Marketing hỗn hợp là gì? Ví dụ về Tiếp thị hỗn hợp
Cùng tìm hiểu các nội dung xoay quanh thuật ngữ Marketing hỗn hợp (Tiếp thị hỗn hợp) như: Marketing hỗn hợp là gì? Các mô hình chiến lược marketing hỗn hợp (tiếp thị hỗn hợp) phổ biến nhất trên thế giới? Ví dụ về marketing hỗn hợp? Marketing hỗn hợp bao gồm những thành phần chính là gì? và hơn thế nữa.
Marketing hỗn hợp hay còn đượ gọi là Tiếp thị hỗn hợp là khái niệm đề cập đến mô hình làm marketing trong đó người làm marketing kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như giá bán, khuyến mãi hay phân phối trong chiến lược thực thi. Marketing hỗn hợp cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi như: Điều gì đã thúc đẩy doanh số bán hàng? Lợi tức đầu tư (ROI) của thương hiệu là bao nhiêu, làm cách nào để tối ưu hóa các khoản đầu tư marketing của thương hiệu và hơn thế nữa.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips đề cập trong bài bao gồm:
- Marketing hỗn hợp là gì?
- Marketing là gì?
- Vai trò của marketing hỗn hợp đối với thương hiệu là gì?
- Khái niệm Marketing hay Marketing Model.
- Mô hình chiến lược marketing hỗn hợp 7P (s) và marketing hỗn hợp 4P (s) là gì?
- Một số mô hình kết hợp cả việc phân tích kinh doanh và quản trị marketing khác.
- Nghệ thuật ứng dụng của mô hình marketing hỗn hợp.
- FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với marketing hỗn hợp.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp là gì?
Marketing hỗn hợp (Tiếp thị hỗn hợp) là khái niệm đề cập đến cách thức một doanh nghiệp hay thương hiệu sử dụng các chiến lược và công cụ khác nhau để thực hiện các hoạt động Marketing của họ với mục tiêu là gia tăng lượng khách hàng và doanh số.
Sở dĩ marketing hỗn hợp được gọi là mô hình tiếp thị hỗn hợp vì mô hình này chứa một tập hợp nhiều các thành phần chiến lược khác nhau như chiến lược giá (Price), chiến lược sản phẩm (Product), chiến lược phân phối (Place), chiến lược xúc tiến (Promotion) và một số thành phần chiến lược khác.
Một chiến lược marketing hỗn hợp tốt là hỗn hợp bao gồm một loạt các chiến lược chính cho phép chủ doanh nghiệp hay người làm marketing nhắm mục tiêu vào một phân khúc thị trường cụ thể và phát triển hình ảnh thương hiệu dựa trên phân khúc đó.
Trong các bản Marketing Plan, marketing hỗn hợp sẽ xác định tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường mục tiêu và khách hàng lý tưởng đồng thời thể hiện rõ cách chúng hoạt động cùng nhau để thúc đẩy hiệu quả tổng thể.
Marketing hỗn hợp còn được gọi là Tiếp thị hỗn hợp.
Marketing là gì?
Trong khi có vô số các thuật ngữ hay định nghĩa đề cập đến marketing, không có bất cứ một định nghĩa nào đến thời điểm hiện tại được cho là toàn diện và “đúng đắn” nhất.
Cho dù doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nào, nhu cầu về marketing ra sao, tuỳ thuộc vào từng góc nhìn và cách tiếp cận, marketing được hiểu theo những cách tương đối khác nhau.
Theo góc nhìn của MarketingTrips, Marketing là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng so với đối thủ cạnh tranh.
Khái niệm này đã bao gồm rất nhiều quy trình của hoạt động Marketing như: nghiên cứu thị trường để tìm hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng (insight), nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu về giá, phân phối và tất nhiên kể cả những hoạt động xúc tiến (quảng cáo, PR, khuyến mãi, marketing trực tiếp, bán hàng cá nhân)…
Vai trò của các mô hình marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp đối với thương hiệu là gì?
Tuỳ vào cách mà doanh nghiệp hay thương hiệu áp dụng các mô hình tiếp thị hỗn hợp vào các bối cảnh kinh doanh khác nhau, kết quả nhận được có thể khác nhau, dưới đây là một số vai trò chính mà các mô hình tiếp thị hỗn hợp có thể mang lại.
Các mô hình tiếp thị hỗn hợp là kim chỉ nam mang tính định hướng chiến lược cho toàn bộ các hoạt động Marketing.
Hãy giả sử rằng bạn là một marketer mới hay chủ một doanh nghiệp chẳng hạn, nếu bạn cần một bản kế hoạch tổng thể mang tính toàn diện cho mọi hoạt động marketing của doanh nghiệp hay thương hiệu thì bạn sẽ bắt đầu như thế nào?
Dù cho mô hình marketing hỗn hợp mà bạn đang chọn là gì, là 4P (s) (bao gồm Product, Price, Place và Promotion) hay 7P (s) (ngoài 4P có ở mô hình 4Ps sẽ có thêm People, Physical Evidence và Process), thì rõ ràng bạn đang có đủ các chiến lược hay công việc cần làm của Marketing.
Từ các khâu như thiết kế sản phẩm, xây dựng chiến lược giá bán, xây dựng các hoạt động quảng cáo, PR, bán hàng trực tiếp (có trong P – Promotion), đến lựa chọn kênh phân phối cho các sản phẩm, bạn có thể đảm bảo rằng mình đang làm “đủ” tất cả những gì cần làm để đưa sản phẩm đến với tay khách hàng.
Các mô hình tiếp thị hỗn hợp cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả của Marketing và xây dựng lợi thế cạnh tranh.
Như MarketingTrips đã phân tích ở trên, vì các mô hình tiếp thị hỗn hợp hay marketing hỗn hợp là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp định hướng các hoạt động Marketing, căn cứ vào hiệu suất của các thành phần khác nhau, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá hiệu quả của từng thành phần và từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của chiến lược.
Ví dụ nếu bạn phát hiện ra rằng chiến lược giá bán của bạn không phù hợp với phần lớn các khách hàng trong phân khúc, bạn có thể điều chỉnh lại mức giá (hoặc tối ưu nguyên liệu đầu vào) để nhận được sự chấp nhận cao hơn từ khách hàng.
Ngoài ra, việc vận dụng một cách linh hoạt các mô hình marketing hỗn hợp cũng có thể giúp doanh nghiệp hay thương hiệu xây dựng các lợi thế cạnh tranh hay điểm bán hàng riêng biệt (USP) khác so với đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ nếu bạn xây dựng nên một loạt các lợi thế về chiến lược giá bán (Price), phân phối (Place), tính năng sản phẩm (Product) hay thậm chí là khác biệt hoá các hoạt động quảng cáo (Promotion), rõ ràng là bạn có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Khái niệm Mô hình Marketing hay Marketing Model.
Các mô hình marketing (marketing models) là những công cụ hữu ích để cấu trúc ý tưởng kinh doanh và truyền đạt một cách hiệu quả các chiến lược bán hàng.
Bất kể bạn chọn mô hình gì cho doanh nghiệp của mình, một mô hình tiếp thị động (dynamic marketing model) có thể là một công cụ thiết yếu để dự đoán sự thành công của doanh nghiệp hoặc thương hiệu.
Bởi vì trên thực tế có rất nhiều mô hình marketing khác nhau, bạn có thể cần phải khám phá (hoặc thử nghiệm nếu được) nhiều mô hình trước khi tìm thấy một mô hình phù hợp nhất với mục tiêu và nhu cầu của doanh nghiệp mình.
Mô hình tiếp thị là một công cụ mà các nhà tiếp thị (marketers) và doanh nghiệp sử dụng để hiểu được sức mạnh và tiềm năng doanh thu của một sản phẩm, thương hiệu hay một doanh nghiệp cụ thể.
Các mô hình marketing xem xét các chiến lược và tham số tổng thể liên quan đến việc marketing, truyền thông, quảng cáo… cho một thương hiệu hay các sản phẩm của doanh nghiệp đó.
Mục đích cuối cùng của các mô hình marketing là giúp những người làm marketing xác định chiến lược marketing của họ, quyết định phần nào của thị trường mà họ sẽ nhắm mục tiêu, dự báo những tác động của các hành động nhất định đối với người tiêu dùng và từ đó xây dựng các ước tính doanh thu cụ thể.
Mô hình chiến lược marketing hỗn hợp 4P (s) và marketing hỗn hợp 7P (s) là gì?
Trong khi có không ít người làm marketing vẫn nhầm lẫn rằng marketing hỗn hợp 7P là mô hình nâng cấp lên từ mô hình gốc marketing hỗn hợp 4P, sự thật là hai mô hình marketing này khác nhau về cách thức sử dụng tuỳ thuộc vào các mô hình kinh doanh khác nhau, vậy sự khác biệt đó là gì?
4P (s) đại diện cho sản phẩm (P – Product), giá (P – Price), phân phối (P – Place) và xúc tiến (Promotion). Mô hình Marketing 4P thường được áp dụng cho các doanh nghiệp có sản phẩm là hàng hoá (hữu hình). Ngược lại, mô hình Marketing 7P thường áp dụng cho các mô hình sản phẩm là dịch vụ (vô hình).
Ngoài bốn chữ cái P đã được thể hiện trong 4P, mô hình marketing hỗn hợp 7P còn có thêm con người (P – People), quy trình (P – Process) và những minh chứng hữu hình (P – Physical Evidence).
Bằng cách sử dụng bảng phân tích 4P hoặc 7P, marketer có thể phân tích từng khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp để xác định các cách họ có thể tối ưu hóa chiến lược và đạt được các mục tiêu tương ứng.
Dưới đây là những giải thích cụ thể theo từng chữ P tương ứng:
- P1: Product hay Sản phẩm: đề cập đến bất cứ thứ gì doanh nghiệp đang bán.
- P2: Price hay Giá bán thể hiện việc doanh nghiệp bán một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể với giá bao nhiêu (tiền).
- P3: Place hay Phân phối là nơi sản phẩm (hay dịch vụ) được bán, đó có thể là trực tuyến hoặc ngoại tuyến, có thể là trong các siêu thị hay tại các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ…
- P4: Promotion hay Xúc tiến: đề cập đến các phương pháp truyền thông nói chung mà thương hiệu sử dụng để quảng bá sản phẩm của mình tới các nhóm đối tượng mục tiêu hay thị trường. Một số thành phần hay công cụ chủ yếu của Xúc tiến là quảng cáo, quan hệ công chúng (PR), khuyến mãi, marketing trực tiếp và bán hàng cá nhân.
- P5: People hay Con người là tất cả những ai có tham gia vào quá trình sản xuất, quảng bá và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp đến với khách hàng.
- P6: Process hay Quy trình mô tả các phương pháp mà doanh nghiệp sử dụng để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho khách hàng.
- P7: Physical Evidence hay Minh chứng hữu hình là những bằng chứng nhằm mục tiêu đảm bảo với khách hàng rằng một doanh nghiệp cụ thể có đủ sự tin tưởng và tồn tại (về mặt vật lý). Các minh chứng hữu hình có thể là hệ thống trang thiết bị, máy móc, văn phòng, các giấy chứng nhận kinh doanh, biên lai thuế…
Mặc dù các mô hình marketing hỗn hợp giúp doanh nghiệp định hình rõ các chiến lược cần làm, việc xác định ROI của marketing cần nhiều hơn một phép tính.
Khi bối cảnh truyền thông ngày nay ngày càng trở nên rời rạc và đan xen lẫn nhau, các mô hình marketing hỗn hợp cũng gặp khó khăn trong việc dự đoán các hiệu suất trong tương lai.
Nghệ thuật của mô hình marketing hỗn hợp.
Để hiểu rõ về các mô hình marketing hỗn hợp, các nhà quảng cáo thường dựa vào chuyên môn kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của họ. Tuy nhiên, có nhiều thứ khác liên quan đến chiến lược đo lường bên cạnh yếu tố khoa học đằng sau các mô hình đó.
Việc kết hợp các bối cảnh kinh doanh để định hình các mô hình marketing hỗn hợp là một nghệ thuật, một nghệ thuật với những hàm ý đối với kết quả của các mô hình.
Các nhà quảng cáo nắm bắt được nghệ thuật đó có thể trao quyền cho doanh nghiệp của họ để đưa ra các quyết định dựa trên việc đo lường một cách có chiến lược hơn.
Dưới đây là 03 bước mà các marketer có thể thực hiện để nắm bắt yếu tố nghệ thuật của các mô hình tiếp thị hỗn hợp.
Bắt đầu bằng sự chi tiết.
Hãy nhớ rằng số lần hiển thị (impressions) không bằng nhau giữa các nền tảng hoặc thậm chí trên cùng một nền tảng.
Khi nói đến việc đo lường dành riêng cho video, các mô hình marketing hỗn hợp sẽ đánh giá tất cả các lần hiển thị của bạn, nhưng các nền tảng có thể khác nhau rất nhiều về thời gian xem (watch time), khả năng xem (viewability) và khả năng nghe (audibility).
Cùng một dữ liệu có thể tạo ra các kết quả rất khác nhau tùy thuộc vào cách kết hợp dữ liệu đó vào các mô hình.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Google với Nielsen cho thấy rằng khi các mô hình marketing hỗn hợp của các thương hiệu CPG (hàng đóng gói tiêu dùng) đánh giá các nền tảng video riêng lẻ thay vì tổng hợp dữ liệu, thì lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo (ROAS) thay đổi tới 48%.
Định dạng quảng cáo có thể khác nhau rất nhiều. Ví dụ: trên YouTube, quảng cáo có thể bao gồm từ các video 30 giây không thể bỏ qua đến các quảng cáo đệm dài 6 giây.
Mặc dù cả hai định dạng này đều có thể mang lại ROI cho marketing, nhưng chi phí và hiệu quả của số lần hiển thị của chúng sẽ không giống nhau.
Vì vậy, các nhà quảng cáo hay người làm marketing đảm bảo tận dụng dữ liệu một cách chi tiết nhất từ các nền tảng và mô hình của họ sẽ có thể xác định giá trị tương ứng của các lần hiển thị khác nhau.
Như với bất kỳ mô hình nào, mô hình marketing hỗn hợp cũng có các giới hạn nhất định. Nhưng phân tích càng chi tiết bạn càng có thể có các quyết định sáng suốt hơn.
Thêm các bối cảnh kinh doanh vào mô hình marketing hỗn hợp.
Khoa học của các mô hình marketing hỗn hợp có thể cho bạn biết ROI của bạn là bao nhiêu, nhưng nó không thể cho bạn biết lý do tại sao nếu bạn không có ngữ cảnh (context).
Việc lấy dữ liệu ở cấp độ định dạng (format-level data) và chi tiết là một bước khởi đầu, nhưng định dạng chỉ là một yếu tố làm thúc đẩy ROI.
Theo Nielsen Catalina Solutions, yếu tố sáng tạo chiếm 47% ROI của video – tuy nhiên, các mô hình marketing hỗn hợp không được thiết kế để đánh giá các tài sản sáng tạo riêng lẻ.
Bạn cần làm việc với các nhà xuất bản nội dung (nền tảng nội dung) để thu thập những thông tin chi tiết về việc mua các phương tiện truyền thông (media Buying) của bạn và xác định bất kỳ dữ liệu nào khác cần thiết cho mô hình.
Sự cộng tác sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của bạn đánh giá việc những thay đổi này trong chiến lược sẽ tác động như thế nào đến ROI của marketing. Nếu thực hiện đúng, điều này có thể dẫn đến nhiều ROI hơn theo thời gian.
Các yếu tố ảnh hưởng đến ROI bao gồm:
- Sáng tạo.
- Hỗn hợp các định dạng quảng cáo.
- Độ tiếp cận.
- Tần suất.
- Chiến lược nhận diện đối tượng mục tiêu.
- Khả năng xem.
Trong một phân tích tổng hợp về các mô hình marketing hỗn hợp mà Google ủy quyền cho Nielsen thực hiện, trung bình, ROAS trên YouTube tăng 108% cho các thương hiệu sau khi họ cộng tác với Google, mức tăng gấp 7 lần so với các thương hiệu không cộng tác.
Chia sẻ thông tin chi tiết về các phương tiện truyền thông của bạn sẽ cho phép các nhà lập mô hình hiểu điều gì đã ảnh hưởng đến những thay đổi trong ROI của marketing và cuối cùng sẽ giúp bạn hình thành các chiến lược kinh doanh thông minh hơn.
Tạo ra nhiều sự minh bạch hơn.
Không có mô hình nào là hoàn hảo, bao gồm cả các mô hình marketing hỗn hợp. Một nhóm các nhà khoa học dữ liệu của Google từng xuất bản một bài viết cho rằng cách các mô hình marketing hỗn hợp sử dụng cùng một dữ liệu vẫn có thể cho ra các ROI khác nhau.
Với suy nghĩ đó, thay vì chấp nhận tất cả các kết quả đầu ra, hãy hỏi các nhà cung cấp dịch vụ đo lường của bạn về biên độ sai số của các mô hình để có các đề xuất cụ thể.
Đừng dựa vào bất kỳ quyết định kinh doanh nào dựa trên các mô hình marketing hỗn hợp của bạn như là một nguồn sự thật duy nhất.
Thay vào đó, hãy dành thời gian để thiết kế các thử nghiệm khác nhau, từ đó có thể cung cấp cho bạn các góc nhìn khác về độ chính xác của mô hình.
Các mô hình marketing hỗn hợp là một công cụ có giá trị để đo lường, nhưng chỉ riêng yếu tố khoa học thì không thể đưa ra tất cả các câu trả lời đúng.
Nghệ thuật của việc nâng cao và tối ưu các mô hình là nơi các nhà tiếp thị có thể bắt đầu để giúp thu thập dữ liệu và bối cảnh từ các nhà xuất bản nội dung và thúc đẩy các nhà cung cấp trở nên minh bạch hơn.
Với những bước nhỏ này, các đội nhóm có thể nâng cao độ chính xác của các mô hình marketing hỗn hợp nhiều hơn, dẫn đến kết quả là cho phép họ đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt hơn.
Một số câu hỏi thường gặp với marketing hỗn hợp (FAQs).
- Marketing hỗn hợp trong tiếng Việt có nghĩa là gì?
Trong tiếng Việt, marketing hỗn hợp có thể hiểu là Tiếp thị hỗn hợp, tức sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong cùng một chiến dịch hoặc chiến lược.
- Marketing hỗn hợp 4P là gì?
Như đã phân tích ở trên, marketing hỗn hợp 4P (s) chính là mô hình tiếp thị hỗn hợp sử dụng các yếu tố bao gồm Sản phẩm, Giá cả, Phân phối và Xúc tiến. 4 chữ P chính là chữ cái đại diện cho 4 thành phần này.
- Marketing hỗn hợp 7P là gì?
Cũng tương tự như marketing hỗn hợp 4P (s), marketing hỗn hợp 7P (s) cũng tiếp cận theo cách tương tự tuy nhiên ngoài 4 chữ P hiện có còn được bổ sung thêm: P – People (Con người), P – Physical Evidence (Minh chứng hữu hình) và P – Process (Quy trình).
- Kế hoạch marketing hỗn hợp là gì?
Kế hoạch marketing hỗn hợp chính là các bản định hướng công việc cần làm liên quan đến các hoạt động marketing hỗn hợp tổng thể.
Kế hoạch (chiến lược) marketing hỗn hợp có thể bao gồm các nội dung như: chiến lược giá bán, kế hoạch phân phối hàng hoá, các chương trình khuyến mãi…
- Thiết kế marketing hỗn hợp là gì?
Thiết kế marketing hỗn hợp là thuật ngữ đề cập đến quá trình (process) hay hành động xây dựng mô hình và kế hoạch marketing hỗn hợp cụ thể.
Đó có thể là việc kết hợp các thành phần có trong mô hình, chi tiết hoá các thành phần hay loại bỏ một số thành phần không cần thiết ra khỏi mô hình.
Mục tiêu cuối cùng của quá trình này là tạo ra một công thức (framework) tối ưu cho các hoạt động marketing hỗn hợp.
Kết luận.
Hy vọng với bài viết phân tích tương đối chi tiết này, MarketingTrips đã có thể giúp bạn hiểu hơn về các khái niệm như marketing hỗn hợp là gì, các mô hình chiến lược marketing hỗn hợp hay tiếp thị hỗn hợp phổ biến cũng như cách thức ứng dụng các mô hình tiếp thị hỗn hợp vào các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tra Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips