Skip to main content

Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo hiệu quả trong tổ chức (P1)

25 Tháng Mười Một, 2023

Một nhà lãnh đạo hiệu quả không nhất thiết phải là người tuân theo một khuôn mẫu hay công thức sẵn có nào đó, thay vào đó là người theo đuổi các nguyên lý nền tảng để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự am hiểu tổ chức và dẫn dắt hiệu quả.

Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo hiệu quả trong tổ chức (P1)
Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo hiệu quả trong tổ chức (P1)

Trong thế giới VUCA, cùng với sự bất ổn của nền kinh tế, và sự phát triển nhanh chóng của các yếu tố công nghệ, một nhà điều hành hay lãnh đạo hiệu quả không nhất thiết phải là người tuân theo các công thức rập khuôn sẵn có, thậm chí họ càng tuân theo những thứ có sẵn thì họ càng đối mặt với khó khăn khi mọi thứ đã trở nên lỗi thời.

Trên thực tế, không có bất cứ một hình mẫu lý tưởng nào dùng để miêu tả một nhà lãnh đạo hiệu quả. Họ có thể là nam, có thể là nữ, có thể là người hướng nội hay cũng có thể là người hướng ngoại. Mỗi người trong số họ cũng có các điểm mạnh và điểm yếu hoàn toàn khác nhau.

Vậy điểm chung nếu có giữa họ là gì, hay nói cách khác liệu có bất cứ nguyên tắc (không phải công thức thành công) nào mang tính định hướng chung cần có hay không. Câu trả lời là có, dưới đây là 8 nguyên tắc cơ bản mà bạn có thể thực hiện nếu thực sự mong muốn đi trên con đường trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả.

8 nguyên tắc đó bao gồm:

  • Họ hỏi: “Cần phải làm gì?”
  • Họ hỏi: “Điều gì là phù hợp với doanh nghiệp?”
  • Họ đã phát triển các kế hoạch hành động (Action Plan).
  • Họ chịu trách nhiệm với các quyết định.
  • Họ nhận trách nhiệm cho các giao tiếp.
  • Họ tập trung vào cơ hội hơn là vấn đề.
  • Họ điều hành các cuộc họp một cách hiệu quả.
  • Họ nghĩ và nói “chúng ta” hoặc “chúng tôi” thay vì “tôi”.

2 nguyên tắc đầu tiên giúp nhà lãnh đạo có được những hiểu biết và kiến thức cơ bản về tổ chức. 4 nguyên tắc tiếp theo sẽ giúp nhà lãnh đạo biến kiến thức thành các hành động hiệu quả. Và 2 nguyên tắc cuối cùng có thể đảm bảo rằng toàn bộ tổ chức hay con người trong tổ chức đều cảm thấy có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với vai trò của mình.

Hiểu những kiến thức cơ bản.

Với tư cách là một nhà lãnh đạo hay đơn giản là người quản lý trong tổ chức, điều cơ bản đầu tiên cần có trước bất cứ quyết định nào đó là hiểu việc cần làm hay những gì cần phải hoàn thành.

Các câu hỏi như “Chúng ta cần phải làm gì”, hay “Tôi cần phải làm gì” đóng vai trò định hình lại các công việc cần phải hoàn thành với tư cách là người dẫn dắt. Việc không hỏi các câu hỏi này cũng có thể khiến ngay cả những nhà lãnh đạo giỏi nhất cũng trở nên kém hiệu quả.

Ở khía cạnh quản trị, các câu hỏi này không đơn giản chỉ là những cái gạch đầu dòng, nó còn là hành động giúp nhà lãnh đạo ổn định lại tâm trí, xác định lại chính xác các mục tiêu chiến lược và hơn thế nữa.

Tập trung vào những gì thực sự hiệu quả và đáng đầu tư rõ ràng là thứ đầu tiên quyết định sự thành công của bất kì doanh nghiệp nào.

Một khi đã xác định được các công việc cần làm, một nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ tiếp tục đặt ra các ưu tiên và bám sát vào chúng.

Đối với một CEO, nhiệm vụ ưu tiên có thể là xác định lại sứ mệnh của doanh nghiệp (hoặc thương hiệu). Đối với người đứng đầu các bộ phận, nó có thể là việc xác định lại mối quan hệ giữa sự thành công của đội nhóm hay các thành viên trong đội nhóm với sự thành công của tổ chức.

Sau khi hoàn thành một ưu tiên, nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ đặt lại các ưu tiên thay vì chuyển sang nhiệm vụ khác. Các câu hỏi như “Bây giờ cần phải làm gì?” thường có thể giúp nhà lãnh đạo đi đến những ưu tiên mới và khác biệt.

Với câu hỏi thứ hai “Điều gì là phù hợp với doanh nghiệp?”, nhà lãnh đạo đang để cho các công sự của mình phân tích, đề xuất và lựa chọn các giải pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Vì tất cả các nhân viên và phòng ban trong doanh nghiệp đều có chung một mục đích cuối cùng, “điều gì” phù hợp với tổ chức hay doanh nghiệp có nghĩa là phù hợp với họ hay bất cứ bên liên quan nào khác bao gồm cả khách hàng hay đối tác.

Như đã phân tích ở trên, trong khi sẽ không có bất cứ một khuôn mẫu nào cho một nhà lãnh đạo thành công, hay việc đưa ra câu hỏi “Điều gì là phù hợp với doanh nghiệp?” cũng không đảm bảo chắc chắn rằng các hành động và quyết định sau đó sẽ mang lại giá trị cao, tuy nhiên, vì bản thân nhà lãnh đạo cũng là con người và cũng có các thành kiến nhất định, câu hỏi này sẽ giúp họ hạn chế tối đa các sai lầm nếu có.

Viết một kế hoạch hành động (Action Plan).

Các giám đốc điều hành hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng là người làm; họ thực thi các chiến lược cho doanh nghiệp.

Với bất cứ nhà lãnh đạo nào, cái gọi là kiến thức hay lý thuyết sẽ trở nên vô dụng cho đến khi nó được chuyển thành hành động. Nhưng trước khi bắt tay vào hành động, nhà lãnh đạo cần xây dựng các kế hoạch hành động cho đường đi của mình.

Nhà lãnh đạo cần suy nghĩ về những kết quả mong muốn, những hạn chế có thể xảy ra, những sửa đổi trong tương lai nếu có, những điểm cần kiểm tra và những tác động khác nếu có dựa vào cách họ điều hành.

Đầu tiên, nhà lãnh đạo cần xác định các kết quả mong muốn bằng cách đặt câu hỏi: Doanh nghiệp nên kỳ vọng những đóng góp nào trong 18 tháng đến 2 năm tới? Và [tôi] sẽ cam kết đạt được kết quả gì? Tương ứng với thời gian (deadline) ra sao?

Nó có phù hợp với sứ mệnh, giá trị và chính sách của tổ chức hay không? Những câu trả lời cho các câu hỏi này tương tự sẽ không thể giúp đảm bảo chắc chắn rằng các hành động sau đó sẽ mang về hiệu quả, nhưng vi phạm những điều kiện hay tiêu chuẩn này chắc chắn sẽ khiến nó vừa sai lầm vừa không hiệu quả.

Một bản kế hoạch hành động hiệu quả là một tuyên bố về ý định hơn là một cam kết. Nó không phải là thứ “bất di bất dịch”. Nó cần được sửa đổi và cập nhật thường xuyên, bởi vì mọi thành công đều có thể mở đường cho những cơ hội mới. Các thất bại cũng diễn ra theo cách tương tự.

Ngoài ra, một bản kế hoạch hành động cần tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn để kiểm tra các kết quả đạt được so với các mong đợi được đưa ra trước đó. Những nhà lãnh đạo hiệu quả thường xây dựng hai bước kiểm tra trong suốt kế hoạch hành động của mình. Lần kiểm tra đầu tiên diễn ra trong khoảng thời gian của kế hoạch; Lần thứ hai xảy ra vào cuối kế hoạch, trước khi kế hoạch hành động tiếp theo được vạch ra.

Cuối cùng, các kế hoạch hành động cũng phải trở thành nền tảng cho việc quản lý thời gian của nhà lãnh đạo. Thời gian là nguồn tài nguyên khan hiếm và quý giá nhất của bất cứ nhà lãnh đạo nào.

(Hết Phần 1).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …