều niềm vui nhỏ ngày đầu năm cùng Sunlight”. 

Thật may mắn, khi Minh đem ý tưởng này ra trình bày với sếp và các phòng ban liên quan, giải thích rõ việc ý tưởng trước đó đã thất bại khi khảo sát và đề xuất hướng đi mới, kèm lý lẽ và rủi ro của phương án thay thế, Minh đã thuyết phục được các anh chị đồng ý, và cùng Minh tính toán các phương án giảm thiểu tối đa rủi ro.

Advertisement

Kết quả là, chương trình Xuân năm ấy đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Sunlight cùng Quyền Linh, đại sứ nhãn hàng đã đem đến cho người dân đồng bằng sông Cửu Long những ngày hội xuân vui tươi, ý nghĩa cùng với những chiếc nhẫn lộc đầu năm. Thời điểm đó, Minh phải di chuyển liên tục, có lúc vừa ở Hà Nội, hôm sau đã bay về Cần Thơ, rồi lại tiếp tục đi xe xuống Đồng Tháp để làm chương trình. Nhưng Minh không hề thấy mệt. Minh vẫn còn giữ một bài thơ của người tham dự chương trình viết về Sunlight được gửi lại cho ban tổ chức sự kiện. Khi nhận được bài thơ ấy, Minh cảm thấy rất xúc động khi người tiêu dùng thật sự trân trọng những giá trị mà thương hiệu mang đến cho họ. Đó là những trải nghiệm làm Minh nhớ mãi.

Hơn hết, Minh tự hào vì mình đã không bỏ cuộc dù rất khó khăn và cũng học được nhiều bài học về việc lên kế hoạch dự phòng cho những lần sau, chưa kể được có kinh nghiệm “chạy nước rút” cực kì đáng nhớ nữa. (cười)

* Trong vai trò là một ABM, những bài học đáng nhớ của Minh là gì?

Là Management Trainee, Minh được giao nhiều trách nhiệm và kỳ vọng phát triển nhanh, mặc dù có sự hỗ trợ từ phía công ty, nhưng bản thân Minh cũng phải cố gắng tối đa để vượt qua giới hạn chính mình, học cách thích nghi với tốc độ và sự phát triển liên tục của công việc. Có những lúc Minh thấy mình phải “bơi” và “ngụp lặn” giữa quá nhiều kiến thức, hệ thống, quy trình vận hành đồ sộ. Tại Unilever, Marketing không chỉ đơn giản là truyền thông mà là cả một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều phòng ban khác nhau và nhiều agency khác nhau.

Advertisement

Vì vậy, với vai trò Assistant Brand Manager và là Project Leader của nhiều dự án, Minh cần phát huy tối đa khả năng lãnh đạo của mình, từ đưa ra chiến lược đến điều phối, đảm bảo sự giao tiếp và thực hiện kế hoạch không bị ngắt quãng theo nguyên tắc “ai-làm-gì” (who do what), ví dụ: R&D phát triển sản phẩm, Supply Chain cung cấp sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và thời gian, hay phối hợp nhịp nhàng giữa các agency về production, media, v.v…. Chưa kể, Minh phải tự học rất nhiều kiến thức Marketing từ các anh chị đi trước và những dự án trong quá khứ của công ty để hoàn thành công việc của mình.

Để tránh bị “đuối nước”, dù có nhiều công việc operation phải làm, Minh vẫn dành thời gian cố định để tự hệ thống hóa quy trình, thay vì chỉ chăm chăm yêu cầu hướng dẫn cụ thể, Minh sẽ tìm hiểu những thông tin chưa rõ qua các anh chị cross function, tận dụng các nguồn hỗ trợ từ công ty như e-learning và hoàn thiện khả năng dẫn dắt dự án qua từng buổi họp. Mọi thành công bắt đầu từ những thói quen tốt, chính vì thế Minh luôn đặt mục tiêu cho bản thân phải chủ động hơn để phát triển mỗi ngày.

* Và hành trình tiếp theo của Minh là gì?

Đầu năm 2016, theo lộ trình của Management Trainee, Minh bắt đầu hành trình luân chuyển quốc tế tại Singapore với vị trí Regional Assistant Brand Manager cho nhãn hàng Surf tại 3 thị trường chính: Việt Nam, Philippines, Australia – New Zealand. Đây là trải nghiệm quan trọng để các bạn MT hiểu hệ thống vận hành toàn cầu của công ty, học hỏi từ các quốc gia khác và sau đó trở lại Việt Nam với tư duy và tầm ảnh hướng lớn hơn.

Advertisement

Thời gian này, Minh được làm Business Development – xây dựng nhãn hàng với những quy trình nền tảng của Marketing, từ lên ý tưởng và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, Minh còn có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi với những đối tác lớn, nhiều kinh nghiệm với những kiến thức, kĩ năng luôn làm Minh ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Giai đoạn này cũng có rất nhiều thách thức khi Minh vừa phải đối mặt với khung giờ làm việc dàn trải với các đối tác quốc gia ở nhiều múi giờ, với văn hóa, và đôi khi cả cách nghĩ khác nhau, vừa phải nỗ lực rất nhiều để bắt kịp với quy trình và lượng kiến thức đồ sộ ở vị trí mới.

Vì vậy, Minh luôn rèn luyện thể thao để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng tiếp thu kiến thức trong trạng thái tốt nhất, cũng như chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để không “gục ngã” với những giờ họp tréo ngoe mà lấy việc được gặp, thảo luận, học hỏi với những bạn đồng nghiệp khắp thế giới làm niềm vui.

Tháng 8/2016, Minh tốt nghiệp MT, trở thành Brand Manager nhãn hàng tẩy rửa. Gần 3 năm sau MT, hiện nay, Minh là E-Commerce Manager ngành hàng Chăm sóc nhà cửa khu vực Đông Nam Á của Unilever, làm việc tại trụ sở tại Singapore. Bên cạnh công việc, Minh cũng thường tự thưởng cho mình những chuyến du lịch đến những vùng đất mới để “refresh” và “reflect” bản thân sau mỗi chặng đường dài. Nói vui một chút, vì người của Unilever ở khắp mọi nơi nên Minh luôn được tiếp đón nhiệt tình ở mỗi hành trình. (Cười)

* Quay lại thời điểm Minh thi MT của Unilever Vietnam, có điều gì Minh muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ không?

Advertisement

Thay lời kết, Minh gửi đôi lời nhắn nhủ các bạn: “Con đường Management Trainee sẽ không hề dễ dàng với rất nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng vài năm sau nhìn lại, các bạn sẽ thấy những trải nghiệm đó xứng đáng vô cùng vì đã giúp các bạn trở thành con người hoàn thiện hơn, đi xa, đi nhanh hơn so với con đường nghề nghiệp thông thường. Vì vậy, đừng ngần ngại và tạo áp lực cho chính mình mà hãy chủ động, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ những người xung quanh và công ty để tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho mình hoàn thành chặng đường ấy. Đừng quên cân bằng bản thân hợp lý – về cả sức khỏe, tinh thần, kiến thức để có đủ năng lượng trên hành trình dài đang chờ đón các bạn.”

 

Hà Anh | MarketingTrips 

theo BrandsVietnam

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement