Skip to main content

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị năm 2025

1 Tháng Một, 2025

Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, đo lường hiệu suất chiến dịch quảng cáo, và phân tích dữ liệu trong ngành truyền thông marketing) mới được công bố, trong khi ngành marketing sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều sự biến động lớn, từ cách các thương hiệu tiếp cận người dùng trên các kênh khác nhau đến cách thương hiệu đo lường mức độ hiệu quả của các chiến dịch. Dưới đây là Top 10 xu hướng Marketing được Kantar dự báo là sẽ thống trị mạnh mẽ trong năm mới 2025 này.

xu hướng marketing năm 2025
Top 10 xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (Kantar)

Với tư cách là người làm marketing chuyên nghiệp, hơn ai hết bạn hiểu rằng các xu hướng ứng dụng marketing chưa bao giờ tách khỏi 2 yếu tố nền tảng của nó đó là bối cảnh kinh tế (vĩ mô) và hành vi người tiêu dùng (vi mô). Vào năm mới 2025, khi các yếu tố công nghệ hay sự thay đổi về cơ cấu dân số sẽ làm thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng mua sắm và nhìn nhận về thương hiệu, các xu hướng làm marketing được dự báo cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết các xu hướng marketing năm 2025 qua bài viết này nhé.

1. Nội dung video là xu hướng làm marketing hàng đầu trong năm 2025.

Trong những năm gần đây, TV thông minh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, ranh giới lựa chọn giữa các kênh truyền hình phát sóng (TV truyền thống) và truyền hình phát trực tuyến (Streaming TV) dường như ngày càng trở nên mờ nhạt đối với người xem.

Theo dữ liệu báo cáo từ TGI 2024, mặc dù TV truyền thống vẫn chiếm ưu thế về độ phủ sóng, 50% người xem cho biết hầu hết thời gian xem TV của họ là dành cho phát trực tuyến.

Bài toán của người làm marketing giờ đây không còn là có nên quảng cáo trên TV hay không hay cần quảng cáo trên loại TV nào mà là làm thế nào để họ có thể phân bổ quảng cáo một cách hiệu quả.

Dữ liệu từ Kantar cho thấy giải pháp nằm ở sự đa dạng. Trong bối cảnh truyền thông đầy phân mảnh như hiện nay, người tiêu dùng đánh giá cao tính cá nhân hóa và sự đa dạng hơn bao giờ hết, cần lưu ý là thói quen xem TV là khác nhau tùy theo từng nhóm nhân khẩu học và khu vực địa lý khác nhau.

Trong khi nhiều người vẫn xem TV phát sóng, số khác lại ưa thích các dịch vụ video theo yêu cầu dựa trên đăng ký (SVOD) hơn là các dịch vụ video theo yêu cầu có quảng cáo (AVOD).

Theo báo cáo “Media Reactions 2024” của Kantar, có khoảng 8% marketer trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm đầu tư vào TV phát sóng vào năm 2025, 55% dự kiến sẽ tăng đầu tư vào TV phát trực tuyến.

Điều quan trọng giờ đây đối với người làm marketing là cần liên tục thử nghiệm để tìm hiểu xem đâu mới là loại nội dung video mà người tiêu dùng của họ đang mong đợi, đó chính là chìa khóa để thương hiệu kết nối và bán hàng trong năm mới này.

2. Làm Marketing trên mạng xã hội (Social Media Marketing) sẽ cần phải có một cuộc cách mạng cải cách.

Kể từ khi mạng xã hội xuất hiện, cách tiếp cận và đo lường của người làm marketing đã không ngừng thay đổi. Mục tiêu của marketer giờ đây không còn là lượt tiếp cận hay số lượng tương tác mà là chất lượng của các tương tác đó.

Theo báo cáo “Media Reactions 2024” của Kantar, 31% người dùng trên toàn cầu cho biết quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của họ – con số này giảm đáng kể so với 43% vào năm 2023.

Một điểm quan trọng đáng chú ý khác là, nếu như trước đây các thế hệ trẻ (Gen Z) được coi là thế hệ dễ mất tập trung nhất hay dễ bị phân tán nhất từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay TikTok thì báo cáo mới lại thể hiện rằng điều này hiện đang xảy ra mới mọi thế hệ như Gen X và Gen Y.

Về tổng thể, con người ngày nay đã quen với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường mạng xã hội, và tiêu chuẩn để thu hút sự chú ý của họ ngày càng cao hơn.

Vào năm 2025, có được sự quan tâm của người tiêu dùng phải được giành lấy một cách liên tục và bền vững; thương hiệu không thể chỉ hài lòng với các cách thức quảng cáo truyền thống nhàm chán, thay vào đó, thương hiệu phải cần phải nổi bật hơn nữa (ít nhất là so với các đối thủ cạnh tranh của họ).

Dữ liệu từ Media Reactions cho thấy dưới đây là các yếu tố chính để đạt được sự nổi bật này:

  • Hài hước: là yếu tố thúc đẩy khả năng tiếp nhận quảng cáo cao nhất đối với thế hệ Gen X và Boomers.
  • Đối với Gen Y (Millennials), họ thích cả yếu tố hài hướcâm nhạc.
  • Đối với Gen Z, âm nhạc là yếu tố nổi bật nhất.

Người làm marketing cũng có thể ứng dụng các mẹo dưới đây để khiến người dùng của họ dễ bị thu hút hơn:

  • Kịch tính thị giác (visual theatre),
  • Thử nghiệm nội dung với nhiều cách tiếp cận khác nhau.
  • Áp dụng những cách mới để kể một câu chuyện dù đã cũ.

3. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào hoạt động phân tích và sản xuất nội dung sẽ tiếp tục là xu hướng trong ngành marketing năm 2025.

Vào năm 2025 này, AI tổng quát (Generative AI) vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến cách người làm marketing tiếp cận khách hàng của họ. Điều này đặt ra thách thức mới cho marketer khi họ cần xác định nơi mà công nghệ mới này cần được ứng dụng để mang lại hiệu quả cao nhất, hiểu rõ tác động của nó đến mục tiêu kinh doanh chung của doanh nghiệp, cùng nhiều rủi ro đi kèm khác.

Về tổng thể, các dữ liệu báo cáo đều cho thấy người làm marketing đang tỏ ra rất tích cực khi ứng dụng AI vào công việc:

  • 68% marketer có thái độ tích cực với công nghệ này.
  • 59% cảm thấy hứng thú với việc ứng dụng AI vào quảng cáo (theo Kantar Media Reactions 2024).

Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo ngại:

  • 36% marketer cho rằng họ hoặc đội nhóm của họ chưa có đủ kỹ năng cần thiết để làm việc với Generative AI.
  • 44% cho biết họ có thể phân biệt một quảng cáo được tạo ra bởi AI.
  • Đồng thời, 43% người tiêu dùng cho rằng họ không tin tưởng các quảng cáo được tạo ra bởi AI.

Dù sử dụng Generative AI để tìm kiếm và xác định insight hay sản xuất nội dung, người làm marketing cần đảm bảo rằng dữ liệu được đào tạo mà các mô hình đang dựa vào là đáng tin cậy, phù hợp và bền vững theo thời gian.

Bởi việc đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên dữ liệu là vô cùng quan trọng, nguồn gốc và chất lượng dữ liệu chính là yếu tố quyết định sự thành công.

4. Đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội (ESG) là trách nhiệm của người làm marketing năm 2025.

Vào năm 2025, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các quy định về tính bền vững tại các nền kinh tế lớn, điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện các mục tiêu ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Ngoài ra, dữ liệu báo cáo cũng cho thấy rằng có tới 93% người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết họ muốn sống một lối sống bền vững hơn. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp phải nhìn nhận tính bền vững như là một rủi ro lẫn cơ hội.

Dữ liệu từ BrandZ của Kantar cho thấy rằng bền vững đã đóng góp 193 tỷ USD vào giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu thế giới. Dữ liệu từ Kantar Worldpanel dự đoán phân khúc người tiêu dùng có phản ứng tích cực với tính bền vững sẽ tăng trưởng từ 22% vào năm 2023 lên một mức dự báo thận trọng là 29% vào năm 2030.

Theo chia sẻ từ Bà Jane Wakely, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Marketing và Phát triển tại PepsiCo International Foods:

“Bền vững không thể chỉ là một hoạt động riêng biệt từ Marketing. Đó phải là một chiến lược tiếp cận toàn diện của toàn doanh nghiệp, nơi nhiệm vụ của Marketing là tìm ra các mối liên hệ chân thực, làm cho các sáng kiến bền vững trở nên liên quan đến người tiêu dùng nhiều hơn, và biến chúng thành động lực tăng trưởng của doanh nghiệp.”

Để tiếp tục chinh phục người tiêu dùng của mình trong năm mới 2025, người làm marketing hay doanh nghiệp cần đặt ra các mục tiêu cụ thể cho lộ trình cam kết và thực hiện của mình, từng bước hiện thực hóa nó để kết nối sâu hơn với người tiêu dùng.

5. Nhà sáng tạo nên là một phần không thể tách rời của các thương hiệu.

Khái niệm cộng đồng đã không ngừng thay đổi và phát triển qua các năm gần đây. Vào năm 2025 và ít nhất là tương lai gần, những nhà sáng tạo nội dung (content creators) thay vì các thương hiệu, sẽ xây dựng các cộng đồng này và hướng đến việc tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng của thương hiệu.

Goldman Sachs ước tính rằng vào năm 2024, nền kinh tế nhà sáng tạo (Creator Economy) đạt giá trị 250 tỷ USD và có thể tăng lên 480 tỷ USD vào năm 2027.

Các cộng đồng mà nhà sáng tạo đang xây dựng – dù là xoay quanh các chủ đề như nuôi dạy con cái, thể thao, làm đẹp, hay bất kỳ lĩnh vực nào khác – đã và đang mang lại sức mạnh to lớn cho các thương hiệu trong việc định hình trước quan điểm của người tiêu dùng về thương hiệu và sản phẩm. Những cộng đồng này có thể tạo ra giá trị thương hiệu (brand equity) và tình yêu thương hiệu (brand love) với khách hàng mục tiêu của thương hiệu trong tương lai.

Theo báo cáo Creator Digest của Kantar, nội dung do nhà sáng tạo tạo ra mang lại một yếu tố khác biệt mạnh mẽ về sự khác biệt của thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, con số này cao hơn nhiều so với các nội dung do chính thương hiệu tạo ra.

Những nhà sáng tạo có tiếng nói chân thựcsức ảnh hưởng sẽ là chìa khóa để tiếp cận khách hàng và xây dựng niềm tin với người tiêu dùng vào năm 2025.

Để có thể ứng dụng tốt xu hướng làm marketing này, dưới đây là một vài mẹo mà thương hiệu có thể tham khảo:

Hợp tác là yếu tố cốt lõi. Các thương hiệu cần điều chỉnh nội dung do nhà sáng tạo tạo ra sao cho phù hợp với chiến lược lớn hơn của mình để tạo ra sự cộng hưởng trên các kênh marketing khác nhau. Trong nhiều trường hợp, không phải mọi nhà sáng tạo nội dung đều giúp thương hiệu mang lại các lợi ích về tài chính; các yếu tố như trải nghiệm trên nền tảng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu cuối cùng.

Sự liên kết giữa thương hiệu và nhà sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo nội dung, mà còn là việc định vị chiến lược dài hạn để khai thác sức mạnh từ các cộng đồng mà nó có thể mang lại.

6. Theo đuổi sự đa dạng là xu hướng làm marketing mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần coi trọng trong năm 2025.

Trong nhiều năm, hầu hết người làm marketing đều đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự đa dạng (inclusion) trong marketing, coi nó như là một đòn bẩy chiến lược cho sự tăng trưởng.

Trong một thế giới kết nối và chịu ảnh hưởng bởi các thay đổi về nhân khẩu học, sự đa dạng sẽ tiếp tục trở thành yếu tố quan trọng khi ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề này.

Theo Chỉ số Hòa nhập Thương hiệu 2024 của Kantar, cách người tiêu dùng nhìn nhận về nỗ lực đa dạng và hòa nhập của một thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của gần 8/10 người trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt đúng với các thế hệ trẻ như Gen Z, Millennials, cộng đồng LGBTQ+, hay những người có sự khác biệt về tư duy.

Sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cũng quan trọng hơn ở các nền kinh tế mới nổi:

  • 89% người tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi cho rằng vấn đề này là rất quan trọng, so với 71% tại các thị trường phát triển.

Sự thay đổi về thế hệ cũng đã mở ra nhiều cánh cửa hơn cho sự đa dạng, đồng thời tạo ra một nền văn hóa mới, nơi mọi người (người tiêu dùng) kỳ vọng được chào đón và thấu hiểu.

Vào năm 2025, các thương hiệu sẽ cần phải chấp nhận tầm quan trọng của sự đa dạng trong chiến lược marketing tổng thể, coi đây không chỉ như một nhiệm vụ cần làm, mà như là một chiến lược dài hạn để định hình trước sự yêu mến thương hiệu và đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.

7. Sự suy giảm về dân số trên diện rộng có thể làm thay đổi cách marketer tiếp cận người tiêu dùng của mình.

Một yếu tố khác được dự báo là sẽ ảnh hưởng đến xu hướng làm marketing trong năm 2025 đó là vấn đề về dân số. Tăng trưởng dân số là một cách để các ngành hàng mở rộng tỷ lệ tiếp cận, điều này khiến sự suy giảm tăng trưởng dân số trở thành một mối đe dọa (ít người hơn đồng nghĩa với ít người mua hơn) với các thương hiệu.

Tăng trưởng dân số toàn cầu hiện nay chỉ dưới 1% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm vào năm 1963. Các dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 0,5% vào giữa thế kỷ này và thậm chí tăng trưởng âm vào cuối thế kỷ này.

Sự chậm lại này là thực tế trên toàn cầu, với một số quốc gia đã bắt đầu chứng kiến sự suy giảm dân số, và các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ xu hướng này:

  • Giữ vững thị phần có thể trở nên dễ dàng hơn vì với tốc độ tăng trưởng dân số chậm hơn, các thương hiệu cần ít khách hàng mới hơn mỗi năm để duy trì vị thế hiện tại.
  • Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ khó khăn hơn. Theo dữ liệu của Kantar Worldpanel, các thương hiệu có khả năng tăng trưởng gấp 5 lần nếu ngành hàng của họ đang phát triển.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu các áp lực khác như:

  • Người trẻ kết hôn muộn hơn, sinh con muộn hơn, sống trong các hộ gia đình nhỏ hơn.
  • Tỷ lệ sinh giảm dẫn đến việc người mua sắm lớn tuổi với mức chi tiêu thấp hơn sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong thị trường.
  • Nhưng mặt tích cực là, hộ gia đình nhỏ hơn lại tạo ra tổng số hộ gia đình lớn hơn.

Theo dữ liệu từ Kantar’s Blueprint for Brand Growth, trước thách thức từ sự chậm lại của tăng trưởng dân số, các thương hiệu cần nhanh chóng hành động để tận dụng các yếu tố tăng trưởng:

  1. Định hình trước sự yêu mến của nhiều người tiêu dùng hơn: Bởi chưa thương hiệu nào khai thác hết tiềm năng tiếp cận của mình.
  2. Xuất hiện nhiều hơn: Đặc biệt khi thương hiệu muốn chiếm thị phần từ đối thủ.
  3. Tìm kiếm thêm các phân khúc mới: Tập trung vào các phân khúc tăng trưởng cao hoặc chưa được phục vụ đầy đủ.

Tóm lại, trong bối cảnh tăng trưởng dân số chậm lại, các thương hiệu cần linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc mở rộng danh mục khách hàng, tái định vị sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mới để duy trì sự phát triển bền vững.

8. Xu hướng mở rộng tìm kiếm các dòng doanh thu mới cũng là cách người làm marketing tự cho mình thêm cơ hội tăng trưởng trong năm 2025.

Vào năm 2024, 2025 và xa hơn nữa, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều thương hiệu nỗ lực mở rộng để tiếp cận những khoảng trống đổi mới mới nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng bổ sung. Ví dụ:

  • OreoFerrero chuyển hướng sang sản phẩm kem để mở rộng phạm vi sử dụng sản phẩm trong các dịp khác nhau.
  • Oral B tìm kiếm nhiều cách hơn để gia tăng sự hiện diện trong phòng tắm của người tiêu dùng.
  • Ở một thái cực đổi mới mạnh mẽ hơn, Samsung vượt ra khỏi giới hạn danh mục của mình và tham gia vào chuỗi cửa hàng tiện lợi ‘extra mile’ tại Mỹ.

Vào năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều thương hiệu hơn mở rộng ranh giới của mình theo những cách triệt để hơn nữa.

Mặc dù đây là chiến lược quan trọng đối với các thương hiệu lớn – những thương hiệu khó tăng trưởng theo các cách truyền thống khác – việc mở rộng thông qua đổi mới chưa bao giờ là đơn giản. Tăng trưởng bổ sung luôn đi kèm với rủi ro. Việc mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực mới cần được thực hiện dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và cơ hội tổng thể.

Theo dữ liệu từ Blueprint for Brand Growth, những thương hiệu tìm được cái gọi là không gian mới này có khả năng tăng trưởng gấp 2 lần. Những thương hiệu có độ thâm nhập caokhả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai (Future Power) thường có động lực để tái định nghĩa vai trò của mình và mở rộng sang các lĩnh vực mới nhằm khai thác dòng doanh thu mới.

Để thành công với xu hướng và chiến lược này trong năm 2025, các thương hiệu cần:

  • Xác định các cơ hội chưa được khai thác.
  • Đánh giá kỹ lưỡng rủi ro và lợi ích của việc đổi mới.
  • Kết nối chiến lược mở rộng này với mục đích thương hiệu và nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.

Việc mở rộng ranh giới của thị trường không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng mà còn giúp thương hiệu tạo ra sự khác biệt và giữ vị thế cạnh tranh trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

9. Mạng lưới truyền thông bán lẻ (Retail Media) tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Retail Media Networks (RMN) là khái niệm các nền tảng quảng cáo kỹ thuật số tiên tiến do nhà bán lẻ vận hành, cho phép các thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách chi tiết thông qua các quảng cáo cá nhân hóa trên các website, ứng dụng của nhà bán lẻ, và thậm chí cả màn hình kỹ thuật số tại cửa hàng. Nhờ đó, RMN đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thương hiệu “Hiện diện Nhiều Hơn” với người tiêu dùng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vào năm 2028, quảng cáo bán lẻ sẽ chiếm gần 1/4 tổng chi tiêu quảng cáo trên tổng các phương tiện truyền thông tại Mỹ. Vì RMN dựa trên dữ liệu first-party-data của nhà bán lẻ để thực hiện việc nhắm mục tiêu và marketing cá nhân hóa, điều này mang lại cơ hội tận dụng insight của người tiêu dùng để tối ưu hóa chi tiêu quảng cáo, cải thiện hiệu quả chiến dịch và hơn thế nữa.

Vào năm 2025, RMNs được dự đoán sẽ trở thành tài sản marketing toàn diện (full-funnel) đặc biệt dành cho các thương hiệu CPG (Consumer Packaged Goods) – chứ không chỉ là giải pháp ngắn hạn. Theo dữ liệu từ Kantar Media Reactions 2024, 41% marketer trên toàn cầu có kế hoạch tăng đầu tư quảng cáo vào RMNs trong năm 2025.

10. Phát trực tiếp (Livestream) và thương mại xã hội là xu hướng marketing cuối cùng được dự báo là sẽ phát triển bùng nổ trong năm 2025.

Phát trực tiếp qua các nền tảng mạng xã hội đã làm biến đổi toàn bộ ngành thương mại và xây dựng thương hiệu trong những năm gần đây. Các nền tảng như TikTok, YouTube hay Facebook đã và đang tận dụng mạnh mẽ xu hướng này để thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm và chi tiêu trên nền tảng.

  • McKinsey dự đoán rằng doanh số thương mại trực tiếp có thể chiếm 20% tổng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc vào năm 2026, với Thế hệ Z và người trẻ tuổi là đối tượng chính. Mặc dù người làm marketing thường tập trung vào các số liệu đo lường hành vi, họ thường bỏ qua các số liệu như tâm lý người tiêu dùng và nhận diện thương hiệu. Những thương hiệu dẫn đầu sự thành công là những thương hiệu có thể tạo ra những câu chuyện hấp dẫn để giữ chân người xem của họ.

  • Dữ liệu báo cáo khác từ Kantar’s Context Lab cho thấy quảng cáo phát trực tiếp có thể thúc đẩy cả ý định mua hàng ngắn hạn và thiện cảm về thương hiệu trong lâu dài. Đối với các thương hiệu đã có tên tuổi, trọng tâm là xây dựng các tài sản lâu dài trong khi các thương hiệu vừa và nhỏ nên ưu tiên tăng cường nhận thức (có thể giúp tăng trưởng tiềm năng từ 10% đến 23%) và thúc đẩy sự quan tâm tức thời (có thể giúp tăng trưởng lên tới 30%).

  • Sự phát triển của thương mại xã hội đang giảm bớt rào cản cho các thương hiệu nhỏ hơn, như trường hợp của Made by Mitchell đã đạt doanh thu 1 triệu USD trong vòng 12 giờ tại một sự kiện TikTok Shop ở Anh. Mặc dù thương mại trực tiếp phù hợp với các mặt hàng nhỏ và nhanh tiêu thụ, nhưng thành công có thể mở rộng sang tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ô tô và thời trang xa xỉ trong năm 2025 và tương lai gần.

Kết luận.

Trên đây là top các xu hướng làm marketing hàng đầu được các chuyên gia đầu ngành marketing dự báo là sẽ thống thị mạnh mẽ trong năm 2025. Trong khi từ các yếu tố vĩ mô như vấn đề dân số hay môi trường, đến các yếu tố vi mô như sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ tiếp tục làm thay đổi cách các thương hiệu hay người làm marketing tiếp cận người tiêu dùng của họ, việc ứng dụng, thử nghiệm sớm sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp mở rộng cơ hội và đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình trong năm mới này.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Tài sản của ông chủ Meta tăng hơn 84 tỷ USD năm 2024

3 Tháng Một, 2025
Năm 2024 là một năm bận rộn của Mark Zuckerberg. Vị CEO của Meta (Facebook) này đã phân bổ hàng t…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …