Tại sao người làm marketing đang ngày càng trở nên bị áp lực hơn
Từ việc phải chịu trách nhiệm cho doanh số cuối cùng, thích ứng nhanh với sự thay đổi của khách hàng đến cập nhật liên tục kiến thức ngành, tất cả đều đang làm cho các marketer ngày càng trở nên áp lực hơn.
Khi các chỉ số marketing ngày càng được kết nối chặt chẽ và trực tiếp hơn đến các chỉ số kinh doanh, người làm marketing đang ngày càng cảm thấy căng thẳng hơn.
Họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc tìm thấy các công thức thành công cho các chiến dịch, khó khăn hơn trong việc thúc đẩy chuyển đổi và khách hàng tiềm năng, và cuối cùng là khó khăn trong việc đáp ứng được mục tiêu kinh doanh từ phía ban điều hành.
Mặc dù những áp lực và khó khăn này mang nhiều hình thù khác nhau, tuỳ thuộc vào quy mô, tình hình kinh doanh và bối cảnh của từng doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có một số lý do chính cho điều này.
Mức độ hiệu quả của Marketing đang được đánh giá qua thông kết quả cuối cùng.
Mọi nhiệm vụ của người làm marketing cần phải đo lường được kết quả cuối cùng, đó là những gì mà khách hàng hay các chủ doanh nghiệp đang mong đợi. Và đây dường như là lý do chính khiến các marketer trở nên bị áp lực nhất.
Họ lo lắng:
- Điều gì sẽ xảy ra nếu sau 6 tháng nỗ lực, họ không đạt được các kết quả mong đợi?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ lệ chuyển đổi đang ngày càng giảm đi?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu lưu lượng truy cập vào website ngày một vơi dần?
- …Và muôn vàn những lo lắng khác.
Trong khi kết quả hay hiệu suất cuối cùng của các chiến dịch có thể đến chậm hơn, các khách hàng (nếu bạn đang làm cho Agency) và chủ doanh nghiệp thường có rất ít sự kiên nhẫn, họ tỏ ra vô cùng thất vọng nếu sau một vài lần thử bạn không đạt được kết quả.
Một vài lời khuyên dành cho bạn:
Để có thể giảm đi sự thất vọng của các bên liên quan, trước khi thực hiện bất cứ hành động hay chiến dịch nào, bạn cần xem xét kỹ lưỡng mục tiêu mà bạn đang thực sự mong muốn đạt được, nó có khả thi không, nó có liên quan không, bạn đưa ra nó dựa trên dữ liệu nào.
Nếu bạn có thể chứng minh được những gì (KPIs) mà bạn có thể đạt được là hợp lý dựa trên những nguồn lực (bên trong và bên ngoài) hiện có, bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng vì dù sao thì mục tiêu bạn đang hướng tới cũng rất khả thi.
Tìm ra những điểm tiêu chuẩn (benchmark) khác từ thị trường (đối thủ, ngành…) để làm hệ quy chiếu là một lời khuyên khác dành cho bạn.
Thiếu sự hoạch định rõ ràng ngay từ đầu.
Có một câu nói rất hay dành cho những người làm marketing nói riêng và người làm kinh doanh nói chung đại ý là, nếu bạn không lập kế hoạch, bạn đang lập sẵn kế hoạch cho sự thất bại ở phía trước.
Bạn đã bao giờ từng rất loay hoay không biết mình nên làm gì (từng bước) để đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng hay chủ doanh nghiệp chưa?
Bạn mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi những sự lo âu, bạn tự hỏi “ngày mai mình sẽ và cần phải làm gì?”.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn bạn đến với sự áp lực này là do bạn thiếu đi các bản kế hoạch hay chiến lược được xây dựng một cách rõ ràng và cẩn thận ngay từ đầu.
Bạn nhận được KPIs hay sự kỳ vọng từ khách hàng và Sếp của mình, nhưng bạn chưa thực hiện xây dựng bất cứ kế hoạch nào về cách đạt được điều đó. Bạn và đội nhóm của bạn đang ở thế bị động vì không biết phải làm gì tiếp theo.
Bạn không nên lãng phí thời gian cho những sự căng thẳng không cần thiết.
Lời khuyên dành cho bạn là:
Đừng nên vội vàng hành động nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng, bạn chưa hoạch định cho việc bạn cần làm gì và đi đến đâu. Thứ bạn cần là một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng.
Một bản đồ chỉ dẫn hay một bản kế hoạch giúp bạn và những người liên quan khác hiểu được họ cần làm gì để đóng góp vào mục tiêu chung. Khi bạn hiểu rõ được mọi thứ thì không có lý do gì để bạn tiếp tục lo lắng hay sợ hãi, ngay cả khi kết quả có thể không được như bạn và chủ doanh nghiệp mong đợi.
Một bản kế hoạch rõ ràng cũng giúp bạn bớt đi những sự sao nhãng không cần thiết và chỉ tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất. Trong trường hợp có những sự thay đổi mới xảy ra, việc bạn cần chỉ là điều chỉnh và tích hợp nó vào bản kế hoạch ban đầu.
Mức ngân sách thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Đối với hầu hết những hoạt động marketing, để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, bạn cần được phân bổ ngân sách. Và cũng từ đây, vô số những áp lực đã nảy sinh.
Có thể bạn được phân bổ mức ngân sách thấp hơn nhiều so với những gì bạn cần để đạt được mục tiêu, hoặc cũng có thể bạn chấp nhận dự án của khách hàng (với Agency) nhưng sau đó bạn không đủ mức ngân sách cần thiết do sự biến động về chi phí và chuyển đổi của các quảng cáo.
Bạn vô cùng lo lắng không biết mình nên làm gì để có thể dung hoà được mọi thứ.
Một vài lời khuyên dành cho bạn:
Để giảm bớt sự căng thẳng hay thu hẹp khoảng cách giữa mức ngân sách với mục tiêu có thể đạt được, bạn cần kết nối một cách chặt chẽ giữa mục tiêu (KPIs hay các số liệu cụ thể) với mức ngân sách được phân bổ.
Bước đầu tiên bạn cần làm sau khi nhận được mức ngân sách kèm mục tiêu cụ thể là phác thảo tất cả các hoạt động, có trả phí lẫn miễn phí cần làm để đạt được mục tiêu.
Sau đó bạn cần đối chiếu những khoản chi phí này với mức ngân sách hiện có và thực hiện các thay đổi bổ sung nếu cần thiết. Bạn cũng cần dự báo mức biến động (thường gặp) với các khoản chi phí sẽ được thực hiện, ví dụ, các công cụ quảng cáo phổ biến như Google hay Facebook đều có thể dự báo các mức phí (CPC, CPM) được dao động trong các chiến dịch.
Về cơ bản, chi phí thấp hay cao cũng phụ thuộc không nhỏ vào cách bạn hoạch định và dự báo ngay từ đầu, nếu bạn chọn một chỉ số tốt nhất và thị trường phản hồi đến bạn bằng một con số không mấy khả quan khác, khoảng trống về sự thất vọng của các bên liên quan đối với bạn sẽ ngày càng tăng lên trong khi vấn đề không hẳn nằm ở khả năng của bạn.
Các công cụ quảng cáo hay công nghệ liên tục được cập nhật.
Trong bối cảnh hiện tại, khi các yếu tố công nghệ đang chi phối ngày càng nhiều đến hiệu suất của các hoạt động marketing (martech), một áp lực không thể tránh khỏi cho những người làm marketing đó là phải thường xuyên cập nhật với sự thay đổi.
Ngoài việc theo dõi sự thay đổi từ những thông báo chính thức của các công cụ hay nền tảng liên quan, một cách khác để bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng đó là quan sát sự thay đổi trong các hành vi của người tiêu dùng.
Google hay bất cứ nền tảng nào khác vốn luôn coi khách hàng hay người dùng là mục tiêu cuối cùng của mọi sự thay đổi. Khi người dùng đang ngày càng ưu tiên với các nội dung video, Google đã tìm cách để đưa video làm kết quả hiển thị ưu tiên cho người dùng.
Thay vì cảm thấy căng thẳng do bạn không thể biết được chính xác khi nào các nền tảng được cập nhật hay có các thay đổi đáng kể, việc bạn cần làm là theo dõi và quan sát xem những sự thay đổi đó đang ảnh hưởng đến các kết quả cụ thể của bạn như thế nào.
Không phải bất kỳ sự thay đổi nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của bạn (ít nhất là trong ngắn hạn), do đó nếu bạn đưa ra một lộ trình cập nhật định kỳ phù hợp cộng với tâm thế sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết, bạn luôn chủ động trong mọi thứ.
Phải đa nhiệm nhiều thứ hơn.
Trong khi phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs), những người làm marketing tại các tổ chức này phải đa nhiệm nhiều hơn so với những gì họ mong đợi.
Nếu bạn đang giữ vai trò Digital Marketing ở một doanh nghiệp vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp, rất có thể công việc của bạn sẽ bao gồm từ việc xây dựng chiến lược hay kế hoạch, xác định mục tiêu, đến các công việc triển khai cụ thể như chạy quảng cáo, tối ưu chiến dịch, viết nội dung cho website và quảng cáo, quản trị web, thiết kế, tư vấn khách hàng, làm việc với sales để tối ưu chuyển đổi…và muôn vàn công việc khác.
Trong khi việc làm nhiều thứ hơn có thể khiến bạn học hỏi được nhiều hơn tuy nhiên, vì thời gian và nguồn lực của bạn là có hạn, bạn không thể làm tất cả mọi thứ cùng lúc.
Trước hết nếu bạn đã chọn việc đa nhiệm là mục tiêu (nếu đa nhiệm không phải là mục tiêu hay mong muốn của bạn, bạn có thể cần thảo luận với nhà tuyển dụng ngay từ ban đầu hoặc chọn các doanh nghiệp phù hợp với bạn), bạn cần xác định rõ ràng về mức độ đa nhiệm trong khả năng phù hợp với bạn.
Từ những ngày ban đầu bạn nên nói rõ với người quản lý (nếu có) hoặc chủ doanh nghiệp về những yêu cầu này để họ hiểu bạn và thực hiện các thay đổi hay hỗ trợ khi cần thiết.
Đến khi mọi thứ vượt ra khỏi sự đa nhiệm của bạn, thay vì cảm thấy lo lắng hay nghi ngờ khả năng của bản thân, bạn nhận được những sự hỗ trợ hay khích lệ kịp thời.
Cuối cùng, để bạn bớt rối hơn do phải thực hiện quá nhiều tác vụ, bạn nên phân chia từng tác vụ cụ thể theo những khoảng thời gian nhất định, khi bạn biết mình cần làm gì (chỉ cho vài thứ) trong những khoảng thời gian được định sẵn, bạn sẽ khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen