Skip to main content

Mark Zuckerberg trỗi dậy với hình ảnh của phiên bản 3.0

4 Tháng Tám, 2023

Đầu tháng 7, CEO Meta hé lộ “sản phẩm” được đánh giá là quan trọng nhất trong lịch sử công ty: Mark Zuckerberg phiên bản mới.

Mark Zuckerberg trỗi dậy với hình ảnh của phiên bản 3.0
Mark Zuckerberg trỗi dậy với hình ảnh của phiên bản 3.0

Vài tuần qua trên Instagram, Zuckerberg bắt đầu khoe hình ảnh mới mẻ: thân hình sáu múi, lên đai xanh môn Jiu-jitsu và đã đồng ý đấu tay đôi trong lồng sắt với Elon Musk. Tỷ phú 39 tuổi nhiều lần kể chuyện rèn luyện thể lực, nói bị đánh rất nhiều, nhưng cũng gây áp lực cho đối thủ trên thảm đấu.

Trong công việc, ông cũng khiến đối thủ dè chừng khi tung ra Threads – bản sao của Twitter giữa lúc mạng xã hội của Musk đang bị xáo trộn.

Ông cũng tỏ ra không khoan nhượng với công ty mình khi sẵn sàng sa thải hàng chục nghìn người một cách lạnh lùng và có tính toán.

“Nhìn từ bên ngoài, sự biến đổi này giống như một thứ gì đó bước ra từ trong truyện”, Business Insider dẫn nhận xét từ hàng chục cựu nhân viên Meta. “Sự lột xác về mặt cá nhân của Zuckerberg cho thấy phản ứng sống còn của ông đối với giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử 20 năm Facebook“.

Khi Mark Zuckerberg sợ hãi.

Trong giai đoạn đổi tên từ Facebook sang Meta, công ty của Zuckerberg liên tiếp vấn đề. Tham vọng vũ trụ ảo metaverse cuốn bay của mạng xã hội ít nhất 40 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Từng là công ty yêu thích của phố Wall, giá trị Meta sụt 700 tỷ USD chỉ từ mùa thu 2021 đến cuối 2022.

“Ông ấy đang sợ hãi”, một nguồn tin nội bộ Meta nói. “Ông ấy coi bản thân như một vấn đề bị mã hóa cần được giải quyết, bằng cách đưa vào tính cách mới dựa trên kiểu lãnh đạo mà ông tin công ty cần phải có để tồn tại”.

Nguồn tin cho biết trong lần thay đổi này, Zuckerberg đã tự mô phỏng mình theo kiểu CEO đặc trưng ở phố Wall hơn là Thung lũng Silicon: một người biết lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn quản lý, ủng hộ sa thải hơn nghe “tâm tư” của nhân viên và đặt hiệu quả lên hàng đầu.

“Nhân viên bắt đầu gọi ông ấy là McKinsey Zuck”, người này nói, đề cập đến công ty tư vấn McKinsey.

Một năm trước, Zuckerberg từng thừa nhận ông “như bị đấm vào bụng” khi thức dậy mỗi sáng. Nhưng sau đó, những cú đấm đã luyện được trên cả võ đài lẫn từ bên ngoài đang có tác động lớn đến không chỉ công ty ông, mà còn đối với bối cảnh rộng lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ. “Ông ấy đang bật chế độ thời chiến – chế độ cứu công ty”, một cựu nhân viên cấp cao của Meta cho hay.

Những phiên bản của Mark Zuckerberg.

Zuckerberg từ lâu khẳng định ông luôn là chính mình. “Mỗi người có một bản tính”, ông nói vào năm 2009, vài năm sau khi rời Đại học Harvard. “Nếu bạn bè, đồng nghiệp và người khác nhìn vào bạn và nhận thấy hình ảnh khác, mọi thứ có lẽ kết thúc khá nhanh. Người có từ hai bản tính là một ví dụ về sự thiếu chính trực”.

Nhưng thực tế, Zuckerberg được cho là đã có ít nhất ba lần thay đổi. Phiên bản đầu tiên là “Harvard Zuck” – một sinh viên trẻ mặc áo hoodie được cộng đồng thần tượng khi đồng sáng lập Facebook năm 2004 trong ký túc xá vào năm hai đại học.

“Harvard Zuck” là gã mọt sách thuần túy nhưng đầy nhiệt huyết và sự táo bạo. Ông thậm chí tuyên bố “người trẻ ngày càng thông minh”, viết trên danh thiếp “I’m CEO… bitch”.

Sau này, CEO Meta mô tả giai đoạn đó là “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Suốt giai đoạn này, sự nhiệt huyết là thứ mà “Harvard Zuck” có được, dù thời gian sau đó có một số cập nhật nhỏ cho tính cách của mình.

Từ 2009, ông bắt đầu đeo cà vạt, mặc áo vest đi làm thay vì chỉ áo phông như trước. Khi đó, ông giải thích mình đã trở nên nghiêm túc. “Bản nâng cấp đầy đủ” có tên “Silicon Valley Zuck” ra mắt vào 2012. Ngày 18/5 năm đó, Facebook thực hiện IPO. Một ngày sau, Zuckerberg kết hôn với người bạn gái lâu năm Priscilla Chan.

Phong cách của Zuckerberg thay đổi. Ông tự tay giết dê làm món ăn khi nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey tới chơi. Ông không ngừng thâu tóm các đối thủ tiềm năng nhưng cũng thách thức bản thân gặp gỡ một người mới và viết những lời cảm ơn mỗi ngày.

Năm 2014, Zuckerberg tuyên bố thay đổi phương châm từ “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” thành “di chuyển nhanh dựa trên sự chắc chắn, ổn định”.

“Silicon Valley Zuck là một người chồng và người cha có di sản phải xây dựng và bảo vệ bằng mọi giá”, Business Insider bình luận.

Nỗ lực của ông chủ Facebook giai đoạn này khiến nhiều người thậm chí nghĩ ông sẽ nghiêm túc tranh cử Tổng thống Mỹ.

Thế nhưng, đây cũng là khi mạng xã hội vấp phải hàng loạt rắc rối: thông tin sai lệch, thu thập và sử dụng dữ liệu trái phép với đỉnh điểm là bê bối Cambridge Analytica buộc ông phải điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ năm 2018.

Nhưng trong giai đoạn từ 2012 đến 2021, “Silicon Valley Zuck” vẫn giúp giá trị Facebook đi từ 100 tỷ USD lên 1.000 tỷ USD, còn số người dùng hàng tháng trên toàn bộ nền tảng đã tăng từ 1 tỷ lên 3,5 tỷ.

Tháng 4/2021, Apple cập nhật iOS 14.5, cho phép người dùng ngăn các ứng dụng như Facebook, Instagram và WhatsApp theo dõi hoạt động. Tính năng này đánh thẳng vào đế chế kinh doanh của Facebook, vốn thu thập và sử dụng dữ liệu cho quảng cáo cá nhân hóa.

“Tình hình Facebook khi Apple ra chính sách mới tệ hơn những gì có thể tưởng tượng với Zuckerberg”, một cựu nhân viên Meta nói. “Một mối đe dọa hiện hữu nhưng không có cách giải quyết”.

Facebook cố gắng đáp trả bằng chiến thuật: Khi gặp trở ngại, hãy vượt qua nó. Theo một nhân viên cũ, công ty đã nỗ lực củng cố tính năng mua sắm trực tuyến của nền tảng. Trên lý thuyết, nếu người dùng mua sắm trên ứng dụng đủ lâu, một số dữ liệu quan trọng có thể sẽ được cung cấp. Nhưng kế hoạch không thành công.

Ban đầu, Zuckerberg không hoàn toàn nhận rõ nguy cơ, thậm chí phớt lờ cảnh báo của nhân viên. Trong giai đoạn này, ông tiếp tục đổi công ty từ Facebook thành Meta, một phần là để né những bê bối bị cựu nhân viên Frances Haugen phơi bày.

Khi “Silicon Valley Zuck” tập trung vào metaverse từ tháng 9/2021, quy mô công ty tăng vọt từ dưới 50.000 nhân viên đầu 2020 lên gần 90.000 giữa 2022. Một cựu nhân viên nói ông đã tăng ít nhất 10 cấp lên quản lý. “Mọi thứ phình ra rất lớn”, người này nói.

Zuckerberg tiếp tục thúc đẩy tuyển dụng. Nhưng khi công ty đi xuống, các giám đốc giàu kinh nghiệm ồ ạt rời khỏi Meta sau đó, gồm cả Sheryl Sandberg – người ở Facebook 14 năm. “Bà ấy không muốn tham gia vào metaverse”, theo một cựu nhân viên.

Tiếp đó, những người làm việc trên 10 năm khác là giám đốc công nghệ Mike Schroepfer và giám đốc kinh doanh Marne Levine cũng nghỉ việc.

Sự ra đi khiến Zuckerberg nắm quyền kiểm soát mọi ngóc ngách của Meta theo cách vững chắc hơn bao giờ hết, nhưng cũng bị cô lập hơn. “Ông ấy nhận ít thông tin hơn, và cũng không rõ toàn bộ những chuyện đang xảy ra”, theo tiết lộ của một nhân viên.

Ông chủ Meta tiếp tục tự tin rằng hàng tỷ USD mà ông chi cho metaverse là xứng đáng. Ông cũng lặng lẽ thuê Bain & Company nhằm phân tích tài chính công ty – điểm hình thành nên “Zuckerberg thế hệ thứ ba”.

Mark Zuckerberg phiên bản 3.0

Tháng 5/2022, Meta công bố Bain & Company là đối tác, sau đó thông báo đóng băng tuyển dụng. Đến tháng 7, Meta yêu cầu các quản lý lập danh sách xác định những người có thành tích thấp. Tháng 7 năm đó, “McKinsey Zuck” xuất hiện và điều hành công ty theo hướng thực tế hơn dựa trên tình hình hiện có.

“Giờ đây, ông ấy yêu cầu nhân viên cần hoàn thành nhiều việc hơn, còn một số nhóm nhất định sẽ bị thu hẹp”, một cựu giám đốc cấp cao của Meta tiết lộ. Sự thận trọng có tính toán này hoàn toàn trái ngược với “Silicon Valley Zuck” trước đó.

Tháng 11/2022, Zuckerberg thông báo Meta sa thải 11.000 nhân viên, tương đương 13% nhân sự. Tháng 3 năm nay, ông tiếp tục cho thôi việc 10.000 người, đồng thời nhấn mạnh hành động này chưa dừng lại. “Ông ấy không hề lo lắng khi mọi người rời đi”, một cựu nhân viên nói. “Lúc này, Zuckerberg thực sự chỉ nghĩ về Meta trong dài hạn”.

Tháng 6, Meta yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng. Một tháng sau, công ty tuyên bố việc thăng tiến giờ sẽ khó khăn hơn. “Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến một cuộc cải tổ giám đốc khác vào cuối năm”, một người nói.

Tập trung vào hiệu quả, “McKinsey Zuck” dần lấy lại thiện cảm từ các cổ đông – yếu tố mà Meta coi trọng nhất – bằng nhiều hành động, như xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông, hay gần đây là ra mắt Instagram Threads với tính năng tương tự X. “Ông ấy chọn mục tiêu cụ thể và tập trung vào nó. Đây chính xác là những gì các nhà đầu tư muốn thấy”, nhà phân tích Mark Shmulikcủa của công ty nghiên cứu Bernstein nhận xét.

Cổ phiếu của Meta đã tăng 150% trong hơn nửa năm và tiếp tục đạt mốc mới. Ngay cả những người ủng hộ Zuckerberg ở Phố Wall cũng ngạc nhiên trước tốc độ này.

“Siêu tăng trưởng giờ đã kết thúc. Ông ấy biết mình vẫn cần phát minh lại một số thứ, nhưng theo thứ tự ưu tiên thay vì ồ ạt. Trước đây, tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm điều đó”, một nhà đầu tư có cổ phần tại Meta nói.

Một số người thậm chí so sánh hình ảnh mới của Zuckerberg với Augustus – vị hoàng đế La Mã nổi tiếng khôn ngoan không từ thủ đoạn nào để đánh bại kẻ thù của mình.

“Trong hiện thân mới, quyền lực của Zuckerberg tại Meta cũng tuyệt đối như quyền lực của Augustus ở Rome. Từ giờ, dù có làm gì, Zuckerberg đều thể hiện rõ rằng một mình ông ấy xứng đáng nhận được công lao, hoặc bị đổ lỗi”, Business Insider bình luận.

(theo Business Insider)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Bảo Lâm | VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

VinVentures công bố báo cáo xu hướng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2024

2 Tháng Một, 2025
Quỹ VinVentures cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30%…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …