Điều gì khiến nhân viên thực sự muốn gắn bó với doanh nghiệp
Các nghiên cứu cho thấy không có hành vi lãnh đạo nào quan trọng hơn điều này trong việc tạo ra sức ảnh hưởng đối với nhân viên hay người lao động.
Kể từ khi khái niệm “Great Resignation” hay “Làn sóng từ chức vĩ đại” ra đời và trở nên phổ biến khắp toàn cầu, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng Văn hóa doanh nghiệp là một chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả.
Cách sau đó không lâu, một làn sóng mới mang tên “Quiet Quitting” (Nghỉ việc trong im lặng) lại tiếp tục tạo ra những tác động lớn đến doanh nghiệp. Nhiều người lao động hay nhân viên giờ đây tỏ ra thờ ơ với doanh nghiệp hay nói cách khác đối với họ, “gắn bó” không còn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Ngoài những lý do phổ biến như chế độ làm việc không phù hợp, đãi ngộ thấp hay văn hoá làm việc hà khắc, liệu nhân viên còn mong muốn điều gì ở các nhà lãnh đạo của họ?
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Harvard Business Review với sự tham gia khảo sát của gần 20.000 nhân viên trên khắp thế giới, kết quả tiết lộ rằng thứ có thể níu chân người lao động hiệu quả nhất đó là: sự tôn trọng.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng không có bất cứ hành vi lãnh đạo nào khác có sức ảnh hưởng lớn hơn đến nhân viên ngoài sự tôn trọng.
Tác động của việc nhân viên được đối xử một cách tôn trọng.
Theo các số liệu từ nghiên cứu, đối với nhân viên, việc được đối xử một cách tôn trọng còn quan trọng hơn cả sự công nhận, nhận được phản hồi hay thậm chí là quan trọng cả cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Một khi nhận được sự tôn trọng từ phía các nhà lãnh đạo của họ, nhân viên sẽ có được các kết quả tích cực như:
- Sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn 56%.
- Tham gia nhiều hơn vào công việc 55%.
- Độ tin cậy và an toàn cao hơn 1,72 lần.
- Niềm vui và sự hài lòng với công việc của họ cao hơn 89%.
- Sự tập trung và ưu tiên cao hơn 92%
- Ý nghĩa trong công việc cao hơn 1,26 lần.
- Khả năng ở lại với tổ chức của họ cao hơn 1,1 lần so với những người không nhận được sự tôn trọng từ nhà lãnh đạo hay doanh nghiệp.
Mặt khác, nghiên cứu cho thấy hơn một nửa (54%) nhân viên khẳng định rằng họ không thường xuyên nhận được sự tôn trọng từ phía người lãnh đạo doanh nghiệp – tất cả các yếu tố tốn kém khác của doanh nghiệp đều xuất phát từ những hành vi thiếu tôn trọng.
Nguyên nhân sâu xa của việc thiếu sự tôn trọng trong môi trường doanh nghiệp.
Nói đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu tôn trọng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng phần lớn nguyên nhân là do sự thiếu tự nhận thức (self-awareness). Thông thường, mọi người (nhà lãnh đạo) không nhận ra được những hành vi thiếu văn minh của mình đang ảnh hưởng đến người khác (cấp dưới) như thế nào.
Để phá vỡ vòng luẩn quẩn của những hành vi thiếu văn minh và nâng cao sự tự nhận thức, dưới đây là quy trình gồm 3 bước mà mọi nhà lãnh đạo và người quản lý nên thực hiện:
1. Khám phá những “điểm mù” của bản thân. Hãy hỏi một vài đồng nghiệp đáng tin cậy về quan điểm của họ về cách bạn đối xử với người khác (nhân viên của mình). Bạn có thể làm gì để khiến mọi thứ tốt hơn? Hãy lắng nghe họ một cách cẩn thận.
2. Không ngừng học hỏi và mở rộng sự hiểu biết. Việc thiếu sự hiểu biết có thể khiến các nhà lãnh đạo đưa ra những quan điểm hay sự ép buộc “một cách vô lý” tới nhân viên. Điều này khiến nhân viên khó có thể chấp nhận những gì mà lãnh đạo của họ đưa ra. Sự thiếu tôn trọng cũng bắt nguồn từ đây.
3. Sử dụng phương pháp “Feed Forward” trong giao tiếp: Trái ngược với thuật ngữ Feed Back (Feedback), tức một người nào đó muốn nhận các phản hồi từ người đối diện về những gì đã diễn ra. Feed Forward mang nghĩa ngược lại, tức thay vì hướng tới quá khứ (đã diễn ra), nó hướng tới tương lai, về những gì sắp được diễn ra.
Phương pháp này có thể giúp nhà lãnh đạo chủ động thu thập thông tin, đề xuất và ý tưởng của nhân viên trước khi đưa ra kế hoạch hành động. Nhân viên sẽ cảm thấy họ có giá trị và được tôn trọng vì họ được đưa ra ý kiến và được ghi nhận.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips