Inclusive Marketing là gì? 5 quy tắc chiến lược Inclusive Marketing
Cùng tìm hiểu các khái niệm về Inclusive Marketing như Inclusive Marketing là gì, các quy tắc thực thi Inclusive Marketing và hơn thế nữa.
Báo cáo tìm kiếm tiêu dùng của Google cho thấy rằng người tiêu dùng đang đặt nhiều giá trị hơn vào các trải nghiệm và nhu cầu cá nhân của mình.
Các thương hiệu giờ đây đang kỳ vọng vào việc tiếp tục chuyển inclusive marketing hay tiếp thị toàn diện từ một điều gì đó cần có cho thương hiệu thành điều gì đó mà thương hiệu bắt buộc phải làm.
Inclusive Marketing là gì?
Inclusive Marketing là Tiếp thị toàn diện (Tiếp thị đa dạng), khái niệm đề cập đến cách thức các thương hiệu thể hiện sự toàn diện và đa dạng trong các chiến dịch quảng cáo và marketing.
Với Inclusive Marketing, doanh nghiệp xem xét nhiều khía cạnh khác nhau như độ tuổi, thu nhập, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp vào các nội dung marketing với mục tiêu tiếp cận toàn diện hoặc đa dạng tới nhiều nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau.
Google và chiến lược Inclusive Marketing.
Theo Google: “Tại Google, chúng tôi cam kết tới sự thay đổi và ưu tiên inclusive marketing trong tất cả các nỗ lực marketing.”
“Dưới đây là năm nguyên tắc về inclusive marketing mà chúng tôi muốn chia sẻ nhằm giúp các thương hiệu có thể vượt qua những thách thức chung mà chúng ta đang phải đối mặt với tư cách là những người làm marketing.”
“Bên cạnh những nguyên tắc đó, chúng tôi cũng cung cấp một số ví dụ về các thương hiệu như Volvo, Grab và Ngân hàng ANZ, những tổ chức đang ủng hộ những nguyên tắc này tới các chiến dịch và chiến lược marketing của họ”.
Các quy tắc được thể hiện theo phương pháp: vấn đề – giải pháp – ví dụ nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc nắm bắt và ứng dụng vào thực tế.
Quy tắc 1 – Doanh nghiệp của bạn là thương hiệu của bạn.
Vấn đề: Truyền tải các giá trị của bạn, nhưng không kết hợp chúng vào doanh nghiệp của bạn. Chỉ dựa vào marketing để thể hiện các giá trị của bạn trong khi nó cần được thể hiện rõ ràng và minh bạch trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc thương hiệu.
Giải pháp: Trao quyền cho các quan điểm mang tính đa dạng ngay từ đầu và trong toàn bộ chuỗi giá trị của bạn – từ nghiên cứu và sản xuất đến thiết kế trải nghiệm người dùng và marketing.
Hãy nhớ rằng doanh nghiệp của bạn là thương hiệu của bạn, vì vậy sự đa dạng không chỉ được thể hiện thông qua quá trình truyền thông hay giao tiếp mà còn phải được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác của doanh nghiệp.
Với các phòng ban, đối tác hay cả các agency mà doanh nghiệp đang làm việc, tất cả họ đều phải mang trong mình quan điểm và tư duy của sự đa dạng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường sự an toàn về mặt tâm lý để mọi người có thể trao đổi một cách thoải mái và khuyến khích đội nhóm của bạn đặt ra những câu hỏi hóc búa xung quanh sự đa dạng là điều mà bạn cần ủng hộ.
Ví dụ: Volvo, Toàn cầu.
Trong một số trường hợp, việc kết hợp các nỗ lực mang tính đa dạng, công bằng và toàn diện ngay từ đầu có thể tạo ra sự thay đổi lớn trên toàn ngành.
Khi Volvo phát hiện ra rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị thương hơn trong một vụ va chạm xe hơi – nhà sản xuất ô tô này đã bắt đầu thu thập dữ liệu tai nạn trong 40 năm qua để tìm cách bảo vệ tất cả mọi người – bất kể giới tính hay trọng lượng cơ thể như thế nào.
Để cải thiện tính bình đẳng giới trong tất cả các loại xe hơi, Volvo hiện đang chia sẻ nghiên cứu của mình với toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi để giúp tạo ra những chiếc xe hơi an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Quy tắc 2 – Truyền cảm hứng thông qua việc đa dạng hoá những câu chuyện.
Vấn đề: Những câu chuyện quen thuộc và thoải mái đã trở thành điều hiển nhiên.
Giải pháp: Thách thức bản thân và đội nhóm của bạn để trở thành ‘người hùng’ trong mọi khía cạnh của marketing. Sự đa dạng là ưu tiên hàng đầu.
Xem xét các nội dung công việc mà bạn đang nỗ lực và làm cho nó trở nên mang tính đại diện hơn cho các đặc điểm và thuộc tính khác nhau của người tiêu dùng cũng như các trải nghiệm của họ.
Ví dụ: Vicks, Ấn Độ.
Chiến dịch #TouchOfCare của Vicks, một thương hiệu dược phẩm được sở hữu bởi P&G, kể về câu chuyện đầy cảm hứng của Gauri Sawant – một phụ nữ chuyển giới nuôi dạy một cô gái trẻ có tên là Gayatri.
Câu chuyện làm phá vỡ những định kiến vốn có về các cấu trúc và giá trị xã hội của Ấn Độ.
Bằng cách tập trung vào lòng vị tha thay vì chỉ là việc bán một sản phẩm, chiến dịch cho thấy cách một câu chuyện không phân biệt địa vị kinh tế, tín ngưỡng và giới tính có thể mang tính toàn diện và dễ được chào đón hơn.
Ví dụ: YouTube, Hàn Quốc.
YouTube gần đây đã ghi lại một câu chuyện đầy cảm hứng của Jeong-Won Han, một giáo viên thể dục cấp hai bị mất chân trái trong một tai nạn bất ngờ.
Jeong-Won đã dành hết tâm trí cho việc phục hồi chức năng để sớm được trở lại với các học trò của mình, và bằng cách sử dụng YouTube để học chơi gôn – Jeong-Won sau đó đã giành được hai hạng mục tại Giải vô địch thế giới Mỹ dành cho người chơi gôn khuyết tật.
Câu chuyện cho chúng ta thấy một thông điệp rằng mọi người đều có cơ hội được khám phá và thành công theo cách riêng của họ.
Quy tắc 3 – Hãy cố gắng kể những câu chuyện chân thực và dễ hiểu.
Vấn đề: Các kịch bản hay câu chuyện được thiết kế quá kỹ lưỡng có thể khiến nó trở nên giả tạo và thiếu chân thành.
Giải pháp: Kể những câu chuyện thực tế càng nhiều càng tốt, tối ưu những câu chuyện hiện có và hiểu bối cảnh của chúng, thay vì tạo ra những câu chuyện mới.
Nếu bạn hư cấu, hãy đảm bảo rằng nó dựa trên thông tin chi tiết của người dùng thực.
Nhiệm vụ của bạn là kể những câu chuyện chân thực với nhiều người dùng khác nhau.
Tính xác thực và dễ hiểu là chìa khóa cho điều này, vì vậy hãy dựa vào những thông tin chi tiết và thử nghiệm để giúp bạn làm đúng.
Ví dụ: Google, Ấn Độ.
Các vận động viên nữ ở Ấn Độ đang đạt được những thành công rực rỡ, nhưng cộng đồng ít được đại diện (underrepresented community) này không phải lúc nào cũng nhận được sự công nhận mà họ xứng đáng.
Google muốn làm điều gì đó để thay đổi điều này và đã tạo ra một chiến dịch để kỷ niệm hành trình không ngừng hỗ lực của các ngôi sao thể thao như Hima Das, Naina Jaiswal và Pooja Bishnoi, những người đang truyền cảm hứng cho một thế hệ mới với ước mơ lớn.
Ví dụ: Grab, Indonesia.
Là một phần của sáng kiến GrabForGood nhằm trao quyền cho cộng đồng người khiếm thính, chiến dịch “Breaking the Silence” của Grab kể về câu chuyện có thật của một tài xế Grab bị điếc có tên là Joey Kow – với mục tiêu là giải quyết nỗi lo sợ ‘vô hình’ rằng sẽ không an toàn khi đi cùng một tài xế khiếm thính.
Bằng cách tập trung vào nhân vật Joey, chiến dịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện lòng trắc ẩn và sự chấp nhận đối với những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt trong cộng đồng của chúng ta.
Quy tắc 4 – Thách thức những khuôn mẫu.
Vấn đề: Bỏ lỡ những cơ hội với những định kiến đã định trước.
Giải pháp: Theo đuổi những chân dung tích cực của những người trực tiếp dám thách thức những định kiến và khuôn mẫu.
Trước tiên, hãy đảm bảo rằng bạn đang tránh những định kiến cũ bằng cách bao hàm sự đa dạng, sau đó vượt qua chúng thông qua những bức chân dung đa chiều và chân thực.
Ví dụ: K Plus, Thái Lan.
Ứng dụng ngân hàng mới, K Plus, giải quyết sự thiên vị hay định kiến trực tiếp trong chiến dịch “No Stereotype” của họ bằng cách áp dụng cách tiếp cận hài hước hơn để thách thức các khuôn mẫu chung.
Bao gồm lối sống đa dạng của mọi người – những người trẻ cũng có thể “trên 60 tuổi”, những người trưởng thành có trái tim của một đứa trẻ 15 tuổi và những định kiến với những người LGBTQ + (người đồng giới).
Ví dụ: Heinz’s Kecap ABC, Indonesia.
Sau khi khám phá ra rằng những người đàn ông thường được thiên vị hơn khi nói đến việc làm việc nhà và nấu nướng.
Heinz đã khởi động một chiến dịch sử dụng lời chứng thực của một người mới ly hôn để khuyến khích đàn ông cần đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong gia đình.
Họ tạo ra các nguồn tài nguyên trực tuyến để các ông chồng có thể tìm kiếm các công thức nấu ăn, tổ chức các lớp học nấu ăn và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ địa phương để thúc đẩy sự bình đẳng giới.
Quy tắc 5 – Thấu hiểu vai trò của thương hiệu.
Vấn đề: Khi DEI (Diversity – sự toàn diện, Equity – sự bình đẳng và Inclusion – sự toàn diện) trở thành cơ hội để PR.
Giải pháp: Dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu về bối cảnh văn hóa và thương hiệu xung quanh những câu chuyện bạn đang kể và đảm bảo rằng thương hiệu của bạn có thể được bao hàm một cách đáng tin cậy và tích cực vào các câu chuyện.
Mục tiêu cuối cùng của inclusive marketing hay tiếp thị toàn diện không phải là một cơ hội để làm PR (quan hệ công chúng).
Công việc của chúng ta với tư cách là những người làm marketing là thấu hiểu và kết nối với khách hàng bằng cách đảm bảo chúng ta đang đóng góp những thứ tích cực và đáng tin cậy vào các câu chuyện và cộng đồng.
Inclusive Marketing là một cam kết mang tính nền tảng, vì vậy đừng cố biến thương hiệu của bạn trở thành người hùng trong mắt cộng đồng.
Ví dụ: Ngân hàng ANZ, Úc.
Hiểu được rằng nhiều người trong cộng đồng LGBTQ+ cảm thấy lúng túng hoặc sợ hãi khi nắm tay bạn đời của mình ở những nơi công cộng, ngân hàng ANZ tại Úc đã tổ chức khuyến khích các cặp đôi LGBTQ + tham gia chiến dịch với hashtag #HoldTight và ăn mừng hành động nắm tay đó bằng những cách đơn giản.
Bằng cách biến đây trở thành một câu chuyện chính thống, ngân hàng ANZ hy vọng sẽ khơi dậy những cuộc trò chuyện và thay đổi nhận thức trong cộng đồng rộng lớn hơn.
Bài học rút ra.
- Trao quyền cho các quan điểm mang tính đa dạng trong suốt chuỗi giá trị của bạn.
- Thử thách bản thân và đội nhóm của bạn trong việc dẫn dắt sự đổi mới trong mọi hoạt động marketing.
- Kể những câu chuyện chân thực càng nhiều càng tốt – nếu bạn hư cấu, hãy dựa trên những insight sâu sắc nhất về người dùng.
- Theo đuổi và phá vỡ những giả định và khuôn mẫu thông thường.
- Hiểu bối cảnh văn hóa nói chung để làm cho vai trò của thương hiệu của bạn trở nên tích cực và đáng tin cậy hơn trong cộng đồng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips